Đại tá Trần Đức Thơ.
Sống một đời quân nhân vẻ vang
Đại tá Trần Đức Thơ (Bí danh Mười Thơ, Liên Hồng) sinh năm 1933 tại xã Nghĩa Thắng, Huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quãng Ngãi. Ông tham gia cách mạng năm 1953, được kết nạp Đảng năm 1958. Năm 1964, ông lên đường đi B (vào Nam) trong Đoàn 618, chiến đấu tại khu vực Nhà Bè và Bình Chánh suốt hơn 10 năm.
Ông là Chính trị viên Huyện đội Duyên Hải từ tháng 8/1975 đến năm 1991(nay là huyện Cần Giờ). Ông có thời gian dài làm việc tại Bộ Chỉ huy Quân sự TP. HCM (nay là Bộ Tư lệnh TP. HCM), trải qua các chức vụ Phó Ban Tuyên truyền Phòng Tuyên huấn, Trưởng Ban Dân quân, Trưởng Ban Hành chính Phòng Tham mưu. Ngoài ra, từ tháng 3/1987 đến tháng 6/1988, Đại tá Thơ còn làm chuyên gia quân sự Đoàn 7708 Quân khu 7.
Tháng 7/1991 được nghỉ hưu, Đại tá Thơ vẫn tích cực công tác tại địa phương như: Thường trực Đảng ủy phường Tân Định, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường, ngoài ra, ông còn tham gia Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh Quận 1. Đặc biệt, suốt hơn 10 năm qua, ông là Chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến - Khối vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn – Gia Định. CLB được thành lập năm 1983, đến nay với hơn 1.750 hội viên và 20 Ban liên lạc. Từ khi Mười Thơ làm Chủ nhiệm đến nay, CLB luôn tiếp nối truyền thống, tăng cường các hoạt động ái hữu như vận động các mạnh thường quân xây hàng trăm căn nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà tình đồng đội, chăm lo các gia đình thương binh, chính sách…
Ông Nguyễn Quốc Độ, Phó Chủ nhiệm thường trực CLB cho biết, không chỉ quan tâm đến các hội viên của CLB, ông Mười Thơ vẫn luôn nhớ về những đồng đội đã ngã xuống trong hai cuộc kháng chiến, nhất là lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Đặc biệt là chuyện lập Bia tưởng niệm tại 5 vị trí mục tiêu trọng yếu, nơi các cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh và tại Nghĩa trang thành phố.
Ghi nhận những hi sinh, cống hiến của Đại tá Trần Đức Thơ, Nhà nước đã trao tặng ba Huân chương Độc lập, Quân công và Chiến công Giải phóng hạng 3; hai Huân chương Kháng chiến hạng 1, 2; ba Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng 1, 2, 3; ba Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng 1, 2, 3; hai Huy chương Quân kỳ quyết thắng và Chiến thắng; Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng cùng nhiều huy hiệu, bằng khen của các Bộ, Ban, ngành trung ương và địa phương…
5 bia tưởng niệm mới làm được 3...
Theo thông tin từ Ban Chủ nhiệm CLB, trong số 5 mục tiêu trọng yếu mà lực lượng Biệt động Sài Gòn được giao nhiệm vụ tấn công, có 3 điểm đã được dựng Bia tưởng niệm. Cụ thể, Bia Tưởng niệm “Biệt động thành (BĐT)đánh Dinh Độc Lập” đặt tại số 108 Nguyễn Du, quận 1 (Hội trường Thống Nhất) được tổ chức lễ khánh thànhngày 26/01/2018, nhân kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968). Trên Bia, khắc nội dung, ghi nhận 15 chiến sĩ Đội 5 Biệt động Sài Gòn - Gia Định đã tấn công vào Dinh Độc Lập - cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn lúc 1h30 ngày 31/01/1968 (Mùng 2 Tết Mậu Thân). Sau hơn một ngày đêm chiến đấu ngoan cường,7 chiến sĩ bị giặc bắt, 8 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh.
Bia Tưởng niệm “BĐT đánh Đài Phát thanh Sài Gòn” đặt tại số 3 Nguyễn Đình Chiểu, quận 1 (Đài Tiếng nói nhân dân TP. HCM), được tổ chức lễkhánh thànhngày 12/02/2018, ghi nhận 11 chiến sĩ Đội 4 Biệt động Sài Gòn - Gia Định, đãtấn công, Đài Phát thanh của chính quyền Sài Gòn.Sau một đêm chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, 10 chiến đã anh dũng hy sinh.
Đại tá Trần Đức Thơ chia sẻ với Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên về những chiến công của lực lượng Biệt động Sài Gòn.
Bia tưởng niệm “BĐT đánh Đại sứ quán Mỹ” đã được dựng tại số 4 Lê Duẩn, quận 1, khắc nội dung: “Tổ quốc mãi ghi công, nhân dân đời đời nhớ ơn các chiến sĩ biệt động khu Sài Gòn - GĐ đã chiến đấu ngoan cường, hy sinh anh dũng, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc”. Theo Đại tá Thơ, có 16 chiến sĩ Đội 11 Biệt động Sài Gòn - Gia Định tham gia tấn công địa điểm nay đã anh dũng hy sinh.
Ngoài ra, còn 2 mục tiêu “BĐT đánh Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn” do 15 chiến sĩ Cụm Biệt động 679 thực hiện, trong đó 10 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, 5 chiến sĩ sa vào tay giặc, mất tích và “BĐT đánh Bộ Tư lệnh Hải quân” do 14 chiến sĩ Đội 3 Biệt động Sài Gòn - Gia Định thực hiện, tất cả đã anh dũng hy sinh.
Sinh thời, Đại tá Thơ cho biết: “Việc xây dựng 2 Bia tưởng niệm này đã được xúc tiến từ lâu. Sở Văn hóa và Thể thao TP. HCM đã tổ chức tọa đàm khoa học ngày 15/11/2015. Tôi cùng các đại biểu tham gia đều nhất trí việcxây dựng 2 Bia tưởng niệm. Theo kế hoạch, 2 Bia này được tiến hành xây dựng năm 2019 nhưng đến nay chưa thực hiện dù mọi thủ tục đã được phê duyệt”.
“Mong” một khu đất trong Nghĩa trang liệt sĩ thành phố để lập bia tưởng niệm, làm mộ gió…
Thời gian qua, ngoài 2 Bia tưởng niệm chưa làm được, Đại tá Thơ đã thay mặt CLB ký nhiều văn bản gửi cơ quan chức năng TP. HCM về việc lập Bia tưởng niệm các liệt sĩ Biệt động Sài Gòn tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP. HCM.
Danh sách để lập Bia tưởng niệm gồm 65 cán bộ chiến sĩ Biệt động Sài Gòn - Gia Định hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 tại các mục tiêu trọng yếu. Bên cạnh đó là danh sách 35 cá nhân và 10 tập thể thuộc lực lượng Biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định được truy tặng, phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Trong Văn bản số 10/CV-CLB gửi lãnh đạo thành phố, ngày 17/4/2024, Đại tá Thơ khẳng định: “CLB chúng tôi xin đề nghị địa điểm đặt Bia tưởng niệm tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP là phù hợp với nguyện vọng của thân nhân các gia đình liệt sĩ, là mong muốn của đại đa số hội viên CLB. Chúng tôi rất đồng tình với Kết luận số 374/TB-VP ngày 12/4/2024 của đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP: “Biệt động Sài Gòn là lực lượng đặc biệt, cần có hình thức đặc biệt để ghi nhận công lao đóng góp của lực lượng này và đồng thời để giáo dục về truyền thống và tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam, là một bài học mà tất cả người dân TP không được quên về sự hy sinh thầm lặng của các anh hùng, chiến sĩ đã dâng hiến cả tuổi thanh xuân và xương máu trong cuộc đấu tranh giành lại Độc lập - Tự do - Hạnh phúc…”.
“Tôi vẫn còn nợ các liệt sĩ Biệt động Sài Gòn. Rất nhiều chiến sĩ biệt động đã hy sinh, thi thể bị giặc thủ tiêu, đốt xác... Đây chính là những Anh hùng, liệt sĩ vô danh, hy sinh thân mình cho Tổ quốc nhưng khi nằm xuống thì không ai biết tên, biết tuổi, biết quê quán do tính chất ngăn cách bí mật đặc thù của lực lượng. Chính vì lẽ đó, chúng tôi mong thành phố dành một khu đất trong Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố để lập bia, làm mộ gió, khắc tên của các đồng chí ấy, để khi đến dịp lễ Tết, các cấp lãnh đạo, người dân TP và thân nhân các gia đình Liệt sĩ có thể đến để dâng hương tưởng niệm, thăm viếng…”,Đại tá Trần Đức Thơ trăn trở những ngày cuối đời.
Để di nguyện còn dang dở cho những người ở lại…
Với 92 tuổi đời, 65 năm tuổi Đảng, 72 năm hoạt động cách mạng,Sự ra đi của Đại tá Trần Đức Thơ là một tổn thất vô cùng to lớn đối với toàn thể gia đình, với Đảng và với CLB. Không giấu được sự tiếc thương vô vàn đối với người đồng đội của mình, ông Nguyễn Quốc Độ xúc độngchia sẻ: “Suốt hơn 30 năm nghỉ hưu, anh Mười Thơ vẫn cần mẫn làm việc, dành hết tâm sức cho CLB. Đầu năm 2024, bệnh tình trở nặng, anh phải nhập viện điều trị. Mỗi lần tôi vào bệnh viện thăm, anh đều hỏi “việc đến đâu rồi?”. Anh là tấm gương sáng cho chúng tôi học tập, CLB sẽ tiếp tục thực hiện phần việc còn dở dang của anh Mười Thơ…”.
Là con trai của Chiến sĩ Biệt động Sài Gòn, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (Mai Hồng Quế, Năm USOM), anh Trần Vũ Bình luôn tâm niệm rằng, bản thân anh và các thế hệ đi sau cần phải có trách nhiệm kế thừa, tiếp nối truyền thống và hành động để ghi nhớ, đền đáp công ơn của thế hệ cha anh đã hi sinh sương máu vì độc lập dân tộc.
Anh Bình bày rỏ: “Gia đình tôi sẽ đồng hành với CLB tiếp tục những việc còn dang dở của Đại tá Trần Đức Thơ, cụ thể như: Lập bia tưởng niệm; truy tìm, phục dựng và xếp hạng các địa điểm di tích lịch sử của lực lượng Biệt động Sài Gòn, duy trì lễ Giỗ các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn vào ngày mùng 6 Tết Nguyên đán hàng năm; chăm lo cho các đồng đội, đồng chí và các hội viên CLB cũng như thân nhân các gia đình Liệt sĩ Biệt động Sài Gòn… Đúng như lời của đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên: “CLB có những nhân chứng lịch sử, những người anh hùng được xem như là “báu vật”, CLB phải làm sao đưa những con người thật, việc thật, những tấm gương sáng lan tỏa ra cuộc sống. Đây là những tấm gương sống động nhất để giáo dục cho các thế hệ nối tiếp”, trân trọng những cống hiến to lớn của Đại tá Trần Đức Thơ…”.
Ngày 08/4/2024, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Anh Đức đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về đề nghị lập Bia tưởng niệm các cán bộ chiến sĩ biệt động Sài Gòn tại Nghĩa trang liệt sĩ TP. HCM. Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP. HCM Huỳnh Lê Như Trang đề nghị phía Câu lạc bộ đề xuất vị trí đặt Bia tưởng niệm, trong trường hợp lãnh đạo thành phố không chấp thuận cho phép dựng Bia tưởng niệm trong Nghĩa trang liệt sĩ TP. HCM. Ông Nguyễn Quốc Độ, Phó Chủ nhiệm Thường trực CLB khẳng đinh việc đề nghị lập Bia tưởng niệm các cán bộ chiến sĩ biệt động Sài Gòn tại Nghĩa trang liệt sĩ TP. HCM là phù hợp với nguyện vọng của gia đình thân nhân liệt sĩ. Đây cũng là mong muốn của đại đa số hội viên CLB Truyền thống kháng chiến. Ông Dương Anh Đức khẳng định, thành phố rất trân trọng đề xuất của CLB. Biệt động Sài Gòn là lực lượng đặc biệt, cần có hình thức đặc biệt để ghi nhận công lao đóng góp của lực lượng này. Phó Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện 2 công trình tưởng niệm các liệt sĩ Cụm Biệt động 679 hy sinh tại Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn và tưởng niệm các liệt sĩ Đội 3 Biệt động hy sinh tại Bộ Tư lệnh Hải quân Sài Gòn. |
HOÀNG THỊNH - TRUNG DUY