/ Thư viện pháp luật
/ Điểm mới về chế độ ốm đau tại Luật BHXH năm 2024

Điểm mới về chế độ ốm đau tại Luật BHXH năm 2024

16/10/2024 14:49 |

(LSVN) - Ngày 29/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025. Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2024 gồm 11 chương, 141 điều (tăng 2 chương và 16 điều so với Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành). Trong đó đáng chú ý là một số điểm mới về chế độ ốm đau đối với người lao động.

Cụ thể, Luật BHXH năm 2024 đã bổ sung quy định chế độ ốm đau không trọn ngày để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người lao động. Theo đó, tại khoản 5 Điều 45 Luật BHXH 2024 quy định:

"Mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày được tính bằng mức hưởng trợ cấp ốm đau theo tháng chia cho 24 ngày. Mức hưởng trợ cấp ốm đau nửa ngày được tính bằng một nửa mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày.

Khi tính mức hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau không trọn ngày thì trường hợp nghỉ việc dưới nửa ngày được tính là nửa ngày; từ nửa ngày đến dưới một ngày được tính là một ngày".

Trước đó, tại khoản 4 Điều 28 Luật BHXH năm 2024 chỉ quy định: "Mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày được tính bằng mức trợ cấp ốm đau theo tháng chia cho 24 ngày".

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, Luật BHXH năm 2024 đã luật hóa bổ sung quy định các trường hợp người lao động nghỉ việc được hưởng chế độ ốm đau tại điểm a, c, đ khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 42 Luật BHXH năm 2024.

Cụ thể, Điều 42 Luật BHXH năm 2024 quy định như sau:

Điều 42. Đối tượng, điều kiện hưởng chế độ ốm đau

1. Đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, d, i, k, l, m và n khoản 1 và khoản 2 Điều 2 của Luật này được hưởng chế độ ốm đau khi nghỉ việc thuộc một trong các trường hợp sau đây, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này:

a) Điều trị khi mắc bệnh mà không phải bệnh nghề nghiệp;

b) Điều trị khi bị tai nạn mà không phải là tai nạn lao động;

c) Điều trị khi bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở theo tuyến đường và thời gian hợp lý theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;

d) Điều trị, phục hồi chức năng lao động khi thương tật, bệnh tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc do bị tai nạn quy định tại điểm c khoản này;

đ) Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người theo quy định của pháp luật;

e) Chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau.

2. Người lao động không được hưởng chế độ ốm đau trong các trường hợp sau đây:

a) Tự gây thương tích hoặc tự gây tổn hại cho sức khỏe của mình;

b) Sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục do Chính phủ quy định, trừ trường hợp sử dụng thuốc tiền chất hoặc thuốc dạng phối hợp có chứa tiền chất theo chỉ định của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

c) Trong thời gian lần đầu phải nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

d) Trong thời gian nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều này trùng với thời gian nghỉ theo quy định của pháp luật về lao động hoặc đang nghỉ việc hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật chuyên ngành khác hoặc đang nghỉ việc hưởng chế độ thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Ngoài ra, Luật BHXH năm 2024 cũng sửa đổi quy định về chế độ ốm đau dài ngày.

Theo đó người lao động có thể hưởng chế độ ốm đau trong một năm tối đa từ 30 đến 70 ngày tùy theo điều kiện làm việc với mức hưởng bằng 75% tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, sau đó khi hưởng hết thời hạn hưởng mà vẫn tiếp tục điều trị thì người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức hưởng thấp hơn.

MINH HIỀN (t/h)

Các tin khác