Ảnh minh họa.
Mới đây, tại Quyết định 241/QĐ-TTg ban hành ngày 24/02/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030. Theo Danh mục đô thị thực hiện phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030 ban hành kèm theo Quyết định 241/QĐ-TTg, tại Hà Nội, các huyện: Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng dự kiến thành lập quận.
Bên cạnh đó, Sở Nội vụ TP. HCM vừa có tờ trình gửi UBND thành phố về công tác chuẩn bị xây dựng Đề án chuyển một số huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TP. HCM) giai đoạn 2021 - 2030.
Thủ tướng tại Quyết định 241/QĐ-TTg cũng giao Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Khẩn trương tổ chức rà soát, thực hiện phân loại đô thị trên địa bàn đáp ứng quy định của pháp luật về phân loại đô thị và Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030.
- Đối với các đô thị mới thành lập hoặc đã thực hiện sắp xếp sáp nhập đơn vị hành chính đô thị thì thực hiện rà soát điều chỉnh quy hoạch đô thị, chương trình phát triển đô thị, đầu tư phát triển đô thị đảm bảo tiêu chí phân loại đô thị; đánh giá phân loại lại để kiểm soát chất lượng đô thị.
- Nghiên cứu, tích hợp kế hoạch thực hiện phân loại đô thị giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn vào Quy hoạch tỉnh, Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh. Đối với đơn vị hành chính dự kiến tiếp tục thực hiện sắp xếp sáp nhập giai đoạn 2019 - 2021 và giai đoạn 2022 - 2030 phải đảm bảo sự phù hợp về Quy hoạch, Chương trình phát triển đô thị, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và hiệu quả kinh tế của địa phương.
Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế - xã hội đất nước thì các thành phố trực thuộc trung ương, đặc biệt là Hà Nội và TP. HCM - những trung tâm, đầu tàu kinh tế của đất nước đang có những sự phát triển hết sức sôi động và mạnh mẽ, kéo theo nhu cầu rất lớn trong việc mở rộng không gian đô thị, chuyển các huyện ngoại thành lên quận. Việc chuyển từ huyện lên quận không chỉ đơn giản là sự thay đổi tên gọi mà có bản chất là quá trình “đô thị hóa”, phản ánh sự thay đổi về mức độ tập trung dân cư, kết cấu nghề nghiệp xã hội, sự phát triển của cơ sở hạ tầng và lối sống đô thị, đáp ứng nhu cầu tổ chức quản lý hành chính nhà nước theo lãnh thổ, cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và các thành phố nói chung.
Đồng thời, việc chuyển từ huyện lên quận phải phù hợp với quy hoạch tổng thể và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; quy hoạch phát triển đô thị; quy hoạch cấp quốc gia; quy hoạch vùng; và quy hoạch các thành phố đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25/05/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, tại Điều 7 quy định “quận” phải có các tiêu chuẩn như sau:
- Quy mô dân số từ 150.000 người trở lên;
- Diện tích tự nhiên từ 35km2 trở lên;
- Số đơn vị hành chính trực thuộc (phường) có từ 12 đơn vị trở lên;
- Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội đạt quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13;
- Hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị đạt quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị.
Như vậy, để có thể được chuyển từ huyện lên quận thì các địa phương phải đạt rất nhiều tiêu chí trên các mặt của đời sống kinh tế - xã hội như: Cân đối thu chi ngân sách phải dư; mức tăng trưởng kinh tế trung bình 03 năm gần nhất phải đạt bình quân của thành phố trực thuộc trung ương; Tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế đạt: 90%; tỷ lệ nhà ở kiên cố, bán kiên cố phải từ 90% trở lên; cơ sở y tế cấp đô thị đạt từ 2,4 giường/1000 dân trở lên; tỷ lệ hộ dân được cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt trên 95% trở lên…
Việc chuyển các huyện lên quận như tại Hà Nội và TP. HCM hiện nay là một xu thế tất yếu, đáp ứng được yêu cầu khách quan của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, dân cư và lao động trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Không có một quốc gia nào trên thế giới có nền kinh tế hiện đại và phát triển mà lại không trải qua quá trình đô thị hóa. Quá trình này sẽ mang lại cho người dân và các địa phương rất nhiều lợi ích và cơ hội để bứt phá trong phát triển.
Trước tiên, họ sẽ được hưởng lợi từ những quy hoạch và chính sách phát triển áp dụng cho quận nội thành. Quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, định hướng phát triển kinh tế - xã hội sẽ có những thay đổi lớn, theo hướng tăng cường phát triển giao thông, nhà ở, các công trình công cộng, lĩnh vực thương mại và dịch vụ cũng được ưu tiên phát triển. Từ đó, tạo điều kiện cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được đầu tư xây dựng đồng bộ (công viên, trung tâm văn hóa, thể thao, khu vui chơi giải trí, trường học, bệnh viện, siêu thị, trung tâm thương mại, các khu đô thị hiện đại...); thu hút được nhiều nguồn vốn và nhà đầu tư hơn, tạo ra nhiều việc làm, cũng như cơ hội kinh doanh thuận lợi hơn cho người dân và các doanh nghiệp trên địa bàn. Qua đó, góp phần tạo động lực tăng cao tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Tuy nhiên, việc chuyển từ huyện lên quận cũng có thể sẽ bộc lộ những mặt trái, tiêu cực của quá trình đô thị hóa như: Sự gia tăng về dân số, áp lực về giao thông, giáo dục, y tế, năng lượng, ôi nhiễm môi trường; chi phí sinh hoạt cũng tăng cao hơn trước; diện tích đất sản xuất nông nghiệp sẽ từng bước bị thu hẹp, dẫn đến người nông dân bị mất việc làm và thu nhập. Và một thực tế rất khó tránh khỏi là sẽ có một bộ phận dân cư bị “hụt hơi”, gặp khó khăn trong việc thích ứng với quá trình đô thị hóa.
Vì vậy, các cơ quan chức năng phải có những sự tính toán hết sức cẩn trọng và toàn diện, đảm bảo được sự phát triển nhanh nhưng bền vững, đặc biệt là chú trọng đến các chính sách an sinh xã hội, chuyển đổi và tạo việc làm, sinh kế cho người dân, để “không ai bị bỏ lại phía sau” trong quá trình đô thị hóa.
LINH CHI
Người nộp thuế sẽ được đánh giá rủi ro tổng thể và phân loại theo 5 hạng