/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Định tội danh đối với hành vi 'Giết người' hay 'Cố ý gây thương tích'

Định tội danh đối với hành vi 'Giết người' hay 'Cố ý gây thương tích'

24/06/2021 12:03 |

(LSVN) - Định tội danh là một vấn đề vừa mang tính lý luận vừa mang tính thực tiễn. Dưới khía cạnh là một hoạt động tố tụng diễn ra trên thực tế, định tội danh hướng đến việc lựa chọn đúng quy phạm pháp luật hình sự để áp dụng đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội. Thực tế quá trình thực hiện nhiệm vụ cho thấy cơ quan tiến hành tố tụng gặp không ít khó khăn trong việc định tội danh, nhất là trong trường hợp các tội có cấu thành tương tự nhau. Một trong số những ví dụ điển hình có thể kể đến là trường hợp định tội danh giữa tội "Giết người" và tội "Cố ý gây thương tích" hoặc "Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác". Trên thực tế, sự khác nhau cơ bản giữa hai tội danh này thể hiện rõ nét qua ý thức chủ quan của người phạm tội khi thực hiện hành vi. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn nhiều quan điểm tranh cãi xung quanh việc định tội danh giữa hai loại tội này trong một số trường hợp cụ thể. Do đó, trong thời gian tới rất cần có những sửa đổi, bổ sung trên phương diện lập pháp hoặc ban hành hướng dẫn chi tiết giúp cho việc định tội danh giữa tội "Giết người" và tội "Cố ý gây thương tích" hoặc "Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" được dễ dàng.

Ảnh minh họa.

Khái niệm

Định tội danh là vấn đề cơ bản, quan trọng của khoa học luật hình sự, đồng thời cũng đóng vai trò là hoạt động chủ đạo trong thực tiễn tố tụng của cơ quan Công an, VKS và Tòa án. Về cơ bản có thể hiểu định tội danh là hoạt động mang tính logic, dựa trên cơ sở là các chứng cứ, tài liệu cũng như các tình tiết thực tế của vụ án để đối chiếu, so sánh, kiểm tra nhằm xác định những điểm phù hợp hoặc không phù hợp giữa các dấu hiệu pháp lý của hành vi nguy hiểm cho xã hội với các yếu tố cấu thành tội phạm của một tội nhất định trong Bộ luật Hình sự (BLHS), nhằm đánh giá đúng sự thực khách quan, tạo tiền đề để phân hóa trách nhiệm hình sự và cá thể hóa hình phạt một cách công minh, có căn cứ và đúng pháp luật.

Định tội danh là việc xác định một hành vi cụ thể đã thực hiện thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu của cấu thành tội phạm của tội nào đó trong số các tội phạm đã được quy định trong Bộ luật Hình sự.

Trong thực tế, định tội danh chưa bao giờ là vấn đề đơn giản, bởi lẽ một số tội có cấu thành mang nhiều điểm tương đồng, khó phân định, đòi hỏi phải xác định rõ các yếu tố mục đích của tội phạm hay dấu hiệu lỗi thuộc mặt chủ quan của người thực hiện hành vi phạm tội. Một trong những trường hợp dễ nhầm lẫn nhất đó là phân định giữa tội "Giết người" và tội "Cố ý gây thương tích" hoặc "Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác".

Định tội danh dựa vào yếu tố cấu thành tội phạm của tội giết người với tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

Tội "Giết người" và tội "Cố ý gây thương tích" hoặc "Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" đều là những tội phạm rất nguy hiểm, có cấu thành riêng biệt, khác nhau về khách thể, về tính chất nguy hiểm cũng như hậu quả. Dẫu vậy, vẫn tồn tại rất nhiều trường hợp mà sự tách bạch và ranh giới giữa hai loại tội này thực sự mong manh. Mặc dù đã có không ít những văn bản hướng dẫn việc phân biệt và định tội danh đối với hai tội này như: Nghị quyết số 01/NQ ngày 19/4/1989, Nghị quyết số 04/NQ ngày 29/11/1996 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao và Công văn số 03/CV ngày 22/10/1987, số 140/CV ngày 11/12/1998 của TAND tối cao. Trên thực tế, chính các cơ quan tiến hành tố tụng cũng có sự nhầm lẫn giữa hai loại tội này, đánh giá sai về tính chất, mức độ của hành vi, áp dụng hình phạt không tương xứng với hậu quả gây ra.

Thứ nhất, về khách thể: Tội "Giết người" xâm phạm đến quan hệ nhân thân mà nội dung của nó là quyền được sống, được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người. Trong khi đó, tội "Cố ý gây thương tích" hoặc "Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" xâm phạm đến quyền được tôn trọng và bảo vệ về sức khỏe và bất khả xâm phạm về thân thể của con người .

Thứ hai, về hành vi khách quan: Đối với tội "Giết người" hành vi khách quan có thể tồn tại dưới dạng hành động hoặc không hành động. Người thực hiện hành vi "Giết người" thường sử dụng công cụ, phương tiện, vũ khí tấn công vào khu vực trọng yếu trên cơ thể hoặc thực hiện các hành vi khác nhằm làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động của tội phạm, gây thiệt hại cho khách thể của tội phạm - quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người. Người thực hiện hành vi "Giết người" có thể thực hiện hành vi mang tính dồn dập, quyết liệt, tàn nhẫn (bổ, chém, đâm, chặt nhiều nhát) nhưng cũng có thể thực hiện hành vi rất tinh vi, xảo quyệt, thâm độc (bỏ thuốc độc, thả rắn vào nhà…). Trường hợp không hành động là việc chủ thể không làm một việc mà pháp luật yêu cầu phải làm mặc dù có đủ điều kiện để làm - thường gắn với các chủ thể đặc biệt như Bác sĩ, Công an, Cứu hỏa (ví dụ: bác sĩ biết bệnh nhân nguy kịch dẫn đến nguy hiểm tính mạng nhưng do trước đây hai bên mâu thuẫn nên đã không cứu giúp).

Đối với tội "Cố ý gây thương tích" hoặc "Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" thì bắt buộc chủ thể phải thực hiện dưới dạng hành động, người thực hiện loại tội này cũng có thể sử dụng các vũ khí, vật nhọn, xe máy, ô tô… làm phương tiện thực hiện các hành vi phạm tội. Về tính chất, mức độ của hành vi cũng có thể mang tính quyết liệt, côn đồ, mạnh mẽ nhưng hành vi này chỉ tác động vào cơ thể của người khác làm cho người đó bị thương, bị tổn hại sức khỏe chứ không tổn hại đến tính mạng. Có trường hợp người phạm tội cưỡng bức người bị hại tự làm tổn hại cho sức khỏe của mình như tự chọc vào mắt mình, uống thuốc phá thai, chặt ngón tay…

Thứ ba, về hậu quả: Tội "Giết người" có cấu thành vật chất, đòi hỏi hậu quả chết người phải xảy ra, tuy nhiên trong một số trường hợp mặc dù chưa gây hậu quả chết người nhưng chủ thể thực hiện hành vi vẫn phải chịu hình phạt về tội này. Đó là khi chủ thể đã thực hiện xong hành vi phạm tội, nhưng do yếu tố khách quan mà hậu quả chưa xảy ra (phạm tội chưa đạt, đã hoàn thành). Ví dụ: A. dùng dao đâm B. nhiều nhát với mong muốn giết B., sau đó ném B. xuống sông. Tuy nhiên, B. được người dân cứu vớt lên bờ và đưa đi chữa trị kịp thời nên đã qua khỏi. Đối với những trường hợp này, hành vi phạm tội của A. đã hoàn thành, thỏa mãn tất cả các dấu hiệu trong cấu thành tội phạm. Nói cách khác, A. đã làm mọi cách, thực hiện hết tất thảy các hành vi có thể để giết B. nhưng hậu quả không xảy ra nằm ngoài mong muốn và dự tính của A. (mang tính khách quan), bởi lẽ tại thời điểm thực hiện hành vi của mình, A. đã thấy toàn bộ các biểu hiện của nạn nhân B. và tự kết luận nạn nhân đã chết nên mới chấm dứt hành vi tấn công.

Tội "Cố ý gây thương tích" hoặc "Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" cũng có cấu thành vật chất, đòi hỏi nạn nhân phải bị thương tật với một tỉ lệ nhất định. Theo đó, hành vi "Gây thương tích" hoặc "Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" mà tỉ lệ thương tật từ 11% trở lên bị coi là tội phạm. Tỉ lệ thương tật càng cao, khung hình phạt càng lớn. Nếu hậu quả tổn thương cơ thể dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp như: dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; dùng axit nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm; phạm tội đối với người dưới 16 tuổi; phạm tội đối với phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; phạm tội đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình… thì cũng được coi là tội phạm.

Thứ tư, về yếu tố lỗi: Trong trường hợp phạm tội "Giết người", người thực hiện hành vi có lỗi cố ý đối với hậu quả chết người. Nghĩa là họ nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra và mong muốn hậu quả đó xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng có ý thức để mặc hậu quả đó xảy ra. Trong khi đó, người thực hiện hành vi "Cố ý gây thương tích" nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, có thể thấy trước hậu quả gây tổn thương cơ thể cho người khác và mong muốn hậu quả đó xảy ra hoặc có ý thức để mặc hậu quả xảy ra (tức là vô ý với cái chết của nạn nhân).

Để có cái nhìn rõ hơn về sự tách biệt giữa hai tội danh này, tác giả xin đưa ra một tình huống pháp lý mà trên thực tiễn còn nhiều quan điểm khác nhau khi định tội danh để độc giả và các chuyên gia nghiên cứu, trao đổi:

Khoảng 22h30 ngày 08/5/2020, Nguyễn Công H., Nguyễn Duy H. ngồi chơi ở quán nước trên địa bàn xã T.H., huyện T.O., TP. H.N. Chuyện trò qua lại, Công H. phát sinh mâu thuẫn với Duy H., sau đó Duy H. đã chửi bới và đánh Công H. Bị kích động bởi hành vi trên, Công H. đã về nhà lấy dao đi tìm Duy H. để đánh “cho chừa thói ngông cuồng”. Khi đi đến đoạn đường đầu làng, Công H. thấy Duy H. và Đức L. đang đứng nói chuyện với nhau nên đã xông vào tấn công. Công H. chém một nhát, Duy H. đưa tay đỡ khiến phần lưỡi dao găm vào vùng thái dương. Thấy vậy anh Đức L. và người dân xung quanh đã can ngăn, vứt dao của Công H. ra xa. Sau khi được can ngăn, Công H. bỏ về nhà còn nạn nhân Duy H. thì được đưa đi cấp cứu, kết quả giám định thương tật lên đến 35%.

Hiện có hai nhóm quan điểm khác nhau về việc xác định tội danh đối với hành vi của Công H. có phải đã phạm tội "Giết người" hay tội "Cố ý gây thương tích" hoặc "Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác"?.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Công H. phạm tội giết người với lỗi cố ý trực tiếp. Do Công H. đã dùng hung khí có khả năng gây sát thương chém vào vùng trọng yếu trên cơ thể của bị hại, hậu quả chết người chưa xảy ra do nạn nhân đã được đưa đi cấp cứu, Công H. không chủ động chấm dứt hành vi nguy hiểm, do nguyên nhân khách quan (được can ngăn và tước hung khí) nên mới phải miễn cưỡng dừng lại. Do đó, lỗi của Công H. được suy đoán là cố ý tước đoạt mạng sống.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Công H. chỉ phạm tội "Cố ý gây thương tích" hoặc "Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" vì cho rằng Công H. không có ý thức cố ý tước đoạt mạng sống của bị hại và hậu quả làm cho người khác chết chưa xảy ra.

Theo quan điểm của cá nhân tác giả, hành vi nêu trên của Công H phạm tội "Cố ý gây thương tích" hoặc "Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" mới bảo đảm đúng tính chất, đặc điểm của hành vi phạm tội và diễn biến sự việc. Căn cứ vào các điểm khác biệt căn bản trong cấu thành tội phạm của hai tội danh trên ta cần xét đến các yếu tố sau:

Về hành vi khách quan: Chưa thể xác định được rằng Công H. có nhắm vào đầu nạn nhân - vùng trọng yếu trên cơ thể hay không. Việc lưỡi dao chém vào thái dương có một phần tác động từ hành động giơ tay lên đỡ của nạn nhân khiến lực bị đổi hướng. Thêm vào đó, Công H. chỉ chém duy nhất một nhát rồi chấm dứt, không thực hiện một cách quyết liệt. Đồng thời cũng cần phải hiểu, trong tội "Cố ý gây thương tích" hoặc "Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác" người phạm tội vẫn có thể tấn công vào vùng trọng yếu (đây không phải tình tiết định tội bắt buộc chỉ dành cho tội "Giết người").

Về cường độ tấn công: Việc Công H. chỉ chém duy nhất một nhát đã cho thấy cường độ tấn công không dồn dập, tốc độ tấn công không nhanh, nhịp độ tấn công không liên tục. Khác hẳn với việc dùng vũ khí để giết người - phải thực hiện rất quyết liệt, tàn nhẫn với cường độ mạnh, liên tục cho đến khi nạn nhân chết hoặc được cho là chết.

Về mục đích: Theo nội dung vụ việc, Công H. tấn công Duy H. nhằm mục đích đánh cho Duy H. chừa thói ngông cuồng chứ không nhằm tước đoạt mạng sống của Duy H. Nếu thực sự muốn tước đoạt mạng sống của nạn nhân, Công H. đã không tấn công tại nơi đường xá đông người qua lại như vậy.

Về hậu quả: Duy H. chỉ bị thương tật 35%, hậu quả chết người chưa xảy ra. Trong khi đó, tội "Giết người" có cấu thành vật chất đòi hỏi hậu quả bắt buộc phải xảy ra trên thực tế (duy nhất trong trường hợp phạm tội chưa đạt đã hoàn thành mặc dù hậu quả không xảy ra nhưng người thực hiện hành vi vẫn có thể bị truy tố về tội "Giết người").

Về yếu tố lỗi: Công H. chỉ chém một nhát, sau khi được can ngăn và tước vũ khí đã ngay lập tức dừng hành vi của mình lại. Điều này khẳng định bị cáo không quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng, không tìm mọi cách để tước đoạt bằng được mạng sống của nạn nhân. Khi được can ngăn, Công H. cũng không đe dọa, thách thức, chống trả hoặc giằng giật. Đồng thời cũng không chạy đi tìm vũ khí để quay lại tấn công bằng được, tiếp tục hành vi phạm tội.

Đối với khả năng gây hậu quả chết người, Công H. có thể không mong muốn nhưng có ý thức để mặc nếu hậu quả xảy ra, do đó có thể khẳng định, Công H. thực hiện hành vi với lỗi cố ý gián tiếp. Nếu Công H. thực hiện hành vi với lỗi cố ý gián tiếp thì chỉ phải chịu trách nhiệm về tội "Giết người" khi hậu quả thực sự xảy ra, trong trường hợp không gây ra hậu quả chết người thì chỉ có thể kết luận về tội "Cố ý gây thương tích". Từ những phân tích, lập luận như trên, Công H. không phải chịu trách nhiệm về hành vi "Giết người", bởi vì trong trường hợp này, bị cáo không mong muốn hậu quả chết người xảy ra, không quyết tâm bằng được tước đoạt mạng sống của bị hại và bị hại cũng chỉ tổn thương cơ thể 35%.

Từ các căn cứ lý luận về tội danh nêu trên cũng như tình huống thực tế được mô phỏng lại làm ví dụ có thể thấy, trong một số trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng có thể đưa ra các nhận định không chính xác, nhầm lẫn giữa tội giết người và tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Do đó trước mỗi vụ án thuộc dạng này đòi hỏi các chủ thể có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải đọc kỹ hồ sơ, xem xét đầy đủ tài liệu, chứng cứ. Đặt hành vi vào trong bối cảnh phạm tội để hiểu rõ hơn vấn đề. Mặt khác, bản thân các cán bộ thuộc cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án phải không ngừng nâng cao nghiệp vụ, bồi dưỡng thêm kiến thức lý luận và thực tiễn. Từ đó có cơ sở để đưa ra những nhận định, phán quyết chính xác, tránh bỏ lọt tội phạm, tránh làm oan người vô tội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Nâng cao hiệu quả xét xử, củng cố lòng tin của xã hội vào hoạt động tư pháp. Tạo tiền đề góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Những vấn đề cần đặt ra

Trên cơ sở những nội dung đã phân tích nêu trên, tác giả xin đưa ra một số đề xuất, kiến nghị để làm sáng tỏ những điểm khác biệt giữa hai loại tội này, góp phần giúp cơ quan tiến hành tố tụng phân biệt và định tội danh chính xác, tăng tính hiệu quả của hoạt động tố tụng, tránh oan sai, cụ thể như sau:

Thứ nhất, về định tội danh với tội "Giết người" và tội "Gây thương tích" hoặc "Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác". Đây là vấn đề lý luận cần tiếp tục được nghiên cứu và tìm hiểu. Quá trình này là tiền đề để đưa ra những lưu ý, hướng dẫn và các quy tắc áp dụng chung để cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện trong việc giải quyết các vụ án trên thực tiễn. Ngược lại, thực tiễn định tội danh sẽ đóng vai trò kiểm chứng tính đúng đắn của những vấn đề lý luận, qua đó giúp các nhà nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện cơ sở lý luận, tạo tiền đề để sửa đổi pháp luật hoặc ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất.

Thứ hai, trước khi có văn bản hướng dẫn chi tiết hoặc pháp luật được sửa đổi, cơ quan tiến hành tố tụng cần đánh giá vấn đề một cách toàn diện, xem xét mọi dấu hiệu pháp lý của hành vi như: vị trí tấn công; công cụ, phương tiện sử dụng; cường độ, tính chất quyết liệt; mối quan hệ giữa hành vi và hậu quả; động cơ, mục đích… và những tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án. Trong đó trọng tâm là làm rõ ý thức chủ quan của người thực hiện hành vi phạm tội. Việc xem xét đầy đủ các tiêu chí trên là yếu tố bắt buộc, bởi lẽ bỏ qua một trong những tiêu chí trên có thể làm thay đổi toàn bộ sự thật khách quan của vụ án. Đồng thời, đây cũng là đòi hỏi chung nhằm bảo đảm nguyên tắc tuân thủ pháp luật trong hoạt động điều tra (Điều 19 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) với nội dung trọng tâm yêu cầu mọi hoạt động điều tra phải tôn trọng sự thật, tiến hành khách quan, toàn diện và đầy đủ.

Thứ ba, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao cần xem xét và lựa chọn ra một bản án điển hình để tạo thành án lệ có hiệu lực áp dụng chung đối với các vụ án tương tự về sau. Trong đó nhấn mạnh trường hợp nào thì xử lý tội "Giết người", trường hợp nào truy cứu trách nhiệm về tội "Cố ý gây thương tích" hoặc "Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác". Việc ban hành án lệ vừa lược bớt các thủ tục lập pháp hoặc sửa đổi pháp luật rườm rà, vừa tiết kiệm được thời gian và ngân sách nhà nước. Mặt khác, giúp cơ quan tiến hành tố tụng tháo gỡ những khó khăn trong việc định tội danh đối với các trường hợp tương tự.

Thứ tư, cần xem xét ban hành văn bản hướng dẫn phân biệt giữa hành vi "Giết người" và "Cố ý gây thương tích" trong một số trường hợp nhất định như: hành vi "Giết người" chưa đạt và hành vi "Cố ý gây thương tích"; trường hợp "Giết người" với lỗi cố ý gián tiếp khi hậu quả chưa xảy ra với trường hợp hậu quả đã xảy ra… Tác giả cho rằng, các văn bản hướng dẫn như Nghị quyết 01 ngày 19/4/1989, Nghị quyết 04 ngày 29/11/1996 đều của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao còn chung chung, chưa cụ thể từng hành vi, một số hướng dẫn không còn phù hợp với thực tiễn dẫn đến cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng không thống nhất. Có hướng dẫn mới chỉ giải thích được trường hợp gây thương tích dẫn đến chết người mà không đề cập đến trường hợp giết người với lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp. Các hướng dẫn đều cho rằng dùng hung khí nguy hiểm đánh vào vùng trọng yếu của cơ thể là dấu hiệu pháp lý bắt buộc để xử tội "Giết người". Đây là quan niệm hết sức cứng nhắc, đã bỏ qua nhiều tiêu chí khác có ý nghĩa trong việc định tội danh. Để đáp ứng sự thay đổi của xã hội và pháp luật, cần ban hành văn bản hướng dẫn mới thay thế các văn bản cũ nêu trên, trong đó cập nhật các quy định mới có nội dung chi tiết và phù hợp với thực tiễn hiện nay. Qua đó, tạo căn cứ pháp lý để cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng pháp luật được thống nhất, nâng cao hiệu quả xét xử, tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Thứ năm, cần đẩy mạnh đào tạo, trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao trình độ, nghiệp vụ, đạo đức và bản lĩnh chính trị của đội ngũ điều tra viên, cán bộ điều tra, kiểm sát viên, thẩm phán… trong các cơ quan Công an, VKS, Tòa án. Đồng thời mở rộng chính sách tuyển chọn cán bộ, công chức trong các cơ quan tiến hành tố tụng nhằm tạo được sự quan tâm của xã hội, thu hút được người tài làm việc, cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh và phòng chống tội phạm của nhà nước, góp phần quan trọng vào sự nghiệp cải cách tư pháp nói riêng và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nói chung.

Thạc sĩ Trần Quang Minh

Chánh tòa Hình sự, TAND TP. Hải Dương

Nguyễn Thị Minh Nhật

Công ty Luật ThinkSmart, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội

Giải quyết tranh chấp trong hợp đồng nhượng quyền thương mại

Lê Minh Hoàng