Ảnh minh họa.
Việc lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận của vợ và chồng chi phát sinh hiệu lực pháp luật khi đảm bảo các điều kiện về hình thức và nội dung. Cụ thể:
Điều kiện về hình thức
Thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng tồn tại dưới nhiều tên gọi khác nhau, bao gồm: hợp đồng tiền hôn nhân, hôn ước hay thỏa thuận trước hôn nhân. Dù tồn tại dưới tên gọi nào thì chế độ tài sản theo thỏa thuận chỉ có hiệu lực và được áp dụng khi thỏa thuận này được xác lập trước khi kết hôn dưới hình thức văn bản được công chứng hoặc chứng thực. Thời điểm chế độ tài sản theo thỏa thuận của vợ chồng được xác lập là kể từ ngày đăng ký kết hôn.
Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì việc thỏa thuận xác lập chế độ tài sản chỉ được thể hiện dưới hình thức văn bản và có chữ ký của vợ và chồng vẫn chưa đủ để thỏa mãn điều kiện có hiệu lực của thỏa thuận này mà còn cần phải được công chứng hoặc chứng thực. Sở dĩ, pháp luật Việt Nam đòi hỏi thực hiện thủ tục công chứng, chứng thực để đảm bảo hiệu lực đối với loại thỏa thuận này là để tránh trường hợp thỏa thuận bị vô hiệu, không thể thực hiện được trên thực tế do chứa các nội dung vi phạm điều cấm của luật và để tránh xảy ra các tranh chấp liên quan đến chế độ tài sản của vợ chồng.
Điều kiện về nội dung
Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định khá chi tiết về những nội dung cơ bản phải được nêu trong thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng. Cụ thể gồm: (i) Những tài sản nào được xác định là tài sản chung và tài sản riêng; (ii) Quyền và nghĩa vụ của mỗi người đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình; (iii) Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản; (iv) những nội dung liên quan khác tùy theo thỏa thuận của vợ và chồng.
Theo đó, thỏa thuận về tài sản của vợ và chồng có những điểm đáng lưu ý về nội dung như sau:
Thứ nhất, xác định quyền sở hữu đối với tài sản. Vợ chồng cần xác định rõ tài sản nào là tài sản riêng của mỗi bên, tài sản nào là tài sản chung của vợ chồng để xác định quyền và nghĩa vụ của mỗi người đối với tài sản đó. Vợ và chồng có thể thỏa thuận phương pháp xác định tài sản theo một trong những phương án: (i) Tài sản giữa vợ và chồng bao gồm tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng; (ii) Giữa vợ và chồng không có tài sản riêng của vợ, chồng mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn hoặc trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc tài sản chung; (iii) Giữa vợ và chồng không có tài sản chung mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn và trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc sở hữu riêng của người có được tài sản đó; (iv) Xác định theo thỏa thuận khác của vợ chồng.
Trong trường hợp vợ và chồng thỏa thuận các tài sản chung và riêng theo phương liệt kê thì cần lưu ý rằng nếu trong thỏa thuận không có đề cập đến quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ; tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác hoặc khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng; thì những tài sản này sẽ được xác định là tài sản riêng của vợi chồng.
Thứ hai, nội dung của thỏa thuận vợ chồng về tài sản cần đáp ứng các nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng, cụ thể: (i) Vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung: không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập; (ii) Vợ, chồng có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình; (iii) Việc thực hiện quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng mà xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, gia đình và của người khác thì phải bồi thường.
Thứ ba, đối với tài sản là nhà ở duy nhất của vợ và chồng thì việc xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch liên quan đến loại tài sản này cần phải có sự thỏa thuận của vợ và chồng. Trong trường hợp nhà ở duy nhất này là tài sản riêng của vợ hoặc chồng thì người có quyền sở hữu tài sản này có quyền thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản nhưng phải đảm bảo chỗ ở cho người còn lại.
Thứ tư, ngoài những nội dung chủ yếu nêu trên, vợ chồng còn có thể thỏa thuận những nội dung khác (vấn đề cấp dưỡng cho cha, mẹ, con...) liên quan đến chế độ tài sản của vợ chồng phù hợp với nhu cầu và hoàn cảnh của mỗi bên.
Thứ năm, đối với những nội dung chưa được ghi nhận trong thỏa thuận về tài sản của vợ chồng hoặc có quy định nhưng chưa rõ ràng thì sẽ được giải quyết theo nguyên tắc chung và quy định tương ứng của chế độ tài sản theo luật định.
Cuối cùng, nội dung của chế độ tài sản theo thỏa thuận của vợ chồng có thể được sửa đổi, bổ sung một phần hay toàn bộ bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam vẫn cho phép vợ, chồng thay đổi chế độ tài sản và áp dụng chế độ tài sản theo luật định trong thời kỳ hôn nhân mặc dù trước đó đã áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận. Như vậy, có thể thấy quy định về việc thay đổi chế độ tài sản của pháp luật Việt Nam có sự linh hoạt và tào điều kiện thuận lợi hơn cho các cặp vợ chồng.
Nhìn chung, thỏa thuận chế độ tài sản vợ chồng là thỏa thuận dân sự nên cũng áp dụng nguyên tắc tự do thỏa thuận của đôi bên và không được trái với quy định của pháp luật như quyền được cấp dưỡng, quyền thừa kế, quyền và lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và các thành viên khác của gia đình... Nếu thỏa thuận chế độ tài sản vi phạm những điều cấm của pháp luật sẽ bị Toà án tuyên vô hiệu.
Hiệu lực đối kháng với người thứ 3
Việc thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng dẫn đến sự thay đổi về quyền định đoạt tài sản của vợ và chồng. Do đó để đảm bảo tính hiệu lực của các giao dịch dân sự đối với người thứ ba, luật cũng quy định nghĩa vụ cung cấp thông tin liên quan đến thỏa thuận về tài sản trong trường hợp có giao dịch với người thứ ba. Đây là nghĩa vụ bắt buộc của vợ, chồng khi thực hiện các giao dịch dân sự liên quan đến tài chung, tài sản riêng của mỗi bên khi áp dụng thỏa thuận chế độ tài sản. Nếu vợ hoặc chồng vi phạm nghĩa vụ này thì người thứ ba trong giao dịch sẽ được xem là ngay tình và được giải quyết theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015. Nhìn chung, quy định của pháp của pháp luật Việt Nam ưu tiên bảo vệ người thứ ba ngay tình trong trường hợp phát sinh tranh chấp liên quan đến tài sản của vợ chồng.
Mặc dù có những quy định cụ thể tại Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, việc áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận giữa vợ và chồng, bất kể có yếu tố nước ngoài hay không, cũng còn nhiều hạn chế. Các văn phòng công chứng thường cũng khá e ngại đối với việc chứng thực một văn bản thỏa thuận chế độ tài sản giữa vợi chồng nếu có tài sản ở nước ngoài, hoặc nếu có yêu cầu chứng thực thì văn phòng công chứng thường cũng yêu cầu các bên sử dụng các mẫu thỏa thuận đã được soạn sẵn với các nội dung cũng không thay đổi gì với quy định của luật để tránh rủi ro bị tuyên vô hiệu. Do đó, trong các trường hợp các bên có thỏa thuận đặc biệt về tài sản khi kết hôn, các bên cần lưu ý kỹ những điều kiện về hình thức cũng như nội dung khi thiết lập thỏa thuận về chế độ tài sản giữa vợ và chồng, để tránh những rủi ro về vô hiệu thỏa thuận khi phát sinh tranh chấp.
Những lợi ích mà chế độ tài sản ước định mang lại cho việc giải quyết các vấn đề về tài sản trong hôn nhân
Chế độ tài sản ước định ra đời đã giải quyết được các bất cập về quyền định đoạt tài sản của đôi bên: ngay trước khi đăng kí kết hôn, cả hai người đều có thể thỏa thuận và định đoạt phần tài sản riêng hiện có của bản thân. Việc định đoạt cũng không kết thúc ở giai đoạn đó mà nó luôn liên tục tiếp diễn trong thời kì hôn nhân, đảm bảo tính hợp hiến và hài hòa với quy định của Bộ luật Dân sự về quyền sở hữu, định đoạt tài sản của cá nhân.
Linh động, có thể sửa đổi, bổ sung, thay đổi khi người vợ hoặc chồng cảm thấy cần thiết: theo Điều 49 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì vợ chồng có quyền sử đổi, bổ sung thỏa thuận về chế độ tài sản. Khi đã trải qua một thời gian chung sống bên nhau, người vợ người chồng nhận ra với chế độ tài sản như ban đầu đã không còn phù hợp với thực tiễn, vợ chồng có thể thay đổi, bổ sung những gì đã thỏa thuận trước với hình thức như khi thỏa thuận.
Giảm tỉ lệ các tranh chấp dân sự: quyền lợi đi đôi với trách nhiệm. Khi đã xác định chế độ tài sản chung hoặc riêng của vợ chồng, một khi có tranh chấp dân sự liên quan đến tài sản đã thỏa thuận đó thì việc xác định quyền lợi và nghĩa vụ của các bên, góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình điều tra xác minh, tránh các trường hợp vợ chồng đơn phương giao kết hợp đồng, sau đó lại xin Tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu do không có sự đồng ý của người vợ/chồng còn lại. Góp phần giảm tỉ lệ ly hôn bởi lẽ trên thực tế, có rất nhiều những cuộc hôn nhân mang đậm tính kinh tế và cũng vì lợi ích về tài sản mà đi đến ly hôn.
Hạn chế tranh chấp, bất công hơn so với việc chia tài sản trong thời kì hôn nhân: việc thỏa thuận tài sản hay chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân về bản chất là giống nhau: xác định phần tài sản thuộc về riêng mỗi người. Tuy nhiên, khi chia tài sản chung của vợ chồng thường sẽ xảy ra tranh chấp giữa hai bên làm cho một bên bị mất một phần lợi ích hoặc có trường hợp một bên không chịu chia tài sản mà dẫn đến đổ vỡ trong hôn nhân. Khi thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng là tài sản riêng, việc định đoạt sẽ thoải mái, tự do và linh hoạt hơn.
Luật sư ĐẶNG HỒNG DƯƠNG
Giám đốc Công ty Luật TNHH Sao Sáng
Những vướng mắc trong áp dụng chế định phạt tù nhưng cho hưởng án treo