/ Trao đổi - Ý kiến
/ Doanh nghiệp vừa và nhỏ trong đại dịch Covid-19: Hỗ trợ của Nhà nước và cơ chế thực thi

Doanh nghiệp vừa và nhỏ trong đại dịch Covid-19: Hỗ trợ của Nhà nước và cơ chế thực thi

28/07/2021 17:24 |

(LSVN) - Dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, khiến cho tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ. Phản ứng chính sách của Chính phủ là khá hợp lý, chủ trương chính sách là đúng đắn nhưng thiết kế chính sách có vấn đề, thực thi chính sách chưa thực sự suôn sẻ. Bài viết tập trung vào những phân tích cần thu hẹp khoảng cách từ chính sách đến thực tiễn trong hỗ trợ DN vừa và nhỏ để vượt qua đại dịch và những vấn đề cần đặt ra đối với chính sách của Nhà nước.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ là tên gọi tắt của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa được đánh giá theo tiêu chí về vốn, nguồn nhân công lao động và doanh thu sản phẩm. Theo tiêu chí của Nhóm Ngân hàng Thế giới, doanh nghiệp siêu nhỏ là doanh nghiệp có số lượng lao động dưới 10 người, doanh nghiệp nhỏ có số lượng lao động từ 10 đến dưới 200 người và nguồn vốn 20 tỉ trở xuống, còn doanh nghiệp vừa có từ 200 đến 300 lao động nguồn vốn 20 đến 100 tỉ. Ở Việt Nam doanh nghiệp vừa là có từ 200 đến 300 nhân công lao động, từ 10 đến 20 người lao động là doanh nghiệp nhỏ và dưới 10 người được coi là doanh nghiệp siêu nhỏ. Doanh nghiệp vừa và nhỏ còn được biết đến với tên SME, SMEs hay SME là viết tắt của cụm từ Small and Medium Enterprise khi được dịch sang tiếng Việt cụm từ này có nghĩa là Doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Như vậy, doanh nghiệp vừa và nhỏ là cơ sở kinh doanh đã đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật được chia thành 3 cấp: siêu nhỏ, nhỏ, vừa theo quy mô tổng nguồn vốn hoặc số lao động bình quân sử dụng theo năm.

Luật sư Nguyễn Đình Ngãi, Công ty Luật ThinkSmart. 

Vai trò của doanh nghiệp vừa và nhỏ

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường chiếm tỉ trọng lớn, thậm chí áp đảo trong tổng số doanh. Hiện nay có tổng số 95% các doanh nghiệp đăng ký hoạt động tại Việt Nam hoạt động dưới mô hình này. Vì thế, đóng góp của họ vào tổng sản lượng và tạo việc làm là rất đáng kể.

Giữ vai trò ổn định nền kinh tế: Ở phần lớn các nền kinh tế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa là những nhà thầu phụ cho các doanh nghiệp lớn. Sự điều chỉnh hợp đồng thầu phụ tại các thời điểm cho phép nền kinh tế có được sự ổn định. Vì thế, doanh nghiệp nhỏ và vừa được ví là thanh giảm sóc cho nền kinh tế.

Làm cho nền kinh tế năng động: Vì doanh nghiệp nhỏ và vừa có quy mô nhỏ, nên dễ điều chỉnh và thay đổi phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế.

Tạo nên ngành công nghiệp và dịch vụ phụ trợ quan trọng: Doanh nghiệp nhỏ và vừa thường chuyên môn hóa vào sản xuất một vài chi tiết được dùng để lắp ráp thành một sản phẩm hoàn chỉnh.

Là trụ cột của kinh tế địa phương: Nếu như doanh nghiệp lớn thường đặt cơ sở ở những trung tâm kinh tế của đất nước, thì doanh nghiệp nhỏ và vừa lại có mặt ở khắp các địa phương và là người đóng góp quan trọng vào thu ngân sách, vào sản lượng và tạo công ăn việc làm ở địa phương.

Đóng góp không nhỏ giá trị GDP cho quốc gia.

Đặc điểm của doanh nghiệp vừa và nhỏ

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm một lượng lớn trong tổng số các doanh nghiệp trong một quốc gia, khu vực và trên toàn thế giới. Với khả năng sử dụng trên 50% tổng số lao động xã hội hiện nay và tạo ra khối lượng công ăn việc làm lớn lên tới 65% cho người lao động trên toàn cầu. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường tận dụng nhân công tại địa phương để sử dụng nhờ đó giải quyết rất nhiều bài toán nhân lực cho cơ quan nhà nước.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có quy mô vốn khá hạn hẹn và thường không tiếp cận với nguồn vốn lớn từ các ngân hàng đầu tư. Điều này gây ra hạn chế trong việc đổi mới trang thiết bị và xúc tiến phát triển công việc cho các doanh nghiệp này.

Doanh nghiệp nhỏ có sự cạnh tranh gắt gao với các công ty tập đoàn lớn cùng làm dịch vụ với nhau. Bởi vậy các doanh nghiệp nhỏ thường gặp thua thiệt trong việc chiếm lĩnh thị trường đặc biệt ở những khu vực nước ngoài.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thương mại chứ không tập trung vào sản xuất và chế biến. Chủ yếu là các nghành nghề liên quan đến mua bán sản xuất đồ dùng các loại dịch vụ và phân bố hàng tiêu dùng.

Vũ Mai Quỳnh, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội. 

Những ảnh hưởng của đại dịch Covid đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ

Một thực tế cho thấy, ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch Covid đến doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực, có thể kể đến các ngành nghề như: du lịch, dịch vụ ăn uống (98 - 100%), may mặc (97%), thông tin truyền thông (96%), sản xuất thiết bị điện (94%), bất động sản (100%), nông nghiệp, thủy sản (95%), giao thông vận tải (70-80%) [1]… Ngoài ra, để cầm cự trước dịch bệnh, 35% DN tư nhân và 22% DN FDI đã phải cho người lao động nghỉ việc. Trong đó, các DN tư nhân quy mô nhỏ, siêu nhỏ là nhóm thực hiện biện pháp này cao nhất, lần lượt ở mức 36% và 35%. Với khối DN FDI, 26% DN quy mô vừa và 32% DN quy mô lớn phải cho một lượng lao động nhất định nghỉ việc. Cũng không ít DN gặp khó khăn do chuyên gia nước ngoài không thể sang Việt Nam làm việc. Số lượng lớn các DN trong nước cũng không thể ra nước ngoài tiến hành các hoạt động giao thương theo kế hoạch. Nhiều DN bị gián đoạn, ngưng trệ hoạt động, thậm chí dừng hoạt động do tình hình dịch và đứng trước bờ vực phá sản bởi thị trường giảm cầu đột ngột, dẫn tới giảm doanh thu cũng như vấp phải những rủi ro về thu hồi nợ, mất khả năng thanh toán.

Cụ thể theo số liệu thống kê, đến tháng 11/2020, đã có khoảng 15 nghìn DN hoàn tất thủ tục giải thể, chỉ tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng con số DN phải tạm dừng hoạt động và rời khỏi thị trường đã lên tới 44 nghìn DN, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2019. Như vậy, trung bình mỗi tháng ở Việt Nam đã có trên 5.000 DN đã phải rời khỏi thị trường. Đây là con số cao kỷ lục từ trước tới nay và kéo theo đó là rất nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của hàng chục triệu người [2].

Chính sách hỗ trợ của Nhà nước và hiệu quả thực thi

Trong bối cảnh khó khăn, chính phủ đã khẩn trương ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN và tập trung vào nhóm DN nhỏ và vừa. Trong đó có một số gói cơ bản như: Gói hỗ trợ 250.000 tỉ đồng về hỗ trợ tín dụng; 62.000 tỉ đồng về an sinh xã hội; 16.000 tỉ đồng hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động… Một bộ phận các chính sách đã phát huy tác dụng tốt, nhưng cũng còn bộ phận chính sách được thiết kế chưa thật sự bám sát thực tiễn của cuộc sống.

Tuy nhiên, việc thực thi chính sách cũng còn nhiều vấn đề băn khoăn. “Phản ứng chính sách của Chính phủ là khá hợp lý, chủ trương chính sách là đúng đắn nhưng thiết kế chính sách có vấn đề, thực thi chính sách chưa thực sự suôn sẻ. Các chính sách của chúng ta phải thực hiện trong trạng thái thời chiến hoặc bình thường mới chứ không phải trạng thái bình thường của ngày hôm qua, nhưng trên thực tế các thủ tục hành chính vẫn còn phiền hà” [3]. Kết quả thực hiện chính sách khá chậm chễ, đến tháng 10/2020 chưa có DN nào nào vay được tiền từ gói hỗ trợ 16 nghìn tỉ đồng, đến 27/11 có 75 DN được vay từ gói hỗ trợ này, kết quả này đáng chú ý nhưng chỉ đi vào thực tiễn sau khi Thủ tướng Chính phủ kịp thời ban hành Quyết định 32/2020/QĐ-TTg ngày 19/10/2020 sửa đổi Quyết định 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Bên cạch các gói cứu trợ kinh tế, trong năm 2020, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp chính sách thuế linh hoạt như miễn giảm, giãn thuế, phí và lệ phí, tiền thuê đất với gần 124.000 tỉ đồng, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19. Cụ thể, hồi tháng 09/2020 Chính phủ ban hành Nghị định 114/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 116/2020/QH14 của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác. Theo đó, Nghị định nêu rõ, giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của kỳ tính thuế TNDN năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỉ đồng.

Trước đó, tháng 4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân… bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Mới đây nhất, ngày 19/4/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, với diễn biến dịch bệnh Covid-19 khá phức tạp thời gian qua, doanh nghiệp thuộc nhiều ngành, lĩnh vực gặp khó khăn, đình trệ sản xuất và sụt giảm doanh số, nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ đã phải thu hẹp sản xuất hoặc tạm ngừng hoạt động, nếu chỉ giãn, hoãn thuế thì cũng chỉ như cho vay không lãi suất. Có ý kiến cho rằng, dù Chính phủ đã có nghị quyết giảm 30% thuế thu nhập cho doanh nghiệp từ ngày 19/6/2020 nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể có doanh thu cũng như phát sinh lãi nên giảm thuế thu nhập doanh nghiệp hầu như không có tác dụng đối với doanh nghiệp.

Mặt khác, theo số liệu khảo sát từ trường Đại học Kinh tế Quốc dân và VCCI cho thấy, 78% DN được điều tra chưa nhận được hỗ trợ từ Chính phủ, và có 1 tỉ lệ khá cao DN chưa biết đến các gói chính sách này. Như vậy, chủ trương chính sách tuyệt vời nhưng thiết kế chính sách chưa thực sự phản ánh được hơi thở cuộc sống và thực thi chính sách chưa suôn sẻ đối với một số giải pháp mà Chính phủ đã ban hành. “Việc thu hẹp khoảng cách giữa chính sách và thực thi sẽ là một trong những vấn đề quan trọng trong biện pháp hỗ trợ của chính phủ đối với khu vực DN trong bối cảnh khó khăn trong đại dịch Covid-19 cũng như với các thảm họa của thiên tai” [4]. 

Những vấn đề cần đặt ra

Một là, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 154/QĐ-TTg để sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 42/QĐ-CP và Quyết định 15/2020 QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ người dân, DN gặp khó khăn cho dịch Covid-19, cần nắm bắt kịp thời các bất cập, vướng mắc trong việc triển khai các gói hỗ trợ thời gian qua để có điều chỉnh cho phù hợp. Bên cạnh đó, cần thiết kế các hình thức hỗ trợ cần phù hợp với các DN từng ngành, lĩnh vực và từng giai đoạn. Đặc biệt ưu tiên các DN có quy mô nhỏ và vừa bởi khả năng chống chịu kém của loại hình DN này. Cần kéo dài thời gian các gói hỗ trợ để DN có đủ thời gian hoàn thành các khoản được hoãn, giãn trong thời gian qua để phục hồi sản xuất kinh doanh. Các chính sách hỗ trợ cần rõ ràng, minh bạch. Đồng thời, cần nới lỏng một số điều kiện nhằm mở rộng đối tượng thụ hưởng và giảm thiểu về thủ tục và quy trình tiếp cận các gói hỗ trợ, đặc biệt là thủ tục chứng minh về tài chính.

Hai là, cần rà soát, đánh giá lại một cách độc lập về hiệu quả thực thi của các chính sách hỗ trợ, cũng như tham vấn ý kiến của đối tượng bị tác động để đảm bảo tính khả thi của chính sách được ban hành. Cần phải tăng cường nỗ lực hợp tác giữa cơ quan Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trong cả việc định hình các chính sách và tổ chức thực thi chính sách.

Ba là, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần tham khảo, học tập kinh nghiệm mà nhiều quốc gia trên thế giới như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Đức, Bỉ… đang làm. Họ đã thực hiện việc miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, kéo dài thời gian chuyển lỗ hoặc giảm trừ chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn và hoàn thuế giá trị gia tăng đối với một số hàng hoá, dịch vụ phục vụ phòng chống dịch bệnh; gia hạn thời hạn kê khai, nộp thuế…

================================

[1] https://sogtvt.hanoi.gov.vn/hoat-dong-doan-the/-/view_content/3676505-khao-sat-danh-gia-anh-huong-cua-dich-Covid-19-voi-nganh-giao-thong-ho-tro-kip-thoi-de-niu-chan-nguoi-lao-dong.html

[2] http://cand.com.vn/doanh-nghiep/Ho-tro-doanh-nghiep-vuot-dai-dich-Can-dung-va-trung-642476/

[3] https://sct.quangbinh.gov.vn/3cms/ho-tro-doanh-nghiep-nho-va-vua-vuot-dich-Covid-19-khoang-cach-lon-tu-chinh-sach-toi-thuc-te.htm

[4] https://sct.quangbinh.gov.vn/3cms/ho-tro-doanh-nghiep-nho-va-vua-vuot-dich-Covid-19-khoang-cach-lon-tu-chinh-sach-toi-thuc-te.htm

VŨ MAI QUỲNH

Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội

NGUYỄN ĐÌNH NGÃI

Công ty Luật ThinkSmart

Giải quyết vụ án có đồng phạm: Một số lưu ý và sai sót thường gặp

Lê Minh Hoàng