Đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số 6/2024

20/06/2024 14:51 | 3 tháng trước

(LSVN) - Tạp chí Luật sư Việt Nam số ra tháng 6/2024 ra mắt bạn đọc với những bài nghiên cứu chính sau đây.

Mục “Nghiên cứu - Trao đổi” Tạp chí Luật sư Việt Nam số ra tháng 6/2024 có những bài viết chính như sau:

Trong tiến trình cải cách tư pháp hiện nay ở nước ta, hoạt động tranh tụng tại tòa án đã và đang được coi trọng bằng những bảo đảm pháp lý trong lộ trình cải cách tư pháp. Trong bối cảnh đó, để có cái nhìn rõ hơn về vấn đề viện dẫn án lệ của luật sư trong tranh tụng ở Việt Nam, TS Nguyễn Văn Nam (Học viên An ninh nhân dân) có bài “Cơ sở pháp lý cho việc viện dẫn án lệ trong tranh tụng của luật sư”. Tác giả bài viết đề cập đến vấn đề cơ sở pháp lý cho viện dẫn án lệ trong tranh tụng của luật sư qua việc nêu ra những quan điểm tham chiếu so sánh và chỉ ra những thuận lợi, khó khăn cho hoạt động tranh tụng của luật sư trong hoạt động tố tụng ở nước ta. Trên cơ sở đó gợi mở một số giải pháp để tăng cường việc viện dẫn án lệ của luật sư trong hoạt động tranh tụng, góp phần nâng cao hiệu quả tranh tụng tại tòa án.

TS Nguyễn Thị Thu Vân (Công ty Luật TNHH Đào Ngọc Lý) Hủy phán quyết trọng tài vì lý do “trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”: Thực trạng, bất cập và hướng hoàn thiện. Theo nghiên cứu của tác giả, việc áp dụng quy định hủy phán quyết trọng tài vì lý do nêu trên, thực tiễn thời gian qua đã phát sinh một số bất cập gây hiệu ứng tiêu cực cho quá trình thi hành phán quyết trọng tài, làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Bài viết phân tích thực trạng, nhận dạng một số bất cập, từ đó đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.

“Hoàn thiện quy định về yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập trong tố tụng dân sự” là bài viết của LS Thiều Hữu Minh (Đoàn Luật sư thành phố Đà Nẵng). Quy định về quyền đưa ra yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là một trong những quyền quan trọng của đương sự được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Tuy nhiên, từ thực tiễn thi hành từ năm 01/7/2016 đến nay đã phát sinh nhiều vấn đề còn có quan điểm khác nhau và một số nội dung cần hoàn thiện về kỹ thuật lập pháp. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu và thực tiễn tham gia tố tụng, tác giả tổng hợp một số nội dung cần hoàn thiện về yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và đề xuất kiến nghị sửa đổi cũng như đề nghị quan điểm hướng dẫn từ cơ quan có thẩm quyền.

Chi phí tố tụng là một chế định truyền thống trong tố tụng dân sự Việt Nam, được hiểu đó là các chi phí mà người nộp đơn khởi kiện, nguyên đơn, bị đơn, người yêu cầu giải quyết việc dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ việc dân sự phải nộp để tòa án giải quyết các yêu cầu của họ trong vụ án, việc dân sự. Bài “Chi phí tố tụng dân sự: Quy định pháp luật và áp dụng thực tiễn” của TS Phạm Văn Lưỡng và ThS Trần Ninh Hà (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) tập trung phân tích các vấn đề liên quan đến chi phí tố tụng dân sự và một số vấn đề đặt ra qua thực tiễn áp dụng, trên cơ sở đó đề xuất các kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này.

Trong giai đoạn hiện nay, các tranh chấp về dân sự, hành chính cũng như các vụ án hình sự liên quan đến lĩnh vực đất đai xảy ra ngày càng nhiều về số lượng, với tính chất hết sức phức tạp. Hầu hết, quá trình giải quyết các vụ án này đều phải sử dụng các tài liệu liên quan đến hồ sơ địa chính. Tuy nhiên, việc áp dụng, đánh giá các tài liệu được ghi nhận trong hồ sơ địa chính để giải quyết các sự vụ không hề đơn giản. Ở mục “Hoạt động thực tiễn”, TS.LS Đinh Trọng Liên (Ủy viên Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) có bài “Kinh nghiệm sử dụng, đánh giá tài liệu, chứng cứ về hồ sơ địa chính trong các vụ án liên quan đến đất đai”. Bằng kinh nghiệm thực tiễn hành nghề của mình, tác giả đã chỉ ra những thiếu sót, bất cập của các cơ quan tiến hành tố tụng khi sử dụng các tài liệu về hồ sơ địa chính để làm căn cứ buộc tội các bị cáo trong một vụ án hình sự, đồng thời rút ra những kinh nghiệm thực tế.

Mục “Thông tin - Kinh nghiệm nước ngoài”, ThS Trần Linh Huân (Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh) có bài “Bản chất pháp lý của hợp đồng thông minh theo góc nhìn của Liên minh châu Âu và một số gợi mở cho Việt Nam”. Tác giả cho biết, trên thế giới, khái niệm “hợp đồng thông minh” (smart contract) xuất hiện từ năm 1994, tuy nhiên phải đến khi xã hội công nghệ phát triển thì thuật ngữ này mới được chú ý và đưa ra nghiên cứu nhiều hơn. Dưới góc độ tiếp cận của pháp luật Việt Nam về hợp đồng hiện hành thì vẫn còn tồn tại nhiều rào cản, thách thức về mặt pháp lý đối với việc sử dụng hợp đồng thông minh. Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm của Liên minh châu Âu (EU), bài viết tập trung nghiên cứu ba vấn đề: (i) Khái quát về hợp đồng thông minh và công nghệ chuỗi khối Blockchain; (ii) Bản chất pháp lý của hợp đồng thông minh theo góc nhìn của Liên minh châu Âu (EU); (iii) Một số gợi mở, đề xuất cho pháp luật Việt Nam về xác định bản chất pháp lý của hợp đồng thông minh.

Một số bài viết khác liên quan đến lý luận và thực tiễn thực hiện pháp luật và hoạt động luật sư… cũng được đăng tải trong Tạp chí Luật sư Việt Nam số 6/2024.

Trân trọng kính mời quý độc giả đón đọc!

BBT

 Đón đọc Tạp chí Luật sư Việt Nam số 5/2024

Từ khoá : lsvn.vn LSVN