Với tinh thần hoàn thành chương trình lập pháp đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tại Nghị quyết số 129/2024/QH15 ngày 08/6/2024, Quốc hội đã điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trong đó có việc bổ sung dự án Luật Nhà giáo. Bài viết “Hoàn thiện hành lang pháp lý để phát huy vai trò, vị thế nhà giáo và vấn đề đặt ra đối với Luật Nhà giáo” của TS Nguyễn Thị Mai Hoa (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội) tập trung phân tích cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn làm căn cứ xây dựng Luật Nhà giáo; gợi ý một số vấn đề cần được thể chế hóa, quy định rõ trong Luật để thực sự phát huy vai trò, vị thế nhà giáo trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
“Bàn về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp” của ThS Lê Thị Thảo (Trường Chính trị tỉnh Đắk Nông) là những nội dung góp ý vào dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để thay thế Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.
LS Quách Minh Trí và LS Mai Phước Bảo (Công ty Luật TNHH Passio Lawyers) có bài “Cơ chế hỗ trợ của tòa án đối với trọng tài thương mại - Những bất cập và hướng hoàn thiện”. Theo nhận định của các tác giả, phương thức giải quyết tranh chấp thương mại bằng trọng tài đang dần trở thành xu hướng tại Việt Nam. Bên cạnh những ưu điểm mà phương thức này mang lại như thủ tục nhanh, gọn, bảo mật và phán quyết mang tính chung thẩm, tố tụng trọng tài vẫn có những hạn chế nhất định bởi thẩm quyền của hội đồng trọng tài là do các bên trao cho nên sẽ bị hạn chế trong một số trường hợp nhất định. Khi đó, cơ chế hỗ trợ của tòa án đối với trọng tài là biện pháp quan trọng giúp cho các hoạt động giải quyết vụ việc của hội đồng trọng tài được bảo đảm theo đúng trình tự, thủ tục mà không bị gây cản trở. Bài viết phân tích về cơ chế hỗ trợ của tòa án đối với trọng tài thương mại trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thu thập chứng cứ và triệu tập người làm chứng và những hạn chế, bất cập hiện nay nhằm đề xuất giải pháp hoàn thiện cơ chế này trong pháp luật về trọng tài thương mại Việt Nam.
Bài “Một số vấn đề đặt ra trong việc cấp giấy an toàn vệ sinh thực phẩm” của tác giả Nguyễn Thị Kim (Đoàn Luật sư Thừa Thiên Huế) đề cập một số cơ sở lý luận, thực trạng pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm, qua đó đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật về cấp giấy an toàn vệ sinh thực phẩm.
“Thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng tín dụng” là bài của tác giả Lương Thị Ngọc Huyền (Công ty luật TNHH số 1 Bắc Ninh). Bằng việc nghiên cứu các văn bản pháp luật hiện hành, bài viết làm sáng tỏ việc xác định thời hiệu khởi kiện trong các tranh chấp hợp đồng tín dụng. Qua một số tranh chấp hợp đồng tín dụng điển hình có liên quan đến việc xác định thời hiệu khởi kiện, tác giả rút ra một số khuyến nghị nhằm hoàn thiện quy định pháp luật liên quan.
ThS.LS Đinh Văn Quế (Nguyên Chánh tòa Hình sự Tòa án nhân dân tối cao) có bài “Tội vi phạm quy định về cạnh tranh”. Đây là tội phạm được nhà làm luật quy định mới trong Bộ luật Hình sự năm 2015 để thay thế tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999. Bằng kinh nghiệm thực tiễn qua nhiều năm làm công tác xét xử, tác giả đi sâu phân tích, làm rõ các yếu tố cấu thành của tội phạm này.
Mục Pháp luật nước ngoài có bài “Quyền lực của Tổng thống Mỹ trong lĩnh vực tư pháp” của TS Nguyễn Anh Hùng (Viện Nghiên cứu châu Mỹ). Bài viết nghiên cứu, phân tích, chứng minh và đánh giá về vấn đề quyền lực trong lĩnh vực tư pháp của tổng thống Mỹ như: tuyển lựa, đề cử và bổ nhiệm thẩm phán liên bang; chỉ đạo hoạt động tố tụng và thi hành án liên bang; ân xá cho tội nhân…
Một số bài viết khác liên quan đến lý luận và thực tiễn thực hiện pháp luật và hoạt động luật sư… cũng được đăng tải trong Tạp chí Luật sư Việt Nam số 9/2024.
Trân trọng kính mời quý độc giả đón đọc!
BBT