Ảnh minh họa.
Về vấn đề này, theo Điều 65 và Điều 74 Luật BHXH 2014 thì mức lương hưu hằng tháng đối với trường hợp đóng BHXH bắt buộc và đóng BHXH tự nguyện đều được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH và tương ứng với số năm đóng BHXH như sau:
(i) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;
(ii) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.
Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%. Như vậy, mức hưởng lương hưu phụ thuộc vào mức đóng BHXH (mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH) và số năm đóng BHXH.
Đối với trường hợp tham gia BHXH bắt buộc thì mức đóng BHXH bắt buộc là mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Mức này càng cao thì mức hưởng lương hưu cũng cao tương ứng. Theo điểm 2.6 khoản 2 và khoản 3 Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH, mức tiền lương tháng tối thiểu không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng và tối đa không quá 20 lần mức lương cơ sở.
Đối với trường hợp tham gia BHXH tự nguyện, theo khoản 1 Điều 10 Nghị định 134/2015/NĐ-CP, mức đóng BHXH tự nguyện hàng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia lựa chọn (thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng). Trong đó, chuẩn nghèo ở khu vực nông thôn theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP hiện nay là 700.000 đồng/tháng. Ngoài ra, khác với BHXH bắt buộc, người tham gia BHXH tự nguyện được tự lựa chọn mức thu nhập để làm căn cứ đóng. Nếu mức thu nhập được lấy làm căn cứ đóng càng cao thì mức hưởng lương hưu cũng càng nhiều.
Bên cạnh đó, với cả trường hợp tham gia BHXH bắt buộc và trường hợp tham gia BHXH tự nguyện, thời gian đóng BHXH cũng ảnh hưởng trực tiếp đến mức hưởng lương hưu của người tham gia. Trong đó, nguyên tắc chung là đóng càng lâu được hưởng lương hưu càng nhiều.
NGỌC ANH