Ảnh minh họa.
Tại chương trình Kỳ họp thứ 6 chiều ngày 22/11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Trong đó, quy định về đổi tên Tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện đã nhận được nhiều sự quan tâm, ý kiến đóng góp của các Đại biểu Quốc hội.
Phát biểu tại hội trường, Đại biểu Mai Văn Hải, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa thống nhất cao với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra, thống nhất sự cần thiết sửa đổi luật với đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, thực tiễn.
Về tổ chức và thẩm quyền thành lập tòa phúc thẩm, tòa sơ thẩm, tòa sơ thẩm chuyên biệt, Đại biểu Mai Văn Hải cho rằng cần cân nhắc thêm việc đổi tên Tòa án nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân huyện thành Tòa án phúc thẩm, Tòa án sơ thẩm, cũng như là việc thành lập Tòa án sơ thẩm chuyên biệt.
Đại biểu cũng cho rằng, cần đánh giá kỹ tác động khi thành lập Tòa án sơ thẩm chuyên biệt. Trên thực tế những vụ việc khó, phức tạp trong lĩnh vực liên quan phá sản, thương mại quốc tế, sở hữu trí tuệ… cũng không nhiều, bình quân 8 năm thi hành Luật, mỗi năm có khoảng 200 vụ việc cả nước.
Do đó, đề nghị nên nghiên cứu, nếu thành lập thì nên quy định cụ thể việc thành lập Toà sơ thẩm chuyên biệt có thể theo lãnh thổ tùy tình hình và nhu cầu thực tế.
Cho ý kiến về đổi tên Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương thành Tòa án nhân dân phúc thẩm, Tòa án nhân dân sơ thẩm, Đại biểu Trần Thị Thu Hằng, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cũng nhấn mạnh quy định này khắc phục được tình trạng có nhận thức cho rằng Tòa án là một cơ quan hành chính thuộc địa phương, gây khó khăn cho việc xử lý, giải quyết các vấn đề về tổ chức và hoạt động của Tòa án, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử của Tòa án.
Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc đổi tên; số lượng các tòa án vẫn gắn liền với địa giới hành chính; cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tòa này không thay đổi thì vẫn chưa thể hiện được đặc thù của mô hình tổ chức tòa án theo thẩm quyền xét xử.
Vì vậy, cần có sự điều chỉnh một cách toàn diện, phù hợp với định hướng phát triển lâu dài.
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng cũng đề nghị cần nghiên cứu quy định cụ thể về việc thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt (Điều 4, Điều 62 dự thảo Luật).
VĂN QUANG (t/h)
Thống nhất lùi thời điểm thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) sang kỳ họp gần nhất