/ Tích hợp văn bản mới
/ Dự thảo Nghị định quy định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ

Dự thảo Nghị định quy định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ

05/01/2021 18:11 |

(LSO) - Bộ Tư pháp đang dự thảo Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Theo đó, dự thảo Nghị định đề xuất quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở về bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm; tài sản bảo đảm; xác lập, thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và xử lý tài sản bảo đảm.

Ảnh minh họa.

Theo đó, bên bảo đảm trong bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản của vợ, chồng được đề xuất như sau: Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản chung của vợ chồng hoặc tài sản không có căn cứ để chứng minh là tài sản riêng của mỗi bên vợ, chồng thì vợ chồng cùng là bên bảo đảm. Trường hợp nghĩa vụ được bảo đảm bằng cả tài sản chung của vợ chồng và tài sản riêng của vợ hoặc chồng thì vợ chồng cùng là bên bảo đảm đối với phần tài sản chung; vợ hoặc chồng là bên bảo đảm đối với phần tài sản riêng của mình.

Bên bảo đảm trong bảo đảm thực hiện nghĩa vụ liên quan đến pháp nhân thương mại hoặc pháp nhân phi thương mại là doanh nghiệp xã hội được xác định như sau: Trường hợp bên bảo đảm dùng tài sản bảo đảm để góp vốn vào pháp nhân thì pháp nhân được góp vốn là người thế quyền, thế nghĩa vụ bên bảo đảm. Việc dùng tài sản bảo đảm để góp vốn phải có sự đồng ý của bên nhận bảo đảm. Trường hợp thành viên của pháp nhân bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của pháp nhân thì thực hiện theo quy định thỏa thuận về bảo lãnh (Điều 44). Việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong trường hợp này phải phù hợp với điều lệ của pháp nhân, điều kiện khác được quy định tại Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư hoặc luật khác liên quan.

Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng tín chấp thì tổ chức ở xã, phường, thị trấn của Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc Công đoàn cơ sở là bên bảo đảm, trừ trường hợp điều lệ của tổ chức này quy định khác.

Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản của pháp nhân là tổ chức tôn giáo thì tổ chức này là bên bảo đảm nếu có năng lực pháp luật dân sự phù hợp với quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan.

Theo dự thảo, tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai được mua bán, được chuyển nhượng hoặc được chuyển giao quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan thì đều có thể được dùng để bảo đảm.

Quyền sở hữu của bên bảo đảm đối với tài sản dùng để bảo đảm bao gồm quyền sở hữu đối với tài sản hiện có xác lập trước hoặc tại thời điểm xác lập hợp đồng bảo đảm và quyền sở hữu đối với tài sản hình thành trong tương lai xác lập sau thời điểm xác lập hợp đồng bảo đảm.

Tài sản thuộc sở hữu toàn dân được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong trường hợp pháp luật liên quan có quy định. Trường hợp này, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cơ quan Nhà nước ở Trung ương, ở địa phương hoặc cá nhân, pháp nhân được Nhà nước giao sử dụng, khai thác tài sản thuộc sở hữu toàn dân là bên bảo đảm.

Tài sản dùng để bảo lưu quyền sở hữu là tài sản bán trong hợp đồng mua bán tài sản. Tài sản cầm giữ là tài sản thuộc đối tượng của nghĩa vụ trong hợp đồng song vụ bị vi phạm.

Dự thảo nêu rõ, việc dùng quyền sử dụng đất để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ có thể đồng thời hoặc không đồng thời với tài sản gắn liền với đất. Quyền sử dụng đất hình thành trong tương lai không được dùng để bảo đảm, trừ trường hợp Luật Đất đai có quy định khác.

Giấy tờ có giá, chứng khoán mà theo quy định của pháp luật liên quan được mua bán, được chuyển nhượng hoặc được chuyển giao quyền sở hữu thì được dùng để bảo đảm. Số dư tiền gửi trên tài khoản, số dư tiền gửi tiết kiệm trên thẻ tiết kiệm, tiền gửi theo hợp đồng gửi tiền được dùng để bảo đảm. Tài sản được bảo hiểm được dùng để bảo đảm thì quyền thụ hưởng bảo hiểm cũng là tài sản bảo đảm.

MINH HIỀN

/lay-nguon-tien-tu-dau-de-boi-thuong-cho-cac-vu-an-oan-sai.html