(LSVN) - Đây là quy định mới tại Luật Thoả thuận quốc tế 2020 được Quốc hội khoá XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 13/11/2020.
Luật thỏa thuận quốc tế 2020 quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục ký kết, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện, tổ chức thực hiện, trách nhiệm của các cơ quan trong việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế.
Theo đó, thỏa thuận quốc tế là thỏa thuận bằng văn bản về hợp tác quốc tế giữa bên ký kết Việt Nam với bên ký kết nước ngoài, không làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Việt Nam theo pháp luật quốc tế.
Trong đó:
- Bên ký kết nước ngoài gồm:
Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức được thành lập theo pháp luật nước ngoài, tổ chức quốc tế, cá nhân nước ngoài.
Theo quy định hiện hành Điều 3 Pháp lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế 2007 không có quy định về cá nhân nước ngoài.
- Bên ký kết Việt Nam bao gồm:
+ Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ;
+ Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kiểm toán nhà nước;
+ Văn phòng Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
+ Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
+ Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh…
Như vậy, theo quy định mới thì thoả thuận quốc tế có thể được ký kết giữa bên ký kết Việt Nam và cá nhân nước ngoài.
Luật Thỏa thuận quốc tế 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021.
THANH THANH