/ Tin tức
/ Gia Lai: Báo động tình trạng ‘chảy máu’ tài nguyên khoáng sản tại huyện Chư Prông

Gia Lai: Báo động tình trạng ‘chảy máu’ tài nguyên khoáng sản tại huyện Chư Prông

26/10/2023 14:41 |1 năm trước

(LSVN) – Thời gian qua, tình trạng khai thác khoán sản trái pháp luật trên địa bàn Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng đang diễn ra nhức nhối. Nhiều địa phương đã “rốt ráo” vào cuộc và ra quân xử lý vấn nạn này. Thế nhưng, “đá tặc” tại xã Ia Đrăng, huyện Chư Prông lại đang có “đất sống”.

“Đá tặc” ngang nhiên hoạt động?

Vào cuối tháng 10/2023, PV Luật sư Việt Nam di chuyển quanh địa bàn huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai và phát hiện có nhiều điểm khai thác đá xây dựng với quy mô lớn. Theo người dân cho biết, các điểm khai thác đá này đều trái phép, hoạt động đã lâu và diễn ra trong suốt thời gian dài nhưng không thấy chính quyền địa phương đến xử lý.

Khu vực đội 9, xã Ia Đrăng lúc bắt đầu khai thác và chẻ đá (Ảnh do người dân cung cấp). 

Cụ thể, theo thông tin người dân cung cấp có một điểm đang khai thác đá xây dựng tại đội 9, xã Ia Đrăng, huyện Chư Prông. Trước đó, người dân đã phát hiện nơi này đang hoạt động khai thác đá bằng máy đào với số lượng hàng chục khối đá. Người dân đã báo sự việc trên đến chính quyền để kiểm tra, xử lý. Sau đó, UBND xã Ia Đrăng đã đến kiểm tra và xác nhận tại đây đang có máy đào múc đá, nhưng chỉ đào ao lấy nước, Xã cũng cho hộ dân này ký cam kết không được vận chuyển đá đi nơi khác.

Ghi nhận vào ngày 24/10, thì hàng chục khối đá như người dân phản ánh đã “không cánh mà bay”.

Tuy vậy, ghi nhận của PV vào 24/10, thì cả trăm khối đá như người dân phản ánh đã “không cánh mà bay”. Câu hỏi được dư luận đặt ra: Toàn bộ số đá được Xã cho ký cam kết không được vận chuyển đang ở nơi đâu? Chính quyền địa phương có biết được vấn đề này hay chưa?

Ở một vị trí khác, cách UBND xã Ia Đrăng khoảng 4km, tại khu vực này cũng có điểm khai thác đá xây dựng. Tại hiện trường, PV ghi nhận hàng chục nghìn viên đá thành phẩm đang được tập kết và chờ xe chở đi tiêu thụ. Tại địa điểm này, PV đã từng thông tin cho UBND Xã kiểm tra vị trí này và phát hiện khoảng 100m3 đá bazan dạng cục cỡ lớn, 500 viên đá xây dựng bị khai thác trái phép.


Một điểm khai thác “đá chẻ” tại khu vực bãi rác của xã Ia Đrăng.

Trước đó, tại khu vực bãi rác của xã Ia Đrăng cũng có một điểm khai thác “đá chẻ” và đã được chính quyền địa phương kiểm tra, lập biên bản. Thế nhưng, sáng ngày 24/10, PV có mặt và ghi nhận nơi đây kiểu như “bắt cóc bỏ đĩa”. Tại đây, hàng chục “đá tặc” vẫn “hì hục” và ngang nhiên chẻ đá, khi thấy có người lạ họ liền cất “dụng cụ” và di chuyển đi nơi khác.

Điểm khai thác đá trái phép tại làng Sơr, xã Ia Boòng, huyện Chư Prông.

Ngoài xã Ia Đrăng, thì tại làng Sơr, xã Ia Boòng, huyện Chư Prông, tình trạng “đátặc” vẫn còn đất dung thân. Theo đó, PV ghi nhận nơi đây như một công trường khai thác, chiếc máy đào màu vàng di chuyển múc đá, tiếng búa đập vào đá vang một góc trời. Theo người dân gần đó cho biết, mặc dù đã báo sự việc trên đến chính quyền địa phương, thế nhưng tình trang “đá tặc” không những không thuyên giảm và có chiều tăng thêm.

Hình ảnh điểm khai thác đá trước đó tại thôn Thanh Bình, xã Ia Đrăng (Ảnh do người dân cung cấp). 

Các tảng đá to tại thôn Thanh Bình, nay đã được “đá tặc xẻ thịt”.

Tài nguyên vẫn đang “âm thầm chảy máu” tại huyện Chư Prông. “Đá tặc” vẫn cứ ngang nhiên hoạt động, nguồn thuế vẫn đang thất thu. 

Để chấn chỉnh hoạt động khai thác khoán sản trái phép, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các Sở, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh. Tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm đối với các cơ quan hành chính tại địa phương, đặc biệt người đứng đầu cơ quan, tổ chức để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Công khai việc xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có hành vi bao che, tiếp tay để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý, nâng cao nhận thức, khuyến khích nhân dân trong công tác đấu tranh, tố giác tội phạm. Phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Tuy nhiên trên thực tế tại nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai vẫn đang “nóng” tình trạng thất thoát tài nguyên khoáng sản.

Trao đổi về các vấn đề trên vớiLuật sư Nguyễn Quốc Bảo, Công ty Luật TNHH MTV Phúc An Phát (Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk) cho biết:Theo Điều 2 Luật Khoáng sản năm 2010 định nghĩa về khoáng sản thì: Khoáng sản là những khoáng vật, khoáng chất được tạo thành trong vỏ trái đất tồn tại dưới dạng rắn, lỏng, khí và được sử dụng trong công nghiệp, trong cuộc sống hàng ngày của con người.

Cũng tại Điều 4, Luật Khoáng sản 2010 nêu rõ, cá nhân, tổ chức chỉ được tiến hành hoạt động khoáng sản khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Điều này có nghĩa, các cá nhân, tổ chức chỉ được khai thác khoáng sản khi được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản hợp pháp. Việc khai thác khoáng sản trái phép là hành vi vi phạm pháp luật, do đó cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự tùy theo mức độ vi phạm.

Đối cá nhân, tổ chức Vi phạm về hoạt động khai thác khoáng sản (trừ cát, sỏi lòng sông, suối, hồ) tùy từng loại khoáng sản khác nhau mà việc khai thác không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hoặc không đúng giấy phép tùy theo tính chất mức độ, hậu quả, hành vi vi phạm, nhân thân, điều kiện thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 47 Nghị định 36/2020/NĐ-CP hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh có liên quan.

MINH CHỈNH 

Nguyễn Mỹ Linh