(LSO) - Hôm nay, một sự kiện pháp lý rất được dư luận quan tâm là TAND TP. Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án "Giết người" và "Chống người thi hành công vụ" xảy ra tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội).
Trước đó, trả lời báo giới về vụ án này, Thiếu tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn của Bộ Công an nhận định: "Thực tế vụ án xảy ra tại xã Đồng Tâm để lại nhiều bài học, nhất là trong công tác xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng nông thôn và việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, việc giải quyết dứt điểm từ sớm những mâu thuẫn, bức xúc trong nhân dân, không để các đối tượng có điều kiện lợi dụng kích động, chống phá".
Những gì xảy ra ở Đồng Tâm là quá đau xót và để không xảy ra những vụ tương tự như thế thì bài học "giải quyết dứt điểm từ sớm những mâu thuẫn, bức xúc trong nhân dân" cần học thuộc và thực thi. Hiện tại, những mâu thuẫn, bức xúc trong dân không phải là hạn hữu mà ngược lại, ở bất kỳ lĩnh vực nào, địa phương nào cũng có. Những bức xúc tiềm ẩn đó dễ gây nên những phản ứng cực đoan, hành vi bột phát và manh động, nhỏ là kéo nhau ra quốc lộ ngồi, lớn là vây bắt cán bộ, phong tỏa nhà máy, đập phá tài sản, thường thường là tập trung khiếu kiện đông người, gây rối trật tự xã hội, xâm hại an ninh chính trị địa phương.
Phải nhìn nhận một cách thực tế và thẳng thắn rằng, những bức xúc đó là do chính các cán bộ chính quyền hoặc của các cơ quan chức năng gây ra. Ví dụ, có việc khiếu kiện đông người là do chính quyền không kịp thời giải quyết các khiếu nại của dân hoặc giải quyết không thỏa đáng, việc chuyển đơn lòng vòng, đá "quả bóng thẩm quyền" giữa các cơ quan nhà nước cũng là nguyên nhân gây ra sự cố này. Hoặc, cán bộ có sai phạm nhưng được bao che, xử lý hời hợt, "giơ cao, đánh khẽ" cũng là nguyên nhân gây nên tình trạng này.
Một nguyên nhân khác, không thể bỏ qua, là các thông tin thiếu chính xác hoặc chỉ một chiều, hoặc không đầy đủ khiến dư luận hoang mang và từ hoang mang chuyển sang bức xúc chỉ là một khoảng cách rất nhỏ.
Vừa mới đây, thông tin về việc TAND tối cao bán các cơ sở cũ mà mỗi tờ báo chính thống đưa tin theo một kiểu khác nhau. Ví dụ, "Thủ tướng "bác" đề nghị của TANDTC về việc bán các cơ sở cũ để lấy tiền xây trụ sở mới"; và, "Thủ tướng đồng ý với đề nghị của TANDTC không bán rẻ 3 cơ sở của tòa án trước đây...".
Sự thật, chỉ có một nhưng cách đưa tin thì trái ngược nhau, rất dễ gây hiểu nhầm và phản ứng xã hội dù các các cơ sở kia vẫn chưa được bán. Có rất nhiều ví dụ tương tự như vậy về thông tin trước một vụ việc.
Tháo "ngòi nổ" bức xúc của người dân là việc làm cần thiết và phải rất kịp thời. Đáng ghi nhận là giới Luật sư đã làm rất tốt việc này trong các sự cố, cụ thể như thuyết phục người dân giải tán, rút lui có trật tự trong một vụ "biểu tình trên đường" hay bao vây một trụ sở công quyền, nhỏ hơn là ngăn cản những hành vi manh động tại phiên tòa. Luật sư có thể làm những việc lớn hơn, đóng vai trò trung gian hòa giải và tháo gỡ vướng mắc, mâu thuẫn, xung đột giữa người dân và chính quyền.
NHỊ NGỌC