Bệnh viện Đa khoa An Việt.
Theo đó, do có nhu cầu làm dịch vụ hút mỡ bụng, bà Đ.T.H. đến Bệnh viện Đa khoa An Việt để thực hiện phẫu thuật. Tuy nhiên, trong quá trình làm dịch vụ phẫu thuật hút mỡ bụng ở Bệnh viện Đa khoa An Việt, bệnh nhân Đ.T.H. gặp một số biến chứng, nguy hiểm tới tính mạng. Do vậy, bệnh nhân đã được y bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa An Việt chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai điều trị từ ngày 08/7/2024.
Cung cấp thông tin trên báo chí về vấn đề trên, ông Phan Văn Hải, phụ trách truyền thông của Bệnh viện Đa khoa An Việt cho biết: Bệnh nhân đã thực hiện phẫu thuật hút mỡ và chuyển về điều trị. Trong quá trình nằm điều trị, bệnh nhân đã gặp một số biến chứng, Bệnh viện đã chủ động chuyển bệnh nhân sang điều trị tích cực tại Bệnh viện Bạch Mai và phối hợp cùng Bệnh viện Bạch Mai trong quá trình điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân.
Theo một lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cung cấp thông tin trên báo chí: “Chẩn đoán bán đầu cho thấy bệnh nhân Đ.T.H. bị tiêu cơ vân cấp (M99) tổn thương thận cấp (N17) huyết khối bán phần nhánh S10 động mạch phổi P (I74.8) sau phẫu thuật hút mỡ bụng. Hiện, bệnh nhân đang được điều trị tại Trung Tâm hồi sức tích cực của Bệnh viện Bạch Mai, TP. Hà Nội”.
Kết quả xét nghiệm và chẩn đoán ban đầu khi bệnh nhân Đ.T.H., được Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận.
Liên quan đến vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Ngọc Ánh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết: Liên quan đến lĩnh vực y tế - Sức khỏe thì được quy định rất rõ tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 do Quốc hội ban hành có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024.
Theo đó, tại chương IX, quy định về những sai sót kỹ thuật, tại Điều 100, Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 quy định về xác định người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật; Người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật khi được Hội đồng chuyên môn kết luận; Vi phạm trách nhiệm trong chăm sóc, điều trị người bệnh; Vi phạm các quy định về chuyên môn kỹ thuật.
Người hành nghề không có sai sót chuyên môn kỹ thuật khi được Hội đồng chuyên môn quy định tại Điều 101 của Luật này xác định thuộc một trong các trường hợp sau đây: Trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh, người hành nghề đã thực hiện đúng trách nhiệm chăm sóc, điều trị người bệnh và các quy định về chuyên môn kỹ thuật nhưng vẫn xảy ra tai biến y khoa đối với người bệnh; Trường hợp cấp cứu nhưng do thiếu phương tiện, thiết bị y tế, thuốc, thiếu người hành nghề mà không thể khắc phục được; trường hợp bệnh chưa có hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật để thực hiện dẫn đến xảy ra tai biến y khoa đối với người bệnh; Trường hợp bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do khách quan khác dẫn đến xảy ra tai biến y khoa đối với người bệnh; Trường hợp tai biến y khoa do người bệnh tự gây ra.
Nói về vấn đề bồi thường khi xảy ra tai biến y khoa theo văn bản luật này thì tại Điều 102, Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 quy định: “Trường hợp xảy ra tai biến y khoa đối với người bệnh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm bồi thường cho người bệnh theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 100 của Luật này”.
Ngoài ra, theo Luật sư Ánh áp dụng quy định pháp luật vào từng trường hợp, nếu có vấn đề vi phạm đến tính mạng, sức khỏe thì phải bồi thường dân sự theo quy định chi tiết tại khoản 1, Điều 584 của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Cũng theo Luật sư Ánh, tai nạn nghề nghiệp là một sự rủi ro không thể tránh khỏi trong quá trình thực hiện các biện pháp y tế, tuy nhiên điều này có thể đối diện với pháp luật hình sự, đặc biệt là trường hợp bác sĩ vô ý làm chết người bệnh. Việc này quy định tại Điều 129, Bộ luật Hình sự 2015 có quy định về tội "Vô ý làm chết người" do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính là “Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính”.
Theo đó, có thể hiểu nếu trong quá trình chữa bệnh mà vì không thực hiện đúng quy định về chuyên môn kỹ thuật, vi phạm quy tắc nghề nghiệp và chết người thì bác sĩ phải chịu trách nhiệm với tội danh vô ý làm chết người.
Tại Điều 11, Bộ luật Hình sự 2015 thì các trường hợp vô ý phạm tội: Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được; Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
Qua đó, có thể thấy, bác sĩ khi chữa bệnh làm chết người thì có thể phạm tội vô ý làm chết người. Bởi các lẽ sau: Đã có hậu quả là làm chết người. Sinh mệnh của một người đã không còn nữa. Hành vi làm chết người của bác sĩ đã xâm phạm trực tiếp đến quyền sống, quyền cơ bản của con người; Bác sĩ là người có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, thỏa mãn về điều kiện độ tuổi… quy định trong Bộ luật Hình sự 2015; Khi chữa bệnh mà dẫn đến hậu quả chết người thì rõ ràng bác sĩ vì quá cẩu thả hoặc vì quá tự tin nên không ngăn cản được hậu quả chết người xảy ra; Bởi vì bác sĩ có thể thấy trước hoặc dù không thấy trước được hậu quả sẽ làm chết người nhưng lại nghĩ nó sẽ không xảy ra hoặc bản thân có thể ngăn ngừa được điều đó.
Bởi vậy, nếu bởi vì không thực hiện đầy đủ các quy tắc của nghề nghiệp thì khi bác sĩ chữa bệnh mà làm chết người thì có phạm tội và chịu trách nhiệm hình sự.
PV
Luật sư: 'Quyền kinh doanh IP Wolfoo của Sconnect không bị ảnh hưởng'