Ảnh minh họa.
Mục tiêu xây dựng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Mục tiêu xây dựng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là góp phần hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; tiếp tục khẳng định bản chất của nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân là người chủ của đất nước.
Xây dựng cơ sở pháp lý và cơ chế để nhân dân thực hiện quyền làm chủ đã được Hiến pháp năm 2013 quy định tại Điều 28: Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.
Dự thảo cũng khắc phục những hạn chế, bất cập phát sinh trong thực tiễn thi hành Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 20/4/2007 về việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, Nghị định số 04/2015/NĐ-CP về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở nơi làm việc quy định tại mục 2 Chương 5 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.
Một số điểm mới của Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có những điểm mới so với các quy định cũ như sau:
Quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở
Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị định số 04/2015/NĐ-CP của Chính phủ... đã quy định về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể thực hiện dân chủ ở cơ sở theo hướng lồng ghép trong các quy định về nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục thực hiện dân chủ ở cơ sở. Với tính chất là văn bản luật của Quốc hội thể chế hóa quyền dân chủ của nhân dân trong Hiến pháp năm 2013, Dự án Luật đã quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Theo đó, ngoài các quyền được cung cấp thông tin, tham gia ý kiến, quyết định các nội dung theo quy định của Pháp lệnh, Dự án Luật bổ sung quyền được ủy quyền thực hiện dân chủ ở cơ sở và quyền khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đồng thời quy định các nghĩa vụ tuân thủ quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; nghĩa vụ tham gia ý kiến vào các nội dung, vấn đề được lấy ý kiến, chịu trách nhiệm trước pháp luật về ý kiến tham gia của mình hoặc của người đại diện theo ủy quyền; chấp hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền; kịp thời phản ánh, kiến nghị, báo cáo cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Bổ sung các nội dung và đa dạng hóa hình thức công khai thông tin
Để nhân dân thực hiện tốt hơn quyền làm chủ của mình, Dự án Luật đã quy định theo hướng bổ sung các nội dung mà chính quyền cấp xã phải công khai rộng rãi để người dân được biết, tăng trách nhiệm giải trình và tính công khai, minh bạch trong hoạt động của chính quyền cấp xã phù hợp với quy định của Luật Tiếp cận thông tin.
Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin của các đối tượng gặp khó khăn trong việc tiếp cận như người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, Dự án Luật quy định một số hình thức công khai thông tin đặc thù phù hợp với các đối tượng này nhằm bảo đảm quyền bình đẳng của công dân thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Về nghị quyết của cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố
Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 chưa quy định về hình thức thể hiện quyết định của cộng đồng dân cư. Trên thực tế, có trường hợp các nội dung do nhân dân quyết định được thể hiện trong biên bản họp thôn, tổ dân phố; có trường hợp không được ghi thành văn bản. Để tăng cường giá trị quyết định của nhân dân, đồng thời bảo đảm thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện các quyết định của nhân dân, Dự án Luật quy định quyết định của nhân dân được thể hiện dưới hình thức văn bản là nghị quyết của cộng đồng dân cư, đồng thời quy định cụ thể hiệu lực thi hành và việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ nghị quyết của cộng đồng dân cư.
Quy định về trách nhiệm giải trình của chính quyền cấp xã trong quá trình ban hành các quyết định hành chính bất lợi cho công dân hoặc liên quan đến lợi ích của cộng đồng
Dự án Luật bổ sung dự thảo quyết định hành chính của ủy ban nhân dân cấp xã có liên quan đến lợi ích cộng đồng là một trong những nội dung phải được lấy ý kiến nhân dân trước khi cơ quan có thẩm quyền ban hành. Đối với trường hợp ủy ban nhân dân cấp xã ban hành quyết định hành chính bất lợi cho đối tượng thi hành, dự thảo quy định trách nhiệm của ủy ban nhân dân cấp xã trong việc tạo điều kiện cho đối tượng thi hành quyết định hành chính, bên thứ ba có ý kiến bằng văn bản hoặc được trình bày trực tiếp nếu người đó có yêu cầu. Các ý kiến của nhân dân, ý kiến của đối tượng thi hành quyết định hành chính phải được tổng hợp, tiếp thu hoặc giải trình trong quá trình ban hành quyết định.
Quy định rõ trách nhiệm thực hiện dân chủ ở cơ sở
Dự án Luật quy định cụ thể trách nhiệm của các chủ thể gồm chính quyền địa phương cấp xã, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã; người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện dân chủ tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; người sử dụng lao động trong việc tổ chức và bảo đảm thực hiện dân chủ tại cơ sở.
Một số góp ý vào dự thảo Luật Thực hiện dân chủ cơ sở
Dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở gồm 7 chương, 74 điều quy định về nội dung, hình thức, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Trên cơ sở nghiên cứu nhằm đóng góp ý kiến hoàn thiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, qua thực tiễn hành nghề, thực tiễn tuyên truyền pháp luật, luật sư có một số góp ý như sau:
Khoản 3 Điều 7 Dự thảo Luật quy định cấm lợi dụng việc thực hiện dân chủ để thực hiện hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội”. Chúng tôi đề nghị xem xét, bổ sung thêm quy định lợi dụng việc thực hiện dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân như đã quy định tại khoản 4 Điều 4 Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 về việc thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.
Tại điểm g khoản 1 Điều 10 dự thảo Luật quy định về các hình thức, thời điểm công khai thông tin để nhân dân biết: “Thông qua mạng xã hội zalo, viber, facebook theo quy dịnh của pháp luât, bảo đảm phù hợp với mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tại cấp xã và tại thôn, tổ dân phố”.
Theo Luật An ninh mạng năm 2018, không gian mạng là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Luật này không quy định cụ thể tên các trang mạng xã hội được truy cập. Đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc dùng cụm từ “zalo, viber, facebook”, vì hiện có rất nhiều trang mạng xã hội được nhiều người quan tâm. Việc người dân sử dụng mạng xã hội nào còn tùy thuộc vào sự phát triển của không gian mạng qua từng giai đoạn. Quy định cụ thể tên mạng xã hội có thể dẫn đến việc hạn chế phương diện tiếp cận của nhân dân, không bắt kịp sự thay đổi của không gian mạng. Việc quy định các trang mạng xã hội nói chung sẽ tạo điều kiện để công khai thông tin một cách linh hoạt, đến được với nhiều người dân nhất theo từng giai đoạn phát triển của công nghệ thông tin.
Điều 32 dự thảo Luật quy định về hình thức nhân dân giám sát, cụ thể:
“Nhân dân thực hiện giám sát thông qua các hình thức sau:
1. Thông qua hoạt động giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật của Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp.
2. Thông qua hoạt động giám sát của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng và các tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư.
3.Thông qua hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp.
4. Thông qua hoạt động tiếp công dân, tiếp xúc cử tri, đối thoại giữa nhân dân với chính quyền địa phương”.
Đề nghị bổ sung hình thức giám sát “Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng”. Thông tin đại chúng được hiểu là hệ thống các phương tiện truyền thông hướng tác động vào đông đảo công chúng xã hội (nhân dân các vùng miền, cả nước, khu vực hay cộng đồng quốc tế) nhằm thông tin, chia sẻ, tập hợp, giáo dục, thuyết phục và tổ chức đông đảo quần chúng nhân dân tham gia giải quyết các vấn đề kinh tế - văn hóa - xã hội. Hiện nay các phương tiện thông tin đại chúng rất phát triển, người dân tiếp nhận rất nhiều tin tức chính thống, kịp thời thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Việc quy định hình thức giám sát của nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng phù hợp với Luật Tiếp cận thông tin hiện hành. Điều 18 khoản 1 Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 quy định các hình thức công khai thông tin bao gồm: đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước; công khai trên phương tiện thông tin đại chúng; đăng Công báo; niêm yết tại trụ sở cơ quan nhà nước và các địa điểm khác; thông qua việc tiếp công dân, họp báo, thông cáo báo chí, hoạt động của người phát ngôn của cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật; các hình thức khác thuận lợi cho công dân do cơ quan có trách nhiệm công khai thông tin xác định.
Điều 20 Luật này cũng quy định cơ quan nhà nước cung cấp thông tin có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời cho cơ quan thông tin đại chúng những thông tin theo quy định của pháp luật phải được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Việc đăng, phát thông tin trên báo chí thực hiện theo quy định của pháp luật về báo chí. Khi đăng, phát thông tin, cơ quan thông tin đại chúng phải bảo đảm tính đầy đủ, chính xác, kịp thời của thông tin.
Như vậy, qua các kênh thông tin, người dân có thể tiếp cận được hoạt động của các cơ quan nhà nước, cùng với đó nhân dân sẽ giám sát ngược lại các hoạt động của cơ quan nhà nước nhằm bảo đảm việc thực hiện quyền tự do dân chủ của mình. Với cơ chế tự do, dân chủ như ở Việt Nam hiện nay, việc sử dụng thông tin đại chúng vào quá trình giám sát được xem là một hướng đi đúng đắn và tất yếu đối với cả công dân và nhà nước để hoạt động kiểm soát phổ biến hơn, đạt hiệu quả cao hơn.
Thạc sĩ, Luật sư PHẠM THỊ BÍCH HẢO
Công ty luật TNHH Đức An
Lãi suất chậm thanh toán trong tranh chấp hợp đồng xây dựng: Thực tiễn xét xử và hướng giải quyết