/ Tin thế giới
/ Hàn Quốc áp dụng chính sách cắt giảm tiếp xúc giữa người với người

Hàn Quốc áp dụng chính sách cắt giảm tiếp xúc giữa người với người

12/12/2021 02:12 |

(LSVN) - Chính phủ Hàn Quốc đã đầu tư mạnh vào việc loại bỏ dần sự tiếp xúc của con người trong nhiều khía cạnh cuộc sống. Tuy nhiên, điều này lại gây lo ngại về hậu quả lâu dài liên quan đến xã hội.

Sự cô lập xã hội là một trong những lo ngại liên quan đến phát triển kinh tế "không tiếp xúc" tại Hàn Quốc. Ảnh: AFP.

Với cô Lee Su-bin (25 tuổi) tại Seoul, việc chuyển sang cách sống mới trong đại dịch không phải điều quá khó khăn. Cô chia sẻ: “Ở thư viện đại học, tôi sẽ đặt sách trực tuyến, sau đó sách được khử trùng rồi chuyển đến tủ để tôi có thể đến nhận. Không tiếp xúc đã khiến nhiều khía cạnh cuộc sống trở nên tiện dụng hơn”.

Được ra mắt năm 2020, “không tiếp xúc” là chính sách của chính phủ Hàn Quốc hướng tới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng việc giảm tương tác của con người khỏi xã hội. Chính sách này đã tăng tốc trong dịch Covid-19 và mở rộng ra nhiều lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, kinh doanh và giải trí. Tờ Guardian (Anh) cho biết việc thúc đẩy hình thành các dịch vụ không tiếp xúc nhằm tăng hoạt động và giảm quan liêu nhưng lại gây lo ngại về hậu quả xã hội.

Giáo sư Choi‬ Jong-ryul tại Đại học Keimyung (Hàn Quốc) cho biết có lợi ích trong việc phát triển xã hội “không tiếp xúc” nhưng nó cũng đe dọa tới tính kế nối của xã hội và có thể dẫn đến cô lập các cá nhân.

Từ robot tới sự pha trộn giữa thế giới thực và thế giới ảo

Trong cuộc sống hàng ngày, những thay đổi nhỏ do “không tiếp xúc” dẫn đến ngày càng trở nên đáng chú ý. Đó là cảnh tượng robot pha cà phê, phục vụ đến tận bàn cho thực khách. Tại bệnh viện Yongin ở Gyeonggi-do, còn có sự hiện diện của robot khử trùng Keemi, xịt nước sát khuẩn, kiểm tra thân nhiệt, theo dõi giãn cách xã hội và “khuyên” mọi người đeo khẩu trang.

Các cửa hàng không người quản lý cũng đang nở rộ tại Hàn Quốc. LG Uplus gần đây mở một vài cửa hàng điện thoại “không tiếp xúc” nơi khách hàng có thể so sánh các mẫu điện thoại, ký hợp đồng và nhận sản phẩm mà không cần tương tác với nhân viên. Các dịch vụ công cũng đang thay đổi. Thành phố Seoul dự kiến thiết lập “metaverse”- sự pha trộn giữa thế giới thực và thế giới ảo nhờ công nghệ mới- nơi các nhân viên công vụ ảo giải quyết yêu cầu của người dân.

Một số chính quyền địa phương Hàn Quốc còn thiết lập tổng đài tư vấn viên ảo trí thông minh nhân tạo (AI) để theo dõi sức khỏe của những cá nhân đang tự cách ly. Các bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà cũng sử dụng ứng dụng điện thoại của chính phủ để có thể liên lạc qua video với các bác sĩ.

Thúc đẩy kinh tế

“Không tiếp xúc” còn đại diện cho cơ chế kinh tế tiềm năng của Hàn Quốc. Bộ trưởng các doanh nghiệp vừa-nhỏ và khởi nghiệp Hàn Quốc Kwon Chil-seung chia sẻ: “Những công ty không tiếp xúc cho thấy hiệu quả tăng trưởng lớn hơn trong thu hút đầu tư và tạo việc làm so với các công ty duy trì tương tác trực tiếp”. Bộ các doanh nghiệp vừa-nhỏ và khởi nghiệp Hàn Quốc cũng bơm 7,6 tỉ USD vào “quỹ phát triển không tiếp xúc” để đến năm 2025 tìm và hỗ trợ 1.200 công ty khởi nghiệp. Thay đổi này nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Viện Seoul đã khảo sát và 80% người dân tại thủ đô từng tham gia vào các hoạt động không tiếp xúc cho biết họ sẽ tiếp tục duy trì điều này ngay cả khi dịch Covid-19 hạ nhiệt.

Nhà xã hội học Choi‬ Jong-ryul đánh giá việc “không tiếp xúc” đem lại một số lợi ích nhưng lo ngại về cảm xúc cô đơn vẫn duy trì. Hàn Quốc gần đây đã công bố kế hoạch đầu tư 25,4 triệu USD cho nghiên cứu về điều trị trầm cảm. Dự án được khởi động sau quãng thời gian thiếu tiếp xúc giữa con người do dịch Covid-19.

Dịch vụ AI Care của công ty SK Telecom cũng đang được triển khai khắp Hàn Quốc, tạo điều kiện cho người cao tuổi sống một mình tương tác với loa trí tuệ nhân tạo, đề nghị thiết bị này chơi nhạc, hội thoại đơn giản hoặc giúp đỡ trong tình huống khẩn cấp. AI Care được đánh giá đã giúp giảm cô đơn cho những người sử dụng. Lee Su-bin chia sẻ mặc dù cô không gặp vấn đề trong sử dụng công nghệ “không tiếp xúc” tại các cửa hàng không nhân viên nhưng cô vẫn lo ngại nhiều người sẽ bỡ ngỡ với thay đổi này. Lee Su-bin nói: “Tôi đã giúp đỡ một cụ ông tại cửa hàng tự động để đặt đồ ăn”.

Bộ trưởng Kwon Chil-seun thừa nhận vẫn tồn tại thách thức đối với những trường hợp tụt lại phía sau trong thay đổi điện tử đột ngột. Và ông đánh giá chính phủ Hàn Quốc cần thi hành các chính sách và quy định để “tạo cân bằng”.

TTXVN

Cựu Phó Chủ tịch Hạ viện Indonesia bị truy tố

Lê Minh Hoàng