Ảnh minh họa
Liên quan đến vụ việc khách mua 3 trái dứa giá 500.000 đồng và gây ra cãi cọ không đáng có ở Hà Nội nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là có biện pháp lâu dài, khả thi để hạn chế, giải quyết dứt điểm tình trạng này. Trong đó, ý kiến đề xuất có nên niêm yết giá đối với hàng rong cũng gây ra tranh luận khá sôi nỗi trên một số diễn đàn.
Câu hỏi đặt ra là nên hay không việc bắt buộc các gánh hàng rong cũng phải niêm yết giá công khai? Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng việc niêm yết giá đối với các gánh hàng rong là cần thiết, hợp lý. Bởi lẽ, theo nguyên tắc thì khi kinh doanh, mua bán bất cứ loại hàng hóa nào cũng đều phải niêm yết giá công khai. Do đó, mặc dù gánh hàng rong thường chỉ bán các loại hàng hóa giá trị thấp nhưng lại không cố định, không có địa điểm cụ thể, 'nay đây, mai đó' nên cần phải niêm yết, công khai giá bán là cần thiết.
Việc niêm yết giá là để người mua, nhất là khách du lịch, khách vãng lai biết, cân nhắc trước khi mua hàng. Điều này rất quan trọng nhằm tránh trường hợp thổi giá, 'chặt chém', hay cùng một mặt hàng nhưng bán cho mỗi người một giá khác nhau hoặc người bán và người mua kỳ kèo trả giá, tranh cãi về giá cả không cần thiết, đôi khi dẫn đến tranh cãi, thực hiện hành vi thiếu văn hóa.
Bên cạnh đó, cần quy định người bán hàng rong, nhất là những người thường xuyên bán ở khu vực hoặc đường phố nhất định nào đó phải có thẻ bán hàng có dán ảnh và họ tên rõ ràng. Theo đó, người bán hàng có thể tự làm thẻ đeo theo mẫu do cơ quan quản lý nhà nước hoặc chính quyền địa phương cơ sở quy định. Như vậy, những người này sẽ được phần nào có sự quản lý, răn đe, phòng ngừa được việc 'chặt chém' hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác của những người bán hàng rong.
Ngoài ra, việc công khai niêm yết giá và buộc người bán hàng rong phải có danh tính rõ ràng - đây cũng là cách làm hay tạo ra nét văn hóa, văn minh, lịch sự và tạo ra sự yên tâm, tâm lý tin tưởng cho du khách khi tham quan, mua bán, trao đổi với người bán hàng rong, thu hút được đông đảo khách du lịch đến với đất nước ta. Đối với người hành nghề bán hàng rong cũng nhận thấy có sự ràng buộc, theo dõi, quản lý từ chính quyền. Từ đó, họ có ý thức hơn trong buôn bán và chấp hành pháp luật cũng như tự kiềm chế bản thân để không gây ra các hành vi sai phạm hoặc không phù hợp với thuần phong mỹ tục, đạo đức văn hóa của dân tộc.
Thiết nghĩ, đây là các biện pháp khá đơn giản, dễ thực hiện nhưng mang tính khả thi cao nhằm giúp việc quản lý các gánh hàng rong được hiệu quả. Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng tăng cường công tác tuyên truyền người kinh doanh, người dân nói chung và người bán hàng rong nói riêng về đạo đức trong kinh doanh, buôn bán. Xử lý nghiêm cấm các hành vi thiếu chuẩn mực trong giao tiếp, mua bán, nhất là hành vi 'chặt chém' du khách phản cảm.
Theo tác giả, nếu làm tốt các biện pháp này không chỉ xử lý tình trạng 'chặt chém' mà còn là giải pháp rất hữu ích góp phần thu hút khách du lịch cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, những người phải dựa vào gánh hàng rong để kiếm kế sinh nhai, nuôi sống bản thân và gia đình.
Thạc sĩ PHẠM VĂN CHUNG
Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum
Thu hút nhân lực chất lượng cao trong khu vực công: Thực trạng pháp luật và kiến nghị hoàn thiện