Ảnh minh họa.
Điều 3 của Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948 ghi nhận: “Ai cũng có quyền được sống, tự do, và an toàn thân thể.” Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị cũng khuyến khích các quốc gia bãi bỏ hoặc hạn chế dần và có lộ trình để tiến tới xóa bỏ hình phạt tử hình. Quyền sống cũng là quyền cơ bản và quan trọng nhất của con người, được Hiến pháp nước ta ghi nhận, cụ thể tại Điều 19 Hiến pháp năm 2013 quy định “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”. Vơi tư cách là thành viên của đa số các Công ước quốc tế về nhân quyền, Việt Nam đã có những biện pháp để thực hiện tích cực nghĩa vụ của quốc gia thành viên, trong đó thành tựu nổi bật là sự nội luật hóa các quy định của công ước quốc tế trong việc đảm bảo quyền con người, đặc biệt là quyền sống. Hình phạt tử hình đã được ghi nhận từ rất lâu và đến các Bộ luật Hình sự (BLHS) sau này, hình phạt tử hình vẫn có vai trò là hình phạt chính trong hệ thống hình phạt. Tuy nhiên, Việt Nam đã dần hạn chế hình phạt tử hình trong BLHS và cả việc áp dụng trên thực tế. Mặc dù có nhiều cố gắng để thực hiện khuyến nghị của Công ước về các quyền dân sự và chính trị về hạn chế và dần xóa bỏ hình phạt tử hình nhưng Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn và cần nghiên cứu, đánh giá toàn diện các mặt để xem xét có nên loại bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình hay chỉ hạn chế trong một số tội phạm. Pháp luật của một số quốc gia trên thế giới đã đạt được những thành tựu đáng kể về vấn đề này như Trung Quốc, Liên Bang Nga, Canada và có thể tham khảo những kinh nghiệm quý báu cho Việt Nam về hoàn thiện khung pháp lý cho hình phạt tử hình.
Hình phạt tử hình trong pháp luật hình sự quốc tế và một số quốc gia
Hình phạt tử hình được đề cập khá cụ thể trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) năm 1989. Công ước này có hiệu lực từ ngày 23/3/1976 và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là khung pháp lý quốc tế quan trọng về vấn đề hình phạt tử hình – Một vấn đề còn gây tranh cãi và có nhiều luồng quan điểm liên quan đến việc có nên duy trì hình phạt tử hình trong hệ thống pháp luật hình sự quốc gia hay không? Hình phạt tử hình là việc tước bỏ mạng sống của người khác, vậy nó có xâm phạm đến quyền sống của con người hay không? Hình phạt tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất, tuy nhiên việc áp dụng nó có giúp phòng, chống tội phạm hay không?... Hiện nay, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị đã có 168 quốc gia trên thế giới đã phê chuẩn công ước này (tính đến tháng 7/2015) và Việt Nam cũng là một quốc gia tham gia vào Công ước này khá sớm, cụ thể là Việt Nam đã gia nhập Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1982, chỉ sau 06 năm sau khi Công ước này có hiệu lực. Như vậy có thể thấy, Việt Nam là một quốc gia rất coi trọng quyền con người, vấn đề nhân quyền luôn được Đảng và nhà nước ta quan tâm đúng mực. Công ước ICCPR có ý nghĩa đặc biệt lớn về vấn đề nhân quyền, nó điều chỉnh những quyền cơ bản của con người thuộc phạm trù các quyền dân sự và chính trị. Các bên tham gia ký kết sẽ phải tôn trọng các quyền dân sự và chính trị của từng cá nhân bao gồm quyền sống, quyền tự do tôn giáo, tự do phát biểu, tự do hội họp, quyền bầu cử và quyền được xét xử bình đẳng và theo đúng trình tự pháp luật…Các quốc gia có thể xem xét tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, truyền thống pháp luật của quốc gia mình để tự quyết định có tham gia vào công ước này hay không, khi đã tham gia vào công ước thì quốc gia đó có trách nhiệm phải thực thi các quy định của Công ước sao cho phù hợp với đặc điểm của quốc gia nhất.
Điều 6 Công ước ICCPR quy định về quyền sống của con người và hình phạt tử hình. Khoản 1 Điều 6 Công ước này đã khẳng định quyền sống của con người là quyền cố hữu, không ai được tước bỏ quyền này một cách trái pháp luật, cụ thể: “Mọi người đều có quyền cố hữu là được sống. Quyền này phải được pháp luật bảo vệ. Không ai có thể bị tước mạng sống một cách tuỳ tiện.”. Như vậy, quyền sống được Công ước quy định rất rõ và các quốc gia thành viên có nghĩa vụ phải tôn trọng và bảo vệ quyền sống của con người. Tuy nhiên, việc bảo đảm quyền sống của con người theo Công ước không đồng nghĩa với việc duy trì hình phạt tử hình là vi phạm quyền sống của con người. Hình phạt tử hình hiện nay còn được quy định trong pháp luật hình sự của khá nhiều quốc gia. Trong các quốc gia còn duy trì hình phạt tử hình thì việc xóa bỏ hoàn toàn hình phạt này còn chưa phù hợp vào thời điểm hiện tại vì những lý do riêng của quốc gia đó. Công ước ICCPP cũng không có điều khoản nào bắt buộc các quốc gia thành viên phải xóa bỏ hình phạt tử hình, tuy nhiên các quốc gia có nghĩa vụ phải hạn chế sử dụng nó, có thể là giảm số tội phạm có áp dụng hình phạt tử hình và việc áp dụng hình phạt này trên thực tế.
Khoản 2 Điều 6 Công ước ICCPR đã thể hiện rõ quan điểm phải hạn chế việc áp dụng hình phạt tử hình như sau: “2. Ở những nước mà hình phạt tử hình chưa được xoá bỏ thì chỉ được phép áp dụng án tử hình đối với những tội ác nghiêm trọng nhất, căn cứ vào luật pháp hiện hành tại thời điểm tội phạm được thực hiện và không được trái với những quy định của Công ước này và của Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng. Hình phạt tử hình chỉ được thi hành trên cơ sở bản án đã có hiệu lực pháp luật, do một toà án có thẩm quyền phán quyết.”
Công ước đã đặt ra một giới hạn để các quốc gia chưa thể xóa bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình có thể dựa vào để phần nào hạn chế được việc quy định và áp dụng hình phạt tử hình, khiến các quốc gia thành viên không quy định và sử dụng hình phạt tử hình một cách bừa bãi, tùy tiện. Trước hết Công ước quy định hình phạt tử hình chỉ được phép áp dụng đối với những tội ác nghiêm trọng nhất, căn cứ vào luật pháp hiện hành tại thời điểm tội phạm được thực hiện và không được trái với các quy định của Công ước ICCPR và công ước ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng. Hình phạt tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt, nó tước bỏ tính mạng của người phạm tội, cách ly vĩnh viễn họ ra khỏi xa hội. Do vậy, việc công ước giới hạn áp dụng hình phạt tử hình đối chỉ được sử dụng đối với những tội ác nghiêm trọng nhất là phù hợp, chỉ những tội phạm nghiêm trọng nhất mà xem xét thấy rằng không có khả năng cải tạo, giáo dục người phạm tội thì mới phải sử dụng đến hình phạt tử hình để phần nào có ý nghĩa phòng ngừa chung. Vậy thế nào là tội ác nghiêm trọng nhất phải dựa trên những quy định của pháp luật quốc gia vào thời điểm phạm tội. Điều này có thể có sự khác biệt trong vấn đề phân loại tội phạm của các quốc gia nhưng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc chung theo Công ước ICCPR là “nghiêm trọng nhất”. Một vấn đề nữa là việc thi hành hình phạt tử hình, hình phạt này chỉ được thi hành trên cơ sở bản án đã có hiệu lực pháp luật, do một tòa án có thẩm quyền phán quyết. Điều này có ý nghĩa đảm bảo hình phạt tử hình không bị áp dụng một cách tùy tiện, bởi lẽ, hình phạt này là tước bỏ mạng sống của người phạm tội, do vậy, nếu không trải qua quá trình tố tụng chặt chẽ thì sẽ rất dễ dẫn đến vấn đề oan sai và không có khả năng khôi phục.
Nếu như các hình phạt khác như phạt tù, phạt tiền… có thể khắc phục được sai sót bằng một số biện pháp như thả tự do, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại cho người bị kết án oan thì khi hình phạt tử hình đã được thi hành thì các biện pháp khắc phục không thể thực hiện được và không có ý nghĩa trên thực tế. Việc đặt ra giới hạn áp dụng hình phạt tử hình cũng là một cách thức bảo đảm quyền sống của con người, đảm bảo các quốc gia phải có hệ thống pháp luật hình sự chặt chẽ, quy định rõ tội phạm được áp dụng hình phạt tử hình và có quy định cụ thể về việc thi hành hình phạt này để đảm bảo không có sai sót khi áp dụng hình phạt tử hình.
Công ước ICCPR cũng ghi nhận quyền được xin ân giảm hoặc thay đổi mức hình phạt. Tại khoản 4 Điều 6 của Công ước đã ghi nhận: “4. Bất kỳ người nào bị kết án tử hình đều có quyền xin ân giảm hoặc xin thay đổi mức hình phạt. Việc ân xá, ân giảm hoặc chuyển đổi hình phạt tử hình có thể được áp dụng đối với mọi trường hợp.” Khi bị tuyên án tử hình, điều này chưa đồng nghĩa với việc người phạm tội đương nhiên sẽ bị thi hành án tử hình, công ước ghi nhận quyền được xin ân giảm hoặc thay đổi mức hình phạt, chuyển sang hình phạt khác. Đây được coi là cơ hội cuối cùng để người phạm tội có thể “thoát án tử” trước khi bị thi hành. Quy định này mang tính nhân đạo rất cao, mặc dù có đủ điều kiện để áp dụng án tử hình nhưng nếu được xem xét lại thì vẫn có thể được ân giảm chuyển sang loại hình phạt khác nhẹ hơn và việc xin ân giảm không bị giới hạn mà được áp dụng trong mọi trường hợp.
Đặc biệt tại khoản 5 Điều 6 của Công ước có quy định bắt buộc các quốc gia thành viên phải chấp hành đó là không được phép tuyên án tử hình với người dưới 18 tuổi và không được thi hành án tử hình đối với phụ nữ đang mang thai. Người dưới 18 tuổi là người chưa thành niên, tâm sinh lý chưa phát triển hoàn thiện, nhận thức còn chưa đầy đủ nên mặc dù phạm “tội ác nghiêm trọng nhất” thì họ vẫn có cơ hội được làm lại cuộc đời, không bị tước đoạt mạng sống. Đây là chính sách pháp luật nhân đạo được áp dụng riêng đối với người dưới 18 tuổi, họ cần thiết phải được đối xử nhân đạo hơn đối với những người phạm tội đã đủ 18 tuổi khi mà họ có thể nhận thức đầy đủ về hành vi phạm tội của mình. Đối với việc không thi hành án tử hình đối với phụ nữ đang mang thai, đây cũng là quy định rất nhân đạo bởi lẽ, phụ nữ mang thai là người đang mang sinh mệnh của hai hoặc ba con người, đứa trẻ trong bụng mẹ không có lỗi nên không thể bị tước đoạt tính mạng khi chưa chào đời. do vậy, cần thiết phải có quy định không thi hành hình phạt tử hình đối với phụ nữ đang mang thai để trao cho đứa trẻ có cơ hội được sống, quyền mà mọi người đều được công nhận và bảo vệ.
Ngoài những nội dung được ghi nhận chính thức tại Công ước ICCPR, Bình luận chung số 06 (năm 1982), Ủy ban Nhân quyền - cơ quan được lập ra để giám sát việc thực hiện Công ước này của các quốc gia thành viên đã bổ sung một số khía cạnh về nội hàm của quyền sống. Ngoài ra còn có Bình luận chung số 14 (năm 1984) của Ủy ban nhân quyền cũng ghi nhận những hành vi bị coi là tội ác chống nhân loại, quyền được sống trong môi trường hòa bình... Các quốc gia thành viên còn áp dụng hình phạt tử hình có nghĩa vụ bảo đảm những thủ tục tố tụng trong những vụ việc mà bị can, bị cáo bị xét xử với mức án tử hình phải được thực hiện bằng cách công bằng nhất, bao gồm những khía cạnh như không áp dụng hiệu lực hồi tố, xét xử [1] công khai, được giả định vô tội, bảo đảm các quyền bào chữa, kháng cáo và xin ân giảm…
Pháp luật hình sự Trung Quốc
Mặc dù Trung Quốc vẫn là một quốc gia còn duy trì hình phạt tử hình nhiều nhất trên thế giới, nhưng việc áp dụng hình phạt tử hình ở quốc gia này lại đi kèm với hình thức ân xá 02 năm, đây được coi là một chính sách hình phạt độc đáo, cho phép bị án bị tuyên án tử hình có thể được giảm xuống tù chung thân, tù có thời hạn 25 năm nếu người bị kết án đáp ứng được các điều kiện theo quy định của BLHS. Bên cạnh đó, một số tội danh mà Việt Nam hiện nay vẫn còn quy định hình phạt tử hình nhưng Trung Quốc đã không quy định hình phạt tử hình đối với một số tội danh đó nhưng vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Ngoài ra, Trung Quốc là quốc gia láng giềng của Việt Nam, cùng theo chế độ xã hội chủ nghĩa và hiện nay còn duy trì hình phạt tử hình nên việc nghiên cứu hình phạt tử hình theo pháp luật hình sự Trung Quốc sẽ giúp có những kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc hoàn thiện chế định này.
Hiện nay rất nhiều quốc gia đã loại bỏ hình phạt tử hình ra khỏi hệ thống hình phạt, Trung Quốc là một quốc gia điển hình ở Châu Á trong việc áp dụng hình phạt tử hình, vẫn duy trì hình phạt này và được đánh giá là quốc gia áp dụng nhiều nhất án tử hình trong năm 2023[2]. Tuy nhiên, BLHS Trung Quốc lại có một số điểm rất sáng trong việc hạn chế áp dụng hình phạt tử hình, đáp ứng được yêu cầu đặt ra của Công ước quốc tế về các quyền chính trị và dân sự. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, tại Điều 48 BLHS Trung Quốc có quy định: “Tử hình chỉ được áp dụng với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng”, điều này là phù hợp với khoản 2 Điều 6 Công ước ICCPR khi công ước này đặt ra giới hạn áp dụng hình phạt tử hình đối với tội ác nghiêm trọng nhất. BLHS năm 1979 của Trung Quốc có 74 tội danh có quy định hình phạt tử hình, đến BLHS năm 1997 có 68 tội danh có quy định hình phạt tử hình. BLHS năm 1997 đã được sửa đổi vào năm 2011, hình phạt tử hình vẫn được quy định nhưng số tội danh có quy định hình phạt này đã giảm 13 tội, chỉ còn 55 tội danh. Khi được sửa đổi lần tiếp theo vào năm 2015 đã giảm thêm 09 tội danh có quy định hình phạt tử hình, chỉ còn 46 tội danh có thể áp dụng hình phạt này. Điều này cho thấy Trung Quốc cũng đang có những nỗ lực đáng kể trong việc giảm số tội danh có quy định hình phạt tử hình, đi đúng xu hướng hình phạt trên thế giới và đáp ứng các yêu cầu của công ước ICCPR. Các tội danh hiện nay còn quy định hình phạt tử hình trong BLHS Trung Quốc đó là: Các tội trong chương tội xâm phạm an ninh quốc gia nếu có hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng (07 tội danh); hành vi chế tạo, mua bán, vận chuyển, gửi bưu kiện, tàng trữ súng ống, đạn dược, chất nổ (Điều 125); hành vi trộm cắp, cướp giật súng ống, đạn dược, chất nổ, hoặc phạm tội trộm cắp, cướp giật mang tính nguy hại, phóng xạ, truyền nhiễm bệnh, gây hại đến trật tự công cộng (Điều 126); các tội trong chương tội phạm xâm phạm trật tự kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa như: Hành vi sản xuất, bán hàng thuốc giả với liều lượng đủ làm chết người hoặc gây tổn hại đặc biệt nghiêm trọng đến sức khỏe con người ở các điều: Điều 141 và Điều 144, hành vi buôn lậu (Điều 151), hành vi làm tiền giả (Điều 170), hành vi gian dối tiền tệ với số lượng đặc biệt lớn và gây tổn thất nặng nề cho Nhà nước và nhân dân (Điều 199), hành vi xâm phạm quản lý chứng từ thu thuế (Điều 205, Điều 206); các tội trong chương tội xâm phạm quyền tự do thân thể, quyền dân chủ của công dân như: Hành vi giết người (Điều 232), hành vi cố ý gây thương tích (Điều 234), hành vi hiếp dâm trẻ em (Điều 236), hành vi loạn luân với trẻ em (Điều 237), hành vi giam giữ trái pháp luật (Điều 238), hành vi bắt cóc (Điều 239), hành vi buôn bán người (Điều 240), hành vi tiến hành bức cung (Điều 247) và hành vi đánh đập, ngược đãi với những người bị giám quản (Điều 248); trong chương tội xâm phạm tài sản có hành vi cướp tài sản (Điều 263); các tội trong chương tội xâm phạm trật tự quản lý xã hội như hành vi gây rối trật tự công cộng (Điều 295), hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp (Điều 317), hành vi xâm hại việc quản lý di sản (Điều 328), hành vi buôn lậu, mua bán, vận chuyển và sản xuất ma túy (Điều 347, Điều 355), hành vi tổ chức, cưỡng bức bán dâm (Điều 358); các hành vi trong chương tội gây nguy hại cho lợi ích quốc phòng (Điều 369 và Điều 370); các tội trong chương tội vi phạm chức trách của quân nhân (từ Điều 420 đến Điều 451), có 12 hành vi có quy định hình phạt tử hình ở các điều: Điều 421, Điều 422, Điều 423, Điều 424, Điều 426, Điều 430, Điều 431, Điều 432, Điều 433, Điều 438, Điều 439, Điều 446 của BLHS Trung Quốc[3].
Thứ hai, BLHS Trung Quốc một quy định khá độc đáo, thể hiện sự nhân đạo trong chính sách hình phạt đối với người bị tuyên án tử hình. Đó là việc Tòa án có thể tuyên hoãn thi hành án tử hình sau 02 năm ngay tại thời điểm tuyên bản án tử hình nếu chưa cần thiết phải thi hành án ngay đối với người bị kết án tử hình. Và việc tuyên án tử hình cũng được thực hiện rất chặt chẽ, hạn chế thấp nhất sai sót, đó là trừ bản án tử hình do chính Tòa án nhân dân tối cao tuyên thì tất cả các bản án tử hình khác phải được gửi lên Tòa án nhân dân tối cao phê chuẩn. Tòa án nhân dân tối cao có thể quyết định hoặc phê chuẩn bản án tử hình được hoãn thi hành. Sau khi được hoãn thi hành án tử hình trong hai năm thì sẽ có 03 hướng xử lý như sau:
Nếu trong thời gian hoãn thi hành án tử hình, người bị kết án không cố ý phạm tội mới sẽ được giảm từ hình phạt tử hình xuống chung thân (Điều 50) BLHS. Như vậy, chỉ cần được hoãn thi hành án tử hình và không cố ý phạm tội mới trong thời hạn 02 năm hoãn thi hành thì sẽ được giảm xuống hình phạt tù chung thân mà không bị thi hành án tử hình.
Nếu trong thời gian hoãn thi hành án tử hình mà người bị kết án lập công lớn sẽ được giảm từ hình phạt tử hình xuống hình phạt tù từ 15 năm đến 20 năm. So với trường hợp ở trên, nếu người bị kết án lập công lớn trong thời hạn tạm hoãn thi hành án tử hình thì không những không phải thi hành án tử hình mà còn được giảm thẳng xuống hình phạt tù có thời hạn từ 15 năm đến 20 năm (trường hợp trên chỉ được giảm xuống hình phạt tù chung thân).
Nếu trong thời gian được tạm hoãn thi hành án tử hình mà người bị kết án cố tình phạm tội, được xác minh là đúng sự thật thì Tòa án ra phán quyết hoặc phê duyệt thi hành hình phạt tử hình.
Có thế thấy, BLHS Trung Quốc đã trao cho người bị kết án tử hình cơ hội được sống nếu trong thời gian được tạm hoãn thi hành án tử hình, người bị kết án không cố ý phạm tội hoặc hối cải lập công thì được giảm từ án tử hình xuống tù chung thân hoặc tù có thời hạn. Điều này cho thấy pháp luật hình sự Trung Quốc mặc dù vẫn còn quy định hình phạt tử hình trong nhiều tội danh nhưng việc quy định tạm hoãn thi hành và giảm xuống hình phạt tù là một quy định rất nhân đạo, trao cho người bị kết án cơ hội được sửa sai, cải tạo để có cơ hội được sống. Bên cạnh đó, việc hoãn thi hành án tử hình có thể giúp các cơ quan tiến hành tố tụng có thời gian phát hiện sai sót trong việc áp dụng hình phạt tử hình, có cơ hội để khắc phục sai sót đó, tránh việc tước đoạt tính mạng người khác sai pháp luật.
Thứ ba, không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa đủ 18 tuổi khi phạm tội, đối với phụ nữ có thai khi bị xét xử. “Khi xét xử” bao gồm cả thời gian giam giữ trước khi xử án, thời gian xét xử và thời gian thi hành án sau xét xử. Trong lần 8 sửa đổi, bổ sung BLHS đã bổ sung quy định “Người phạm tội khi xét xử đã quá 75 tuổi thì không áp dụng hình phạt tử hình, trừ trường hợp người phạm tội dùng phương thức đặc biệt tàn nhẫn để giết người”. Điều này khá phù hợp với quy định của Công ước ICCPR khi công ước này giới hạn phạm vi áp dụng hình phạt tử hình đó là “không được phép tuyên án tử hình với người dưới 18 tuổi và không được thi hành án tử hình đối với phụ nữ đang mang thai”[4]. Trung Quốc đã mở rộng giới hạn phạm vi này, không chỉ áp dụng đối với người dưới 18 tuổi và phụ nữ đang mang thai mà còn áp dụng với cả những người khi xét xử đã quá 75 tuổi, điều này đã thể hiện chính sách nhân đạo trong pháp luật hình sự Trung Quốc đối với những đối tượng yếu thế hơn.
Pháp luật hình sự Singapore
Thứ nhất, nếu như BLHS Việt Nam và nhiều nước khác có quy định cụ thể phạm vi áp dụng hình phạt tử hình là đối với những tội phạm nghiêm trọng nhất, thì trong BLHS Singapore lại không có điều luật nào quy định về phạm vi hình phạt tử hình mà phải căn cứ vào các quy định cụ thể của từng tội phạm mới có thể xác định được. Việc quy định thế nào là “tội ác nghiêm trọng nhất” phải do từng quốc gia, phụ thuộc vào tình hình cụ thể của quốc gia đó để quy định chứ không thể dùng một “mẫu số chung” cho tất cả các quốc gia.
Thứ hai, về phạm vi những đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình: Đối với đối tượng là người dưới 18 tuổi thì nếu theo Luật hình sự Việt Nam, người dưới 18 tuổi sẽ đương nhiên không bị áp dụng và không bị thi hành án tử hình, còn theo pháp luật hình sự Singapore thì việc quyết định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên cần phải được người đứng đầu nhà nước phê chuẩn. Tuy nhiên pháp luật hình sự Singapore vẫn thừa nhận việc không áp dụng hình phạt tử hình đối với đối tượng này như tại Điều 213 BLTTHS Singapore: “không áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội dưới 18 tuổi tại thời điểm phạm tội”. Đối với phụ nữ, trừ Liên Bang Nga không áp dụng hình phạt tử hình trong tất cả các trường hợp đối với phụ nữ (Điều 59 BLHS Liên Bang Nga) thì kể cả Việt Nam và các nước khác đều chỉ không áp dụng hình phạt tử hình đối với phụ nữ trong một số trường hợp. Luật hình sự Singapore chỉ quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với phụ nữ trong trường hợp đang mang thai khi xét xử (Điều 215 BLTTHS Singapore). Kể cả khi phạm tội người đó mang thai nhưng đến thời điểm xét xử đã sinh con thì vẫn bị áp dụng hình phạt tử hình[5]. Quy định này nghiêm khắc đối với phụ nữ hơn quy định của BLHS Việt Nam khi Việt Nam cho phép không áp dụng hình phạt tử hình đối với phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi xét xử. Luật hình sự Singapore không có quy định về vấn đề không thi hành án tử hình đối với một số đối tượng đặc biệt, đây là điểm khác biệt khá lớn so với BLHS Việt Nam.
Thứ ba, việc quy định hình phạt tử hình trong phần các tội phạm cụ thể. Luật hình sự Singapore có quy định hình phạt tử hình ở 04 nhóm tội phạm đó là các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm con người, các tội phạm về ma túy và các tội xâm phạm hoạt động tư pháp. Đối với nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội chống nhà nước được quy định tại Chương VI, VII BLHS Singapore và Luật an ninh trong nước Singapore, theo đó có 05 tội phạm có quy định hình phạt tử hình gồm tội đang tiến hành hoặc cố tình tiến hành chiến tranh hoặc xúi giục tiến hành chiến tranh chống chính quyền (Điều 121 BLHS Singapore); tội giết hại, gây thương tích hoặc giam cầm người đứng đầu nhà nước (Điều 121S BLHS Singapore); tội xúi giục dẫn đến bạo loạn chống nhà nước (Điều 132 BLHS Singapore); tội đem, tàng trữ, sử dụng vũ khí quân dụng, đạn dược hoặc chất nổ tại khu vực an ninh (Điều 58 Luật an ninh trong nước Singapore); tội cấu kết với người đem, tàng trữ vũ khí quân dụng, đạn dược hoặc chất nổ tại khu vực an ninh (Điều 59 Luật an ninh trong nước Singapore). BLHS Việt Nam có quy định tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của Việt Nam có hình phạt tử hình và được quy định trong chương các tội về xâm phạm an ninh quốc gia, trong khi tội này theo luật hình sự Singapore chỉ thuộc nhóm các tội xâm phạm tài sản và hình phạt cao nhất đối với tội này là tù chung thân. Đối với các tội cố ý xâm phạm con người được quy định trọng BLHS Singapore và luật về bắt cóc tống tiền.
Có 04 điều luật có quy định hình phạt tử hình đối với nhóm tội này bao gồm tội giết người (Điều 300 BLHS Singapore); tội xúi giục người dưới 18 tuổi, người điên, người mê sảng, người ngu ngốc, người đang trong tình trạng say tự sát dẫn đến người đó tự sát 9 Điều 305 BLHS Singapore); tội âm mưu giết người (Khoản 2 Điều 307 BLHS Singapore); tội bắt cóc tống tiền hoặc bắt cóc sau đó giết con tin (Điều 364 BLHS Singapore và Điều 3 Luật bắt cóc tống tiền); tội bắt có tống tiền hoặc bắt có để ép buộc chính quyền (Điều 364A BLHS Singapore). Một điểm khác biệt trong nhóm tội này giữa Singapore và Việt Nam đó là Singapore không quy định hình phạt tử hình đối với tội hiếp dâm và hiếp dâm trẻ em mà hình phạt cao nhất với các tội này chỉ là tù chung thân. Bởi một số quan điểm cho rằng không nên đặt các quyền được tôn trọng về tự do, nhân phẩm ngang với quyền sống của con người. Nếu hiếp dâm mà dẫn đến chết người thì mới nên quy định hình phạt tử hình trong trường hợp này. Đối với nhóm tội xâm phạm sở hữu, Singapore có quy định hình phạt tử hình đối với tội cướp của giết người (Điều 396 BLHS Singapore).
Đối với nhóm tội về xâm phạm trật tự quản lý kinh tế thì Singapore không áp dụng hình phạt tử hình đối với nhóm tội này. Đối với nhóm tội về ma túy thì Singapore được cho là một nước có hình phạt rất nghiêm khắc, có 03 tội quy định hình phạt tử hình gồm tội sản xuất trái phép chất ma túy; tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt chất ma túy; tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Đối với nhóm tội phạm về chức vụ, Singapore không có quy định hình phạt tử hình đối với nhóm tội này nhưng Singapore vẫn được đánh giá là nước có nên hành chính ít tham nhũng, khá tiến bộ, không cần quy định hình phạt tử hình nhưng bằng các biện pháp khác nhau, họ vẫn đạt được kết quả rất đáng để Việt Nam học tập. Đối với nhóm tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh, Singapore chỉ quy định hình phạt tử hình đối với tội diệt chủng (Điều 130D và 130E BLHS Singapore). Đối với nhóm tội xâm phạm hoạt động tư pháp thì Singapore cho rằng người nào cố ý cung cấp chứng cứ sai dẫn đến cơ quan nhà nước áp dụng hình phạt tử hình đối với người vô tội thì người cung cấp chứng cứ sai sẽ bị áp dụng hình phạt tử hình.
Các quan điểm về hình phạt tử hình trên thế giới
Hiện nay trên thế giới có các quan điểm khác nhau về việc có hay không duy trì hình phạt tử hình. Các quan điểm này đặt ra các câu hỏi như nếu tiếp tục duy trì hình phạt tử hình thì có đạt được hiệu quả phòng, chống tội phạm hay không? Nếu xóa bỏ hình phạt tử hình thì có làm giảm sự nghiêm khắc của pháp luật hình sự hay không? Có dẫn đến thái độ coi thường pháp luật hay không? Có biện pháp nào để không cần duy trì hình phạt tử hình mà vẫn có tác dụng cải tạo, phòng ngừa chung hay không? Tùy từng quốc gia, với chế độ chính trị khác nhau, điều kiện kinh tế, xã hội khác nhau mà quốc gia đó tự xem xét, đánh giá khả năng duy trì hay xóa bỏ hay hạn chế áp dụng hình phạt tử hình khi xử lý người phạm tội. Có quốc gia mặc dù đã xóa bỏ hình phạt tử hình nhưng vẫn đạt được hiệu quả cao trong công tác phòng, chống tội phạm, ngược lại có quốc gia mặc dù quy định số tội danh bị áp dụng hình phạt tử hình tương đối nhiều nhưng tình hình tội phạm vẫn diễn ra phức tạp, hiệu quả phòng ngừa kém, có quốc gia mặc dù có khoảng thời gian xóa bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình nhưng lại phải đưa lại hình phạt tử hình vào pháp luật hình sự. Do vậy, trên thế giới nhìn chung có 02 quan điểm về vấn đề nên duy trì hay xóa bỏ hình phạt tử hình?
Quan điểm thứ nhất ủng hộ việc xóa bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình: Sau khi Tuyên ngôn về quyền con người năm 1948 được thông qua thì đã có 08 quốc gia xóa bỏ hình phạt tử hình, và khi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) được Đại Hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) thông qua vào năm 1966, số quốc gia xóa bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình chỉ là 26 nước. Tuy nhiên tính đến năm 2019 theo thống kê của Tổ chức ân xá quốc tế, trên thế giới đã có 106 quốc gia xóa bỏ hình phạt tử hình đối với mọi loại tội phạm. Những ý kiến ủng hộ quan điểm này cho rằng hình phạt tử hình đã xâm phạm đến quyền sống của con người, nó không có tác dụng bảo vệ một cách hiệu quả các quan hệ xã hội cần được bảo vệ khi thực tế tình hình tội phạm vẫn diễn ra phức tạp. Ngoài ra các ý kiến còn cho rằng không một cơ quan pháp luật nào có thể chắc chắn không sai sót nên khi kết án tử hình đối với người vô tội là không thể khắc phục được, bởi tính mạng con người là thứ không thể lấy lại được. Chi phí để thi hành hình phạt tử hình rất cao, khó thi hành, như ở Việt Nam hiện nay còn tồn đọng rất nhiều án tử hình chưa thi hành được do những vấn đề về trang thiết bị, thuốc. Do vậy họ cho rằng không nhất thiết phải quy định hình phạt tử hình mà cần nghiên cứu các biện pháp thay thế miễn sao đạt được mục đích cuối cùng là phòng, chống tội phạm. Đây cũng là xu hướng được rất nhiều các quốc gia trên thế giới ủng hộ.
Quan điểm thứ hai cho rằng nên duy trì hình phạt tử hình: Các ý kiến ủng hộ quan điểm này cho rằng hình phạt tử hình không vi phạm quyền sống của con người bởi lẽ trong Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948 có quy định “Mọi người đều có quyền sống, quyền tự do và an ninh cá nhân”, tuy nhiên, hiểu một cách hợp lý thì quyền này chỉ được đảm bảo với điều kiện họ không được xâm phạm quyền sống, tự do và an ninh của người khác”. Hơn nữa Công ước ICCPR cũng không cấm áp dụng hình phạt tử hình mà chỉ giới hạn phạm vi áp dụng đối với những tội ác nghiêm trọng nhất. Về mặt hiệu quả của hình phạt tử hình, hình phạt tử hình vẫn đạt được hiệu quả phòng ngừa tội phạm nhất định bởi lẽ nó sẽ ảnh hưởng đến tâm lý con người, ảnh hưởng đến việc quyết định có hay không thực hiện hành vi phạm tội nên phần nào nó vẫn có tác động giảm thiểu tội phạm . Đa số các quốc gia hiện nay còn duy trì hình phạt tử hình là do tình hình kinh tế xã hội của quốc gia còn chưa ổn định, tình hình tội phạm còn diễn biến rất phức tạp, nguy hiểm.
Việt Nam là một trong những nước còn duy trì án tử hình trong hệ thống pháp luật hình sự. Tuy nhiên, nước ta cho rằng việc duy trì hình phạt tử hình không xâm phạm quyền sống của con người như quan điểm ủng hộ xóa bỏ hình phạt tử hình đề cập. Theo Hiến pháp năm 2013 thì “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”. Do vậy có thể thấy, pháp luật Việt Nam bảo hộ quyền sống và tính mạng của con người. Việc tước bỏ mạng sống của một người (thi hành hình phạt tử hình) là đúng pháp luật, thực hiện đúng thủ tục tố tụng do pháp luật quy định, áp dụng hình phạt tử hình đúng quy định của BLHS nên việc áp dụng hình phạt tử hình không bị coi là xâm phạm đến quyền sống của con người. Nhiều nhà nghiên cứu cũng cho rằng Việt Nam hiện nay chưa thể xóa bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình bởi những lý do về tình hình, điều kiện kinh tế xã hội ở nước ta nhưng nước ta vẫn đang trong quá trình dần hạn chế áp dụng hình phạt tử hình trên thực tế bằng cách phi hình sự hóa hình phạt tử hình đối với một số tội danh nhất định và mở rộng phạm vi các đối tượng không bị áp dụng và thi hành án tử hình, phù hợp với yêu cầu của Công ước ICCPR và xu hướng hạn chế, xóa bỏ hình phạt tử hình trên thế giới.
Hình phạt tử hình trong pháp luật Hình sự Việt Nam
Thứ nhất, hình phạt tử hình là hình phạt nghiêm trọng nhất trong hệ thống hình phạt của nước ta hiện nay, nó tước đoạt mạng sống của người phạm tội, thể hiện sự trừng trị nghiêm khắc cũng như có tác dụng phòng ngừa chung. Do vậy, Điều 40 BLHS 2015 đã quy định khá cụ thể, chặt chẽ mà mở rộng các trường hợp không bị áp dụng hình phạt tử hình hơn so với BLHS 1999. Theo đó, “tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định.”. Quy định này cho thấy Việt Nam đã thực hiện đúng quy định của công ước ICCPR khi cho rằng tử hình chỉ áp dụng đối với những tội ác nghiêm trọng nhất, chỉ áp dụng tử hình đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng trong một số tội phạm cụ thể, tránh việc áp dụng hình phạt tử hình một cách tùy tiện.
Thứ hai, các trường hợp không áp dụng hình phạt tử hình: Khoản 2 Điều 40 BLHS 2015 quy định “Không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người từ đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử”. Đối với giới hạn không áp dụng hình phạt tử hình, Việt Nam đang làm rất tốt theo yêu cầu của công ước ICCPR. Cụ thể, công ước ICCPR chỉ đặt ra yêu cầu “cứng” là không được áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi và phụ nữ có thai, nhưng Việt Nam đã mở rộng hơn đối tượng này cho phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi để đảm bảo đứa trẻ được nuôi dưỡng một cách tốt nhất hoặc đối với người từ đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử bởi lẽ có ý kiến cho rằng những người từ đủ 75 tuổi trở lên thì khả năng tái phạm hay thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội khác khá thấp, hơn nữa điều này thể hiện tính nhân đạo trong pháp luật hình sự Việt Nam.
Đối với các trường hợp không thi hành án tử hình và chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân: Theo khoản 3 Điều 40 BLHS 2015 thì các trường hợp sau không thi hành án tử hình đối với họ: Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; Người từ đủ 75 tuổi trở lên; Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, nhận hối lộ mà sau khi kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ¾ tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
BLHS 2015 đã bổ sung thêm hai trường hợp không thi hành án tử hình so với BLHS 1999 đó là người bị kết án từ đủ 75 tuổi trở lên và Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, nhận hối lộ mà sau khi kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ¾ tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn. Quy định này cho thấy sự tích cực của Việt Nam trong việc hạn chế thi hành án tử hình theo xu hướng chung của thế giới. Đối với phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi không được thi hành án tử hình đối với họ bởi lẽ chỉ có người mẹ là người phạm tội nhưng nếu tử hình người mẹ trong trường hợp trên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền được sống, được chăm sóc của đứa trẻ, do vậy cần thiết phải bảo vệ người phụ nữ trong trường hợp này. Đối với người từ đủ 75 tuổi trở lên thì như đã phân tích ở phần trên, những người này thường ít có khả năng tiếp tục thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, trạng thái tinh thần không được quá minh mẫn nên không cần thiết phải thi hành án tử hình đối với họ. Một điểm sáng trong BLHS 2015 về hình phạt tử hình đó là các trường hợp phạm tội tham ô, nhận hối lộ. Thông thường, việc thu hồi tài sản từ những tội phạm này thường rất khó khăn, người phạm tội thường có thái độ không tự nguyện nộp lại số tài sản bất chính, gây thất thoát rất lớn. hơn nữa đây là tội phạm về kinh tế nên việc không thi hành án tử hình mà cho người phạm tội cơ hội nộp lại tài sản bất chính là khá phù hợp với đường lối cải cách tư pháp của nước ta cũng như hạn chế hình phạt tử hình theo công ước ICCPR.
Thứ ba, các tội danh còn quy định hình phạt tử hình. Qua các BLHS với việc giảm các tội danh có quy định hình phạt tử hình. So với BLHS 1999, BLHS 2015 đã bãi bỏ hình phạt tử hình đối với 07 tội danh đó là tội cướp tài sản; tội sản xuất, buôn giả là lương thực, thực phẩm; tội phá hủy công trình, pương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; tội tàng trữ trái phép chất ma túy; tội chiếm đoạt trái phép chất ma túy; tội chống mệnh lệnh; tội đầu hàng địch. BLHS 2015 hiện nay chỉ còn quy định hình phạt tử hình trong 18 tội danh. Cụ thể như sau: Đối với nhóm tội an ninh quốc gia có các Điều 108, 109, 110, 112, 113, 114; nhóm tội xâm phạm tính mạng con người có Điều 123, Điều 142; nhóm tội về ma túy có các Điều 248, 250, 251; nhóm tội về tham nhũng như Điều 353, 354 và một số tội khác như Tội sản xuất buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194), tội khủng bố (Điều 299); các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh (Điều 421, 422, 423).
Kinh nghiệm cho Việt Nam về hoàn thiện khung pháp lý hình phạt tử hình
Thứ nhất, nên nghiên cứu quy định việc hoãn thi hành án tử hình trong thời gian nhất định để chờ xem xét, đánh giá thái độ cải tạo của người phạm tội. Hiện nay, trong các bản án tuyên án tử hình đều nhận định: “Cần cách ly vĩnh viễn người phạm tội ra khỏi xã hội, không có khả năng cải tạo”. Tuy nhiên, khi chưa có thời gian cải tạo mà nhận định là không có khả năng cải tạo là chưa hợp lý. Cần thiết phải cho người phạm tội có khoảng thời gian nhất định để cải tạo, chứng minh thái độ hối lỗi, làm lại cuộc đời, nếu trong khoảng thời gian đó mà người phạm tội cố tình phạm tội thì mới chứng minh người phạm tội không có khả năng cải tạo và thi hành án tử hình đã tuyên.
Thứ hai, cần loại bỏ hình phạt tử hình khỏi một số loại tội danh: Các tội xâm phạm an ninh quốc gia; các tội phạm về phá họi hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh và các tội phạm về chức vụ.
Đối với nhóm tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh có tổng 05 điều luật được quy định trong BLHS 2015 nhưng có tới 03 tội danh có quy định mức hình phạt cao nhất là tử hình đó là tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421), tội chống loài người (Điều 422), tội phạm chiến tranh (Điều 423). Tuy nhiên, kể từ khi quy định trong BLHS cho đến nay chưa có người nào bị xét xử và kết án tử hình về các tội danh này. Việc quy định hình phạt tử hình đối với những tội phạm này thường chỉ có ý nghĩa phòng ngừa là chính. Khi việc quy định hình phạt tử hình đối với nhóm tội này không được áp dụng trong thực tế trong một khoảng thời gian quá dài thì nên xem xét loại bỏ quy định này.
Đối với nhóm tội về xâm phạm an nhinh quốc gia, cũng tương tự như nhóm tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh, mặc dù an ninh quốc gia luôn là vấn đề quan trọng nhất, được đặt lên hàng đầu nên việc nhà làm luật quy định hình phạt tử hình trong một số tội danh của nhóm tội này cũng có ý nghĩa phòng ngừa nhất định. Tuy nhiên, thực tế hiện nay chưa có trường hợp nào bị xét xử và kết án tử hình đối với nhóm tội này mặc dù chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các tội phạm có hình phạt tử hình theo BLHS 2015 (6/18 điều luật, chiếm 33,33%). Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước, đảng viên và quần chúng nhân dân ta luôn có tinh thần cảnh giác cao độ đối với những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm chống chính quyền, đặc biệt cả về mặt truyền thống và phi truyền thống như đấu tranh tích cực với những luận điệu xuyên tạc về Đảng và Nhà nước ta trên không gian mạng. Nhờ đó mà tình hình chính trị trong nước vẫn ổn định, các hành vi phạm tội của một số đối tượng chưa đủ sức gây nguy hiểm cho sự tổn tại của Đảng và Nhà nước ta. Do vậy không cần thiết phải duy trì hình phạt tử hình đối với nhóm tội phạm này.
Đối với nhóm tội phạm về tham nhũng, tham nhũng là một vấn đề khá nhức nhối ở nước ta hiện nay, một vài cá nhân có biểu hiện tư lợi, không công minh, chính trực khi thi hành nhiệm vụ. Nhà nước ta cũng có những biện pháp nhằm ngăn chặn và phòng ngừa những trường hợp tham ô tài sản, nhận hối lộ và cũng có những chính sách rất nhân đạo đối với những trường hợp đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát hiện, hay đối với tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ cũng có quy định về trường hợp được giảm từ hình phạt tử hình xuống tù chung thân… Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là có nhất thiết phải giữ lại hình phạt tử hình đối với nhóm tội phạm này hay không? Theo quan điểm cá nhân, nhóm tội phạm về tham nhũng là nhóm tội phạm về kinh tế, không cần thiết phải áp dụng hình phạt nghiêm khắc nhất là tử hình mới có thể phòng, chống tội phạm, chỉ cần có mức hình phạt đủ để răn đe, giáo dục người phạm tội. Hơn nữa, nước ta cũng đang dần hướng đến nền hành chính “công khai, minh bạch, cán bộ không dám tham nhũng, không thể tham nhũng, không cần tham nhũng và không muốn tham nhũng” thì việc duy trì hình phạt tử hình là không cần thiết. Ngoài ra, tham khảo pháp luật của một số quốc gia thì họ cũng không còn giữ hình phạt tử hình đối với nhóm tội phạm về tham nhũng nhưng vẫn đạt được kết quả rất đáng học tập như Singapore.
Hình phạt tử hình là một hình phạt nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt, được quy định xuyên suốt trong các BLHS của Việt Nam qua các thời kỳ và nó cũng đã thể hiện được vai trò, vị trí, ý nghĩa trong việc góp phần vào công cuộc phòng, chống tội phạm nói chung. Mặc dù nước ta hiện nay còn duy trì hình phạt tử hình nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ được các chuẩn mực quốc tế, quy định của các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Với tình hình chính trị, kinh tế - xã hội ở nước ta thì hiện tại chưa phải là thời điểm thích hợp để chúng ta xóa bỏ hoàn toàn hình phạt tử hình ra khỏi hệ thống pháp luật hình sự. Tuy nhiên, Việt Nam đã có những nỗ lực rất đáng kể trong việc hạn chế áp dụng và thi hành hình phạt tử hình, chúng ta đang trong quá trình dần tiến tới xóa bỏ hình phạt tử hình, cụ thể là việc giảm số tội danh có quy định hình phạt tử hình qua các BLHS và qua những lần sửa đổi, bổ sung.
Tham khảo pháp luật hình sự của một số quốc gia cũng như đánh giá tình hình thực tế ở nước ta hiện nay, em có đưa ra một số đề xuất nhằm hoàn thiện hơn khung pháp lý đối với hình phạt tử hình, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của con người, của công dân, đảm bảo vừa phù hợp với Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị ICCPR, vừa đảm bảo tính khả thi trong thi hành pháp luật ở Việt Nam.
[1] Nguyễn Toàn Thắng, Nguyễn Thị Hồng Yến, “Hình phạt tử hình trong pháp luật Việt Nam và mối quan hệ với việc thực hiện khuyến nghị của Ủy ban nhân quyền về bãi bỏ hình phạt tử hình”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 11 (459), tháng 6 năm 2022, trang 6. [2] Ma Thị Thanh Hiếu, Án lệ tử hình “treo” hai năm trong pháp luật hình sự Trung Quốc và khuyến nghị với Việt Nam, Tạp chí Khoa học kiểm sát, số 05/2023, trang 20. [3] Ma Thị Thanh Hiếu, Án lệ tử hình “treo” hai năm trong pháp luật hình sự Trung Quốc và khuyến nghị với Việt Nam, Tạp chí Khoa học kiểm sát, số 05/2023, trang 21. [4] TS. Đồng Đức Hoa – Đại học tài chính – chính pháp Trung Nam, Trung Quốc, Hạn chế hình phạt tử hình ở Trung Quốc – Hiện trạng và tương lai, TS. Trịnh Thanh Hà dịch, Tạp chí Luật học số 02/2015, trang 63. [5] Nguyễn Quý Khuyến, Hình phạt tử hình – So sánh luật hình sự Việt Nam với luật hình sự Singarpore, Luận văn thạc sĩ luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, trang 40. |
NGUYỄN THANH HUYỀN
Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 7
Một số ý kiến góp ý đối với Đề cương chi tiết Luật Luật sư mới thay thế Luật Luật sư năm 2006