Ảnh minh họa.
Hổ được nhiều dân tộc sùng bái. Người Trung Á và Đông Nga xưa thần thánh hóa con hổ. Dân rừng taiga vùng Siberia làm lễ cúng thần hổ, lập miếu thờ hổ trên các đèo, cầu hổ ban ơn và che chở. Người dân các nước phương Đông hay chạm, khắc hình; đúc, đắp, nặn, tạc tượng; vẽ tranh hổ nơi đình, chùa, đền, miếu hoặc cổng, cửa, mái nhà với mong ước uy linh đặc biệt của hổ sẽ xua đuổi mọi ma quỷ, ám muội, rủi ro; đem lại sự thành đạt và sinh lực cho cuộc sống thường ngày của họ.
Là biểu tượng sức mạnh, hình ảnh con hổ được vua chúa ưa thích và gắn nó với địa vị, quyền lực của mình. Nhiều vị vua mặc áo thêu hình hổ, ngự trên ngai vàng bọc da hổ, ngủ trong “trướng hổ” và ban danh hiệu “hổ tướng” cho những viên quan võ tài giỏi, thân tín nhất của mình. Một số vua chúa thậm chí còn xưng là... hổ để thể hiện uy danh tối cao. Tiêu biểu là vua Tippou Sahiff ở Vương quốc Mayso xưa (Ấn Độ) - tự xưng là “Hổ Mayso” và dấu ấn của ông ta có hình đầu một con hổ đang gầm. Tippou Sahiff vừa kiêu ngạo, vừa tàn ác. Hắn tuyên bố: “Thà làm hổ hai năm còn hơn làm cừu hai trăm năm!” và thường sai vứt phạm nhân hoặc kẻ thù của mình từ trên núi cao xuống cho hổ ăn thịt...
Ngày nay, hổ vẫn được tự hào lấy làm biểu tượng, phù hiệu, tên gọi, danh nghĩa hoạt động… của nhiều quốc gia, cơ quan, đảng phái khắp thế giới - chẳng hạn như biểu tượng hổ của Thế vận hội 1988 tổ chức tại Seoul (Hàn Quốc), của Công ty dầu khí nổi tiếng Esso (Exxon) từ năm 1969; tên hổ của tay golf số một thế giới Tiger Wood (“Con hổ gỗ”), hãng bia Tiger (“Con hổ”) từ năm 1932 của Singapore lừng danh toàn cầu, tổ chức phiến quân khét tiếng LTTE (“Những con hổ giải phóng Tamil”) ở Sri Lanka thời kỳ 1976-2009 hay Tiger economies (“Những con hổ kinh tế”) là danh từ hình tượng chỉ các quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế rất nhanh, mạnh, thường gắn liền với sự cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống…
Hổ là đối tượng phổ biến của các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống và hiện đại. Sức mạnh, sự hung dữ, tiếng gầm, lá gan, cái đuôi hổ... trở thành nền tảng xuất phát của nhiều câu thành ngữ, tục ngữ thâm thúy - thực sự là tinh hoa của xử thế và nghệ thuật. Hổ là đối tượng trung tâm của nhiều truyền thuyết, huyền thoại kỳ vĩ, được tạo dựng và tồn tại sâu đậm trong tâm trí con người qua hàng ngàn năm. Trong kho tàng truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn... thế giới, cũng gặp một lượng lớn truyện có nhân vật chính là hổ (hoặc cặp nhân vật chính hổ - thỏ, hổ - cáo, hổ - người...). Vẻ đẹp nổi bật, gọn, khỏe, linh động và kiêu hùng của hổ là đề tài hấp dẫn xưa nay của nhiều ngành mỹ thuật: hội họa, đúc nặn, điêu khắc, nhiếp ảnh... Tại Ấn Độ, có thời vẽ hổ được nâng lên thành một trường phái hội họa. Còn ở Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, cũng có không ít những họa sĩ chuyên vẽ hổ và những nghệ nhân chuyên nặn, đúc, khắc, tạc tượng hổ. “Thế hổ” là một thế cơ bản trong nghệ thuật viết chữ đẹp (thư pháp) của người phương Đông...
Nhưng lợi ích thiết thực nhất vẫn là công dụng, giá trị của những bộ phận cơ thể hổ đối với con người. Cao hổ cốt là thứ thuốc thần diệu chữa tê thấp, đau lưng, mỏi gối, yếu gân, sưng nhức... (mỗi bộ xương hổ trung bình nặng 10-18 kg, nấu thu được 2,5-5,4 kg cao; quý nhất là xương sọ và xương chân). Thịt, gân hổ ngon, bổ, mùi vị lạ, được chế biến thành các món ăn thượng hạng. Mỡ, tinh hoàn hổ dùng chữa bệnh suy nhược, liệt dương, tê thấp. Gan hổ ăn sống bồi dưỡng sức khỏe, trị chứng yếu bóng vía. Răng nanh, vuốt hổ đeo làm vật trang sức độc đáo và xua đuổi được ma quỷ (theo quan niệm của nhiều tín ngưỡng); còn nếu đem đốt rồi tán thành bột sẽ là thuốc chữa các bệnh lở loét, hen suyễn... Râu hổ cắt vụn bỏ vào nước trà sẽ được một thứ thuốc cực độc và bí mật - dùng để nhanh chóng hạ sát đối phương mà không hề để lại dấu vết. Bộ da hổ trang trí phòng khách, chế thảm trải sàn, may thành áo khoác... đều rất đẹp, sang trọng. Nhiều dân tộc còn quan niệm sẽ ngủ ngon nếu gối đầu làm bằng xương sọ hổ và hạnh phúc trong cuộc sống nếu đeo vòng làm bằng xương vai hổ! Tại Nga - một trong những thị trường hổ rẻ nhất hiện nay - mà mỗi xác hổ giá trung bình đã 20.000 USD (hổ còn sống đắt hơn nhiều).
Hổ tuy gây thiệt hại nhất định cho các loài động vật (kể cả vật nuôi) nhưng lại có tác dụng chọn lọc tự nhiên và điều chỉnh cân bằng hệ động vật - vì nó thường bắt ăn thịt những loài số lượng lớn, tăng lên nhanh hoặc những con già yếu, bệnh tật, chậm chạp, ít khả năng tự vệ trong quần thể động vật. Nó tiêu diệt bớt nhiều loài ăn thực vật gây hại cho mùa màng: thỏ, dúi, lợn rừng... Từ lâu, hổ cũng được nuôi để phục vụ lợi ích của con người. Nhiều vương triều phong kiến nuôi hổ làm đao phủ và để giải trí (thời La Mã cổ đại, Hoàng đế Auguste có tới 420 con hổ dành cho những cuộc đấu giữa nô lệ với thú dữ). Một số gia đình và thủy thủ nuôi hổ thay chó giữ nhà, ruộng vườn, tàu thuyền... Có thời, võ sĩ quyền Anh nổi tiếng thế giới Mike Tyson hàng ngày còn từng trực tiếp luyện võ với con hổ Kenya nặng hơn 1 tạ của mình! Xiếc hổ là một ngành nghệ thuật độc đáo, hấp dẫn, liên tục phát triển kể từ khi được khởi xướng bởi Pière Martin (Pháp) vào năm 1817. Là động vật có những khả năng kỳ lạ, hổ trở thành đối tượng nghiên cứu hữu ích cho các nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực. Hầu hết các vườn thú lớn trên thế giới ngày nay đều nuôi hổ phục vụ nhu cầu tham quan của người xem…
Trong mọi mặt của mối quan hệ hổ - người, có một phương diện đặc biệt tiêu cực. Đó là hiện tượng hổ giết, ăn thịt người và người săn bắt, tàn sát hổ. Những con hổ ăn thịt người thường do già yếu, tàn tật nên không bắt nổi những con mồi nhanh nhẹn, khỏe mạnh khác. Cũng có khi do ăn thịt người một lần thành quen hoặc giết người vì bị chính người khiêu khích, tấn công... Dù với nguyên nhân vào và dù tỉ lệ hổ ăn thịt người rất ít ỏi, thì loài hổ vẫn mang tiếng là kẻ sát nhân khủng khiếp nhất. Trong quan niệm của nhiều người, hổ như là hiện thân của cái ác, của chết chóc. Các thống kê thực tế cũng xếp hổ vào hàng đầu danh sách động vật giết người. Sách kỷ lục thế giới Guiness xác nhận kỷ lục thú giết người thuộc về một con hổ cái gãy răng nanh, bị bắn hạ năm 1907 tại vùng biên giới Ấn Độ - Nepal: suốt cuộc đời mình, nó đã vồ chết và ăn thịt tổng cộng 436 người!
Con người biết săn hổ từ rất sớm với vô số cách thức và quy mô. Săn hổ không chỉ còn là hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí hay kinh tế nữa, ở nhiều nơi, với nhiều người, nhiều cộng đồng, nó đã trở thành phong trào, thành lễ hội, thậm chí thành một loại hình sinh hoạt văn hóa truyền thống... Săn hổ là sở thích, là tục lệ của các tiểu vương Ấn Độ, giúp họ giải trí và phô trương quyền lực. Mỗi cuộc săn như vậy huy động hàng chục thớt voi, hàng trăm lính đi lùng sục và mấy chục con báo tiền loại hung dữ nhất bị bịt mắt - những con báo này được huấn luyện từ nhỏ để đi săn, khi tháo bỏ khăn bịt mắt, chúng liền ùa tới vây quanh hổ và cuộc chiến dữ dội diễn ra trước cái nhìn thích thú của vị tiểu vương ngồi trên bành voi.
Năm 1260, nhà thám hiểm Marco Polo từ Italia tới Trung Quốc, ghi nhận rằng Khubilai Khan - Chúa tể Đế quốc Mông Cổ đương thời - nuôi tới 1.000 con báo để săn hổ! Thế kỷ XVIII, thỉnh thoảng cửa thành Udda - Thủ đô Vương quốc Hindustan cổ xưa - lại mở cho một đạo quân khổng lồ đi ra: 800 thớt voi, 10.000 kị sĩ, 10.000 bộ binh, các xe bò kéo 40 khẩu đại bác, nhiều đoàn lạc đà, theo sau là 60.000 quan chức, dân chúng và nô lệ. Thật kinh ngạc khi biết đó chỉ là cuộc đi săn hổ của vua nước này! Tiểu vương xứ Sagurar còn tự coi là “vô địch thế giới” vì đã giết được 1.150 con hổ. Sau khi chiếm Ấn Độ, người Anh tiếp tục săn bắt, tổ chức đấu hổ rầm rộ. Năm 1911, vua Anh George V sang thăm Nepal và mở cuộc săn lớn - trong 11 ngày, 4 con gấu, 18 con tê giác và 39 con hổ bị giết...
Do bị săn bắt ráo riết cùng những bất lợi về điều kiện tự nhiên, số lượng hổ giảm rất nhanh. Năm 1900, toàn thế giới có khoảng 120.000-140.000 con hổ hoang dã, đến giữa thế kỷ XX còn chừng 15.000-18.000 và hiện tại chỉ còn độ 6.000. Trong một thế kỷ qua, số hổ ở nước có nhiều hổ hoang dã nhất là Ấn Độ đã giảm xuống hơn 10 lần. Ở nhiều nơi, hổ đã tuyệt chủng.
Trước tình hình đó, các quốc gia, các tổ chức quốc tế đã lên tiếng báo động, đồng thời thực hiện những biện pháp hữu hiệu để bảo tồn, phát triển hổ. Trong mọi sách đỏ, hổ đều được liệt vào mức độ cao nhất E (endangered) - đang nguy cấp, đang bị đe dọa tuyệt chủng. Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) đã vận động chi hàng trăm triệu USD cho chương trình tổng hợp bảo vệ hổ toàn cầu. Tại Ấn Độ, từ giữa thập niên 1970, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật và lập 11 khu rừng cấm, 131 khu dự trữ để bảo vệ hổ. Ở Trung Quốc, kẻ săn trộm, buôn bán hổ có thể bị tử hình! Tại Mỹ, Đức, Nhật Bản..., nhiều khu nuôi dưỡng và lai tạo, nhân giống hổ được xây dựng. Các nước có hổ đều ra quy định cấm săn bắt và phải tạo môi trường tốt cho hổ phát triển. Hoạt động nuôi hổ được đẩy mạnh ở nhiều nước, kết quả là hiện nay, số lượng hổ nuôi nhốt có ở Trung Quốc khoảng 5.000 con, Thái Lan - 1.500, Lào - 600, Việt Nam - 400…
Khoa học cùng sự quan tâm của con người đã góp phần cứu vãn sự tồn tại của loài hổ, đồng thời đa dạng hóa chúng. Thành tựu nổi bật nhất là việc cho ra đời hổ trắng (bạch hổ) và hổ lai sư tử. Năm 1951, tại Rewa (Ấn Độ), người ta bắt được một con hổ đực trắng. Từ đó, qua quá trình phối giống chọn lọc, hiện có tới gần 200 con hổ trắng (đặc biệt có 24 con hổ tuyền trắng) sống rải rác ở các vườn thú, gánh xiếc... khắp thế giới (trong môi trường hoang dã, trừ vùng Siberia, hầu như không đâu còn gặp hổ trắng nữa). Công viên Hương Giang ở Quảng Đông (Trung Quốc) đang có số hổ trắng kỷ lục: 63 con. Từ đầu những năm 1980, các nhà khoa học Nhật Bản cũng thành công trong việc lai tạo khác loài giữa hổ và sư tử, sinh ra những con lai “hổ sư” (liger) rất độc đáo, phá vỡ những quy luật lớn lâu nay của lý thuyết di truyền.
Ngày 29/07/2010, Ngày Quốc tế về Bảo tồn Hổ được công nhận ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh về hổ diễn ra tại Thành phố Saint Petersburg (Nga) do Thủ tướng Nga khi đó là Vladimir Putin chủ trì. Hội nghị trong các ngày 21 - 24/11/2010 này đã quy tụ người đứng đầu 13 nước còn hổ sống trong môi trường tự nhiên (Ấn Độ, Bangladesh, Bhutan, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Nepal, Nga, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam) với cam kết nhân đôi số lượng hổ hoang dã vào năm 2022 cùng kinh phí đầu tư, hỗ trợ gần 350 triệu USD. Ở Việt Nam, ngày 29/07/2011, lần đầu tiên lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Quốc tế về Bảo tồn Hổ được Tổng cục Môi trường tổ chức tại công viên Thống Nhất (Hà Nội), với sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức trong nước, quốc tế cùng đông đảo người dân.
ANH HÙNG