Bộ luật Lao động 2012 quy định tại Điều 3 khoản 7, tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ và lợi ích phát sinh giữa các bên trong quan hệ lao động. Tranh chấp lao động bao gồm tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động và tranh chấp lao động tập thể giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động.
Pháp luật Việt Nam căn cứ vào chủ thể của tranh chấp để xác định loại hình tranh chấp lao động. Nếu tranh chấp diễn ra giữa người lao động với người sử dụng lao động thì đó là tranh chấp lao động cá nhân. Mặc dù không đề cập đến số lượng, tuy nhiên, có thể hiểu rằng, tranh chấp phải diễn ra giữa một người lao động và người sử dụng lao động thì đó mới là tranh chấp lao động cá nhân [1].
Tranh chấp lao động cá nhân là loại tranh chấp lao động phổ biến nhất không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các quốc gia trên thế giới bởi tính chất nhạy cảm của loại tranh chấp này liên quan thiết thực đến quyền và nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động. Ở nước ta hiện nay, số lượng các vụ tranh chấp lao động ngày càng tăng, tập trung chủ yếu vào các tranh chấp lao động cá nhân. Điều này dẫn đến nhu cầu rà soát các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động cá nhân để kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập, tạo điều kiện cho việc giải quyết nhanh chóng, thỏa đáng các tranh chấp phát sinh, bảo đảm sự phát triển lành mạnh, ổn định quan hệ lao động [2].
Thủ tục giải quyết tranh chấp lao động cá nhân
Bộ luật Lao động 2012 quy định 2 thủ tục để giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bao gồm: hòa giải, khởi kiện tại tòa án.
Thủ tục hòa giải tranh chấp lao động thực hiện tại hòa giải viên lao động do cơ quan quản lý nhà nước về lao động huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cử để hòa giải tranh chấp lao động và tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề.
Hoà giải viên lao động được bổ nhiệm với nhiệm kỳ 05 năm, làm việc theo phân công của trưởng phòng lao động-thương binh xã hội theo Nghị định 46/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tranh chấp lao động. Hòa giải viên lao động là người được chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm để hòa giải tranh chấp lao động và tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề theo quy định của pháp luật. Tiêu chuẩn hòa giải viên lao động là công dân Việt Nam; có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có sức khỏe và phẩm chất đạo đức tốt; không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang chấp hành án; am hiểu pháp luật lao động và pháp luật có liên quan; có 03 năm làm việc trong lĩnh vực có liên quan đến quan hệ lao động; có kỹ năng hòa giải tranh chấp lao động. Trên thực tế, nhiều hòa giải viên thường là công chức thuộc phòng lao động - thương binh và xã hội nên việc làm hòa giải viên là kiêm nhiệm, không phải là công việc chuyên trách.
Người lao động có tranh chấp nộp đơn đề nghị hòa giải tranh chấp lao động cần nêu rõ hòa giải viên lao động do bên yêu cầu hòa giải lựa chọn đề nghị phòng lao động - thương binh và xã hội cử tham gia giải quyết tranh chấp lao động; kèm theo đơn có hợp đồng lao động, quyết định chấm dứt hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động và các chứng cứ liên quan. Thời gian để hòa giải viên hòa giải là 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu hòa giải.
Pháp luật quy định những trường hợp không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải như xử lý kỷ luật theo hình thức sa thải, tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động, giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động, bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đối với những tranh chấp kể trên thì người lao động có thể nộp đơn khởi kiện ra tòa án để bảo vệ quyền lợi của mình. Thực tế quy định này cũng gây khó khăn cho người lao động khi vụ việc tranh chấp nhỏ như tranh chấp về lương khi chấm dứt hợp đồng lao động, khi nộp đơn đến hòa giải viên thì hòa giải viên yêu cầu khởi kiện hoặc về giải quyết tranh chấp với người sử dụng lao động. Đối với tranh chấp nhỏ thì chi phí khởi kiện sẽ là cao đối với người lao động.
Thời hiệu để hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 06 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích của mình bị vi phạm.
Đối với hòa giải tranh chấp lao động do hòa giải viên thực hiện tại phòng lao động - thương binh xã hội thuộc ủy ban nhân dân quận huyện, vai trò của luật sư thể hiện qua việc tư vấn pháp luật lao động, bảo vệ quyền lợi cho người lao động, góp phần đưa ra phương án hòa giải khách quan, đúng luật, bảo vệ người lao động yếu thế khi đối thoại với đại diện người sử dụng lao động. Luật Luật sư quy định luật sư được đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật. Với phạm vi hành nghề luật sư được tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng khi tham gia hòa giải các tranh chấp lao động.
Luật lao động quy định người lao động có quyền cung cấp đầy đủ, kịp thời tài liệu chứng cứ nhưng thực tế ít người lao động có đủ hồ sơ để bảo vệ quyền lợi của mình. Ví dụ như nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng lao động không bàn giao hợp đồng lao động và sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động. Trường hợp tạm ngưng hợp đồng cũng không có quyết định tạm ngưng, tạm hoãn, chỉ thông qua trao đổi email. Đối với điều chuyển người lao động qua làm công việc khác với mức lương thấp hơn, người sử dụng lao động cũng không có quyết định điều chuyển hoặc ký phụ lục hợp đồng lao động mới nên trong quá trình giải quyết tranh chấp, người lao động luôn là bên yếu thế cần được bảo vệ và hướng dẫn về mặt pháp lý. Đối với những trường hợp trên, luật sư tư vấn cho người lao động thu thập chứng cứ để bảo vệ quyền lợi của mình. Nếu người sử dụng lao động không cung cấp các tài liệu cần thiết để hòa giải thì luật sư sẽ tham vấn để hòa giải viên yêu cầu cung cấp tài liệu liên quan đến hợp đồng lao động, nội quy lao động. Trong quá trình hòa giải, vai trò của luật sư là định hướng giải pháp pháp lý để hòa giải tranh chấp lao động. Luật sư là cầu nối giữa các bên có liên quan và có kiến thức để tư vấn về những vấn đề cần chuyên môn sâu, giúp các bên trong tranh chấp lao động hiểu đúng và rõ hơn về những quyền, lợi ích hợp pháp của mình hay những sai phạm mà mình gặp phải, đưa các bên thiện chí đi đến hướng giải quyết chung; đề ra những giải pháp tối ưu nhất nhằm bảo đảm quyền, lợi ích của các bên trong tranh chấp lao động.
Thực tế cho thấy luật sư với vai trò hòa giải tranh chấp lao động đã góp phần quan trọng trong phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật. Số lượng lớn các vụ việc tranh chấp lao động hòa giải thành sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức của các bên trong tranh chấp lao động; giảm số lượng công việc cho các cơ quan tòa án; giảm vi phạm pháp luật, khiếu nại tố cáo. Mặt khác, tranh chấp lao động được hòa giải tạo sự đồng thuận, ổn định để duy trì hài hòa quan hệ lao động, cân bằng lợi ích giữa các bên, bảo đảm ổn định sản xuất kinh doanh, ổn định nền kinh tế.
Thủ tục hòa giải theo quy định Bộ luật Lao động 2019
Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 tại Điều 179 quy định cụ thể các loại tranh chấp lao động, trong đó các tranh chấp lao động cá nhân, bao gồm: tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động; giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.
Thời gian hòa giải trong Bộ luật Lao động 2019 quy định tại Điều 181. Khi có yêu cầu, cơ quan chuyên môn về lao động thuộc ủy ban nhân dân là đầu mối tiếp nhận yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động và có trách nhiệm phân loại, hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ các bên trong giải quyết tranh chấp lao động. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động có trách nhiệm chuyển yêu cầu đến hòa giải viên lao động đối với trường hợp bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải lao động, chuyển đến hội đồng trọng tài trong trường hợp yêu cầu hội đồng trọng tài giải quyết hoặc hướng dẫn gửi đến tòa án để giải quyết.
Với quy định này, đã sửa đổi và bổ sung những hạn chế về thời gian giải quyết vụ việc lao động trong Bộ luật Lao động 2012 và quy định rõ trách nhiệm của phòng lao động - thương binh và xã hội trong việc hướng dẫn, hỗ trợ các bên giải quyết tranh chấp lao động.
Điểm mới trong thẩm quyền hòa giải tranh chấp lao động có thêm cơ quan giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là hội đồng trọng tài lao động (Điều 187 Bộ luật Lao động 2019). Tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu hội đồng trọng tài lao động hoặc tòa án giải quyết.
Luật mới bổ sung thêm những trường hợp không phải qua thủ tục hòa giải: tranh chấp về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; tranh chấp giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại. Những quy định này bảo đảm sự thống nhất với Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm y tế về trách nhiệm giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của sở lao động - thương binh và xã hội. Đối với các tranh chấp này, các bên tự hòa giải, trường hợp hòa giải không thành thì các bên tranh chấp có quyền khởi kiện tại tòa án theo quy định của pháp luật.
Trên cơ sở đồng thuận, các bên tranh chấp có quyền yêu cầu hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp trong trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 188 của Bộ luật Lao động (trường hợp không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải). Khi yêu cầu hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp, các bên không được đồng thời yêu cầu tòa án giải quyết.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp, ban trọng tài lao động phải được thành lập để giải quyết tranh chấp. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được thành lập, ban trọng tài lao động phải ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp và gửi cho các bên tranh chấp.
Trường hợp hết thời hạn quy định 07 ngày mà ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc hết thời hạn 30 ngày mà ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết tranh chấp thì các bên có quyền yêu cầu tòa án giải quyết.
Với quy định mới này sẽ tăng thẩm quyền hòa giải tranh chấp lao động của hòa giải viên lao động và hội đồng trọng tài lao động để bảo đảm tốt nhất nguyên tắc coi trọng giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải, trọng tài trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên tranh chấp, tôn trọng lợi ích chung của xã hội, không trái pháp luật.
Thời hiệu về giải quyết tranh chấp lao động theo Bộ luật Lao động 2019
Bộ luật Lao động 2019 bổ sung quy định thời hiệu yêu cầu hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 09 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
Trường hợp người yêu cầu chứng minh được vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do khác theo quy định của pháp luật mà không thể yêu cầu đúng thời hạn quy định thì thời gian có sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do đó không tính vào thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân.
Quy định về bất khả kháng, trở ngại khách quan không tính vào thời hiệu là phù hợp với thực tế giải quyết tranh chấp lao động khi nhiều người lao động do chưa nắm được quy định pháp luật lao động về thời hiệu nên nhiều trường hợp yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động khi đã hết thời hiệu. Với quy định trong Bộ luật Lao động 2019 đã giải quyết được những bất cập của Bộ luật Lao động 2012.
Một trong những phương thức giải quyết tranh chấp lao động đem lại hiệu quả cao, tạo mối quan hệ lao động bền vững, tốt đẹp đó là hòa giải. Hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp với sự giúp đỡ của một bên thứ ba trung lập, các bên tranh chấp tự nguyện thỏa thuận giải quyết các tranh chấp phù hợp với quy định của pháp luật lao động. Mặt khác, với vai trò của luật sư tư vấn và đại diện sẽ giúp quá trình hòa giải được tiến hành nhanh chóng, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các bên trong tranh chấp lao động.
[1] Đoàn Thị Phương Diệp, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 06(382)-2019, Cơ chế giải quyết tranh chấp lao động cá nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam - nhìn từ góc độ Luật So sánh. [2] Đoàn Thị Phương Diệp, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 06(382)-2019, Cơ chế giải quyết tranh chấp lao động cá nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam - nhìn từ góc độ Luật So sánh. |
Luật sư PHẠM THỊ BÍCH HẢO
Công ty luật TNHH Đức An
Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông tin về một công chức bị khởi tố, bắt tạm giam