Ảnh minh họa.
Nội dung quyền bào chữa của bị can, bị cáo trong vụ án hình sự
Với tư cách là một nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự, nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa trong tố tụng hình sự chi phối, tác động đến toàn bộ hoạt động tố tụng hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng. Nội dung của nguyên tắc được thể hiện cụ thể tại Điều 16, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 như sau: “Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa. Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự thực hiện đầy đủ quyền bào chữa, quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của Bộ luật này”. Nguyên tắc này gồm có ba nội dung cụ thể là bảo đảm quyền bào chữa, bảo đảm quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa và trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc bảo đảm quyền bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.
Về quyền tự bào chữa: Quyền tự bào chữa là một trong những nội dung cơ bản của quyền bào chữa trong tố tụng hình sự. Theo đó, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự mình thực hiện các quyền, hành vi tố tụng mà pháp luật dành cho họ để chống lại việc buộc tội hoặc làm giảm trách nhiệm hình sự của họ. Họ có thể đưa ra lý lẽ, các chứng cứ hoặc yêu cầu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi không có sự tham gia của người bào chữa. Quyền tự bào chữa của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo được bảo đảm thực hiện xuyên suốt quá trình tố tụng từ khi bị tạm giữ đến khi có bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật.
Về quyền nhờ người khác bào chữa: Điều 72, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, quy định người bào chữa có thể là: luật sư; người đại diện của người bị buộc tội; bào chữa viên nhân dân; trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý. So với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (Điều 56) thì người bào chữa theo Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 còn có trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.
Tuy nhiên, không phải ai cũng được là người bào chữa. Khoản 4, Điều 72, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có quy định 11 người không được bào chữa. So với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (Điều 56) thì có thêm 05 đối tượng không được là người bào chữa gồm: Người dịch thuật, người định giá tài sản, người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người đã bị kết án chưa được xóa án tích, người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.
Quyền nhờ người khác bào chữa là một nội dung quan trọng của nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa trong tố tụng hình sự. Để người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có khả năng tự bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình trước sự nghi ngờ, buộc tội của các cơ quan tiến hành tố tụng, pháp luật đã quy định cho họ quyền tự bào chữa. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, do trình độ hiểu biết pháp luật còn hạn chế và những lý do, điều kiện nhất định nên không phải người bị tạm giữ, bị can, bị cáo nào cũng có khả năng thực hiện hiệu quả quyền tự bào chữa. Do đó, quy định về quyền nhờ người khác bào chữa là một bảo đảm quan trọng để người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thực hiện các quyền tố tụng để bào chữa cho mình trước sự nghi ngờ, buộc tội của cơ quan có thẩm quyền. Việc nhờ người khác bào chữa cũng là hình thức nhờ giúp đỡ về mặt pháp lý cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thực hiện quyền bào chữa của mình khi họ không đủ khả năng tự mình thực hiện hoặc trong những trường hợp pháp luật quy định bắt buộc phải có người bào chữa nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội, tính khách quan và tính hợp pháp của các hoạt động tố tụng hình sự. Các cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm tạo điều kiện để người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thực hiện quyền bào chữa thông qua việc nhờ người khác bào chữa cho họ.
Trong tố tụng hình sự, quyền bào chữa có ý nghĩa rất quan trọng đối với người bị tình nghi phạm tội, người bị buộc tội. Thông qua việc thực hiện quyền bào chữa, người bị tình nghi phạm tội và người bị buộc tội có thể thực hiện các hành vi tố tụng nhằm loại bỏ sự nghi ngờ, phủ nhận một phần hay toàn bộ sự buộc tội của các cơ quan tiến hành tố tụng, làm giảm nhẹ hoặc loại trừ trách nhiệm của họ nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước cơ quan tiến hành tố tụng. Để bảo đảm tốt nhất quyền và lợi ích của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong tố tụng, pháp luật đã quy định cho họ các quyền tố tụng để họ tự bảo vệ quyền lợi của mình. Tuy nhiên, quyền bào chữa được thực hiện có hiệu quả đến đâu thì không thể không kể đến trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc bảo đảm cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thực hiện quyền này. Hoạt động, trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng là yếu tố có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của việc thực hiện quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Do đó, bên cạnh các quy định về quyền bào chữa, người được bào chữa, người bào chữa, pháp luật cũng có các quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc bảo đảm thực hiện quyền tự bào chữa, nhờ người khác bào chữa cho người bị tình nghi nhằm bảo đảm hoạt động điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự khách quan, toàn diện và đúng pháp luật, tránh làm oan người vô tội. Ở mỗi giai đoạn tố tụng, trách nhiệm bảo đảm quyền bào chữa của các cơ quan tiến hành tố tụng là khác nhau, ở mức độ khác nhau. Các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong việc tạo điều kiện cho bị can, bị cáo thực hiện quyền bào chữa cũng có nghĩa đã góp phần cho nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa trong tố tụng hình sự được thực hiện hiệu quả hơn.
Một số vướng mắc, hạn chế trong việc thực hiện quyền bào chữa của bị can, bị cáo trong vụ án hình sự
Thứ nhất, pháp luật tố tụng hình sự hiện hành chưa chính thức ghi nhận quyền im lặng dành cho bị can, bị cáo. Theo tác giả, việc thực hiện quyền im lặng cũng là cách thức để bị can, bị cáo thực hiện quyền bào chữa của mình, điển hình như vụ án Trương Hồ Phương Nga sử dụng “quyền im lặng” nhằm “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”(1). Do pháp luật chưa chính thức ghi nhận quyền im lặng cho bị can, bị cáo nên trong thực tế quyền này chưa được áp dụng thống nhất, đặc biệt là có trường hợp dùng bức cung, nhục hình để lấy lời khai đối với bị can trong quá trình điều tra hoặc cho rằng bị cáo không thành khẩn, quanh co chối tội để áp dụng các tình tiết tăng nặng tại phiên tòa.
Thứ hai, pháp luật tố tụng hiện hành quy định quyền được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ của bị can, bị cáo (điểm b và điểm d, khoản 2, Điều 61, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015). Tuy nhiên, pháp luật lại chưa quy định rõ về cơ chế xử lý vi phạm của những người tiến hành tố tụng khi không thực hiện các quyền mà pháp luật trao cho bị can, bị cáo, trong đó việc không tạo điều kiện cho bị can, bị cáo biết và thực hiện các quyền và lợi ích của mình phải được coi là vi phạm thủ tục tố tụng.
Thứ ba, việc có mặt của người bào chữa trong tố tụng nói chung và tại phiên tòa nói riêng là bảo đảm cho quyền được bào chữa của bị can, bị cáo được thực hiện. Tuy nhiên trong một số trường hợp, tòa án được quyền xét xử khi vắng mặt người bào chữa(2). Chính sự vắng mặt của người bào chữa đã ảnh hưởng rất lớn đến quyền được bào chữa của bị can, bị cáo.
Thứ tư, thời điểm mà người bào chữa được tham gia tố tụng trong nhiều trường hợp còn khá muộn, điển hình như tại Điều 74, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “Trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì viện trưởng viện kiểm sát có thẩm quyền quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra”. Việc người bào chữa tham gia vụ án muộn sẽ không biết được đầy đủ các thông tin và chứng cứ giúp cho việc bào chữa trong các giai đoạn tố tụng.
Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật
Thứ nhất, cần thực hiện quyền bào chữa thông qua “quyền im lặng”, mặc dù không chính thức quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, nhưng nội dung của
quyền này đã được thực hiện thông qua các quy định về quyền của người bị buộc tội trong tố tụng hình sự. Quyền này của bị can, bị cáo cần phải thực hiện một cách nghiêm túc, và bảo đảm tuân thủ theo quy định của pháp luật một cách khách quan và công minh.
Thứ hai, bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội có nghĩa là cơ quan điều tra, truy tố, xét xử phải có trách nhiệm giải thích cho người bị buộc tội biết được những biện pháp do pháp luật quy định và tạo mọi điều kiện để họ sử dụng được quyền của họ. Nếu các cơ quan tiến hành tố tụng không bảo đảm cho người bị buộc tội thực hiện quyền bào chữa của mình có nghĩa là vi phạm quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
Thứ ba, sự tham gia của người bào chữa trong tố tụng hình sự thúc đẩy công tác điều tra và xét xử được đầy đủ và khách quan hơn, định đúng tội danh, áp dụng các hình phạt có xem xét đến tất cả các tình tiết của vụ án và nhân thân của người bị buộc tội. Vì vậy, việc thực hiện quyền được người khác bào chữa của người bị buộc tội cần phải đưa vào quy định bắt buộc thực hiện nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của người bị buộc tội trong quá trình xét xử vụ án, tránh oan sai.
Thứ tư, quyền bào chữa được thực hiện theo nhiều hướng và bao gồm mở rộng quyền của người bị buộc tội, cho phép người bào chữa tham gia tố tụng trong mọi giai đoạn của tố tụng mà không bị hạn chế. Thay vì hạn chế sự tham gia của người bào chữa để bảo đảm lợi ích quốc gia, thiết nghĩ cần có những chế tài khác với mức độ nghiêm khắc để bảo đảm việc giữ bí mật như yêu cầu người bào chữa ký cam kết hoặc các chế tài về hành chính lẫn hình sự nếu vi phạm, đồng thời tăng cường trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc bảo đảm quyền bào chữa.
Kết luận
Thực hiện quyền bào chữa của bị can, bị cáo là một quyền đặc biệt, vì nó không phải là thực hiện quyền của mỗi người nói chung mà chỉ là việc thực hiện quyền riêng của người bị buộc tội trong đó có bị can, bị cáo… Ý nghĩa của thực hiện quyền bào chữa không chỉ để thực hiện quyền được bảo vệ lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo mà còn để nâng cao uy tín của hoạt động xét xử. Do đó, thực hiện quyền bào chữa của bị can, bị cáo phải được bảo đảm trong tất cả các giai đoạn tố tụng hình sự và gắn liền với trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc bảo đảm cho các quyền đó được thực hiện.
(1) Phạm Thanh Huyền, Bàn về cơ chế bảo đảm thực hiện quyền im lặng trong tố tụng hình sự (https://kiemsat.vn/ban-ve-co-che-bao- dam-thuc-hien-quyen-im-lang-trong-to-tung-hinh-su-65772.html, ngày 29/6/2023). |
Tài liệu tham khảo 1. Hiến pháp năm 2013. 2. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2021). 3. TS Nguyễn Văn Tuân, Quyền bào chữa và vai trò của luật sư trong tố tụng hình sự, Nxb Dân Trí, Hà Nội, 2018. 4. Nguyễn Văn Vinh, Bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo thực trạng và kiến nghị hoàn thiện, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, năm 2021. |
TĂNG VĂN HOÀNG
NGUYỄN ANH HOÀNG
Trường Đại học Luật Hà Nội
Những điểm mới quan trọng về quyền sở hữu công nghiệp theo quy định tại Nghị định 65/2023/NĐ-CP