(LSVN) - Vụ vỡ sông băng trên dãy Himalaya của Ấn Độ hồi cuối tuần qua đã kéo theo lũ quét khiến nhiều người thương vong.
Thảm họa này đã tạo ra bức tường nước tràn xuống thung lũng ở bang Uttarakhand, phá hủy đường sá và những cây cầu, đồng thời đánh sập hai nhà máy thủy điện. Hàng chục người đã thiệt mạng, trong khi hơn 170 người vẫn đang mất tích sau vụ tai nạn này.
Theo giới chuyên gia, vụ việc xảy ra trên sông băng Dhauliganga - con sông đổ vào sông Hằng - là thảm họa thiên nhiên đã được lường trước và nhiều khả năng sẽ lại tái diễn tại khu vực vốn đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng biến đổi khí hậu và sự phát triển cơ sở hạ tầng không được kiểm soát chặt chẽ.
Châu Á là nơi có những tuyến đường thủy lớn hàng đầu thế giới, như sông Hằng và sông Indus ở Ấn Độ, hay sông Dương Tử và sông Mekong bắt nguồn từ Trung Quốc. Những con sông này hỗ trợ sinh kế của rất nhiều nông dân và ngư dân, cũng như cung cấp nước uống cho hàng tỷ người. Tuy nhiên, chúng cũng đang đối mặt những áp lực chưa từng có trong những năm gần đây. Nhiệt độ cao hơn đang khiến các dòng sông băng vốn "nuôi dưỡng" những con sông này bị thu hẹp lại, đe dọa nguồn cung cấp nước và làm gia tăng nguy cơ sạt lở đất và lũ lụt, trong khi các nhà hoạt động vì môi trường đổ lỗi rằng công tác xây dựng đập và ô nhiễm đã gây thiệt hại cho hệ sinh thái và ảnh hưởng đến tình trạng sông băng.
Ông Himanshu Thakkar - một chuyên gia thuộc Mạng lưới nghiên cứu con người, những con đập và những con sông tại Nam Á cho biết: "Những con sông đang thực sự hứng chịu rủi ro từ các dự án phát triển, khi chất thải rắn, chất thải lỏng, những phế liệu từ việc khai thác cát và khai thác đá. Biến đổi khí hậu là quá trình lâu dài và những tác động của tình trạng này đã hiện rõ. Những dòng sông đang đứng trước mối đe dọa lớn về mọi mặt".
Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân cụ thể nào đã dẫn đến vụ vỡ sông băng trên, nhưng nhiều dư luận cho rằng việc xây dựng các dự án thủy điện tại một khu vực có hoạt động địa chấn cao là yếu tố chính gây nên thảm họa này. Theo ông Himanshu, "khu vực này dễ bị tổn thương, không thích hợp để phát triển thủy điện. Người ra đã không quy hoạch một cách hợp lý, đánh giá tình hình địa chất và các tác động liên quan tại đây".
Trong khi đó, ông Patricia Adams - Giám đốc điều hành tổ chức phi chính phủ Probe International hoạt động về môi trường, có trụ sở tại Canada - cho biết việc xây dựng đập ở khu vực như vậy là rất nguy hiểm, bởi hoạt động này sẽ làm mất sự ổn định tại các sườn đồi và gây ra lở đất.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng tình trạng Trái Đất ấm dần lên đã góp phần gây nên vụ tai nạn. Một nghiên cứu quy mô lớn thực hiện năm 2019 cho thấy tốc độ tan chảy của các sông băng ở Himalaya đã trở nên nhanh gấp đôi so với cách đây 25 năm.
Ông Benjamin P. Horton - Giám đốc Đài quan sát Trái Đất của Singapore - cho biết: “Tác động của tình trạng biến đổi khí hậu trên dãy Himalaya là thực sự đang xảy ra, gây ra những nguy cơ lớn về các vụ tai nạn, sông băng bị thu hẹp lại, đe dọa cả tới nguồn nước sinh hoạt của các cộng đồng địa phương, cũng như các hoạt động sản xuất nông nghiệp. Nhiều thảm họa lũ lụt đã xảy ra tại khu vực này trong những năm gần đây. Trong năm 2013, khoảng 6.000 người đã thiệt mạng do lũ quét và sạt lở đất cuốn trôi toàn bộ các ngôi làng ở Uttarakhand.
THANH PHƯƠNG/TTXVN
Hàn Quốc lạc quan về triển vọng hợp tác với Mỹ trong hồ sơ hạt nhân Triều Tiên