/ Đời sống - Xã hội
/ Hội đàm song phương cấp cao trực tuyến về phát triển Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô

Hội đàm song phương cấp cao trực tuyến về phát triển Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô

05/01/2021 18:15 |

(LSVN) - Mới đây, tại UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã diễn ra buổi hội đàm song phương cấp cao trực tuyến với Thứ trưởng Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc trong khuôn khổ Hội nghị Hợp tác hạ tầng toàn cầu lần thứ 8 (GICC 2020) để trao đổi về hợp tác phát triển Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô và một số vấn đề liên quan khác.

Buổi hội đàm từ đầu cầu tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô có vị trí quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thừa Thiên – Huế

Tại buổi làm việc ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết: Ngày 09/11/2019, UBND tỉnh và Tập đoàn nhà đất Hàn Quốc (Tập đoàn LH) đã ký Bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu đầu tư phát triển 03 dự án tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, gồm dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp diện tích khoảng 115ha; dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp kỹ thuật cao diện tích khoảng 700ha và dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị diện tích khoảng 1.000ha thuộc Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên - Huế. 

Ngày 25/11/2020, Tập đoàn LH đã báo cáo kết quả nghiên cứu đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Chân Mây, diện tích 115ha tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Qua đánh giá, Tập đoàn LH đã thực hiện theo các nội dung, điều khoản đã cam kết trong Bản ghi nhớ (MOU), thực hiện khảo sát, nghiên cứu, phân tích, đánh giá một cách kỹ lưỡng, sát thực tế về tiềm năng, thế mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức khi đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Chân Mây.

Tại buổi hội đàm, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã bày tỏ sự vui mừng khi tham dự cuộc họp trực tuyến này để trao đổi về cơ hội hợp tác, phát triển cơ sở hạ tầng, đô thị, Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và các nội dung liên quan khác; ngoài ra, cũng hy vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều doanh nghiệp của Hàn Quốc – một quốc gia có nền công nghệ cao cũng như có sự tương đồng với văn hóa Việt Nam - tham gia nghiên cứu đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Ông Yun Seong-won, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Đất đai, hạ tầng và giao thông Hàn Quốc cũng ghi nhận và đánh giá cao sự hỗ trợ và hợp tác tích cực của tỉnh trong thời gian qua. Ông Yun Seong-won cũng bày tỏ mong muốn hai bên phát huy thế mạnh, tạo mối quan hệ sâu rộng và thiết thực hơn nữa để để cùng phát triển và hy vọng rằng các khu công nghiệp của Hàn Quốc cũng sẽ tham gia nghiên cứu đầu tư tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô  thuộc thị trấn Lăng Cô và các xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế; phía Bắc và Đông Bắc giáp biển Đông, phía Nam giáp TP. Đà Nẵng, phía Tây giáp xã Lộc Bình, xã Lộc Trì (huyện Phú Lộc).

Khu kinh tế được phát triển theo mô hình khu kinh tế tổng hợp với cơ chế chính sách “mở”, bao gồm 3 khu vực với năm chức năng chính: khu vực cảng biển, khu phi thuế quan, khu đô thị, khu công nghiệp – công nghệ cao, khu du lịch biển.

Vị trí của khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô có nhiều tiềm năng phát triển toàn diện cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là du lịch – dịch vụ, thủy sản, công nghiệp. Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Nằm giữa hai đô thị lớn của miền Trung là Thừa Thiên-  Huế và Đà Nẵng với hầm đường bộ Hải Vân nối Huế – Đà Nẵng, thuận tiện cho giao thương giữa các vùng trong khu vực. Cách sân bay quốc tế Phú Bài 35km về phía Bắc và cách sân bay quốc tế Đà Nẵng 30km về phía nam. Với hệ thống đường sắt Bắc – Nam và Quốc lộ 1A đi qua khu kinh tế được sử dụng làm trục giao thông đối ngoại chính của đô thị, đảm bảo sự phát triển vững chắc trong quá trình xây dựng phát triển cảng và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của khu vực miền Trung. 

Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô.

Có vịnh nước sâu Chân Mây (vịnh Chân Mây có diện tích mặt nước rộng (2.013ha ~ 20km2) và sâu (6 – 14m), có hai mũi Chân Mây Đông và Tây che chắn sóng và gió từ 2 hướng Đông và Tây và khu vực Cảng Chân Mây. Là điểm trung chuyển, liên kết, hỗ trợ cho các cụm cảng vùng kinh tế trọng điểm Trung bộ (Chu Lai – Quảng Nam, Tiên Sa, Liên Chiểu – Đà Nẵng, Dung Quất – Quảng Ngãi, Nhơn Hội – Bình Định).

Cảng Chân Mây được xem là điểm đến gần nhất của Hành lang kinh tế Đông - Tây. Tuyến đường dài 1.450km có nhiệm vụ thúc đẩy phát triển và hội nhập kinh tế giữa bốn nước Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam. Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC) là điều kiện thuận lợi để 4 nước dọc theo tuyến đường này đẩy mạnh hợp tác kinh tế. Hành lang này giúp giảm chi phí vận tải tại các địa phương mà tuyến đường chạy qua, góp phần xóa đói giảm nghèo nhờ những tác động kinh tế tích cực.

Là cửa ngõ hướng ra biển Đông gần nhất và thuận lợi nhất đối với các địa phương thuộc Hành lang kinh tế Đông-Tây, cảng Chân Mây có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển tiềm năng sẵn có của khu vực.

Ngoài vị trí quan trọng với Hành lang kinh tế Đông-Tây, cảng Chân Mây là cảng biển tổng hợp đầu mối loại 1 của Việt Nam. Với vị trí hàng hải thuận lợi kết nối với Singapore, Philippines và Hồng Kông, cảng Chân Mây là 1 trong 46 cảng biển được Hiệp hội du thuyền châu Á lựa chọn xây dựng điểm dừng chân cho các du thuyền ở khu vực Đông Nam Á.

HOÀNG NGHĨA

/de-nghi-giam-sat-bang-camera-de-xu-ly-nguoi-vi-pham-quy-dinh-phong-dich-tren-cac-chuyen-bay-giai-cuu.html