/ Hoạt động Luật sư
/ Hội thảo khoa học ‘Nghiên cứu, hoàn thiện chính sách pháp luật về Luật sư và hành nghề Luật sư’

Hội thảo khoa học ‘Nghiên cứu, hoàn thiện chính sách pháp luật về Luật sư và hành nghề Luật sư’

25/08/2022 07:33 |

(LSVN) - Sáng ngày 23/8/2022, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, pháp luật về Luật sư và hành nghề Luật sư” để trao đổi, thảo luận về những vướng mắc trong thực tiễn hành nghề Luật sư và chỉ ra các quy định pháp luật có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo nhằm đưa ra những định hướng, đề xuất sửa đổi làm căn cứ xây dựng Luật Luật sư mới thay thế Luật Luật sư năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư năm 2012.

 Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu phát biểu khai mạc Hội thảo.

Tại Hội thảo, đa số các ý kiến tham luận của các đại biểu cho rằng thể chế pháp luật về tổ chức và hoạt động của Luật sư thời gian qua đã từng bước được hoàn thiện. Đặc biệt, với sự ra đời của Luật Luật sư năm 2006 (và được sửa đổi, bổ sung năm 2012) đã tạo hành lang pháp lý cho Luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư phát triển cả về số lượng và chất lượng, trong đó có đội ngũ Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; vị thế của Luật sư, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư (như: Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Đoàn Luật sư các địa phương) ngày càng được nâng cao.

Bên cạnh việc phát huy những hiệu quả thực tế của các quy định trong Luật Luật sư, quá trình triển khai thực hiện Luật Luật sư cho thấy một số bất cập, hạn chế như:

- Còn một số chủ trương, chính sách phát triển nghề Luật sư chưa được thể chế hóa hay triển khai thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương; một số quy định chưa được hướng dẫn cụ thể hoặc không còn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, thực tiễn phát triển nghề Luật sư ở Việt Nam, đặc biệt về tiêu chuẩn, điều kiện trở thành Luật sư, vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư, quản lý nhà nước về Luật sư và hành nghề Luật sư. Trong hoạt động hành nghề, Luật sư vẫn còn gặp một số khó khăn khi tham gia tố tụng.

- Phẩm chất đạo đức, ý thức tuân theo Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp chưa thực sự trở thành kim chỉ nam cho mọi hành vi ứng xử của Luật sư. Do đó, còn tình trạng một số Luật sư có hành vi tiêu cực trong hành nghề cũng như các hoạt động chính trị, xã hội khác hoặc lợi dụng quyền hành nghề Luật sư thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, tác động, lôi kéo người dân thực hiện khiếu nại, khiếu kiện, tụ tập đông người trái pháp luật, gây mất trật tự, an toàn xã hội.

- Đa số các tổ chức hành nghề Luật sư có quy mô nhỏ, quản trị, điều hành còn yếu kém, tính chuyên nghiệp chưa cao, chưa thực sự tạo được niềm tin đối với khách hàng, cơ quan, tổ chức.

- Cơ quan quản lý nhà nước một số địa phương chưa thực sự sát sao, quan tâm, tạo điều kiện phát triển nghề Luật sư. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm tại nhiều tỉnh, thành phố chưa được chú trọng, thực hiện thường xuyên, còn hình thức; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền còn chưa quyết liệt, dứt điểm.

- Vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư có điểm còn chưa tương xứng với yêu cầu. Một số nhiệm vụ pháp luật giao cho các tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư thực hiện đã được triển khai nhưng chưa thực sự hiệu quả (như công tác giám sát tập sự hành nghề Luật sư, giám sát việc tuân thủ pháp luật, tuân theo Quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp của Luật sư, nội bộ một số Đoàn Luật sư trong một thời gian còn có biểu hiện mất đoàn kết hoặc chưa thực hiện hết trách nhiệm tự quản).

Những bất cập này đến từ những nguyên nhân chủ yếu như: (i) Luật Luật sư, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật được ban hành trong khoảng thời gian khá dài, trước khi Hiến pháp năm 2013 và các bộ luật nên một số quy định của Luật Luật sư và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành chưa kịp thời đồng bộ, tương thích, phù hợp với những quy định của pháp luật có liên quan; (ii) Chất lượng dịch vụ của Luật sư chưa đồng đều, chất lượng tham gia tố tụng của Luật sư chưa đáp ứng được yêu cầu tranh tụng tại phiên toà theo tinh thần cải cách tư pháp; (iii) Một số quy định cụ thể của pháp luật về Luật sư và hành nghề Luật sư chưa theo kịp sự phát triển của nghề Luật sư, tính dự báo chưa cao, chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động Luật sư; (iv) Nguyên tắc kết hợp song song giữa quản lý của nhà nước và chế độ tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư còn bất cập, đôi khi có sự chồng lấn, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý; (v) Cơ quan quản lý nhà nước hiện nay còn thiếu công cụ pháp lý để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động Luật sư; thiếu cơ chế hữu hiệu để đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước với hoạt động tự quản của Luật sư.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe trình bày tóm tắt Báo cáo kết quả nghiên cứu, rà soát Luật Luật sư cùng một số bài tham luận, phát biểu ý kiến của đại diện một số cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan xoay quanh các nội dung chủ yếu như sau: (i) Tổng quan về công tác triển khai thực hiện pháp luật về Luật sư; (ii) Đánh giá Hiệu quả thực tế của các quy định trong Luật Luật sư; (iii) Những bất cập, hạn chế và nguyên nhân của bất cập hạn chế trong quá trình triển khai Luật Luật sư; (iv) Kết quả rà soát các quy định cụ thể của pháp luật về Luật sư.

Chủ tịch Liên Đoàn Luật sư Việt Nam Luật sư, Tiến sĩ Đỗ Ngọc Thịnh phát biểu tại Hội thảo.

Từ đó có những kiến nghị, đề xuất xây dựng Luật Luật sư mới thay thế Luật Luật sư số 65/2006/QH11 ngày 29/6/2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012) của Quốc hội tập trung vào những nội dung cơ bản sau đây:

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế pháp luật về Luật sư và hành nghề Luật sư ở Việt Nam, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật liên quan đến Luật sư và hành nghề Luật sư; tạo điều kiện cho Luật sư thực hiện quyền hành nghề của mình, thông qua đó, Luật sư góp phần bảo vệ công lý, hạn chế các sai sót của cơ quan tiến hành tố tụng, qua đó hoạt động bổ trợ tư pháp cũng có vai trò phối hợp và giám sát “ngược” đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp.

Thứ hai, phát triển nghề Luật sư chất lượng và bền vững với đội ngũ Luật sư đủ về số lượng, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu về tập quán pháp luật quốc tế, thông thạo ngoại ngữ, vững về bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp, chú trọng phát triển đa dạng các lĩnh vực hành nghề chuyên sâu trong các lĩnh vực (bên cạnh một số lĩnh vực truyền thống như tranh tụng, tư vấn pháp luật) để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội đối với chất lượng dịch vụ pháp lý của Luật sư, phục vụ đắc lực cho công cuộc cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

Thứ ba, nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động Luật sư thông qua việc sửa đổi, bổ sung quy định chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề Luật sư, phạm vi hành nghề của Luật sư, các trường hợp được miễn đào tạo nghề, miễn giảm thời gian tập sự hành nghề Luật sư; xã hội hóa công tác đào tạo nghề Luật sư đảm bảo lộ trình phù hợp, tính khả thi về nguồn lực xã hội và các điều kiện cần thiết; rà soát, điều chỉnh các quy định đối với Luật sư nước ngoài, tổ chức hành nghề Luật sư nước ngoài tương thích với các quy định đối với Luật sư và tổ chức hành nghề Luật sư trong nước.

Thứ tư, tăng cường trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm nghề nghiệp của cá nhân Luật sư trong hành nghề, đặc biệt là việc tuân thủ pháp luật, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật hành nghề, góp phần nâng cao vị trí, vai trò của Luật sư trong xã hội.

Thứ năm, nâng cao trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư nhất là trong việc giám sát Luật sư, người tập sự hành nghề Luật sư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật đối với Luật sư; tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư thực hiện tự quản theo quy định của pháp luật, dưới sự quản lý của nhà nước.

Thứ sáu, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về Luật sư và hành nghề Luật sư thông qua việc sửa đổi, bổ sung một số quy định làm rõ hơn nội hàm và mối quan hệ giữa quản lý nhà nước với tự quản; bảo đảm sự thống nhất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với hoạt động Luật sư; quy định rõ hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Luật sư; nâng kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề Luật sư thành kỳ thi quốc gia để cấp Chứng chỉ hành nghề Luật sư; tăng cường kiểm tra, thanh tra đối với tổ chức, hoạt động của Luật sư bảo đảm hoạt động của Luật sư được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, từ thực tiễn quản lý nhà nước về hành nghề Luật sư, từ thực tiễn hành nghề Luật sư Hội thảo còn có những đề xuất, ý kiến tham luận góp phần nâng cao hiệu quả hành nghề Luật sư như: Xây dựng cơ chế cho các địa phương được chủ động quyết định việc phân cấp quản lý nhà nước về hành nghề Luật sư; Xây dựng các cơ chế để Luật sư được tham gia vào các dự án công, bảo vệ lợi ích chung của cộng đồng; Quy định rõ ràng mối quan hệ giữa Đoàn Luật sư với các tổ chức hành nghề Luật sư và chi nhánh, văn phòng đại diện tổ chức hành nghề Luật sư; Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý hành nghề Luật sư.

HƯNG NGUYÊN - HOÀNG ĐÀM

Quy trình sản xuất thực phẩm an toàn

Lê Minh Hoàng