/ Trợ giúp pháp lý
/ Hướng dẫn xác định hiệu lực của 'văn bản quy định chi tiết'

Hướng dẫn xác định hiệu lực của 'văn bản quy định chi tiết'

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Bộ Tư pháp vừa có Công văn số 1140/BTP-VĐCXDPL ngày 16/4/2021 trả lời vướng mắc về khái niệm và hiệu lực của “văn bản quy định chi tiết”.

Theo đó, liên quan đến vấn đề quy định thế nào là “văn bản quy định chi tiết” và xác định hiệu lực của văn bản quy định chi tiết thì Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2020) và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ) đã có một số quy định liên quan như quy định về các trường hợp cần giao quy định chi tiết, yêu cầu về nội dung, thời hạn ban hành, hiệu lực của văn bản quy định chi tiết…

Cụ thể, khoản 1 Điều 11 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định:

“1. Văn bản quy phạm pháp luật phải được quy định cụ thể để khi có hiệu  lực thì thi hành được ngay. Trong trường hợp văn bản có điều, khoản, điểm mà nội dung liên quan đến quy trình, quy chuẩn kỹ thuật và những nội dung khác cần quy định chi tiết thì ngay tại điều, khoản, điểm đó có thể giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định chi tiết. Văn bản quy định chi tiết chỉ được quy định nội dung được giao và không được quy định lặp lại nội dung của văn bản được quy định chi tiết”.

Theo quy định này thì “văn bản quy định chi tiết” là văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể các nội dung được giao trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên. Việc giao ban hành văn bản quy định chi tiết phải được quy định ngay tại điều, khoản, điểm của văn bản quy phạm pháp luật, trong đó nêu rõ cơ quan được ban hành văn bản quy định chi tiết và nội dung giao quy định chi tiết (nội dung liên quan đến quy trình, quy chuẩn kỹ thuật và những nội dung khác) phải cụ thể.

Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật được xác định là văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thì đương nhiên hết hiệu lực cùng thời điểm với văn bản được quy định chi tiết thi hành theo quy định tại khoản 4 Điều 154 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Tại khoản 2 Điều 38 của Nghị định 34/2016/NĐ-CP cũng đã quy định rõ về việc xác định văn bản quy định chi tiết thi hành hết hiệu lực. Theo đó, văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành các điều, khoản, điểm được giao quy định chi tiết thi hành văn bản đó đồng thời hết hiệu lực.

Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật được quy định chi tiết hết hiệu lực một phần thì các nội dung quy định chi tiết phần hết hiệu lực của văn bản được quy định chi tiết sẽ hết hiệu lực đồng thời với phần hết hiệu lực của văn bản được quy định chi tiết. Trường hợp không thể xác định được nội dung hết hiệu lực của văn bản quy định chi tiết thi hành thì văn bản đó hết hiệu lực toàn bộ.

Trường hợp một văn bản quy định chi tiết nhiều văn bản quy phạm pháp luật, trong đó chỉ có một hoặc một số văn bản được quy định chi tiết hết hiệu lực thì nội dung của văn bản quy định chi tiết thi hành sẽ hết hiệu lực đồng thời với một hoặc một số văn bản được quy định chi tiết hết hiệu lực. Trường hợp không thể xác định được các nội dung hết hiệu lực của văn bản quy định chi tiết thi hành thì văn bản đó hết hiệu lực toàn bộ.

HỒNG HẠNH

Một số vấn đề pháp lý xoay quanh kháng nghị giám đốc thẩm vụ đánh bạc nghìn tỉ qua mạng

Lê Minh Hoàng