/ Thuật ngữ pháp lý
/ Hương vị thảo nguyên

Hương vị thảo nguyên

05/01/2021 17:51 |

LSVNO - Chuyến thăm Mông Cổ vào mùa hè năm 1997 đã để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc không thể nào quên và những cảm tưởng khó phai mờ trong ký ức.

LSVNO - Chuyến thăm Mông Cổ vào mùa hè năm 1997 đã để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc không thể nào quên và những cảm tưởng khó phai mờ trong ký ức.

Năm 1987, 1997 và 2003 tôi đã có dịp đến thăm đất nước Mông Cổ tươi đẹp và giàu lòng mến khách. Năm 1987 và 2003, tôi đến thăm Mông Cổ vào mùa đông băng giá, tuyết phủ đầy, lạnh dưới âm 30 độ C. Chuyến thăm Mông Cổ vào mùa hè năm 1997 đã để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc không thể nào quên và những cảm tưởng khó phai mờ trong ký ức. Đặc biệt là có một ngày đi trên thảo nguyên mênh mông trải dài tít tắp, chỉ có cây cỏ và hương hoa đồng nội và một đêm ngủ trong nhà lều giữa thảo nguyên mênh mông ấy. Không một tiếng dế kêu, không một tiếng côn trùng rỉ rả trong đêm khuya tĩnh lặng. Giữa tháng bảy mùa hè mà vẫn lạnh cóng, đêm ngủ phải đắp chăn và đốt lửa sưởi.

Sữa ngựa lên men và thịt cừu hầm đá là những món ăn đặc sản truyền thống của người Mông Cổ. Vào dịp lễ hội truyền thống và khi đón khách quý, người ta thường đãi khách những món truyền thống và bổ dưỡng này.

Thịt cừu hầm đá, nghe cứ tưởng như trong truyện cổ tích Anđecxen. Nhưng đó là món ăn đặc sản truyền thống có từ xa xưa của người Mông Cổ. Mà cũng có lẽ chỉ ở Mông cổ mới có món ăn này. Cừu sau khi đã cắt tiết, lột da, người ta chặt thịt thành những miếng to, ướp các loại gia vị, tẩm rượu Thành Cát Tư Hãn (một loại rượu trắng chưng cất từ lúa kiều mạch, giống rượu lúa mới của ta và rượu votca của Nga). Sau đó người ta nung nóng những hòn đá cuội to bằng nắm tay rồi xếp vào nồi, một lớp đá, một lớp thịt, đậy kín, đốt lửa khoảng hai đến ba tiếng đồng hồ cho tới khi thịt chín nhừ. Thịt gắp ra đĩa, nước múc ra bát, hơi bốc nghi ngút, thơm lừng, rất hấp dẫn. Trước khi thưởng thức món thịt hầm đá, chủ nhà gắp đá còn đang nóng hổi trong nồi bỏ vào lòng bàn tay mỗi vị khách một viên. Đá nóng đến nỗi không thể chịu nổi, buộc khách phải lật đá từ bàn tay phải sang bàn tay trái và ngược lại. Cứ lật đi lật lại liên tục như thế cho đến khi nào bớt nóng thì thôi. Mồ hôi toát ra. Cái nóng của đá quyện với sức mạnh huyền bí của thảo nguyên tác động trực tiếp đến các huyệt trong lòng bàn tay (tương ứng với lục phủ ngũ tạng trong cơ thể) làm con người cảm thấy sảng khoái, dễ chịu và thư giãn sau một ngày dài đi đường mệt nhọc.

Chăn cừu trên thảo nguyên. Ảnh: Quốc Bảo 

Ngồi trong nhà lều ăn thịt cừu hầm đá, uống rượu Thành Cát Tư Hãn, nghe nhạc và nhảy múa thâu đêm suốt sáng là những nét văn hóa độc đáo của người Mông Cổ.

Ngày hôm sau, trên đường trở về thủ đô U-lan-ba-to, đoàn chúng tôi dừng chân ở bên đường, cách khoảng ba trăm mét là một hồ nước rộng mênh mông. Ở thảo nguyên mà có được hồ nước thế này là hiếm lắm. Gia súc có thể đến uống nước và tắm thỏa thuê. Một đàn lạc đà khoảng mươi chú, chân cao lênh khênh, da nâu, cái bướu to vắt vẻo trên lưng, cái mũi rộng huyếch, hai mắt tròn xoe, cái mõm xinh xinh lúc nào cũng nhai tóp tép trông rất ngộ nghĩnh và đáng yêu. Đàn lạc đà lao xuống hồ, thấy người, chúng đứng cụm lại với nhau thành vòng tròn, mõm con nọ ghếch vào lưng con kia, mắt lấc láo nhìn xung quanh xem có ai tấn công chúng không.

Ở thung lũng và bên sườn đồi hai bên đường đi, những đàn cừu trắng, đen và dê nhung nhúc có tới vài trăm con đang hối hả gặm cỏ. Chị cán bộ lễ tân đi cùng đoàn cho biết: người ta thường thả cừu lẫn với dê, cừu theo dê đi ăn cỏ. Dê nhanh nhẹn và thông minh nên thường tìm những chỗ có nhiều cỏ non để ăn. Cừu đần độn và chậm chạp nên thường phải đi theo dê để kiếm cỏ non. 

Trên bầu trời ở phía trước bỗng xuất hiện những đám mây đen kịt, báo hiệu sắp có một trận mưa lớn. Chúng tôi ghé thăm một gia đình nông dân sống trong nhà lều nằm trên một quả đồi thấp, thoáng đãng, không có một cây cối nào. Ông bà chủ và cậu con trai cao lớn thấy khách lạ đon đả, niềm nở chào đón, mời vào lều. Nhà lều tròn làm bằng vải bạt đơn sơ chỉ có một cửa ra vào, không bàn tủ cồng kềnh. Chỉ có giường nhỏ, vài cái ghế và một lò sưởi đặt ở giữa lều. Ống khói lò sưởi thẳng tắp như một cái cột trụ ở chính giữa nhà, xuyên qua nóc lều để khói thoát ra ngoài. Bếp lò của người dân du mục có nhiều tác dụng, vừa để nấu ăn, đun nước nóng dùng trong sinh hoạt và để sưởi ấm. Có những mùa đông lạnh giá, nhiệt độ xuống tới âm 30 đến 40 độ C, than củi không có, người ta dùng phân súc vật phơi khô để đốt lửa sưởi. Người du mục sống lang thang nay đây mai đó trên đồng cỏ. Khi nào đàn gia súc ăn hết cỏ ở khu vực này thì họ lại di chuyển sang khu vực khác. Chính vì vậy mà ngôi nhà lều rất đơn sơ để dễ dàng tháo lắp, toàn bộ cơ ngơi xếp trên lưng ngựa hoặc lạc đà di chuyển cơ động.

 

          Vợ chồng người nông dân Mông Cổ trên thảo nguyên. Ảnh: Quốc Bảo

Chủ nhà chân tình, đãi khách lạ bằng sữa ngựa hoặc sữa dê, cừu lên men (gọi là trà sữa) và bánh kẹo làm bằng váng sữa sấy khô. Rất giản dị, mộc mạc nhưng cũng rất đậm đà. Cạnh cửa ra vào treo một cái túi làm bằng da ngựa khô còn nguyên lông ở phía ngoài. Người ta đổ sữa tươi vào túi và cắm một cái gậy vào đó. Mỗi lần đi qua, người ta sọc sọc gậy vài lần để khoắng sữa lên men tự nhiên cho đều.

Mỗi lần uống sữa, vị chua gắt của sữa ngựa lên men ngấm vào các tế bào trong cơ thể làm cho người ta cảm thấy râm ran, mặt nóng bừng, má ửng hồng, tinh thần phấn chấn. Sữa ngựa lên men không những có tác dụng bồi bổ sức khỏe mà còn có tác dụng chữa một số bệnh, nhất là bệnh đường ruột. Lúc đầu uống thấy ghê ghê, nhưng sau vài ba lần uống sẽ quen dần lại cảm thấy “nghiện” và muốn uống nữa. Người uống sẽ không bao giờ quên hương vị đặc trưng vừa chua gắt vừa man mác khó tả của sữa ngựa lên men như rượu.

Từ lâu, sữa ngựa lên men đã trở thành đồ uống “quốc gia” của Mông Cổ, được dùng để thay trà tiếp khách Nhà nước. Trong buổi tiếp kiến Tổng thống ở phòng khánh tiết - nhà lều trong Dinh Tổng thống (tháng 7/1997), chúng tôi cũng được thưởng thức trà sữa ngựa lên men. Một cảm giác khó tả không bao giờ quên! 

LS Phạm Quốc Bảo