Ảnh minh họa.
Về vấn đề này, theo quy định tại khoản 4 Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi.
Theo đó, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.
Bên cạnh đó, giao dịch dân sự của người chưa đủ 6 tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện. Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày phù hợp với lứa tuổi.
Mặt khác, khoản 9 Điều 3 Thông tư 24/2023/TT-BCA quy định về việc người từ đủ 15 tuổi đăng ký xe như sau: Cá nhân từ đủ 15 tuổi trở lên thì được đăng ký xe. Trường hợp cá nhân từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi đăng ký xe thì phải được cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ đồng ý và ghi nội dung “đồng ý”, ký, ghi rõ họ tên, mối quan hệ với người được giám hộ trong giấy khai đăng ký xe.
Điều 107 Bộ luật Dân sự quy định, động sản là những tài sản không phải bất động sản. Bất động sản là tài sản không thể di chuyển như đất đai và các loại tài sản khác gắn liền với đất như nhà, công trình xây dựng… còn động sản là những tài sản có thể di dời, dịch chuyển từ nơi này sang nơi khác. Theo đó, xe máy là động sản và phải đăng ký. Người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi vẫn được đứng tên xe, tuy nhiên phải có sự đồng ý của cha, mẹ, hoặc người giám hộ
Ngoài ra, để có thể điều khiển xe máy, cá nhân cần có đủ các điều kiện về giấy phép lái xe, tuổi và sức khỏe theo quy định của Luật Giao thông đường bộ.
PV