/ Pháp luật - Đời sống
/ Khiếu nại liên quan đến lĩnh vực bất động sản, nhà ở chiếm tỷ lệ cao

Khiếu nại liên quan đến lĩnh vực bất động sản, nhà ở chiếm tỷ lệ cao

01/10/2024 11:06 |

(LSVN) - Theo thông tin từ Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Bộ Công thương, khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến giao kết hợp đồng giữa người tiêu dùng và đơn vị kinh doanh bất động sản, nhà ở chiếm tỷ lệ rất cao.

Ảnh minh hoạ. 

Trung bình mỗi năm, Tổng đài 1800.6868 của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia tiếp nhận khoảng hơn 10.000 cuộc gọi, trong số đó có khoảng 80% các cuộc gọi được tiếp nhận và tư vấn. Đáng chú ý, trong quý II/2023, số lượng đơn, thư liên quan đến lĩnh vực bất động sản, nhà ở chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số 22 nhóm ngành hàng hóa, dịch vụ. Nội dung đơn, thư phản ánh của người tiêu dùng liên quan đến vi phạm quy định về giao kết hợp đồng giữa người tiêu dùng và đơn vị kinh doanh bất động sản, nhà ở.

Ví dụ, khi chưa thống nhất được mức phí dịch vụ chung giữa cư dân và ban quản lý, đơn vị quản lý vận hành đã cắt nước của một số hộ không đóng mức phí khiến phát sinh mâu thuẫn đối với cả hai bên. Dẫn phản ánh của đại diện cư dân, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cho hay, Điều 4.4 hợp đồng mua bán căn hộ có nêu: “Bên bán chỉ được phép bàn giao khi đã hoàn thành xong việc xây dựng căn hộ và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo nội dung và tiến độ trong dự án đã được phê duyệt...”. Điều 11.4 của hợp đồng mua bán ghi nhận mức phí quản lý vận hành chung cư dự kiến là 12.000 đồng/m2/tháng.

Tuy nhiên, từ năm 2021, sau khi nhận bàn giao nhà đến nay, do chủ đầu tư chưa hoàn thành xong hạ tầng và các tiện ích phục vụ đời sống như bể bơi, bãi đỗ xe thông minh, hệ thống phòng cháy, chữa cháy chưa hoàn thiện... người dân không đồng ý đóng phí dịch vụ ở mức 12.000 đồng/m2/tháng, yêu cầu hạ thấp mức phí đúng với dịch vụ đang cung cấp cho cư dân chỉ từ 6.000 đồng - 8.000 đồng/m2/tháng.

Do hai bên không thống nhất được mức phí phù hợp, dẫn tới hiện trạng có căn hộ đóng phí dịch vụ, có căn hộ không đóng phí. Cùng với đó, chủ đầu tư gửi thông báo tới cư dân với nội dung sẽ hạn chế một số dịch vụ đối với các căn hộ và không nhận trông giữ phương tiện chưa thanh toán phí dịch vụ trông giữ. Thông báo này vấp phải sự phản ứng gay gắt của cư dân.

Cư dân cho rằng, đây là trách nhiệm của chủ đầu tư chưa hoàn thành xong công trình, để người dân sống trong cảnh thiếu thốn tiện ích cũng như chưa thể làm thủ tục cấp “sổ đỏ”... thì không thể ép người dân đóng phí dịch vụ hay không nhận trông giữ phương tiện. Nhiều cư dân cho biết, không chỉ ép người dân không đóng phí dịch vụ thì không trông giữ phương tiện, mà đơn vị vận hành từng đóng cửa nhà thu gom rác, để người dân phải mang rác xuống tầng 1 vứt thành đống, gây ô nhiễm môi trường. Gần đây nhất là thông báo cắt nước đối với những hộ không đóng phí dịch vụ.

Mâu thuẫn giữa cư dân và chủ đầu tư tại nhiều dự án vẫn ở mức đỉnh điểm. Ủy ban Cạnh tranh quốc gia khuyến nghị, để giải quyết triệt để mâu thuẫn các vấn đề trên tại chung cư thì chủ đầu tư nên sớm hoàn thành dự án như quảng cáo lúc mở bán cho người dân; đồng thời, nỗ lực hơn nữa phối hợp với cơ quan chức năng để triển khai các phần việc thuộc phạm vi trách nhiệm của mình để đủ cơ sở pháp lý bàn giao tòa nhà cho cư dân quản lý.

PV (t/h)

Nguyễn Mỹ Linh