Ảnh minh họa.
Liên quan đến vụ án Công ty AIC vi phạm đấu thầu tại dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, đến nay tòa đã nhận được đơn kháng cáo của nhiều bị cáo và Công ty AIC. Trong đó, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch Công ty AIC, đang bỏ trốn nhưng Luật sư của bà Nhàn đã làm đơn kháng cáo thay với nội dung cho rằng cơ quan tố tụng điều tra chưa đầy đủ. Ngoài bà Nhàn, bảy bị cáo khác đang bỏ trốn cũng được các Luật sư kháng cáo thay với nội dung đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại bản án sơ thẩm.
Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam về một số vấn đề pháp lý xoay quanh nội dung trên, Luật sư Hoàng Hướng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, kháng cáo là quyền của một số người tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật. Họ có quyền yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xét lại bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật trong thời hạn và theo thủ tục nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Điều 331 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, những người có quyền kháng cáo gồm:
- Bị cáo và người đại diện hợp pháp của họ.
- Bi hại và người đại diện hợp pháp của họ.
- Người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền lợi cho bị hại là người dưới 18 tuổi hoặc là người có nhược điểm về thể chất hoặc tinh thần.
- Bị đơn dân sự và người đại diện hợp pháp của họ.
- Nguyên đơn dân sự và người đại diện hợp pháp của họ.
- Người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án và người đại diện hợp pháp của họ.
Người có quyền kháng cáo, phạm vi quyền kháng cáo của họ tùy thuộc vào địa vị pháp lý của mỗi người khi tham gia tố tụng. Chẳng hạn, bị cáo có quyền kháng cáo toàn bộ bản án, nhưng những người có quyền và nghĩa vụ liên quan chỉ được kháng cáo những quyết định có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.
Luật sư Hướng phân tích thêm, kháng cáo là quyền luật định cho những người tham gia tố tụng trong giai đoạn xét xử nhưng không phải người tham gia tố tụng nào cũng có quyền kháng cáo. Người tham gia tố tụng hình sự là chế định được quy định rõ ràng trong Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Về cơ bản, khoa học luật tố tụng hình sự đã có sự thống nhất trong việc phân loại những người tham gia tố tụng. Theo đó, những người tham gia tố tụng trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự có thể chia thành ba nhóm:
- Người tham gia tố tụng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình gồm: Bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
- Người tham gia tố tụng nhằm giúp đỡ người có quyền và lợi ích hợp pháp bao gồm: Người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự. Đây là những người tham gia tố tụng nhằm giúp đỡ những người thuộc nhóm thứ nhất.
- Người tham gia tố tụng nhằm giúp cơ quan tố tụng hình sự xác định sự thật của vụ án gồm: Người làm chứng, người giám định, người phiên dịch.
Quyền kháng cáo là phương tiện để những người tham gia tố tụng bày tỏ sự không đồng tình của mình đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật nên trước hết, chủ thể có quyền kháng cáo đương nhiên là người tham gia tố tụng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính bản thân mình (nhóm thứ nhất). Người tham gia tố tụng nhằm giúp đỡ người có quyền và lợi ích hợp pháp (nhóm thứ hai) là người có kiến thức pháp luật hoặc sự hiểu biết, khả năng bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người tham gia tố tụng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình.
Do đó, Luật sư Hoàng Hướng đánh giá việc kháng cáo của bị cáo Nhàn chưa đúng quy định. Cụ thể, về chủ thể kháng cáo, bị cáo Nhàn không tham gia tố tụng, không bày tỏ quan điểm về bất đồng quan điểm với bản án những quyền lợi hợp pháp cần được bảo vệ và sự không đồng tình với bản án, quyết định sơ thẩm mà mỗi chủ thể có quyền kháng cáo sẽ được kháng cáo những vấn đề gì và yêu cầu cụ thể như thế nào để vừa bảo đảm quyền lợi của bị cáo vừa tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của những chủ thể khác. Giả sử bị cáo đã chết, và cơ quan tiến hành tố tụng cùng các bên liên quan vẫn tiến hành xét xử phúc thẩm thì đó là một việc làm trái với các quy định của pháp luật, dẫn đến một hệ quả pháp lý nghiêm trọng.
Bị cáo là người bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử. Trong giai đoạn tố tụng này, bị cáo tiếp tục mang địa vi pháp lý của người bị buộc tội. Trách nhiệm pháp lý của bị cáo được xác định trong bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án có liên quan đến nhiều vấn đề về tội danh, hình phạt áp dụng, trách nhiệm bồi thường thiệt hại, các quyền lợi và nghĩa vụ pháp lý khác. Vì vậy, phạm vi quyền và lợi ích hợp pháp cần được bày tỏ thái độ để bảo vệ rất đa dạng không bị hạn chế. Đó cũng là cơ sở lý luận mà pháp luật tố tụng hình sự quy định quyền được kháng cáo một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định sơ thẩm cho bị cáo.
Hiện tại, không có quy định của pháp luật hiện hành cho phép Luật sư được làm kháng cáo cho bị cáo đang bị truy nã.
PV
Pháp luật quy định thế nào về việc Luật sư kháng cáo thay thân chủ?