/ Luật sư - Bạn đọc
/ Không để người dân chịu thiệt thòi khi thu hồi đất

Không để người dân chịu thiệt thòi khi thu hồi đất

10/09/2021 10:30 |

(LSVN) - Mặc dù công trình dự án thoát lũ theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) giữa UBND huyện Yên Lập (Phú Thọ) với Công ty Lân Huế đã hoàn tất, người dân đã được bồi thường, khoảng 90.000m2 đất đã được công ty phân lô, bán nền nhưng vẫn còn một hộ dân liên tục khiếu nại về việc đền bù quá rẻ mạt, gây thiệt thòi cho gia đình.

Ông Hà Văn Minh cho rằng, việc lấy đất của dân giao cho doanh nghiệp tư nhân với giá rẻ mạt rồi để doanh nghiệp bán lại cho dân với giá cắt cổ" là không công bằng. 

Năm 2017, UBND huyện Yên Lập (Phú Thọ) thực hiện dự án thoát lũ theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) với Công ty Lân Huế. Theo đó, huyện này đã lên phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân bị mất đất tại khu vực Bến Sơn (thị trấn Yên Lập).

Mặc dù công trình đã hoàn tất, người dân đã được bồi thường, khoảng 90.000m2 đất đã được công ty phân lô, bán nền nhưng vẫn còn một hộ dân liên tục khiếu nại về việc đền bù quá rẻ mạt, gây thiệt thòi cho gia đình. Trong đó có trường hợp của ông Hà Văn Minh (sinh năm 1956) là thương binh, gia đình ông bị thu hồi đất với diện tích 1.649,5m2, đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử đất thuộc loại đất trồng cây. Số tiền bồi thường là 241.196.000 đồng.

Thế nhưng, vì sao ông Minh đã ký vào biên bản thỏa thuận bồi thường, đã nhận tiền mà vẫn khiếu nại đến chính quyền, "kêu cứu" đến các cơ quan truyền thông?

Trao đổi với PV, ông trình bày: "Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Yên Lập mời tôi đến làm việc, lập biên bản và yêu cầu tôi ký nhận số tiền trên. Thêm nữa, để đổi lại diện tích bị thu hồi, họ cho máy xúc ủi đất đồi thuộc thổ cư của tôi để có mặt bằng tiếp tục làm vườn ươm cây. Tưởng như việc đó là công minh, chính trực, vì dân, tôi còn kêu ca nỗi gì. Tôi ngộ nhận điều đó và ký vào biên bản. Hơn nữa, tôi nghĩ bản thân đã từng hy sinh xương máu cho Tổ quốc, nay có tý đất khai phá được, Nhà nước cần thì mình không nên gây khó dễ. Đặc biệt, lại trong một hoàn cảnh bị ép buộc khi Quyết định cưỡng chế đất của tôi đã niêm yết tại Nhà văn hóa thôn".

Cho đến sau này, khi ông Minh thấy đất của mình không phải thu hồi làm công trình công cộng gì cả. Ông cũng nhận ra "lòng tốt" và sự "hỗ trợ" để ông có mặt bằng ươm cây cũng chỉ là việc lấy đất đồi của ông đi san nền mà không phải trả tiền, không bị đánh thuế mà thôi. Khi xem truyền hình, ông biết Công ty Lân Huế đã thi công đến 90% công trình mà chưa có giấy phép đầy đủ, ông mới viết đơn khiếu nại những được trả lời là đã quá thời hiệu.

Hiện tại, mảnh đất của ông nằm giữa mặt tiền của hai con đường đang được công ty rao bán với giá hơn 9 triệu đồng/1m2. Mảnh đất đó không cần phải san lấp, sửa sang gì cả, không có "cơ sở hạ tầng" kèm theo, vẫn nguyên thủy như xưa, nơi cây ông ươm cây bán làm kế sinh nhai cho gia đình.

Ông Hà Văn Minh cho rằng: "Việc lấy đất của dân giao cho doanh nghiệp tư nhân với giá rẻ mạt rồi để doanh nghiệp bán lại cho dân với giá cắt cổ" là không công bằng. Gia đình ông quá bị thiệt thòi, vì vậy, ông đề nghị trả lại đất cho ông hoặc trả bằng giá thị trường mà công ty đang rao bán. Nếu Nhà nước thu hồi đất để làm công trình công cộng hoặc đường sá giao thông lại là chuyện khác, ông sẵn sàng giao nhưng đằng này lại để doanh nghiệp kiếm lời trên mồ hôi, nước mắt và thành quả của người lao động là không thể được”.

Thiết nghĩ, trường hợp của người thương binh này rất đáng quan tâm và điều quan tâm hơn cả là chính quyền không thể để cho người dân bị chịu sự thiệt thòi.

PV

TP. Hồ Chí Minh lên kế hoạch sử dụng 'thẻ xanh Covid' sau ngày 15/9

Lê Minh Hoàng