(LSVN) – Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị cần quy định bắt buộc Tòa án xem xét đưa vào nội dung của bản án ý kiến của Luật sư nêu trong bản luận cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự nếu có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án.
Ảnh minh họa.
Vừa qua, Liên đoàn Luật sư Việt Nam nhận được Công văn số 136/TANDTC-PC ngày 24/7/2023 của Tòa án nhân dân Tối cao đề nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 theo Kế hoạch số 248/QĐ-TANDTC ngày 14/7/2023 của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao. Sau khi tổng hợp ý kiến của các Đoàn Luật sư và các Luật sư thành viên, Liên đoàn Luật sư Việt Nam báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015.
Trong đó, về quyền, nghĩa vụ của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (Điều 76; Điều 227 và Điều 254), theo Liên đoàn Luật sư Việt Nam, khoản 3 Điều 76 BLTTDS quy định: “Tham gia việc hòa giải, phiên họp, phiên tòa hoặc trường hợp không tham gia thì được gửi văn bản bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự cho Tòa án xem xét”.
Điểm đ khoản 2 Điều 227 quy định về sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự như sau:
“Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì xử lý như sau:
…
đ) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ”.
Điểm a khoản 1 Điều 254 quy định về công bố tài liệu, chứng cứ của vụ án:
“1. Hội đồng xét xử công bố tài liệu, chứng cứ của vụ án trong các trường hợp sau đây:
a) Người tham gia tố tụng không có mặt tại phiên tòa nhưng đã có lời khai trong giai đoạn chuẩn bị xét xử”.
Thực tiễn thi hành cho thấy, vì khoản 3 Điều 76 và điểm đ khoản 2 Điều 227 BLTTDS không quy định cụ thể nên trong trường hợp người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (Luật sư) vắng mặt và có nộp bản luận cứ nhưng Hội đồng xét xử không đề cập, không xem xét bản luận cứ của Luật sư. Ngoài ra, có trường hợp Luật sư vắng mặt tại phiên tòa được triệu tập lần thứ hai do thực hiện công tác đột xuất của theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền nhưng Tòa án vẫn xét xử vắng mặt.
Chính vì vậy, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị có hướng dẫn thống nhất trường hợp Luật sư vắng mặt có nộp bản luận cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự thì Hội đồng xét xử phải công bố bản luận cứ của Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự như quy định tại điểm a khoản 1 Điều 254 BLTTDS 2015 về việc công bố tài liệu, chứng cứ của vụ án.
Đồng thời, cần quy định hoặc hướng dẫn cụ thể về “sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan” như thế nào để đảm bảo việc giải quyết vụ án trong trường hợp Luật sư vắng mặt khi được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai vì “trở ngại khách quan” như ví dụ nêu trên.
Đáng chú ý, Liên đoàn đề nghị cần quy định bắt buộc Tòa án xem xét đưa vào nội dung của bản án ý kiến của Luật sư nêu trong bản luận cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự nếu có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án.
PV
Kiến nghị thu hẹp diện chủ thể người bào chữa theo hướng nâng cao tính chuyên nghiệp