Ảnh minh họa.
Từ thực trạng các hành vi xâm phạm QTG đối với tác phẩm nhiếp ảnh diễn ra ngày càng phổ biến, tác giả và chủ sở hữu QTG các tác phẩm nhiếp ảnh luôn bị đặt trong tình trạng lo ngại khi công bố tác phẩm của mình trước công chúng, đặc biệt là khi tiến hành phân phối, truyền đạt tác phẩm của mình. Các thách thức cũng đặt ra với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc bảo hộ QTG tác phẩm nhiếp ảnh và hệ thống pháp luật bảo hộ QTG đối với tác phẩm nhiếp ảnh. Điều này đặt ra yêu cầu phải có những giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả của việc bảo vệ QTG đối với tác phẩm nhiếp ảnh như sau:
Thứ nhất, hoàn thiện các quy định của pháp luật về QTG đối với tác phẩm nhiếp ảnh
Hiện nay, các quy định về tội xâm phạm QTG đối với loại hình tác phẩm nhiếp ảnh đã được đề cập, tuy nhiên các quy định trên còn mang tính chung chung, chưa đi sâu và quy định cụ thể đối với loại hình tác phẩm này. Tác phẩm nhiếp ảnh có những đặc trưng riêng, những hành vi xâm phạm QTG đối với tác phẩm nhiếp ảnh cũng mang tính chất khác biệt so với những tác phẩm khác. Trước tiên, cần phải làm rõ khái niệm tác phẩm nhiếp ảnh, giải thích những từ ngữ mang tính chuyên môn hoặc trừu tượng trong định nghĩa để người đọc có thể hình dung được chính xác nhất về loại hình tác phẩm nhiếp ảnh. Việc bổ sung những quy định về tác phẩm phái sinh của tác phẩm nhiếp ảnh cũng là hết sức cần thiết. Việc xác định chính xác tác phẩm phái sinh của tác phẩm nhiếp ảnh sẽ giúp cho việc bảo vệ QTG đối với tác phẩm phái sinh được hiệu quả hơn, tránh gây nhầm lẫn tác phẩm phái sinh với những tác phẩm sao chép, đạo nhái.
Ngoài ra, hoàn thiện pháp luật về bảo vệ QTG đối với tác phẩm nhiếp ảnh cũng cần phải đáp ứng yêu cầu là phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, để việc bảo vệ QTG đối với tác phẩm nhiếp ảnh không chỉ hiệu quả trong nước mà còn phù hợp với pháp luật quốc tế, nhất là trong quá trình hội nhập kinh tế mạnh mẽ như ngày nay.
Thứ hai, hoàn thiện các quy định pháp luật về QTG đối với tác phẩm nhiếp ảnh trên Internet
Trong thời đại công nghệ số phát triển, việc xâm phạm QTG được thực hiện chủ yếu trên môi trường Internet, với những phương thức hết sức tinh vi. Các quy định về tội xâm phạm QTG đối với tác phẩm nhiếp ảnh hiện nay mới chỉ quy định một cách chung, trong khi môi trường Internet có những đặc thù riêng. Điều này dẫn đến hiệu quả thực thi còn hạn chế và chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ QTG của tác phẩm nhiếp ảnh trên Internet một cách đầy đủ:
- Đối với pháp luật dân sự, pháp luật chuyên ngành về SHTT: Cần tiếp tục bổ sung các quy định, văn bản pháp luật về QTG đối với tác phẩm nhiếp ảnh trên Internet, đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện cho các tác giả, chủ sở hữu QTG tác phẩm nhiếp ảnh tham gia bảo hộ quyền của mình đối với tác phẩm trên Internet, đặc biệt là cụ thể hóa hơn các quy định bảo đảm quyền tự bảo vệ của tác giả, chủ sở hữu QTG đối với tác phẩm nhiếp ảnh trên Internet khi phát hiện hành vi xâm phạm quyền của mình.
Đối với pháp luật về xử lý vi phạm hành chính: Việc dỡ bỏ bản sao tác phẩm nhiếp ảnh vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường Internet cần được quy định chi tiết cách thức thực hiện, thẩm quyền của người thực hiện, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong việc dỡ bỏ tác phẩm nhiếp ảnh vi phạm trên Internet và các biện pháp công nghệ cao có thể được áp dụng để ngăn chặn các hành vi xâm phạm trên Internet.
Đối với pháp luật hình sự: Thực hiện việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với chủ thể là pháp nhân có hành vi vi phạm QTG đối với tác phẩm nhiếp ảnh trên Internet. Cần cụ thể hơn nữa về hậu quả cũng như cách thức tính thiệt hại do hành vi xâm phạm QTG gây ra cho các tác giả, chủ sở hữu QTG tác phẩm nhiếp ảnh, bởi trên Internet việc diễn ra các hành vi xâm phạm được thực hiện đơn giản, nhanh chóng và quy mô rộng nên việc tính toán thiệt hại xảy ra là điều không dễ dàng.
Thứ ba, về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực QTG đối với tác phẩm nhiếp ảnh
Cần tập trung vào một chủ thể nhất định hoặc thiết lập một cơ quan chuyên môn để đưa ra những hình thức xử phạt hợp lý và hiệu quả. Cơ quan này sẽ đảm nhận nhiệm vụ thực hiện việc giám sát và bảo vệ các QTG nói chung và QTG đối với tác phẩm nhiếp ảnh nói riêng như: Khuyến khích việc chuyển nhượng QTG tác phẩm nhiếp ảnh phù hợp với các quy định của pháp luật; giám sát việc sử dụng hợp pháp và bất hợp pháp tác phẩm nhiếp ảnh; bảo vệ các tác phẩm nhiếp ảnh; điều tiết và giám sát các biện pháp kỹ thuật nhằm thực hiện việc bảo vệ và xác định các tác phẩm nhiếp ảnh được bảo vệ...
Thứ tư, bản thân tác giả, chủ sở hữu QTG tác phẩm nhiếp ảnh cần đầu tư áp dụng các cách thức bảo hộ tác phẩm của mình
Trong cả môi trường truyền thống và môi trường Internet, việc có các biện pháp bảo vệ QTG là rất quan trọng. Tuy nhiên, hai môi trường này có tính chất khác nhau nên tùy vào mỗi môi trường, tác giả hay chủ sở hữu QTG cần có những biện pháp cụ thể phù hợp với từng môi trường. Tuy nhiên, tác giả cần đặc biệt chú ý tới việc bảo hộ tác phẩm trên môi trường Internet bởi đặc tính vô hình của phương tiện chứa đựng và truyền dẫn là mạng không gian ảo. Tác giả cần tự áp dụng các biện pháp tự bảo hộ cho tác phẩm của mình như đăng ký tạo tài khoản cá nhân online. Tài khoản này sẽ nhận dạng kỹ thuật số của tác giả và nó có mức độ bảo mật cao.
Bên cạnh đó, tác giả tác phẩm nhiếp ảnh có thể làm Giấy chứng nhận đăng ký QTG. Đây không phải là điều kiện bắt buộc để tác phẩm nhiếp ảnh được bảo hộ theo quy định của pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, người được cấp Giấy chứng nhận này sẽ không có nghĩa vụ phải chứng minh QTG đó thuộc về mình trong trường hợp có tranh chấp xảy ra. Do đó, Giấy chứng nhận đăng ký QTG cũng có thể là một phương thức pháp lý hữu hiệu chống lại các hành vi xâm phạm QTG đối với tác phẩm nhiếp ảnh.
Thứ năm, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, động viên và phát huy sức mạnh toàn dân tích cực tham gia phòng ngừa và đấu tranh chống các hành vi xâm phạm QTG đối với tác phẩm nhiếp ảnh
Công tác tuyên truyền, giáo dục này hoàn toàn có thể đưa vào nội dung giáo dục trong nhà trường, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp... thông qua việc phát động các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật SHTT, đặc biệt là QTG đối với tác phẩm nhiếp ảnh, kết hợp với việc mời các chuyên gia trong lĩnh vực SHTT đến trao đổi các kiến thức cơ bản về QTG, cách thức bảo hộ QTG, từ đó xây dựng ý thức, trách nhiệm của mọi người trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm xâm phạm QTG đối với tác phẩm nhiếp ảnh.
Thứ sáu, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và chủ sở hữu, thông qua các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện các chủ thể có hành vi vi phạm, kiên quyết xử lý đúng pháp luật, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để toàn dân được biết
Nâng cao hơn nữa vai trò của Tòa án trong việc xét xử nghiêm minh các hành vi xâm phạm nghiêm trọng QTG đối với tác phẩm nhiếp ảnh. Đồng thời tổ chức xây dựng lực lượng chuyên trách về sở hữu trí tuệ, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Thứ bảy, hướng tới việc Tòa án thực sự trở thành “kênh” giải quyết thuyết phục, ưa chuộng đối với các tranh chấp về QTG đối với tác phẩm nhiếp ảnh.
Một số đề xuất bước đầu có thể đưa ra như sau: Sớm thiết lập cơ quan đầu mối phối hợp trong phòng chống, xử lý có hiệu quả các hành vi xâm phạm QTG đối với tác phẩm nhiếp ảnh; Rà soát và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, thẩm phán theo hướng chuyên sâu về SHTT; Tài sản QTG là loại tài sản đặc thù, khác biệt với các tài sản sở hữu công nghiệp của SHTT, trong đó đặc biệt khác về cơ chế xác lập, thực thi bảo hộ... Do vậy, về lâu dài cần tổ chức nghiên cứu xây dựng và ban hành riêng biệt Luật Quyền tác giả, trong đó ghi chú cụ thể QTG đối với từng loại hình tác phẩm.
ANH DŨNG
Tòa án quân sự khu vực Thủ đô Hà Nội
Lãi suất chậm thanh toán trong tranh chấp hợp đồng xây dựng: Thực tiễn xét xử và hướng giải quyết