Kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về tội 'Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ'

27/07/2022 15:33 | 1 năm trước

(LSVN) - Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”, đây là quy định quan trọng trong việc xử lý những trường hợp có ý thức coi thường pháp luật, không chấp hành Luật Giao thông đường bộ làm ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn giao thông (ATGT), trực tiếp xâm phạm đến hoạt động bình thường của các phương tiện giao thông đường bộ (GTĐB), tính mạng, sức khỏe của người khác, tài sản của nhà nước, của các tổ chức và cá nhân. Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết các vụ án có dấu hiệu của tội này nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc do bất cập trong quy định của pháp luật.

Ảnh minh họa

Từ thực tiễn xét xử các vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập và qua nghiên cứu các quy định của pháp luật, văn bản hướng dẫn, thi hành tác giả có một số kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật như sau:

Thứ nhất, mở rộng chủ thể của hành vi vi phạm quy định về tham gia GTĐB. Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 việc thay đổi tên điều luật dẫn đến sự thay đổi về chủ thể đối với tội phạm này, từ “người điều khiển phương tiện GTĐB” thành “người tham gia GTĐB”. Như vậy, Luật quy định về chủ thể của hành vi gồm tất cả những người tham gia giao thông kể cả những người khi tham gia giao thông là người đi bộ. 

Tuy nhiên, lý luận khoa học hình sự và thực tiễn cho thấy hậu quả của hành vi phạm tội do những chủ thể này gây ra là không giống nhau. Bởi vì trường hợp có cùng hành vi vi phạm an toàn GTĐB như nhau và gây ra thiệt đến tính mạng, thiệt hại nghiêm trọng đến sức khỏe, tài sản của người khác thì tính nguy hiểm của hành vi của người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là lớn hơn các trường hợp khác, đặc biệt là so với người đi bộ. TNHS mà người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới và người đi bộ phải chịu là khác nhau.

Do đó, ta thấy rằng việc Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 mở rộng chủ thể của hành vi vi phạm quy định về tham gia GTĐB gồm cả người điều khiển phương tiện GTĐB và người đi bộ trên đường bộ là không hợp lý bởi tính chất nguy hiểm của hành vi do các chủ thể trên gây ra có sự khác biệt lớn. Nếu cùng điều chỉnh hành vi vi phạm của hai chủ thể này trong một điều luật, với chung một mức hình phạt sẽ không đảm bảo nguyên tắc công bằng trước pháp luật đối với các chủ thể trên. Cụ thể như sau:

"Điều 260. Tội vi pham quy định về tham gia giao thông đường bộ

Hành khách, người đi bộ tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt…"

Thứ hai, việc áp dụng hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định cũng không còn ý nghĩa nữa khi chủ thể vi phạm Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 là người đi bộ tham gia giao thông. Vì vậy, tác giả kiến nghị tách Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 thành hai điều luật riêng biệt: “Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” với chủ thể như quy định tại Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999 và “Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” với chủ thể đặc biệt là người đi bộ theo hướng quy định về trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với tội vi phạm quy định về tham gia GTĐB là nhẹ hơn so với tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện GTĐB.

Thứ ba, xét theo quy định ở khoản 1 Điều 260 Bộ luật Hình sự về hành vi và hành phạt tương xứng thì tính răn đe của pháp luật hình sự chưa được thể hiện trong trường hợp người nào điều khiển phương tiện GTĐB vi phạm quy định về an toàn GTĐB gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể  từ 31% đến 60%  đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm và trường hợp gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Trong quá trình cải cách tư pháp hiện nay, chúng ta hướng đến một chính sách pháp luật hình sự nhân đạo, phi hình sự hóa một số tội phạm, giảm nhẹ hình phạt đối với nhiều tội phạm. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, vi phạm quy định về tham gia GTĐB hiện nay vẫn không ngừng tăng, các hành vi vi phạm ATGT đường bộ bị xử phạt vi phạm hành chính là rất lớn do nhận thức và ý thức pháp luật của người dân khi tham gia giao thông vẫn còn nhiều hạn chế. Bởi vậy tôi cho rằng, việc không quy định trường hợp trên là chưa phù hợp. Vì vậy, cần quy định bổ sung các trường hợp trên vào khoản 1 Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 như sau:

“Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt …:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

d) Gây thiệt hại về tài sán từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng”.

Về hình phạt: Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định hình phạt bổ sung đối với tội vi phạm quy định về tham gia GTĐB là cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Tuy nhiên, quy định về hình phạt bổ sung này được kết cấu thành một khoản riêng và không có tính bắt buộc mà chỉ quy định người phạm tội “có thể” bị áp dụng hình phạt bổ sung này. Vì vậy, việc áp dụng hình phạt bổ sung hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người áp dụng pháp luật có hoặc hay không áp dụng hình phạt này đối với người phạm tội. Hơn thế nữa, hình phạt bổ sung được quy định tại điều luật này là “Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định” chỉ có thể áp dụng đối với những người có chức vụ, nghề nghiệp hay công việc trong lĩnh vực giao thông vận tải như lái xe…

Đối với những người vi phạm khác mà không phải là người có chức vụ, nghề nghiệp hay công việc liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải thì không áp dụng được hình phạt bổ sung này. Do đó, thực tế rất nhiều trường hợp người vi phạm giao thông gây chết người bị xử lý hình sự nhưng do chỉ bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo nên họ vẫn có thể tiếp tục điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà không bị hạn chế nào. Điều này là không hợp lý bởi đối với tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện GTĐB thì chủ thể tuy vô ý về hậu quả nhưng lại cố ý về hành vi vi phạm, việc người phạm tội vẫn có thể tham gia giao thông bình thường mà không chịu bất cứ sự hạn chế nào trong thời gian chấp hành hình phạt do vi phạm tội phạm này là sự đe dọa không nhỏ tới an toàn giao thông.

Thứ tư, đề xuất sửa đổi điểm b khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 thành: “Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác”. Bời vì, khi đã sử dụng rượu, bia rồi tham gia giao thông, tính chất nguy hiểm sẽ tăng lên rất nhiều, hành vi uống rượu thể hiện ý thức chủ quan của người phạm tội, biết uống rượu mà tham gia giao thông có thể gây nguy hiểm cho người khác nhưng vẫn uống. Đây là hành vi cố ý cần có những chế tài nghiêm khắc và cần được hình sự hóa trong Bộ luật Hình sự.

Đồng thời, theo các quy định tại điểm b khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự, khoản 8 Điều 8 Luật GTĐB năm 2008 và Khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/8/2013 đều quy định: “Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác” những quy định trên đây mâu thuẫn với quy định tại Khoản 1 Điều 35 Luật Phòng chống tác hại của rượu bia năm 2019 đó là: “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Như vậy, cần quy định lại điểm b khoản 2 Điều 260 Bộ luật Hình sự cho phù hợp với Luật Phòng chống tác hại của rượu bia năm 2019.

Thứ năm, bổ sung thêm nội dung “Tước giấy phép lái xe” vào quy định tại khoản 5 Điều 260 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên do phần các hình phạt của Bộ luật Hình sự không có quy định hình phạt này nên cần bổ sung hình phạt tước giấy phép lái xe vào Điều 41 Bộ luật Hình sự 2015.

KHÁNH HẰNG

Tòa án quân sự khu vực Thủ đô Hà Nội

Lãi suất chậm thanh toán trong tranh chấp hợp đồng xây dựng: Thực tiễn xét xử và hướng giải quyết