(LSVN) - Khoản 1, Điều 179, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: "Tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động; tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động". Khi tham gia giải quyết các vụ án tranh chấp lao động, ngoài những kỹ năng chung, người Luật sư cần nắm được những đặc thù trong việc giải quyết các vụ án lao động cũng như hậu quả pháp lý của nó.
Ảnh minh họa.
Kỹ năng trao đổi với khách hàng về việc khởi kiện vụ án tranh chấp lao động
Điều 32, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định các tranh chấp lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án bao gồm: Tranh chấp lao động cá nhân, tranh chấp lao động tập thể về quyền, tranh chấp về an toàn lao động, vệ sinh an toàn lao động, tranh chấp về bồi thường thiệt hại do đình công và các tranh chấp khác về lao động.
Trước hết, Luật sư phải chú ý lắng nghe khách hàng trình bày và cần làm rõ được nội dung tranh chấp giữa các bên (ai tranh chấp với ai, tranh chấp như thế nào, có các loại giấy tờ, văn bản liên quan đến việc tranh chấp này không, các giấy tờ đó có giá trị pháp lý hay không; đã có cơ quan nào giải quyết chưa, việc giải quyết của cơ quan đó đến đâu rồi...), mong muốn (yêu cầu) của khách hàng khi khởi kiện và điều kiện khởi kiện…
Việc xác định rõ mong muốn/yêu cầu của khách hàng sẽ giúp Luật sư có thể đưa ra lời khuyên cho khách hàng. Chẳng hạn, trong những vụ tranh chấp mà người lao động khởi kiện người sử dụng lao động vì cho rằng mình bị kỷ luật sa thải trái pháp luật, Luật sư cần hỏi để làm rõ yêu cầu của khách hàng muốn quay trở lại làm việc tại doanh nghiệp hay chỉ muốn được bồi thường các khoản tiền do bị kỷ luật sa thải trái pháp luật,…
Sau đó, Luật sư đề nghị khách hàng cung cấp các loại giấy tờ liên quan mà họ có, ví dụ: Hợp đồng lao động, hợp đồng hợp tác, các quyết định của các cơ quan có thẩm quyền đã giải quyết, chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu… Đây là khâu quyết định để Luật sư giải quyết có kết quả các yêu cầu, mong muốn của khách hàng. Phải có các giấy tờ, văn bản tức là các chứng cứ, căn cứ để chứng minh sự việc xảy ra là có thật. Vì vậy, Luật sư phải đề nghị khách hàng cung cấp thật đầy đủ, chính xác các loại văn bản, giấy tờ liên quan đến vụ việc mà khách hàng yêu cầu.
Trên cơ sở đó, tư vấn cho khách hàng khởi kiện một tranh chấp lao động đến Tòa án. Tuy nhiên, Luật sư cần xác định rõ các điều kiện khởi kiện đặc thù trong các vụ án tranh chấp lao động như:
(1) Quyền khởi kiện của khách hàng theo quy định tại khoản 6, Điều 69, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, người lao động đủ 15 tuổi trở lên có thể tự khởi kiện. Đây là sự khác biệt giữa chủ thể trong các loại tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại.
(2) Khách hàng khởi kiện là người lao động, khách hàng khởi kiện là người sử dụng lao động thì tùy thuộc vào đối tượng chủ thể khởi kiện để xác định người phải ký trực tiếp vào đơn khởi kiện theo quy định của pháp luật.
(3) Thủ tục tiền tố tụng, theo quy định tại Điều 32, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì điều kiện về thủ tục tiền tố tụng chỉ đặt ra đối với tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể về quyền. Bởi theo quy định tại khoản 1, Điều 201, Bộ luật Lao động năm 2012 và khoản 1, Điều 32, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì:
(i) Đối với những vụ tranh chấp lao động cá nhân, Tòa án chỉ thụ lý giải quyết tranh chấp khi tranh chấp đó đã được hòa giải viên lao động hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, hòa giải không thành hoặc không hòa giải trong thời hạn do pháp luật quy định.
(ii) Đối với tranh chấp lao động về quyền giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động, Tòa án chỉ thụ lý khi tranh chấp đó đã được Chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh giải quyết mà tập thể lao động hoặc người sử dụng lao động không đồng ý với quyết định đó hoặc quá thời hạn mà Chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh không giải quyết.
Như vậy, quy định về tiền tố tụng đối với tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể về quyền mà các hành vi làm phát sinh xảy ra trước ngày 01/01/2021 thì bắt buộc phải thông qua hòa giải của hòa giải viên, trừ các trường hợp theo quy định tại khoản 1, Điều 88, Bộ luật Lao động năm 2019. Đối với các tranh chấp xảy ra từ ngày 01/01/2021 trở đi thì các bên tranh chấp được tự nguyện thỏa thuận hòa giải mà không bắt buộc phải hòa giải thông qua hòa giải viên lao động. Bên cạnh đó, Luật sư cần làm rõ việc các bên có yêu cầu hội đồng trọng tài giải quyết hay không? Nếu đã yêu cầu thì lý do vì sao lại muốn khởi kiện ra Tòa án…
Kỹ năng trong việc chuẩn bị hồ sơ khởi kiện cho khách hàng
Tài liệu cần thiết đầu tiền trong vụ án tranh chấp lao động là đơn khởi kiện theo quy định tại Điều 189, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và các tài liệu cần thiết nộp kèm theo đơn để chứng minh yêu cầu khởi kiện của khách hàng là có căn cứ và hợp pháp.
Trong các vụ án tranh chấp về lao động, tùy thuộc vào nội dung khách hàng khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp là yêu cầu gì mà từ đó Luật sư có thể hướng dẫn, tư vấn cho khách hàng thu thập, bổ sung các tài liệu cần thiết để chứng minh giữa người khởi kiện và người bị kiện tồn tại mối quan hệ pháp luật lao động như: hợp đồng lao động, phụ lục hợp đồng, bảng lương, quyết định của doanh nghiệp về việc tuyển dụng, bổ nhiệm, quyết định kỷ luật sa thải, quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng đào tạo...
Kỹ năng trong việc nghiên cứu hồ sơ, đánh giá và sử dụng chứng cứ
Khi nghiên cứu hồ sơ vụ án tranh chấp lao động, Luật sư cần kiểm tra, xác định quan hệ pháp luật tranh chấp. Nếu có căn cứ thể hiện Tòa án xác định quan hệ pháp luật chưa chính xác và việc xác định quan hệ pháp luật tranh chấp của Tòa án ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng thì Luật sư cần đề xuất với Tòa án để xác định lại quan hệ pháp luật tranh chấp theo đúng quy định của pháp luật.
Việc xác định chính xác quan hệ pháp luật tranh chấp giúp Luật sư định hướng được văn bản pháp luật nội dung sẽ áp dụng. Ngoài ra, việc xác định quan hệ pháp luật tranh chấp còn là cơ sở giúp Luật sư nghiên cứu các vấn đề tố tụng của vụ án, bởi vì các quan hệ pháp luật khác nhau thì thủ tục tiền tố tụng cũng khác nhau nhất định.
Khi nghiên cứu thời hiệu khởi kiện vụ án tranh chấp lao động, Luật sư cần căn cứ theo quy định tại Điều 190, Bộ luật Lao động năm 2019, nếu là tranh chấp lao động cá nhân, còn nếu là tranh chấp lao động tập thể về quyền thì căn cứ theo quy định tại Điều 194, Bộ luật Lao động năm 2019 để xác định thời hiệu khởi kiện theo quy định của pháp luật. Bởi vì, thời hiệu khởi kiện sẽ được tính bắt đầu từ ngày phát hiện được hành vi mà mình cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm. Bên cạnh đó, để xác định vụ án tranh chấp lao động đã qua tiền tố tụng chưa thì Luật sư cần lưu ý về hồ sơ thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động đối với cá nhân và hồ sơ giải quyết của Chủ tịch UBND cấp huyện đã có trong hồ sơ vụ án chưa. Hoặc vụ án đã được giải quyết bằng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án chưa, trường hợp chưa được giải quyết thì có thể yêu cầu Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
Khi nghiên cứu về nội dung tranh chấp giữa các bên, tùy từng vụ tranh chấp cũng như yêu cầu khởi kiện/yêu cầu phản tố của các bên mà Luật sư cần nghiên cứu các quy định khác nhau để tư vấn cho khách hàng như:
- Nếu là tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động do người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động thì Luật sư cần nghiên cứu xem việc đơn phương đó có căn cứ không? Người sử dụng lao động có báo trước cho người lao động trong thời gian lao động theo quy định của pháp luật không?...
- Nếu là tranh chấp về kỷ luật lao động, Luật sư cần tập trung nghiên cứu về quyết định kỷ luật có căn cứ đúng pháp luật hay không? Người sử dụng lao động có thực hiện đúng trình tự, thủ tục khi xử lý kỷ luật lao động không? Người ký ban hành quyết định có đúng thẩm quyền không? …
- Nếu là tranh chấp về hoàn trả chi phí đào tạo, vấn đề cần nghiên cứu là xem có mối quan hệ đào tạo giữa người lao động với người sử dụng lao động hay không? Khóa đào tạo vấn đề gì? Chi phí đào tạo bao nhiêu? Người lao động có hành vi vi phạm hợp đồng đào tạo/cam kết đào tạo không?…
Khi nghiên cứu để đề nghị Tòa án chấp nhận/không chấp nhận các yêu cầu khởi kiện/yêu cầu phản tố của các bên có liên quan đến những vấn đề mà pháp luật hiện hành không quy định/pháp luật hiện hành có quy định nhưng các bên yêu cầu cao hơn quy định của pháp luật hiện hành, Luật sư cần chú ý xem các bên có thỏa thuận trong hợp đồng lao động/có quy định/thỏa thuận nội bộ của đơn vị sử dụng lao động về vấn đề này hay không, để trên cơ sở đó định hướng phương án giải quyết vụ án cho khách hàng.
Kỹ năng khi tham gia giai đoạn xét xử sơ thẩm
Trên cơ sở quy định của pháp luật, Luật sư chuẩn bị tham gia phiên tòa sơ thẩm phải chuẩn bị các văn bản pháp luật, căn cứ xây dựng phương án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng.
Xây dựng kế hoạch xét hỏi tại phiên tòa sơ thẩm trong vụ án tranh chấp lao động trên cơ sở những tình tiết, sự kiện mà các bên đã thống nhất, mâu thuẫn, đang tranh chấp trong quá trình giải quyết vụ án, trên cơ sở đó soạn thảo luận cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng và tham gia tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Để làm tốt việc tranh tụng tại phiên tòa, Luật sư cần phải có các kỹ năng về việc đại diện thay mặt đương sự trình bày yêu cầu của họ tại phiên tòa sơ thẩm bảo đảm đúng, đầy đủ nội dung, yêu cầu, mong muốn của đương sự, không nên lạm dụng ngôn ngữ văn chương trong quá trình tranh tụng. Luật sư cần phải có thái độ ứng xử đúng mực, giữ đạo đức tư cách hành nghề của Luật sư, không nên thể hiện thay đương sự sự bức xúc của họ trong vụ tranh chấp, dẫn đến những kết luận thái quá làm xúc phạm, tổn thương hay thiếu tôn trọng đối với các đương sự khác trong vụ án.
Bên cạnh đó, ngoài việc trình bày ý kiến tranh tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng thì Luật sư cần có kỹ năng đặt câu hỏi và tư vấn, hỗ trợ đương sự trong phần trả lời câu hỏi tại phiên tòa sơ thẩm. Theo dõi và có ý kiến về việc hội đồng xét xử sơ thẩm đã công bố tài liệu, chứng cứ của vụ án, nghe băng ghi âm, đĩa ghi âm, xem băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác chứa âm thanh, hình ảnh, xem vật chứng. Kỹ năng đề xuất hoặc có ý kiến về việc tạm ngừng phiên tòa, kỹ năng tranh luận tại phiên tòa và kỹ năng sau khi kết thúc phiên tòa. Nếu nhận thấy việc tuyên án không bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng thì Luật sư cần tư vấn cho khách hàng thực hiện quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Kỹ năng khi tham gia giai đoạn xét xử phúc thẩm
Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, sau khi Tòa án cấp sơ thẩm tuyên án, đương sự nếu không đồng ý với bản án, quyết định của Tòa án thì có quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật. Luật sư với tư cách là người đại diện do đương sự ủy quyền hoặc tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự sẽ tư vấn và trợ giúp cho đương sự kháng cáo. Luật sư cần có các kỹ năng về việc xác định các điều kiện kháng cáo của đương sự là đúng theo quy định tại Điều 271, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 hoặc ủy quyền kháng cáo theo quy định tại khoản 3, Điều 272, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Trong quá trình giải quyết vụ án tranh chấp lao động tại phiên tòa phúc thẩm thì Luật sư cần phải giúp các đương sự đạt được thỏa thuận, thực hiện các đề xuất đối với Tòa án, thu thập và bổ sung chứng cứ, chuẩn bị phương án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tại phiên tòa phúc thẩm theo quy định của pháp luật,…
Trường hợp bản án phúc thẩm không phù hợp với quy định của pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng thì Luật sư cần tư vấn, giúp đỡ đương sự thực hiện quyền khiếu nại đến những người có thẩm quyền theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
Tóm lại, những kỹ năng của Luật sư trong các vụ án lao động không nằm ngoài những kỹ năng chung của Luật sư trong các vụ án có tính chất dân sự khác, song cần được thực hiện phù hợp với những đặc thù của các vụ án lao động cần giải quyết. Việc áp dụng những kỹ năng chung này cho phù hợp với đặc thù của loại vụ án lao động cũng là một trong những kỹ năng của Luật sư.
Tuy ở một phạm vi rộng hơn, việc cụ thể hóa các kỹ năng của Luật sư trong việc giải quyết những tranh chấp dân sự nói chung vào việc giải quyết những tình huống cụ thể đặc thù của từng loại quan hệ là một kỹ năng thực sự cần thiết của các Luật sư. Việc đó chỉ có thể có được khi người Luật sư nắm vững được các yếu tố đặc thù quy định những điểm đặc trưng đối với mỗi loại vụ việc.
Luật sư NGUYỄN VĂN TUẤN
Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội