Kỷ niệm 6 năm Tạp chí Luật sư Việt Nam: Một hành trình với những kết quả rất đáng ghi nhận và nhiều thách thức phía trước

24/03/2020 14:01 | 4 năm trước

(LSO) - LTS: Năm nay, Tạp chí Luật sư Việt Nam bước sang tuổi thứ Sáu. Sáu năm là quãng thời gian rất ngắn để nói về “dấu ấn” hay truyền thống của một cơ quan báo chí, nhưng với những người đã gắn bó, trực tiếp tham gia vào “hành trình” phát triển của Tạp chí vẫn tràn đầy cảm xúc và kỷ niệm từ những ngày đầu gây dựng.

TS. Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh
Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam
6 năm một hành trình với những kết quả rất đáng ghi nhận và nhiều thách thức phía trước
6 năm qua, Tạp chí Luật sư Việt Nam - Tiếng nói của giới Luật sư - đã trưởng thành về tầm vóc, quy mô, đã có nhiều đóng góp chuyên sâu về nghề Luật sư và phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tạp chí đã quảng bá tích cực, có hiệu quả về hoạt động của đội ngũ Luật sư và nghề Luật sư, qua đó đã góp phần tạo dựng niềm tin của Nhà nước và xã hội vào đội ngũ Luật sư và Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Tạp chí đã có nhiều bài viết mang tính lý luận và thực tiễn, đóng góp vào quá trình xây dựng thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt trong tổ chức thực hiện pháp luật, bảo đảm dân chủ trong đời sống xã hội và hoạt động tư pháp; là công cụ phục vụ, hướng dẫn đội ngũ Luật sư trên toàn quốc; trao đổi kinh nghiệm, thông tin các hoạt động luật sư trong nước và nước ngoài.
Trong thời gian tới, để có những bài nghiên cứu hay, hấp dẫn, mang hơi thở cuộc sống, chắc chắn sẽ có nhiều thử thách và đòi hỏi với những người làm Tạp chí Luật sư Việt Nam. Mong rằng, với sự nỗ lực của tập thể Ban Biên tập, Tạp chí Luật sư Việt Nam sẽ phát triển tốt; tiếp tục góp phần vào việc quảng bá truyền thông về nghề Luật sư; tích cực đóng góp, xây dựng một nền tư pháp dân chủ hiện đại, văn minh.
Nhân kỷ niệm 6 năm ngày phát hành số đầu tiên, thay mặt Thường trực Liên đoàn Luật sư Việt Nam, tôi xin chúc mừng Tạp chí Luật sư Việt Nam và mong rằng: Tạp chí sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung và hình thức; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, phóng viên có đủ năng lực, phẩm chất để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tạp chí luôn luôn là cơ quan ngôn luận có uy tín, thiết thực, hiệu quả của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đồng thời sẽ làm tốt hơn nữa công tác truyền thông quảng bá về nghề luật sư; phát triển đội ngũ Luật sư; thông tin kịp thời các hoạt động của Liên đoàn và hoạt động hành nghề Luật sư trong cả nước.

TS. Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh
Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Kỷ niệm 6 năm Tạp chí Luật sư Việt Nam: Nhớ những ngày đầu thành lập

Năm nay, Tạp chí Luật sư Việt Nam bước sang tuổi thứ Sáu. Sáu năm là quãng thời gian rất ngắn để nói về “dấu ấn” hay truyền thống của một cơ quan báo chí, nhưng với những người đã gắn bó, trực tiếp tham gia vào “hành trình” phát triển của Tạp chí vẫn tràn đầy cảm xúc và kỷ niệm từ những ngày đầu gây dựng.

Vạn sự khởi đầu nan…

Sau khi Liên đoàn Luật sư Việt Nam (LĐLSVN) thành lập vào tháng 5/2009, một trong những vấn đề đặt ra là làm sao để sớm có một cơ quan báo chí của Liên đoàn và giới luật sư Việt Nam. Mong muốn này  đã được đưa vào nội dung của một trong những Nghị quyết của Hội đồng Luật sư toàn quốc. Lúc đó, với chủ trương là có một tờ báo in nên đã có 4 -5 “Đề án thành lập Báo Luật sư Việt Nam” do các chuyên gia, nhà báo uy tín đề xuất, nhưng vì nhiều lý do nên mục tiêu này sau đó được chuyển thành tạp chí vào năm 2013. Nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, đề án phát triển Tạp chí Luật sư Việt Nam được đích thân Luật sư Lê Thúc Anh - Chủ tịch LĐLSVN và Tiến sĩ, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký LĐLSVN giao cho tôi - Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Tổng thư ký LĐLSVN  và ThS. Luật sư Liêu Chí Trung - nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại, mới chuyển công tác từ Bộ Công thương về và đang được giao phụ trách Cổng thông tin LĐLSVN thực hiện.

Lãnh đạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với Lãnh đạo Tạp chí Luật sư Việt Nam.

Sau Lễ kỷ niệm 68 năm Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam (10/10/1945-10/10/2013), bằng tâm huyết của những người trong cuộc và sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo LĐLSVN, ngày 27/02/2014 LĐLSVN được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Giấy phép hoạt động Tạp chí Luật sư Việt Nam do tôi làm Tổng biên tập và LS. Liêu Chí Trung làm Phó tổng biên tập. Điều đáng nói là, khi đó hai chúng tôi đều đang làm việc kiêm nhiệm,  mọi việc chuẩn bị cho ra đời của một cơ quan báo chí phải thực hiện từ đầu trong hoàn cảnh kinh phí của Liên đoàn còn hạn hẹp nên khó có thể nói hết những khó khăn, vất vả. Nhưng với quyết tâm cao, chúng tôi triển khai ngay mọi công việc: tổ chức ngăn phòng làm việc, lên danh mục mua sắm một số trang thiết bị cần thiết, tìm người cộng tác, cho khắc dấu, mở tài khoản, lắp điện thoại, xây dựng quy chế Tạp chí, dự thảo nội dung số tạp chí đầu tiên, đặt người viết bài, xây dựng mẫu giấy giới thiệu, mẫu hợp đồng quảng cáo, liên hệ cơ sở in, chuẩn bị kế hoạch tổ chức Lễ ra mắt…

Gần một tuần trước Lễ ra mắt, tôi còn nhớ như in, hơn 22h đêm ngày 21/3/2014, sau khi nhận được bài viết cuối cùng cho số tạp chí qua email của Bộ trưởng Hà Hùng Cường, bốn người gồm: tôi, LS. Trung, cô Nguyễn Thị Ngọc (biên tập) và anh Đinh Quang Vinh (họa sĩ) đã thức trắng đêm ở cơ quan tập trung biên tập, đọc mo-rat để sáng 22/3 kịp in và phát hành vào đúng ngày 25/3/2014 như dự kiến. Đặc biệt, trong số ra đầu tiên, với sự quan tâm giúp đỡ của Luật sư Lê Thúc Anh - Chủ tịch Liên đoàn, Tạp chí Luật sư Việt Nam đã được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có thư chúc mừng. Bức thư được đăng trang trọng trên trang đầu của Tạp chí.  Bên cạnh Thư của Chủ tịch nước, các bài viết của lãnh đạo LĐLSVN, còn có bài viết của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, GS. TS. Trần Ngọc Đường, PGS. TS. Nguyễn Như Phát, PGS. TS. Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Anh, TS. Luật sư Phan Trung Hoài, TS. Luật sư Phan Đăng Thanh, ThS. Luật sư Trương Thị Hòa, Luật gia Phan Văn Tân…

Buổi lễ ra mắt và tổ chức phát hành số Tạp chí Luật sư Việt Nam đầu tiên diễn ra sáng 25/3/2014 hết sức trang trọng với sự tham dự của các vị lãnh đạo LĐLSVN, đại diện lãnh đạo đến từ Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Tư pháp, Hội Nhà báo Việt Nam, JICA, JPP, lãnh đạo một số cơ quan báo chí, cùng các chuyên gia, luật sư uy tín. Như vậy là chỉ mất khoảng 30 ngày kể từ khi nhận được Giấy phép hoạt động, trong khi phải tiến hành một lúc cả “trăm công nghìn việc” nhưng chúng tôi đã kịp thời thực hiện như kế hoạch đã đề ra trước đó. Chúng tôi cùng nhau thở phào với cùng một suy nghĩ “Đầu xuôi đuôi sẽ lọt”.

Từng bước trưởng thành…

Sau khi số đầu tiên phát hành, cùng với việc điều chỉnh, nâng cao nội dung, hình thức các ấn phẩm, mở rộng quan hệ hợp tác với các đơn vị, tổ chức, chúng tôi còn phân công nhau trực tiếp mang tạp chí đi ký gửi, phát hành, đồng thời tích cực tham gia triển khai các hoạt động khác nhằm quảng bá, tạo nguồn thu cho đơn vị. Nhân đây, cũng xin nói thêm, do Tạp chí Luật sư Việt Nam là cơ quan báo chí đầu tiên và duy nhất lúc ấy của LĐLSVN nên việc tính toán làm sao để vừa đảm bảo tôn chỉ mục đích, vừa là phương tiện tuyên truyền hoạt động của giới luật sư, vừa từng bước có nguồn thu phục vụ cho việc duy trì các số tạp chí hàng tháng cũng là bài toán khiến lãnh đạo Tạp chí phải trăn trở.

Nhưng với sự quan tâm sâu sát của Liên đoàn, chúng tôi cũng đã dần từng bước vượt qua khó khăn với phương thức “liệu cơm gắp mắm”, từ chỗ phải nhờ vào sự hỗ trợ kinh phí ban đầu của Liên đoàn, từ năm 2017, Tạp chí đã chủ động được về kinh phí hoạt động. Tạp chí đã đăng ký và có mã số khoa học ngay từ số thứ 2 (phát hành ngày 25/4/2014), mua tên miền lsvn.vn để hướng tới xin phép phát hành tạp chí điện tử, làm thủ tục xin thành lập Chi hội Nhà báo…Ngày 29/5/2014 Hội Nhà báo Việt Nam có Quyết định số 98/QĐ-HNBVN về việc thành lập Chi hội Nhà báo và Lễ ra mắt Chi hội được tổ chức đúng vào ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6/2014 với 3 hội viên đầu tiên. Nhân kỷ niệm tròn 1 năm phát hành số đầu tiên (ngày 25/3/2015), Tạp chí Luật sư Việt Nam đã mạnh dạn phát động “Cuộc thi sáng tác bài hát, thơ và văn xuôi về luật sư và nghề luật sư Việt Nam”. Cuộc thi kéo dài đến 10/10/2015 đã nhận được hàng trăm tác phẩm thơ, văn xuôi và gần 30 bài hát về nghề luật sư, giúp bổ sung nguồn bài cho các ấn phẩm và tạo nên một đợt sinh hoạt văn hóa vô cùng ý nghĩa. Tất nhiên, để Cuộc thi thành công, chúng tôi đã “mất ăn mất ngủ”, đôn đáo lo… kinh phí, mời những nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ có tên tuổi  tham gia Ban giám khảo… nhưng với quyết tâm cao của những người có trách nhiệm nên kết quả đã đạt như yêu cầu. Trong thời gian này, cán bộ, nhân viên Tạp chí còn tham mưu, cùng Văn phòng LĐLSVN tổ chức thành công 02 cuộc triển lãm ảnh về luật sư, tham gia vào các hoạt động do LĐLSVN, Hội Nhà báo Việt Nam phát động và bắt tay xây dựng kế hoạch phát hành Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam. Ngày 20/4/2017, đơn vị được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Giấy phép hoạt động báo điện tử (lsvn.vn) và ngày 17/5/2017 Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam chính thức hòa vào thế giới mạng. Từ đây, hoạt động truyền thông của đơn vị trở nên sôi động và đa dạng hơn, song thực tế cũng đặt ra những yêu cầu và thách thức mới. Được sự quan tâm, lãnh đạo của LĐLSVN và hiện nay với việc điều chỉnh, bổ sung thêm nhân sự lãnh đạo mới  là những người có kinh nghiệm, tâm huyết, hy vọng Tạp chí sẽ có điều kiện tốt hơn để phát triển.

Gian nan, khó khăn và lo lắng là vậy, nhưng những người đã gắn bó và thấu hiểu về đơn vị vẫn vững tin và dồn tâm huyết cho từng bài viết, mỗi số tạp chí để có những thành công ban đầu. Khi mới thành lập vào năm 2014, Tạp chí Luật sư Việt Nam có 03 người (chủ yếu làm việc kiêm nhiệm); trong đó có 02 đảng viên, 02 người có Thẻ nhà báo, 01 Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, 02 người có trình độ thạc sĩ. Đến nay số cán bộ, nhân viên của Tạp chí (bao gồm cả Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam) đã tăng lên gần 40 người; trong đó, có 11 đảng viên (04 cao cấp lý luận chính trị, 07 trung cấp lý luận chính trị); 06 thạc sĩ (trong đó 01 người đang là nghiên cứu sinh), còn lại đều có bằng cử nhân; 21 người có Thẻ nhà báo, 20 người là Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Từ năm 2017, Tạp chí có Hội đồng biên tập gồm 14 người là các chuyên gia, luật gia, nhà khoa học, nhà báo uy tín; đồng thời cho hình thành các Ban chuyên môn, 01 Cơ quan đại diện tại TP. Hồ Chí Minh và 02 Văn phòng liên lạc tại TP. Cần Thơ, Đắk Lắk. Bên cạnh đó, Tạp chí còn luôn mở rộng quan hệ với các cơ quan, viện nghiên cứu, trường học, các tổ chức, đơn vị trong cả nước và hình thành đội ngũ cộng tác viên thường xuyên lên đến hàng chục người là những nhà quản lý, chuyên gia pháp luật, nhà báo có uy tín ở trong và ngoài nước.

Điều đáng mừng là, suốt 6 năm qua, Tạp chí Luật sư Việt Nam đã luôn thực hiện đúng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, tổ chức tuyên truyền, phản ánh kịp thời, hiệu quả các sự kiện, hoạt động; duy trì phát hành đều đặn các số tạp chí thường kỳ (hơn 60 số) và thực hiện 02 số chuyên đề. Trong thời gian đầu, đơn vị đã dành hàng nghìn cuốn Tạp chí gửi tặng lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, cơ sở đào tạo về nghề luật và 63 Đoàn luật sư trong cả nước;… Tạp chí đã tổ chức thành công 02 cuộc tọa đàm, gần 10 lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ báo chí cho cán bộ, phóng viên; ủng hộ từ thiện hàng chục triệu đồng; hướng dẫn thực tập cho gần 10 sinh viên báo chí; tham dự các Hội báo toàn quốc do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức; tổ chức thành công gần 10 chuyến đi thực tế cho cán bộ, phóng viên tại Hải Dương, Thanh Hóa, Ba Vì (Hà Nội), Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Kiên Giang,... Trong 6 năm, Tạp chí còn tiếp nhận, xử lý và cùng các tổ chức, đơn vị tham gia giải quyết hàng trăm đơn, thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến pháp luật của luật sư, bạn đọc; giới thiệu nhiều vụ việc do người dân nhờ tư vấn, giúp đỡ đến các tổ chức hành nghề luật sư, cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, dù phải tự chủ cơ bản về tài chính, nhưng Tạp chí luôn hoàn thành các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, kịp thời giải quyết các chế độ cho cán bộ, nhân viên; tích cực tham gia vào các công tác xã hội, tổ chức động viên, bảo vệ kịp thời quyền lợi chính đáng các Hội viên Chi hội nhà báo và người lao động.

Tiến sĩ, Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh – Chủ tịch LĐLSVN trao Bằng khen của LĐLSVN cho các cá nhân đạt thành tích xây dựng Tạp chí Luật sư Việt Nam giai đoạn 2014-2019.

Với công tác tổ chức, quản lý tinh gọn, chặt chẽ và sự nỗ lực của tập thể, thời gian qua các ấn phẩm của Tạp chí không ngừng được nâng cao về hình thức và nội dung, đáp ứng các nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra, đồng thời chủ động phối hợp với các tổ chức, đơn vị, cá nhân thực hiện thành công nhiều chương trình, hoạt động tuyên truyền, quảng bá, mang lại hiệu quả cao; đã có hàng trăm bài viết phân tích, đánh giá, dự báo kịp thời, có giá trị; là một trong những nguồn cung cấp thông tin đáng tin cậy và là tài liệu tham khảo bổ ích thường xuyên cho các nhà quản lý, nghiên cứu về công tác pháp lý cho bạn đọc trong và ngoài nước. Trong 6 năm hoạt động, Tạp chí đã được LĐLSVN tặng 03 Bằng khen cho tập thể và 11 Bằng khen cho các cá nhân. Để đạt được những kết quả này, thời gian qua, Tạp chí đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, hỗ trợ rất lớn từ các cơ quan, đơn vị và sự ủng hộ, đồng hành của các cộng tác viên cùng bạn đọc trong cả nước. Đây không những là cơ sở mà còn là động lực để đơn vị từng bước ổn định, phấn đấu và vươn lên.

Nhìn về tương lai…

Vẫn biết còn nhiều khó khăn và không ít vấn đề cần tiếp tục rút kinh nghiệm, điều chỉnh để đáp ứng ngày càng tốt hơn so với yêu cầu thực tế; nhưng từ những kết quả bước đầu đã đạt được và với sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Liên đoàn luật sư Việt Nam, với đội ngũ phóng viên, biên tập viên, nhân viên và một dàn lãnh đạo 03 người gồm Tổng biên tập và hai Phó tổng biên tập, đã là một tập thể đoàn kết gắn bó, đồng sức đồng lòng, tin rằng  trong tương lai, Tạp chí Luật sư Việt Nam và Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam sẽ vững tin, nỗ lực phấn đầu để hoàn thành nhiệm vụ là cơ quan ngôn luận của Liên đoàn và đội ngũ luật sư Việt Nam, xứng đáng là cơ quan báo chí uy tín, một địa chỉ đáng tin cậy của giới luật sư và bạn đọc cả nước.

ThS. LS. Nguyễn Minh Tâm
Tổng biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam

Luật sư, PGS. TS. Chu Hồng Thanh: "Là tiếng nói của Luật sư, cơ quan ngôn luận của giới Luật sư Việt Nam, Tạp chí Luật sư Việt Nam đã qua sáu năm trải nghiệm, thăng trầm với nhiều thử thách, sóng gió để khẳng định giá trị cốt lõi trên văn đàn, trong làng báo chí Việt Nam. Nếu nghề Luật sư là một nghề Luật tiêu biểu nhất và thể hiện đầy đủ nhất những đăc trưng của một nghề Luật thì phóng viên và những người làm Tạp chí Luật sư Việt Nam ngoài các yêu cầu cao về hiểu biết các lĩnh vực pháp luật, kiến thức Luật sư và các lĩnh vực chuyên môn báo chí  thì cũng phải là những con người thực tiễn, lăn lộn với cuộc sống đầy chông gai, trắc ẩn.
Là Tạp chí nên không thể không là cơ quan tư duy lý luận, nhưng Luật sư không thể không là nghề nghiệp thực hành, đó chính là từ khóa của Tạp chí Luật sư trong quá trình tồn tại và phát triển. Như thế, tên gọi của Tạp chí là “Luật sư Việt Nam” cũng thật tuyệt vời, vừa có “chất thép”, vừa “hữu xạ tự nhiên hương” ngay từ khi ra đời và trong suốt 6 năm chuyển mình.
Có những người thường xuyên đọc và nghiên cứu Tạp chí Luật sư Việt Nam đã hỏi tôi rằng, vì sao tôi lại cống hiến nhiều bài viết cho Tạp chí này đến thế? Câu trả lời hết sức dản dị: Tôi yêu Tạp chí này và tâm đắc với nghề Luật sư, một nghề mà nhiều Luật sư và Văn phòng Luật sư trên thế giới đã lựa chọn Slogan: “Vì công lý và các quyền, tự do cơ bản của con người”.
Đôi lời tâm sự, những mong Tạp chí Luật sư Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững và trường tồn, xứng đáng là tiếng nói, là điểm tựa tin cậy của giới Luật sư Việt Nam, cơ quan ngôn luận của Liên đoàn Luật sư Việt Nam".
Luật sư Nguyễn Hồng Hà, Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa: "Đối với  cá nhân tôi, Tạp chí Luật sư Việt Nam luôn là người bạn đồng hành trong quá trình hoạt động nghiệp vụ Luật sư, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Nhân dịp này, tôi trân trọng cảm ơn các đồng nghiệp trong Ban Biên tập Tạp chí Luật sư Việt Nam đã cẩn trọng nghiên cứu, biên tập sử dụng một số bài viết của tôi cũng như các đồng nghiệp, phản ánh thực tiễn hoạt động nghề nghiệp qua những vụ án, vấn đề pháp lý còn nhiều quan điểm khác nhau nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp. Thông qua những bài viết, những ý kiến phân tích nhiều chiều của các các Luật sư, các chuyên gia đã góp phần xây dựng hệ thống pháp luật tư pháp ngày càng hoàn thiện hơn.
Trong thời gian tới, tôi mong rằng Tạp chí Luật sư Việt Nam tiếp tục khai thác và sử dụng nhiều hơn những bài viết chuyên sâu trong lĩnh vực tranh tụng có dấu hiệu oan sai của các đồng nghiệp đã và đang kiên trì đeo bám, nhằm bảo vệ tối đa quyền con người trong tố tụng. Sử dụng những bài viết đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực, bất bình đẳng trong đời sống xã hội. Có như vậy, Tạp chí Luật sư Việt Nam sẽ ngày càng khẳng định thương hiệu Tạp chí là diễn đàn chính thức của giới Luật sư Việt Nam trong tiến trình cải cách tư pháp".
Luật sư Trần Công Ly Tao, Đoàn Luật sư TP. HCM: "Giới luật học, những người hành nghề Luật sư tiếp cận Tạp chí Luật sư Việt Nam như tư liệu cần thiết và hữu ích. Tạp chí chứa đựng nội dung các quy phạm pháp luật để Luật sư tham khảo khi vận dụng pháp luật liên quan tronng tham gia tố tụng.
Có thể khẳng định, Tạp chí là món ăn tinh thần đối với các Luật sư và những người thích tìm hiểu pháp luật!
Chúc Tạp chí trường tồn và liên tục phát triển mạnh trên con đường phục vụ bạn đọc, trong số này có các Luật sư chúng ta".