/ Góc nhìn
/ Lời giải cho bài toán bản quyền tư liệu truyền hình

Lời giải cho bài toán bản quyền tư liệu truyền hình

16/10/2024 15:42 |

(LSVN) - Kho tài nguyên tư liệu truyền hình của các tổ chức phát sóng chính là một trong các thế mạnh giúp cho các Đài Truyền hình giành được lợi thế cạnh tranh trong thị trường truyền thông đầy biến động.

Xu thế số hóa là con đường tất yếu mà mỗi Đài truyền hình phải nhanh chóng chiếm lĩnh. Số hóa truyền hình là quá trình chuyển đổi và ngưng phát sóng truyền hình analog để chuyển sang phát sóng kỹ thuật số. Thời điểm này, không còn câu hỏi có nên tham gia cuộc chơi số hóa truyền hình nữa hay không mà chỉ còn câu hỏi: Số hóa truyền hình như thế nào để tối ưu hóa nguồn lực?

Việt Nam đã hoàn thành Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 được ban hành theo Quyết định số 2451/QĐ-TTg ngày 27/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, Việt Nam đã ngừng phát sóng truyền hình tương tự, hoàn thành số hóa truyền hình mặt đất từ 0 giờ ngày 28/12/2020. Truyền hình Internet là một thể loại truyền hình đang được ưa chuộng hiện nay vì tính tiện lợi và chi phí rẻ. Truyền hình internet – internet TV là cụm từ dùng để chỉ dịch vụ cung cấp các chương trình phát thanh, truyền hình (thời sự, văn nghệ, thể thao, phim truyện,...) qua mạng internet. Nói một cách đơn giản, thay vì phát qua vô tuyến hoặc cáp truyền hình, loại truyền hình này sẽ phát qua mạng internet.

Ưu điểm của truyền hình internet là tốc độ tương đối cao, số kênh phong phú, lên tới 200 kênh, hỗ trợ truyền hình tương tác và phân phối nhiều dạng dịch vụ như truyền hình trực tiếp, truyền hình hình ảnh chất lượng cao HDTV (High Definition Television), các trò chơi tương tác và truy cập internet tốc độ cao. Đặc biệt, loại hình này.

Tham gia cuộc chơi này, các Đài Truyền hình có nhiều lợi thế về đội ngũ nhân viên đông đảo, kinh nghiệm sản xuất chương trình, uy tín và vai trò xã hội nhờ có bao nhiêu năm phục vụ khán giả và nguồn tư liệu truyền hình dồi dào. Thế nhưng, chính nguồn tư liệu truyền hình này đang có đối mặt với vấn đề nghiêm trọng. Tác giả đã có bài viết trước đây về những rủi ro tiềm ẩn của tư liệu truyền hình trong thời kỳ công nghệ hạ tầng số. Rất khó cho một cá nhân có thể thực hiện toàn bộ các khâu sáng tạo nên tác phẩm truyền hình. Sản phẩm truyền hình phải là sự hợp tác từ nhiều tác giả trong lĩnh vực viết kịch bản, thực hiện kỹ thuật, dựng hình... Các sản phẩm truyền hình luôn là các tác phẩm có đồng tác giả.

Trong bài viết “Bản quyền tư liệu truyền hình: Rủi ro tiềm ẩn!” trước đây, tác giả đã chỉ ra điểm yếu cốt tử là các tư liệu truyền hình không đảm bảo hoàn toàn yếu tố bản quyền, đặc biệt đối với các chất liệu âm thanh, hình ảnh xuất hiện trong đó. Vì thời điểm thực hiện sản xuất đã không tuân thủ đúng việc kê khai về bản quyền của các chất liệu ngay từ đầu nên cùng với thời gian, khối lượng chương trình tư liệu càng lớn thì khả năng khắc phục các thiếu sót càng trở nên khó khăn. Thậm chí, chính các phóng viên, biên tập viên trực tiếp sản xuất các chương trình đó cũng không thể còn nhớ nổi về từng chi tiết âm thanh, hình ảnh xuất hiện trong chương trình là của ai? đã được cho phép hợp pháp hay chưa? sau khi phát sóng analog thì có được tái phát sóng trên hạ tầng internet nữa hay không?...

Nếu không thể chắc chắn về yếu tố bản quyền của từng chi tiết xuất hiện trong các chương trình truyền hình thì cũng không thể đảm bảo bản quyền cho toàn bộ chương trình. Đây là vấn đề vô cùng nghiêm trọng và không dễ khắc phục. Với công nghệ rà soát bản quyền hiện đại, cùng với những thuật toán AI hoàn thiện, bất cứ chi tiết vi phạm bản quyền nào cũng có thể bị phát hiện nhanh chóng. Chỉ cần có vài chi tiết xuất hiện trong chương trình bị “cắm cờ” về bản quyền thì toàn bộ chương trình bị đánh hạ. Thậm chí tài khoản của cả Đài truyền hình cũng bị gián tiếp bị “vạ lây”, bị khóa, takedown.

Đây là nguyên nhân chính khiến cuộc chơi truyền hình internet của các tổ chức phát sóng còn vô vàn gập ghềnh, trắc trở. Lợi thế về kho tư liệu nội dung không được phát huy sẽ khiến sức cạnh tranh của các Đài truyền hình suy giảm rõ rệt.

Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam năm 2005 (được sửa đổi bởi Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 và Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022) đã quy định các quyền cụ thể của những chủ sở hữu quyền liên quan, cụ thể là tổ chức phát sóng (Điều 31) như sau:

Tổ chức phát sóng có độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền sau đây:

a) Phát sóng, tái phát sóng chương trình phát sóng của mình;

b) Phân phối đến công chúng chương trình phát sóng của mình;

c) Định hình chương trình phát sóng của mình;

d) Sao chép bản định hình chương trình phát sóng của mình. Tổ chức phát sóng được hưởng quyền lợi vật chất khi chương trình phát sóng của mình được ghi âm, ghi hình, phân phối đến công chúng

Mỗi chương trình truyền hình có thể được coi là một tác phẩm riêng biệt. Tức là các chương trình truyền hình được bảo hộ quyền tác giả chỉ khi đã đảm bảo những yêu cầu bắt buộc về trích dẫn, khai thác tác phẩm của tác giả khác. Theo đó, đối với vấn đề trích dẫn hợp lý quy định tại “Điều 25. Các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả” của Luật Sở hữu trí tuệ thì khi sử dụng tác phẩm đã công bố của tác giả khác thì không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền nhưng phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm. Đồng thời, không được mâu thuẫn với việc khai thác bình thường tác phẩm và không gây thiệt hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.

Đối với vấn đề đặc quyền sử dụng tác phẩm dành cho tổ chức phát sóng quy định tại “Điều 26. Giới hạn quyền tác giả”, thì “Tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố, tác phẩm đã được chủ sở hữu quyền tác giả cho phép định hình trên bản ghi âm, ghi hình công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép nhưng phải trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả kể từ khi sử dụng. Mức tiền bản quyền và phương thức thanh toán do các bên thỏa thuận; trường hợp không đạt được thỏa thuận thì thực hiện theo quy định của Chính phủ. Tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố, tác phẩm đã được chủ sở hữu quyền tác giả cho phép định hình trên bản ghi âm, ghi hình công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng không có tài trợ, quảng cáo hoặc không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép nhưng phải trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả kể từ khi sử dụng theo quy định của Chính phủ”. Tuy nhiên, khi sử dụng tác phẩm trong trường hợp này, các phóng viên, biên tập viên của các tổ chức phát sóng phải tuân thủ quy định về việc thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm, cũng như đảm bảo việc sử dụng tác phẩm này không được mâu thuẫn với việc khai thác bình thường tác phẩm và không gây thiệt hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.

Với những yêu cầu bắt buộc khi khai thác, sử dụng tác phẩm khác như trên, thì việc thiếu sót các thông tin quyền của tác giả sẽ bị coi là vấn đề vi phạm nghiêm trọng Luật Sở hữu trí tuệ. Đây chính là rủi ro trực chờ đối với các tư liệu truyền hình trong cuộc chơi truyền hình internet. Điều này là đặc biệt nghiêm trọng đối với các trang mạng xã hội với những công cụ rà soát tự động và thông minh.

Bài học về việc kênh youtube chính thức của VTV bị khóa cho thấy trong cuộc chơi bản quyền trên mạng, thiếu sót về bản quyền của vài chi tiết âm thanh, hình ảnh trong cả chương trình lớn sẽ gây nên hậu quả nghiêm trọng. Vụ việc này nảy sinh những năm 2016, khi một tài khoản YouTube có tên Yamaha Trung Tá đã cáo buộc VTV đã sử dụng hình ảnh flycam từ kênh này trong 03 chương trình của VTV mà không xin phép. Đó là các cảnh quay kéo dài vài chục giây về cảnh cột cờ Lũng Cú - Hà Giang trong tổng số 05-10 phút của các chương trình truyền hình. Hậu quả là kênh youtube VTV đã bị khóa và sau đó là hủy bỏ. VTV đã phải xây dựng kênh youtube khác từ đầu, chấp nhận mất đi một kênh đã có hàng trăm nghìn người xem.

Kênh VTVGo trên YouTube của VTV đã bị YouTube đóng cửa.

Kênh VTVGo trên YouTube của VTV đã bị YouTube đóng cửa.

Các tổ chức phát sóng chắc hẳn đã nhận thức sâu sắc về nguy cơ hiện hữu đối với kho tư liệu truyền hình của mình. Việc phải khai thác kho tư liệu đó để giành lợi thế cạnh tranh về nội dung là yêu cầu bức thiết đối với các Đài truyền hình. Do đó, tác giả khuyến cáo một số biện pháp sau đối với vấn đề này:

- Tăng cường ý thức pháp luật về bản quyền của đội ngũ phóng viên, biên tập viên của các Đài Truyền hình. Phải đảm bảo mỗi người biên tập viên, phóng viên có sự hiểu biết đầy đủ, đúng mức về vấn đề bản quyền, đặc biệt là việc khai thác, sử dụng tác phẩm của người khác. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bản quyền, đặc biệt khi xảy ra tranh chấp, phản ánh từ xã hội đối với các chương trình truyền hình. Từ đó, răn đe nghiêm khắc những thái độ hời hợt, thiếu chỉnh chu trong đội ngũ nhân viên truyền hình.

- Quy định về vấn đề yêu cầu kê khai bản quyền phải được coi là yêu cầu bắt buộc trong khâu nghiệm thu sản phẩm. Mọi thông tin về nội dung trích dẫn, nguồn tác giả và tác phẩm được trích dẫn phải được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ. Nếu không đầy đủ thông tin thì không cho phép tiến thành nghiệm thu, thanh quyết toán chương trình truyền hình. Từ đó, dần dần xây dựng nên kho tư liệu truyền hình phong phú và đảm bảo bản quyền tuyệt đối.

- Tiến hành rà soát bản quyền trong kho tư liệu chương trình mà các tổ chức phát sóng đang quản lý, sở hữu. Việc rà soát có thể bắt đầu từ việc yêu cầu các tác giả tiến hành tự kê khai lại các chi tiết âm thanh, hình ảnh xuất hiện trong chương trình, đồng thời là rõ nguồn gốc, quyền khai thác đối với các tư liệu đó. Đây là việc làm mất nhiều công sức và thời gian, nhưng chỉ những người trực tiếp làm nên các chương trình đó mới có thể biết rõ từng chi tiết, từng chất liệu xuất hiện trong tác phẩm của mình. Bên cạnh đó, chủ động nghiên cứu sử dụng các thiết bị kỹ thuật, các phần mềm AI và nguồn tham chiếu để tự động rà soát kho tư liệu. Điều này có thể được thực hiện ngầm ở trên các trang mạng xã hội. Ít nhất cách làm này cũng chỉ ra các chương trình có yếu tố đang có xung đột bản quyền với tác giả khác. Kỹ thuật này có thể áp dụng đặc biệt hiệu quả đối với các chất liệu audio âm nhạc xuất hiện trong các chương trình trên môi trường mạng xã hội Youtube.

Con đường số hóa truyền hình là con đường tất yếu. Xu thế truyền hình Internet là không thể đảo ngược. Các tổ chức phát sóng phải biến nguy cơ thành cơ hội phát triển, trước hết là phải đảm bảo các yêu cầu về bản quyền cho kho tư liệu nội dung của mình. Một số phân tích và giải pháp nói trên của tác giả hy vọng có thể góp sức giúp cho các Đài truyền hình nhìn nhận nguy cơ và xây dựng giải pháp đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Một khi khai thác hiệu quả kho tài nguyên tư liệu truyền hình sẽ giúp các tổ chức phát sóng giành lợi thế cạnh tranh trong môi trường truyền thông đầy năng động.

Luật sư NGUYỄN THỊ QUỲNH ANH
Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Các tin khác