Ảnh minh họa.
Theo Mục 31.1 Quy tắc 31 Bộ Quy tắc đạo đức quy định: Khi cung cấp thông tin cho báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, sử dụng mạng xã hội, Luật sư phải trung thực, chính xác, khách quan.
Tại Điều 3 Luật Luật sư có nêu rõ chức năng xã hội của Luật sư là góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Chính vì tính chất đặc thù và cao quý đó, Luật sư như là người đại diện cho sự thật, công bằng, lẽ phải; từ đó việc viết bài, phát ngôn của Luật sư trên các phương tiện thông tin đại chúng sẽ có sức ảnh hưởng lớn, dễ dàng tác động đến hành vi và ứng xử trong xã hội, góp phần định hướng tư tưởng xã hội. Do vậy, mỗi người Luật sư cần ý thức về chức năng xã hội của mình, phải cân nhắc và điều chỉnh các bài viết, phát ngôn trên phương tiện thông tin đại chúng theo hướng trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, bảo vệ công lý, công bằng xã hội và Nhà nước pháp quyền.
Bên cạnh đó, Luật sư phải có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng nhằm tuyên truyền pháp luật, có ý thức đấu tranh phòng chống tội phạm và tiêu cực xã hội thông qua việc viết bài, phát ngôn trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Theo Mục 31.2, 31.3 Quy tắc 31 Bộ Quy tắc đạo đức quy định cụ thể các việc Luật sư không được làm khi sử dụng thông tin, truyền thông như sau:
- Luật sư không được sử dụng báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để cố ý phản ánh sai sự thật nhằm mục đích cá nhân, động cơ khác hoặc tạo dư luận nhằm bảo vệ quyền lợi không hợp pháp của khách hàng hoặc phát ngôn gây ảnh hưởng đến an ninh, lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng.
- Luật sư không được viết bài, phát biểu trên báo chí, phương tiện thông tin đại chúng, tại nơi công cộng, sử dụng mạng xã hội để nói xấu, công kích, bài xích hoặc gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ giữa các Luật sư đồng nghiệp; gây tổn hại đến danh dự, uy tín của Luật sư, nghề Luật sư, Đoàn Luật sư và Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Trong bối cảnh các trang mạng xã hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay, việc viết bài, phát ngôn trên các phương tiện thông tin đại chúng trở nên phổ biến, dễ dàng được thực hiện và lan truyền một cách nhanh chóng. Mỗi bài viết, phát ngôn của Luật sư trên các phương tiện thông tin đại chúng có thể gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các cá nhân, tổ chức, thậm chí tác động và gây nên các hậu quả pháp lý liên quan. Do vậy, người Luật sư cần phải có sự chọn lọc thông tin, nhận thức đúng đắn về các nguồn thông tin để có hành vi ứng xử phù hợp, tránh bị lợi dụng, dẫn dắt hoặc cố tình lạm dụng các phương tiện thông tin đại chúng cho các mục đích không chính đáng, vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp Luật sư, gây hiểu lầm hoặc hậu quả xấu về đạo đức xã hội đối với Luật sư và nghề Luật sư.
Ngoài ra, Luật sư cũng cần có thái độ chuẩn mực, tôn trọng, có tinh thần phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng khi các cơ quan này có yêu cầu cung cấp thông tin. Khi cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tin đại chúng, Luật sư phải cân nhắc thận trọng, lựa chọn thông tin để cung cấp hợp lý, phù hợp nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc bảo mật thông tin và quyền lợi hợp pháp của khách hàng.
THANH THỊNH
Tạm ứng niềm tin và việc xác lập tính căn cứ trong mối quan hệ Luật sư và khách hàng