Ảnh minh họa.
Tôi là Thư ký Tòa án có cơ hội tiến hành tố tụng đối với nhiều vụ án hình sự có sự tham gia của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự. Bên cạnh những bài bào chữa, bài phát biểu logic, chặt chẽ, thống nhất và thể hiện quan điểm rõ ràng, kiên quyết của Luật sư thì cũng không ít Luật sư lại chưa đạt được điều này trong công việc của mình. Điều này không chỉ thể hiện năng lực, trình độ của Luật sư mà thậm chí còn đặt ra vấn đề có hay không có việc vi phạm Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam.
Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam quy định tại Quy tắc 2 chương I: “Luật sư phải độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, không vì lợi ích vật chất, tinh thần hoặc bất kỳ áp lực nào khác để làm trái pháp luật và đạo đức nghề nghiệp”.
Như vậy, ngoài sự độc lập, Luật sư hành nghề phải phát huy tính “trung thực, tôn trọng sự thật khách quan”. Điều này theo tôi hiểu, trong việc bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, Luật sư không được phép chạy theo thành tích một cách mù quáng, không chạy theo những gì bị cáo, bị hại hay đương sự kỳ vọng và cũng không cố tình rời xa luận điểm, quan điểm giải quyết vụ án nhằm tạo niềm tin ảo với khách hàng. Luật sư phải bào chữa, bảo vệ dựa trên sự thật khách quan, những tình tiết, chứng cứ của vụ án. Đồng thời, sau khi nghiên cứu, xem xét toàn diện hồ sơ, toàn diện diễn biến vụ việc thì Luật sư phải xác định rõ hướng giải quyết vụ án như thế nào là phù hợp theo quy định của pháp luật, xác định rõ hướng bào chữa, bảo vệ cho khách hàng là gì và đưa ra các lập luận dựa trên định hướng đó.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy không ít Luật sư vẫn chưa thật sự chấp hành nghiêm quy tắc này. Có Luật sư tại phiên tòa đã thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của mình nhưng khi trình bày quan điểm, đối đáp với đại diện Viện Kiểm sát thì tỏ ra lúng túng, không có sự thống nhất.
Chẳng hạn, có Luật sư đưa ra lập luận, bào chữa theo hướng bị cáo không có tội, nhưng khi kết luận phần bào chữa của mình thì lại “đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo”. Hay có Luật sư khi bào chữa thì khẳng định lỗi hoàn toàn thuộc về bị cáo, khẳng định bị hại có đầy đủ các quyền yêu cầu bồi thường, liệt kê chi tiết các khoản chi phí mà bị hại bỏ ra nhưng cuối cùng lại “đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ quy định của pháp luật quyết định các khoản được bồi thường, mức bồi thường”…
Điều này cho thấy Luật sư đã không thật sự “trung thực, tôn trọng sự thật” khi hành nghề. Luật sư đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo có nghĩa Luật sư đã thừa nhận bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự. Nhưng vì lý do nào đó, Luật sư vẫn bào chữa và đưa ra những lý lẽ cho rằng bị cáo không phạm tội. Vấn đề đặt ra là trong những lý do đó, liệu có lý do vì “lợi ích vật chất, tinh thần” nào hay không? Điều này khiến cho chất lượng bào chữa của Luật sư thiếu thuyết phục, ảnh hưởng đến uy tín nghề Luật sư.
Ngoài ra, tại quy định 27.1 của Quy tắc 27 Bộ Quy tắc Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam cũng có quy định tương tự, đó là trong ứng xử tại phiên tòa, Luật sư phải “tôn trọng sự thật khách quan, đưa ra những tài liệu, chứng cứ pháp lý giúp cho việc giải quyết vụ án được khách quan, đúng pháp luật” trong luận cứ bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng. Quy định này một lần nữa khẳng định, mặc dù Luật sư bào chữa cho bị cáo, bảo vệ quyền lợi cho bị hại, đương sự nhưng không vì thế mà Luật sư đánh mất đi sự “trung thực”, “tôn trọng sự thật và tuân theo pháp luật” của Luật sư. Và một trong những biểu hiện quan trọng cho thấy điều đó chính là thống nhất trong lập luận, phát biểu và xác định rõ ràng quan điểm giải quyết vụ án của Luật sư.
VĂN LINH
Tòa án Quân sự Khu vực Hải quân