Luật sư có được cầm, giữ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của khách hàng để đảm bảo việc thanh toán thù lao không?

10/06/2023 06:00 | 11 tháng trước

(LSVN) - Công ty Luật có được thỏa thuận và cầm giữ của khách hàng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để đảm bảo việc khách hàng sẽ thanh toán trả đủ thù lao Luật sư theo hợp đồng hay không?

Ảnh minh họa.

Thứ nhất, về nguyên tắc, khách hàng và Luật sư có quyền thỏa thuận và thực hiện các thỏa thuận đó để đảm bảo việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên với yêu cầu thỏa thuận đó không trái pháp luật, không trái đạo đức xã hội và không trái đạo đức nghề Luật sư.

Thứ hai, xét dưới góc độ pháp luật, việc cầm giữ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là một biện pháp đảm bảo thực hiện hợp đồng. Biện pháp đảm bảo thực hiện hợp đồng này thực hiện theo quy định Bộ luật Dân sự và các luật chuyên ngành. Qua tìm hiểu thấy rằng hiện nay chưa có quy định cho phép Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư được thực hiện biện pháp cầm cố, thế chấp liên quan đến Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Thứ ba, khi cung cấp dịch vụ pháp lý Luật sư không được gây thiệt hại, hoặc có khả năng gây thiệt hại cho khách hàng. 

Khoản 1 Điều 5 của Luật Luật sư 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2012 quy định nguyên tắc hành nghề Luật sư: “Tuân thủ hiến pháp và pháp luật”. Khoản 10 Điều 12 của Luật Đất đai 2013 quy định về những hành vi bị nghiêm cấm: “Cản trở, gây khó khăn đối với việc thực hiện quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật”.

Việc cầm, giữ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của khách hàng có thể làm hạn chế quyền của người sử dụng đất khi khách hàng không thực hiện được các giao dịch, không thực hiện được các thủ tục hành chính liên quan đến Giá trị quyền sử dụng đất này. Cụ thể khách hàng không thực hiện được việc chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, tách thửa, hợp nhất thửa đất... 

Do đó, việc cầm giữ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của khách hàng với mục đích để đảm bảo khách hàng sẽ trả đủ tiền thù lao cho Luật sư có thể dẫn đến hậu quả pháp lý là khách hàng bị hạn chế quyền của người sử dụng đất.

Cùng tính chất của hoạt động cung cấp cung cấp dịch vụ như các dịch vụ khác trong đó thù lao là một nhân tố quan trọng, hoạt động của Luật sư còn có sứ mệnh vệ khách hàng, bảo vệ công lý. Dưới góc độ về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp, việc buộc khách hàng giao cho Luật sư cầm, giữ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ với mục đích đảm bảo việc thu đủ thù lao có thể nói là ứng xử chưa chuẩn mực của Luật sư.

Luật sư TRẦN VĂN AN

Trưởng Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam

Có được thỏa thuận thù lao Luật sư theo tỷ lệ phần trăm giá trị tài sản căn cứ kết quả bản án?