Luật sư và báo chí trong công tác bảo vệ quyền trẻ em qua một số vụ án xâm hại trẻ em

20/06/2023 21:21 | 10 tháng trước

(LSVN) - Báo chí có vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội, nhất là thời đại kỷ nguyên số, trong công tác phòng chống tội phạm nói chung, phòng chống xâm hại trẻ nói riêng, báo chí đã đồng hành với Luật sư và rất kịp thời truyền tải thông tin tới đại chúng và đã gây dựng được hiệu ứng xã hội, hiệu quả với các cơ quan liên quan.

Ảnh minh họa.

Thông tin của báo chí là một nguồn tin báo về tội phạm theo quy định của pháp luật về tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm. Cụ thể, tại khoản 2, Điều 144, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định, tin báo về tội phạm là thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.

Cũng tại Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 và Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/11/2021 quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; Thông tư số 02/VBHN-BCA ngày 10/3/2022 của Bộ trưởng Bộ Công an hợp nhất 02 Thông tư số 28/2020/TT-BCA ngày 26/3/2020 và Thông tư số 219/2021/TT-BCA ngày 31/12/2021 quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố của lực lượng Công an nhân dân.

Các Thông tư này đều quy định, trường hợp tiếp nhận thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm phản ánh qua phương tiện thông tin đại chúng, qua báo nói, báo hình… đơn vị Công an phải phân công cán bộ tiếp nhận bằng cách sao chụp, ghi chép, trích xuất dữ liệu, in ra giấy…; kiểm tra, xác minh để tiến hành phân loại, xử lý, chuyển nguồn tin tội phạm đến các Cơ quan điều tra theo thẩm quyền điều tra để thụ lý xác minh, giải quyết.

Từ những quy định pháp luật cho thấy, báo chí đã luôn thực hiện tốt vai trò và nhiệm vụ của mình trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân, và là "cầu nối" quan trọng đưa người dân đến gần hơn với các quy định pháp luật. Đồng thời, giúp người dân nắm bắt và tiếp cận pháp luật một cách nhanh chóng và hiệu quả. 

Tương tự như Luật sư, báo chí trong công tác tuyên truyền pháp luật cũng nắm giữ vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ người dân được tiếp cận và hiểu rõ về quyền lợi và lợi ích hợp pháp của bản thân, đồng thời nắm bắt, hiểu hơn về quyền được bảo vệ và cần được bảo vệ đến từ nhóm đối tượng người yếu thế như: Trẻ em, người khuyết tật,...

Vừa là cầu nối, vừa là cộng tác của báo chí trong công cuộc tuyên truyền pháp luật và bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người yếu thế trong xã hội, Chi hội Luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP. Hồ Chí Minh là một trong những Chi hội nắm giữ vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ quyền trẻ em nói chung, nhất là bảo vệ trẻ em bị bạo hành, xâm hại nói riêng. Trong đó, Chi hội luôn chú trọng đến các hoạt động tuyên truyền pháp luật và hoạt động phiên tòa giả định là hình thức tuyên truyền cũng như đưa pháp luật đến tới tầm tay mọi người theo cách nhanh nhất, hiệu quả nhất thông qua các hình thức thông tấn báo chí.

Có thể nói, việc thông tin của báo chí truyền tải các hoạt động trọng tâm của Chi hội trong công cuộc bảo vệ trẻ em góp phần lan tỏa mạnh mẽ thông điệp bảo vệ trẻ em thông qua tuyên truyền quy định của pháp luật đến mọi người cũng như trang bị các biện pháp tự bảo vệ cho các em. Báo chí đã kịp thời có những phóng sự, nắm bắt thông tin, đặt vấn đề các tồn tại xã hội hiện nay của trẻ em, nhất là việc bỏ học kiếm kế sinh nhai, có dấu hiệu bị người lớn lợi dụng.

Đơn cử như thời gian vừa qua, xuất hiện hiện tượng trẻ em múa lửa trên đường phố, theo đó báo chí đã có những động thái quyết liệt nhằm ngăn chặn tình trạng này tiếp diễn. Trong đó, có việc cùng trao đổi với Luật sư và kịp thời đăng tải các thông tin để người dân và các cơ quan liên quan để tâm, nắm bắt nhằm kịp thời triển khai các biện pháp chấn chỉnh, chấm dứt tình trạng lợi dụng, bạo hành trẻ em. Từ đó, tác động đến số đông người dân để tuyên truyền, thay đổi nhận thức của người dân, giúp người dân am hiểu hơn về pháp luật góp phần nâng cao các công tác trong việc bảo vệ quyền trẻ em.

Ngoài ra, báo chí cũng là một trong những đối tác tin cậy, đồng hành kịp thời cùng Chi hội trong một số vụ án xâm hại trẻ em, đặc biệt là vụ án bạo hành bé gái 08 tuổi dẫn đến tử vong tại TP. Hồ Chí Minh vừa qua.

Đây có thể được xem như một trong những vụ việc mang đậm dấu ấn đối với những Luật sư trực thuộc Chi hội Luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP. Hồ Chí Minh.

Là người tham gia vụ án ngay từ trước khi khởi tố cho đến kết thúc phiên xử sơ thẩm đối với hai bị cáo của vụ án là Nguyễn Võ Quỳnh Trang và Nguyễn Kim Trung Thái, bản thân luôn chân thành cảm ơn báo chí đã luôn đồng hành và đăng tải kịp thời các quan điểm của Luật sư trong quá trình tố tụng để cơ quan điều tra từ đó, có thêm góc nhìn khách quan, xem xét, thay đổi và áp dụng các biện pháp điều tra, tố tụng… đúng người, đúng tội ngay từ giai đoạn điều tra ban đầu, tiền khởi tố vụ án.

Luật sư TRẦN THỊ NGỌC NỮ

Chi Hội trưởng - Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP. Hồ Chí Minh

Bàn về việc cung cấp thông tin cho báo chí của Luật sư