Luật sư Nguyễn Thị Thu Hoài, Công ty Luật TNHH Thuế và Luật Hà Nội.
Dịch bệnh Covid-19 đã và đang ảnh hưởng rất nhiều đến nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Số liệu từ Tổng cục Thống kê mới công bố cho thấy, tính chung 8 tháng năm 2021, cả nước có 81,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới; giảm 8% về số doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước. Chỉ tính riêng trong tháng 8, có 85,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm: 43,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước; 30,1 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 24,5%; 12,2 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 17,8%. Trung bình mỗi tháng có gần 10,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Những con số biết nói
Trong thời điểm bùng phát dịch bệnh Covid-19, tùy vào nhu cầu thì các doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục thành lập mới; tạm ngừng kinh doanh; giải thể… đồng thời cần phải giải quyết các vấn đề về pháp luật thuế, hợp đồng lao động, hợp đồng kinh tế… khi quyết định mở công ty; tạm ngừng hoặc giải thể. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tự mình thực hiện các thủ tục và giải quyết các công việc nói trên một cách nhanh chóng, thuận lợi và tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Môi trường kinh doanh và cơ chế pháp luật hiện tại tạo ra những cơ sở pháp lý cũng như cơ hội, thách thức cho các doanh nghiệp. Những con số thống kê nêu trên chính là minh chứng cho tầm quan trọng của Luật sư, các tổ chức hành nghề Luật sư trong việc hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh… Bởi vì, so với các chủ thể tham gia hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thì Luật sư là đội ngũ được trang bị đầy đủ các kiến thức về pháp luật, có kinh nghiệm và kỹ năng trong việc tư vấn pháp luật.
Việc hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 là một thách thức lớn cho Luật sư khi số lượng ca mắc Covid-19 còn tăng, đặc biệt là Hà Nội và TP. HCM phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg, một số vùng cần tuân thủ nghiêm quy định "ai ở đâu ở yên đó".
Khó khăn không làm “mờ” sứ mệnh
Vai trò, nhiệm vụ tư vấn pháp luật của Luật sư rất quan trọng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tư vấn, định hướng kịp thời việc thực hiện pháp luật trong các hoạt động kinh doanh và ổn định tổ chức của các cơ quan, doanh nghiệp; bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, khi các giao dịch, các hoạt động kinh doanh dường như bị đình trệ, nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng có nguy cơ giải thể, phá sản, nợ chồng nợ; tỷ lệ tranh chấp hợp đồng trong kinh doanh thương mại, tranh chấp trong việc thực hiện các hợp đồng trong nước và hợp đồng có yếu tố nước ngoài, các tranh chấp dân sự, tranh chấp về lao động… do ảnh hưởng của dịch Covid-19 có xu hướng tăng cao thì rất cần sự có mặt, hỗ trợ, tư vấn kịp thời của Luật sư, nhằm hạn chế rủi ro, hạn chế các tranh chấp xảy ra, góp phần phát triển kinh tế lành mạnh, bảo đảm an toàn trong môi trường kinh doanh, đảm bảo an ninh trật tự xã hội.
Tại Hà Nội, khi bắt đầu áp dụng việc cấp giấy đi đường (có mã QR) vào thời điểm đợt giãn cách thứ 4 (từ 06/9/2021 đến 21/9/2021), các Luật sư Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện công việc khi được xếp vào nhóm số 6 trong 6 nhóm đối tượng được cấp giấy đi đường theo khoản 1.2 mục 1 Văn bản số 6482/CAHN-PVO1: “… Công ty, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bổ trợ tư pháp (công chứng, đấu giá; thừa phát lại; trọng tài thương mại; tư vấn pháp luật; quản lý; thanh lý tài sản; tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc). Điều này ảnh hưởng tới việc thực hiện tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng và các dịch vụ pháp lý khác của Luật sư khi “giấy thông hành không thể thông hành”.
Đứng trước tình hình đó, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cũng như các Luật sư trên cả nước đã đồng loạt gửi những kiến nghị kịp thời nhằm đảm bảo hoạt động nghề nghiệp của Luật sư được thực hiện một cách đúng luật, đúng chức năng, nhiệm vụ của Luật sư cũng như vẫn đảm bảo việc tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch. Nhiều hình thức tư vấn của Luật sư được triển khai và phát huy triệt để trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19.
Rất nhiều cuộc điện thoại được gọi đến cho Luật sư vào 21h giờ, 22 giờ đêm với nội dung: “Mong Luật sư giúp đỡ”; “Việc của em rất gấp rồi”… không thể không khiến các Luật sư chạnh lòng. Những lúc gặp khó khăn, trở ngại hoặc "dính" vào kiện tụng, tranh chấp, đường cùng thì là lúc họ cần Luật sư hơn bao giờ hết. Bằng lương tâm nghề nghiệp, Luật sư không thể trả lời rằng “đang giãn cách”; “bây giờ muộn rồi”… để từ chối tư vấn, hỗ trợ cho khách hàng.
Với lương tâm và trách nhiệm của người Luật sư, với sứ mệnh bảo vệ công lý, việc cần làm là trấn an, ổn định tâm lý khách hàng. Khi không thể tư vấn trực tiếp cho khách hàng, Luật sư có thể tư vấn qua điện thoại, qua email, bằng văn bản, qua video call, qua zalo… hoặc bất kỳ hình thức nào để đảm bảo việc truyền tải nội dung tư vấn đến được với khách hàng, giúp khách hàng tháo gỡ được nhiều vướng mắc chưa thể giải quyết.
Những khó khăn trong quá trình hành nghề Luật sư còn nhiều vô kể, đặc biệt là với những vụ việc có tính chất cấp thiết mà hồ sơ, tài liệu thì vô cùng nhiều, dày khiến Luật sư phải mất rất nhiều thời gian, công sức nghiên cứu, xác minh. Có những vụ tranh chấp, khi thì chậm giao hàng do ảnh hưởng của các lệnh cấm, phong tỏa do dịch bệnh; những vụ kiện đòi bồi thường do vi phạm hợp đồng cũng bởi dịch Covid; những vụ việc mà Luật sư đang tham gia trước khi dịch bùng phát ở các tỉnh xa mà tỉnh đó lại quy định rất nghiêm ngặt, người ngoại tỉnh không được ra vào khiến Luật sư cũng rất khó để tiếp tục tham gia; các vụ án có Quyết định xét xử mà Luật sư nhận được trong thời gian gấp gáp, phải đi liên hệ để test Covid-19 bằng phương pháp PCR từ ngày hôm trước và có kết quả xét nghiệm sớm nhất có thể để kịp đi tham dự phiên tòa, nhiều khi Luật sư phải khởi hành từ đêm để kịp giờ xét xử tại các tỉnh… và rất nhiều khó khăn khác khi dịch Covid-19 bùng phát. Nhưng không vì thế mà công việc của Luật sư trong quá trình tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân bị gián đoạn.
Nghề Luật sư đem lại sự công bằng, công lý, xây dựng niềm tin vào pháp luật trong cộng đồng. Với sứ mệnh của mình, các Luật sư luôn không ngừng nỗ lực, phát huy những truyền thống tốt đẹp của nghề Luật sư, nâng cao trình độ chuyên môn, giữ vững tinh thần thượng tôn pháp luật, bảo đảm công bằng, công lý trong xã hội, góp phần ổn định và phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Luật sư NGUYỄN THỊ THU HOÀI
Công ty Luật TNHH Thuế và Luật Hà Nội
Cần tăng cường đổi mới cải cách tư pháp trên phương diện lập pháp