Ảnh minh họa.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm vừa thay mặt Chính phủ gửi tới Quốc hội dự kiến hướng tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận tại tổ của Đại biểu Quốc hội đối với dự án Luật Căn cước.
Đối với việc đổi tên thẻ CCCD thành thẻ căn cước (nội dung ghi trên thẻ), báo cáo của Chính phủ cho hay, một số Đại biểu đề nghị cân nhắc việc đổi tên thẻ CCCD hoặc đề nghị giữ nguyên thẻ CCCD như hiện nay để bảo đảm tính ổn định, tránh lãng phí.
Bên cạnh đó, việc thay đổi sẽ tác động gây mất ổn định tâm lý của người dân, khiến cho dân thấy rằng chính sách thay đổi liên tục, xáo trộn, tốn kém chi phí.
Một số ý kiến cho rằng, theo phương án của Chính phủ, những thẻ đã cấp thì tiếp tục sử dụng và không cấp đổi, thẻ mới cấp thì sẽ thành cấp thẻ căn cước. Như vậy, sẽ tồn tại đồng thời hai thẻ có tên khác nhau, quá trình chuyển đổi cũng mất ít nhất 20 năm theo thời hạn của thẻ CCCD.
Do đó, các ý kiến này đề nghị cần tính toán kỹ lưỡng hơn tác động của việc thay đổi tên thẻ CCCD.
Giải trình các băn khoăn này, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định, việc đổi tên thẻ CCCD thành thẻ căn cước là phù hợp, thống nhất với tên gọi của các loại thẻ nhận dạng thông tin công dân của các nước trên thế giới hiện nay (Identicy Card - thẻ căn cước hay thẻ nhận dạng cá nhân).
Bên cạnh đó, với việc mở rộng, tích hợp nhiều thông tin vào thẻ căn cước thì thông tin trên thẻ và thông tin được tích hợp vào thẻ không chỉ đơn thuần là thông tin cơ bản của công dân như trước đây.
Do đó, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng, việc đổi tên sẽ bảo đảm tính bao quát hơn và không tác động đến tâm lý người dân.
Bên cạnh đó, theo quy định tại dự thảo Luật cũng quy định các thẻ CCCD quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trước ngày luật này có hiệu lực thi hành có giá trị như thẻ căn cước được quy định tại luật này.
"Như vậy, việc đổi tên thẻ CCCD thành thẻ căn cước sẽ không tác động đến chi ngân sách Nhà nước, chi phí của xã hội", Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định.
Cũng liên quan tới đổi tên Luật CCCD hiện hành thành Luật Căn cước, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc sửa đổi tên dự thảo Luật là Luật Căn cước do việc sử dụng cụm từ "CCCD" đã phổ biến.
Việc chỉ vì một nhóm nhỏ người gốc Việt Nam đang sinh sống ở Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch mà phải thực hiện việc đổi tên luật và điều chỉnh nhiều vấn đề kèm theo là chưa phù hợp, gây tốn kém, lãng phí.
Tại phiên thảo luận, cũng có ý kiến đề nghị có thể quy định đối với vấn đề người gốc Việt Nam ở quy định chuyển tiếp của dự thảo Luật, không cần phải đổi tên luật.
Liên quan đến vấn đề này, Theo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay, như Chính phủ đã báo cáo Quốc hội cụ thể tại Báo cáo số 144 ngày 26/4, việc chỉnh lý tên gọi của dự án Luật từ "Luật CCCD (sửa đổi)" thành "Luật Căn cước" là để bảo đảm tính bao quát, phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật. Việc điều chỉnh này không làm thay đổi các chính sách trong dự án Luật và tác động đến các luật khác.
Bên cạnh đó, tại Thông báo số 2236 ngày 25/4 của Tổng thư ký Quốc hội về kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4 thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến thống nhất với việc sửa tên luật như trên.
Do vậy, Chính phủ đề nghị được giữ tên dự án Luật là Luật Căn cước như hồ sơ đã trình Quốc hội.
TRẦN MINH
Chính thức gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước