Ảnh minh họa.
Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt 90% các tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; 100% các tỉnh hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ em mẫu giáo; 70% các tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 40% các tỉnh đạt chuẩn phồ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3. Về năng lực cơ bản và trình độ của người dân, Đề án phấn đấu 70% người trong độ tuổi lao động được trang bị năng lực thông tin, kỹ năng sống; 60% dân số từ 15 tuổi trở lên được đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật. Trong đó, 15% dân số có trình độ đại học trở lên.
Bên cạnh đó, Đề án phấn đấu đến năm 2030 có 90% các trường đại học triển khai đại học số và xây dựng học liệu số; 80% các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục khác triển khai hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập trên môi trường số. 60% công dân đạt danh hiệu công dân học tập; 50% các huyện được công nhận danh hiệu huyện học tập; 35% các tỉnh được công nhận danh hiệu tỉnh học tập.
Xây dựng dự án Luật Học tập suốt đời
Nhiệm vụ và giải pháp Đề án đặt ra là tăng cường tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho người dân và toàn xã hội về học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập trong điều kiện phát triển nền kinh tế số, xã hội số thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông xã hội, hệ thống thông tin cơ sở, các cơ sở giáo dục và các phương thức khác.
Nghiên cứu, đề xuất xây dựng dự án Luật Học tập suốt đời; rà soát, xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ các trung tâm học tập cộng đồng, nhất là các trung tâm học tập cộng đồng ở các xã biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiêu số và miền núi.
Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân, người lao động được đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp; hỗ trợ những người hết tuổi lao động, người nội trợ, người khuyết tật có điều kiện thuận lợi để học tập suốt đời.
Ngoài ta, Đề án còn đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời. Cụ thể, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục thường xuyên, các thiết chế văn hóa; xây dựng kho học liệu mở phục vụ việc tự học và học tập suốt đời trên các kênh truyền hình giáo dục.
PHƯƠNG THẢO