(LSO) - Xét xử lưu động vụ án hình sự là đưa vụ án hình sự đó về xét xử tại địa phương xảy ra vụ án đó, mà không xét xử tại trụ sở của Toà án. Hình thức xét xử lưu động đang có những tranh luận trái chiều về việc có nên áp dụng nữa hay không?
Trước đây, trong điều kiện hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn thì việc xét xử lưu động thực sự có ý nghĩa răn đe phòng ngừa tội phạm rất lớn và có ý nghĩa giáo dục pháp luật rộng rãi trong quần chúng nhân dân trên một địa bàn. Tuy nhiên, với sự phát triển chung của đất nước, trình độ lập pháp, nhận thức pháp luật của người dân ngày một được nâng cao, sự phát triển của hệ thống truyền thông, thông tin internet và đặc biệt Hiến pháp năm 2013 ra đời với nhiều những quy định mới, trong đó có việc đề cao quyền con người… thì hình thức xét xử này đang có những tranh luận trái chiều về việc có nên áp dụng hay không áp dụng trên thực tế. Do đó, cần có nghiên cứu, phân tích, đánh giá cụ thể một cách khách quan, toàn diện, qua đó xem xét có nên tiếp tục áp dụng hình thức xét xử này hay không? Nếu có thì áp dụng như thế nào để vừa không ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của công dân mà vẫn đảm bảo được mục đích xét xử cũng như việc tuyên truyền giáo dục pháp luật trong từng giai đoạn, thời kỳ?
Hiện nay, pháp luật nước ta chưa có quy định nào về xét xử lưu động mà chỉ có quy định về hình thức xét xử công khai. Cụ thể là, theo quy định tại khoản 3, Điều 103 Hiến pháp năm 2013 có quy định: “Tòa án nhân dân xét xử công khai. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự, Tòa án nhân dân có thể xét xử kín”. Tại Điều 18 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định: “Việc xét xử của Tòa án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định.
Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc để giữ bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì Tòa án sẽ xét xử kín, nhưng phải tuyên án công khai”
Toà án nhân dân tối cao cũng chưa ban hành văn bản nào hướng dẫn cụ thể về các căn cứ, tiêu chuẩn để lựa chọn, xác định những loại vụ án nào (loại tội phạm nào) cần đưa ra xét xử lưu động. Tuy nhiên, trong rất nhiều văn bản của TAND tối cao như các báo cáo Quốc hội, báo cáo tổng kết, báo cáo chuyên đề, báo cáo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về đấu tranh phòng chống các loại tội phạm thì vấn đề tổ chức các phiên toà lưu động luôn được quan tâm và gần như gắn chặt với việc lựa chọn, xác định và giải quyết các vụ án trọng điểm của từng Toà án và của toàn ngành.
Hơn thế, việc xét xử lưu động các vụ án hình sự sơ thẩm còn là một tiêu chí chấm điểm thi đua và là một nhiệm vụ được lãnh đạo Toà án nhân dân tối cao quan tâm để phân bổ kinh phí cho hoạt động này. Thực tiễn xét xử trong những năm qua cho thấy mỗi năm, trung bình ngành Toà án đã tổ chức xét xử khoảng trên 3.000 vụ án lưu động. Hầu hết các vụ án được đưa ra xét xử lưu động là các vụ án về các tội ma tuý, mại dâm, giết người, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ, cướp tài sản, trộm cắp tài sản, các vụ án về tham nhũng, buôn lậu v.v…
Tòa án thông qua phiên tòa, đặc biệt là các phiên tòa xét xử lưu động, đã tạo điều kiện thuận lợi để những người tham dự phiên tòa cũng như quần chúng nhân dân tiếp cận pháp luật; trang bị cho người dân những kiến thức pháp luật cần thiết để tự bản thân họ tránh xa những hành vi vi phạm pháp luật, qua đó giáo dục con em của mình tuân thủ pháp luật, đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trong đời sống hằng ngày. Thông qua phiên tòa, cùng với việc báo chí đưa tin về hành vi phạm tội của bị cáo, người dân có thêm thông tin về các thủ đoạn phạm tội mới, qua đó nâng cao ý thức cảnh giác, đấu tranh phòng và chống tội phạm trong tình hình hiện nay, củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trên thế giới hình thức xét xử này vẫn đang được sử dụng ở một số nước như Pakistan, Ấn Độ, Uganda, CHDC Congo hay Đông Timor… trước đó, ngày 09/12/2015 Hungary mở phiên tòa xét xử lưu động đầu tiên để giải quyết nhanh các vấn đề về người vượt biên…
Tuy nhiên, hình thức xét xử này hiện đang bộc lộ những tác động tiêu cực tới những người tham gia tố tụng và người thân của họ, người tiến hành tố tụng… Điều này được lý giải như sau:
Trước hết, mục đích của hình phạt bao gồm hai thuộc tính là trừng trị và cải tạo giáo dục người phạm tội, tuỳ thuộc vào hoàn cảnh xã hội từng thời kỳ mà các yếu tố này được coi trọng khác nhau. Xét về góc độ tâm lý người phạm tội thì việc xét xử lưu động để lại tâm lý rất nặng nề. Đó là sự xa lánh của hàng xóm láng giềng sự đàm tiếu lên án của cộng đồng dân cư không chỉ đối với bị cáo mà còn cả đối với gia đình, họ hàng của bị cáo.
Đối với những trường hợp bị cáo lần đầu phạm tội, phạm tội do chủ quan, nóng vội mà xét xử lưu động thì sẽ làm tăng thêm sự mặc cảm của bản thân và gia đình, còn đối với những vụ án bị cáo phạm tội mang tính chất chuyên nghiệp, phạm tội có tổ chức thì xét xử lưu động lại làm tăng thêm sự manh động liều lĩnh của bị cáo. Mặc khác, với sự phát triển của công nghệ thông tin như hiện nay, các loại hình báo chí rất phát triển nếu như cần đạt mục đích giáo dục pháp luật thì cũng không cần thiết phải xét xử lưu động tốn kém, rườm rà.
Thứ hai, để tổ chức một phiên tòa xét xử lưu động thì phải có rất nhiều sự chuẩn bị từ thụ lý hồ sơ, nghiên cứu hồ sơ, chuẩn bị địa điểm xét xử, thành phần triệu tập tham gia phiên tòa, chuẩn bị kinh phí, trang trí, chuẩn bị loa đài hội trường xét xử, một số vấn đề phải giải quyết sau phiên tòa… hơn nữa việc xét xử lưu động nhiều khi còn tạo ra áp lực cho Hội đồng xét xử khi lượng hình. Trên thực tế trong các phiên tòa xét xử lưu động bản án mà Hội đồng xét xử tuyên thường mang tính “nghiêm khắc” hơn so với xét xử tại trụ sở Tòa án.
Thứ ba, ở các nước tiên tiến trên thế giới hiện nay như hệ thống pháp luật Âu – Mỹ không tồn tại hình thức xét xử lưu động, tòa án cũng không phải là một cơ quan tuyên truyền pháp luật, nhiệm vụ của Tòa án chỉ là xét xử, ra bản án đúng người đúng tội, đúng pháp luật để người dân tin vào công lý.
Thứ tư, hình thức xét xử lưu động ở nước ta hiện nay nhằm mục đích tuyên truyền giáo dục pháp luật và răn đe phòng ngừa tội phạm nhưng hiệu quả như thế nào thì chưa có một đánh giá cụ thể nào. Trên thực tế tại các phiên tòa có tổ chức xét xử lưu động thì phần lớn người tới xem đông là do tâm lý hiếu kỳ, tò mò hơn là đến để xem nghe và hiểu các quy định của pháp luật về hành vi phạm tội của bị cáo như vụ án Nguyễn Hải Dương phạm tội “giết người” vụ án này được đưa ra xét xử lưu động, trong vụ án có tới hàng trăm cảnh sát bảo vệ còn người dân thì bỏ công việc đồng áng chỉ vì để đi xem mặt bị cáo.
Từ những phân tích đánh giá trên, tôi cho rằng xét xử lưu động là một hình thức xét xử vẫn cần thiết, tuy nhiên chỉ nên áp dụng một cách hạn chế trong từng trường hợp, hoàn cảnh cụ thể không nên lấy đây làm tiêu chí để chấm điểm trong phong trào thi đua và cần thiết phải có một báo cáo đánh giá cụ thể, khách quan về hình thức xét xử này trên thực tế.
HỒ NGUYỄN QUÂN TAQS Khu vực 1 Quân khu 4 (Tạp chí Kiểm sát) |