Một số chính sách về thuế nổi bật có hiệu lực từ hôm nay 05/12

05/12/2020 01:03 | 3 năm trước

(LSVN) - Hôm nay (05/12), 02 Nghị định mới quy định về thuế, xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn chính thức có hiệu lực. Đó là Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 và Nghị định 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 do Chính phủ ban hành quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.

Ảnh minh họa.

Mất hóa đơn bị phạt đến 10 triệu đồng từ 05/12/2020

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 125/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn. Theo đó, đối với hành vi làm mất hóa đơn có thể bị phạt đến 10 triệu đồng từ 05/12/2020.

Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và một số thủ tục xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.

Nghị định quy định các đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn bao gồm:

– Người nộp thuế có hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.

Trường hợp người nộp thuế ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện các nghĩa vụ về thuế mà pháp luật về thuế, quản lý thuế quy định nghĩa vụ, trách nhiệm của bên được ủy quyền phải thực hiện thay người nộp thuế thì nếu bên được ủy quyền có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này thì tổ chức, cá nhân được ủy quyền bị xử phạt theo Nghị định này.

Trường hợp theo quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ đăng ký thuế, khai, nộp thuế thay người nộp thuế mà tổ chức, cá nhân khai, nộp thuế thay có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này thì tổ chức, cá nhân khai, nộp thuế thay bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định tại Nghị định này.

– Tổ chức, cá nhân liên quan vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.

Trong đó, đối với hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập, tùy từng tính chất mức độ thiệt hại thì có thể sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc bị phạt tiền đến 10 triệu đồng.

Cụ thể, phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi sau đây:

– Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập (trừ liên giao cho khách hàng) trong quá trình sử dụng, đã kê khai, nộp thuế, có hồ sơ chứng từ chứng minh việc mua bán hàng hóa, dịch vụ và có tình tiết giảm nhẹ;

– Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập sai, đã xóa bỏ và người bán đã lập hóa đơn khác thay thế cho hóa đơn lập sai, xóa bỏ này.

Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) trong quá trình sử dụng, người bán đã kê khai, nộp thuế, có hồ sơ, tài liệu, chứng từ chứng minh việc mua bán hàng hóa, dịch vụ bị phạt từ 03-05 triệu đồng.

Phạt từ 04-08 triệu đồng đối với một trong các hành vi:

– Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã phát hành, đã mua của cơ quan thuế nhưng chưa lập.

– Làm mất, cháy, hỏng hoá đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) trong quá trình sử dụng, người bán đã kê khai, nộp thuế, có hồ sơ, tài liệu, chứng từ chứng minh việc mua bán hàng hóa, dịch vụ.

Hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã khai, đã lập, nộp thuế trong quá trình sử dụng hoặc trong thời gian lưu trữ bị phạt từ 05-10 triệu đồng.

Từ 05/12, ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản cho cơ quan thuế

Ngày 19/10/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế. Một trong những nội dung nổi bật của Nghị định là ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp các thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 30 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế thì ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp các thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế, cụ thể:

– Theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế, ngân hàng thương mại cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế bao gồm: tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp, ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản.

– Việc cung cấp thông tin về tài khoản theo điểm a khoản này được thực hiện lần đầu trong thời gian 90 ngày kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành. Việc cập nhật các thông tin về tài khoản được thực hiện hàng tháng trong 10 ngày của tháng kế tiếp. Phương thức cung cấp thông tin được thực hiện dưới hình thức điện tử.

– Ngân hàng thương mại cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế để phục vụ cho mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

– Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn của thông tin theo quy định của Luật Quản lý thuế và quy định của pháp luật có liên quan.

Cũng theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP, đối với các khoản thuế được miễn, giảm, không thu, xóa nợ phát sinh trước ngày 01/7/2020 thì tiếp tục xử lý theo quy định tại Luật Quản lý thuế 2006 đã được sửa đổi tại Luật số 21/2012/QH13, Luật số 71/2014/QH13, Luật số 106/2016/QH13 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

MINH HIỀN

/luat-hoi-ty-trieu-nguyen-va-nhung-gia-tri-tham-khao-trong-phong-chong-tham-nhung-o-viet-nam-hien-nay.html