Ảnh minh họa.
Theo kết quả khảo sát được một tổ chức từ thiện giáo dục toàn cầu thực hiện ở 35 quốc gia và được Diễn đàn kinh tế thế giới công bố năm 2019 thì bác sĩ đứng đầu danh sách toàn cầu về các nghề nghiệp được tôn trọng nhất, tiếp theo là Luật sư và sau đó là kỹ sư (1). Quan niệm phổ biến xem nghề luật là một trong những nghề cao quý trong xã hội, hình ảnh người Luật sư ăn mặc chỉnh tề, hùng hồn bào chữa, đưa ra các chứng cứ, lập luận sắc bén để bảo vệ bị cáo trước tòa được khắc họa trong tâm trí của người dân, trong các tác phẩm truyền hình, phim ảnh, báo chí, văn học, nghệ thuật. Ở Việt Nam, trước năm 1930, người Pháp chiếm độc quyền nghề luật sư. Với Sắc lệnh ngày 25/5/1930, Pháp mới tổ chức Hội đồng Luật sư ở Hà Nội và Sài Gòn có người Việt Nam tham gia. Ngày 10/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 46/SL về cách tổ chức các đoàn thể Luật sư, Sắc lệnh này đã trở thành một dấu mốc quan trọng của nghề luật sư tại Việt Nam.
Kể từ khi ra đời, nghề luật sư đã gắn liền với những quy tắc hành nghề, trong đó có những quy tắc đạo đức nghề nghiệp của Luật sư. Tuy nhiên, ngay từ khi học nghề, học viên của Học viện Tư pháp đã phải trải qua học phần bắt buộc là “Luật sư và đạo đức nghề luật sư” (2). Nội dung tập sự hành nghề cũng có nội dung về đạo đức hành nghề và để có chứng chỉ hành nghề luật sư, thí sinh tham gia kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư phải đạt cả 03 môn thi, trong đó có môn Pháp luật về Luật sư và hành nghề luật sư, quy tắc đạo đức và ứng xử hành nghề luật sư.
Để trở thành Luật sư, ngoài việc phải đáp ứng các điều kiện chuyên môn, nghiệp vụ như phải có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, đạt kết quả kiểm tra tập sự hành nghề luật sư và có sức khỏe bảo đảm hành nghề thì người muốn trở thành Luật sư phải đủ tiêu chuẩn về tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; đủ tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức tốt. Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của Luật sư là một trong những nội dung yêu cầu bồi dưỡng hàng năm đối với Luật sư.
Như vậy, đạo đức nói chung và đạo đức nghề nghiệp luật sư nói riêng gắn liền với quá trình đào tạo, tập sự, cấp chứng chỉ hành nghề, gia nhập Đoàn Luật sư và bồi dưỡng nghề nghiệp trong suốt quá trình hành nghề của người Luật sư. Quá trình đào tạo, tập sự, thi cử khắt khe cùng tiêu chuẩn cao để trở thành Luật sư và hành nghề với những quy tắc ràng buộc khi thực hiện sứ mệnh tạo thành những yếu tố để nghề luật trở nên cao quý.
Trong hoạt động hành nghề, ngoài việc tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, Luật sư còn chịu sự điều chỉnh của Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của Luật sư, đây là bộ thước đo phẩm chất đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp của Luật sư, là khuôn mẫu cho sự ứng xử và tu dưỡng, rèn luyện để giữ gìn uy tín nghề nghiệp, thanh danh của Luật sư, xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội. Hoạt động nghề nghiệp của Luật sư không chỉ góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội, mà còn góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trong những năm qua, Liên đoàn Luật sư Việt Nam rất quan tâm đến công tác ban hành và giám sát việc tuân theo quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam như ban hành Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam mới vào năm 2019, thay thế Bộ Quy tắc ban hành từ năm 2011 để phù hợp với thực tiễn hành nghề luật trong giai đoạn mới, thành lập Ban Đạo đức nghề nghiệp Luật sư Việt Nam, phối hợp với Tạp chí Luật sư Việt Nam ra mắt Chuyên mục “Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam”, tổ chức những buổi tọa đàm, hội thảo, đào tạo, bồi dưỡng về đạo đức nghề nghiệp luật sư, tôn vinh các Luật sư tuân thủ pháp luật, đạo đức hành nghề. Những hoạt động đó góp phần xây dựng đội ngũ Luật sư có trình độ chuyên môn cao, thực hành nghề chuyên nghiệp, vững vàng về chính trị, thực hiện sứ mệnh bảo vệ công lý, quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong hoạt động hành nghề, vẫn có những hành vi vi phạm của Luật sư liên quan đến đạo đức nghề nghiệp. Từ năm 2009 đến năm 2014, các Đoàn Luật sư đã quyết định xử lý kỷ luật đối với 94 trường hợp bằng các hình thức kỷ luật khác nhau, trong đó đã xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách Luật sư đối với 21 trường hợp do vi phạm quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư (3). Từ tháng 5 năm 2015 đến năm 2021, các Đoàn Luật sư đã xử lý kỷ luật xóa tên 444 Luật sư (trong đó có 389 trường hợp do không nộp phí thành viên, 08 Luật sư bị xử lý hình sự, 47 trường hợp xử lý kỷ luật do vi phạm đạo đức nghề nghiệp Luật sư); xử lý kỷ luật bằng hình thức khác (tạm đình chỉ tư cách thành viên, cảnh cáo, khiển trách) là 90 trường hợp (4). Tính đến ngày 30/9/2021, cả nước có 16.134 Luật sư thì số Luật sư vi phạm đạo đức nghề nghiệp chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ nhưng những con số trên chưa phản ánh hết những vi phạm về đạo đức nghề nghiệp của Luật sư vì chỉ những vụ việc nào bị khiếu nại, tố cáo mới bị xem xét và việc xử lý còn tùy thuộc vào chứng cứ thu thập được, quan điểm của người xử lý và cách hiểu, vận dụng các quy định có liên quan.
Một số đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả tuân thủ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư
Luật sư có sứ mệnh bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan, bảo vệ sự độc lập của tư pháp, góp phần bảo vệ công lý, công bằng, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nhưng Luật sư, trong phần lớn hoạt động hành nghề, thực hiện sứ mệnh của mình thông qua hợp đồng dịch vụ pháp lý với khách hàng. Mối quan hệ với khách hàng được xem là mối quan hệ cơ bản nhất của Luật sư trong hoạt động hành nghề, làm cơ sở thiết lập các mối quan hệ khác như quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng, quan hệ với đồng nghiệp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Quan hệ Luật sư với khách hàng được thiết lập trên cơ sở hợp đồng dịch vụ pháp lý. Luật Luật sư đã điều chỉnh hình thức và những nội dung chính của hợp đồng dịch vụ pháp lý, trong đó phải có nội dung về phương thức tính và mức thù lao cụ thể; các khoản chi phí (nếu có). Là một loại hợp đồng dịch vụ, Luật sư cung ứng cho khách hàng các dịch vụ pháp lý trong phạm vi hành nghề của Luật sư và khách hàng phải trả tiền dịch vụ cho Luật sư. Như vậy có thể thấy rằng, chất lượng dịch vụ cung cấp và tiền dịch vụ pháp lý là vấn đề trọng tâm trong mối quan hệ với khách hàng. Vì lẽ đó, Luật Luật sư không những điều chỉnh căn cứ tính thù lao (thù lao được tính căn cứ vào: Nội dung, tính chất của dịch vụ pháp lý; Thời gian và công sức của Luật sư sử dụng để thực hiện dịch vụ pháp lý; Kinh nghiệm và uy tín của Luật sư) mà còn điều chỉnh cả phương thức tính thù lao (thù lao tính theo: Giờ làm việc của Luật sư; Vụ, việc với mức thù lao trọn gói; Vụ, việc với mức thù lao tính theo tỷ lệ phần trăm của giá ngạch vụ kiện hoặc giá trị hợp đồng, giá trị dự án; Hợp đồng dài hạn với mức thù lao cố định) (5). Đối với vụ án hình sự mà Luật sư tham gia tố tụng thì mức thù lao còn được quy định chi tiết, không được vượt quá mức trần thù lao do Chính phủ quy định (mức cao nhất cho 01 giờ làm việc của Luật sư tham gia tố tụng do kháng hàng yêu cầu không được vượt quá 0,3 lần mức lương cơ sở; Mức thù lao chi trả cho 01 ngày làm việc của Luật sư tham gia tố tụng trong vụ án do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu là 0,4 lần mức lương cơ sở) (6).
Dù pháp luật về Luật sư đã quy định cụ thể, chi tiết đến vấn đề thù lao của Luật sư nhưng thực tiễn cho thấy những tranh chấp, khiếu nại, tố cáo từ khách hàng và vi phạm của Luật sư chủ yếu vẫn là vấn đề thù lao và chi phí. Do vậy, cần giải quyết vấn đề này ở nhiều khía cạnh khác nhau.
Thứ nhất: Những quy định của pháp luật về tiền dịch vụ cho Luật sư (thù lao, chi phí) phải phù hợp với thực tiễn để vừa phòng tránh Luật sư lạm thu từ khách hàng nhưng cũng phải đảm bảo Luật sư có thu nhập tương xứng với công sức đã thực hiện. Một vấn đề chưa có quan niệm thống nhất, gây tranh cãi hiện nay là vấn đề thu tiền dịch vụ pháp lý sau khi kết thúc vụ việc theo tỷ lệ phần trăm căn cứ vào kết quả giải quyết công việc. Một số quan điểm cho rằng đây là cách tính thù lao theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 55 Luật Luật sư (Mức thù lao tính theo tỷ lệ phần trăm của giá ngạch vụ kiện hoặc giá trị hợp đồng, giá trị dự án), nhưng cũng có quan điểm cho rằng thu theo kết quả giải quyết vụ việc là thỏa thuận hứa thưởng, trái với quy định tại quy định Điểm đ Khoản 1 Điều 9 Luật Luật sư nghiêm cấm Luật sư “Nhận, đòi hỏi thêm bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ khách hàng ngoài khoản thù lao và chi phí đã thoả thuận với khách hàng trong hợp đồng dịch vụ pháp lý”. Thực tiễn cho thấy rằng, hầu hết những trường hợp thu tiền dịch vụ pháp lý sau khi kết thúc vụ kiện theo tỷ lệ phần trăm kết quả đạt được đều là những vụ việc khó, phức tạp, kéo dài, tốn nhiều thời gian và công sức của Luật sư. Khi thu tiền dịch vụ theo phương thức này thì Luật sư đã đồng hành, san sẻ với khách hàng những rủi ro nhất định. Do vậy, vấn đề này cần được Luật Luật sư mới (thay thế Luật Luật sư số 65/2006/QH11 ngày 29/6/2006 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 20/2012/QH13 ngày 20/11/2012) minh định một cách rõ ràng để giúp các Luật sư dễ dàng tuân thủ quy định. Tuy nhiên, để phù hợp với quy định của Luật Luật sư và các quy định hiện nay, chúng tôi thấy rằng khi lập hợp đồng dịch vụ pháp lý thì tất cả các khoản thu của Luật sư từ khách hàng (dù thu trước hay thu sau) chỉ nên gọi gọi là thù lao và chi phí mà không nên có những tên gọi khác để tránh hiểu nhầm.
Thứ hai: Luật Luật sư quy định “Luật sư thực hiện dịch vụ pháp lý theo hợp đồng dịch vụ pháp lý, trừ trường hợp Luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức” (Điều 26) và theo chúng tôi được biết dự thảo Luật Luật sư mới cũng quy định theo hướng tất cả các trường hợp Luật sư thực hiện cung cấp dịch vụ pháp lý có thu phí phải ký hợp đồng dịch vụ pháp lý. Chúng tôi thấy rằng đối với dịch vụ pháp lý tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật, thực hiện dịch vụ pháp lý khác và tư vấn pháp luật theo hợp đồng, dự án thì việc ký hợp đồng dịch vụ pháp lý là bắt buộc nhưng đối với việc cung ứng dịch vụ pháp lý như làm đơn từ hoặc tư vấn qua điện thoại, email, qua các ứng dụng, khách hàng không đến địa chỉ của tổ chức hành nghề luật sư mà vẫn yêu cầu ký hợp đồng dịch vụ pháp lý là không hợp lý và khó thực hiện được. Cùng với sự phát triển của công nghệ và các ứng dụng nhắn tin, gọi điện, khách hàng hiện nay có thể liên lạc để nhờ Luật sư tư vấn các vấn đề pháp lý và sau đó chuyển khoản trả phí cho Luật sư mà không cần gặp Luật sư, không phải đến nơi làm việc của Luật sư. Việc ký hợp đồng dịch vụ pháp lý trong những trường hợp này là không khả thi và không cần thiết vì khách hàng chỉ cần nghe và biết nội dung tư vấn, ngay khi cuộc tư vấn kết thúc và khách hàng chuyển khoản trả phí tư vấn (có thể trước hoặc sau nội dung tư vấn) thì quyền và nghĩa vụ hai bên đã thực hiện xong. Do vậy, Luật Luật sư và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng phải tính đến những trường hợp này khi quy định ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý để phù hợp với tình hình thực tế và sự phát triển của công nghệ.
Thứ ba: Theo Thông tư 02/2019/TT-BTP ngày 15 tháng 3 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ của Luật sư thì “Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của Luật sư” là một trong các nội dung bồi dưỡng nhưng Luật sư “được lựa chọn tổ chức thực hiện bồi dưỡng, nội dung bồi dưỡng phù hợp với lĩnh vực hành nghề và nhu cầu bồi dưỡng của mình” (Khoản 2 Điều 9). Với quy định tại Khoản 2 Điều 9 Thông tư này thì việc bồi dưỡng “Đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của Luật sư” lại trở thành không bắt buộc, trong suốt quá trình hành nghề, Luật sư có quyền chọn nội dung khác để bồi dưỡng. Do vậy, chúng tôi thấy rằng cần có quy định theo hướng Luật sư có nghĩa vụ bắt buộc phải tham gia bồi dưỡng về đạo đức hành nghề.
Thứ tư: Trong khi phần lớn Luật sư đã tiếp cận với quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của Luật sư qua quá trình học nghề, tập sự và thi kiểm tra thì những người được miễn đào tạo nghề luật sư, miễn thời gian tập sự hành nghề luật sư, không phải tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư (Điều 13, 15, 16 Luật Luật sư) có quyền thực hành nghề luật mà không cần trải qua các khóa đào tạo, bồi dưỡng về đạo đức nghề nghiệp luật sư. Do vậy, pháp luật cần quy định theo hướng những người này bắt buộc phải tham dự các lớp bồi dưỡng về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của Luật sư trước khi gia nhập Đoàn Luật sư.
Thứ năm: Để nội dung của quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của Luật sư trở thành quy tắc thực hành thường xuyên, gắn liền với hoạt động hành nghề của giới Luật sư thì Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đặc biệt là Ban Chủ nhiệm các Đoàn Luật sư cần tổ chức những buổi bồi dưỡng, tọa đàm, hội thảo về các quy tắc, đưa ra phân tích, học tập, rút kinh nghiệm trong Đoàn về những trường hợp vi phạm, đồng thời có những hình thức biểu dương, khen thưởng Luật sư tuân thủ, thực hành tốt quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của Luật sư để qua đó lan tỏa nội dung và tinh thần của Bộ Quy tắc, để Luật sư tự giác tuân thủ và ứng xử nghề nghiệp trong hoạt động hành nghề.
(1) 10 most respected professions in the world, https://www.weforum.org/agenda/2019/01/most-respected-professions-in-the-world/, truy cập hồi 19h00 ngày 04/10/2024. (2) Quyết định 2105/QĐ-BTP ngày 26/10/2022 ban hành Chương trình khung đào tạo nghề Luật sư theo hệ thống tín chỉ. (3) Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Tài liệu Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ II (tài liệu bổ sung), trang 41. (4) Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Tài liệu Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III, trang 40. (5) Điều 55 Luật Luật sư số 65/2006/QH11 ngày 29/6/2006 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 20/2012/QH13 ngày 20/11/2012). (6) Điều 18, 19 Nghị định số 123/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư. |
Thạc sĩ, Luật sư TRƯƠNG NHẬT QUANG
Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương