Một số giải pháp hoàn thiện cơ chế về từ thiện do cá nhân, tổ chức không chuyên thực hiện

19/11/2021 19:02 | 2 năm trước

(LSVN) - Dựa vào cách thức tổ chức tiến hành, có thể chia hoạt động từ thiện thành từ thiện chuyên nghiệp và từ thiện không chuyên nghiệp. Trong đó, từ thiện chuyên nghiệp được thực hiện liên tục, có đội ngũ chuyên trách, hoạt động trên cơ sở quy chế, phương pháp bài bản. Từ thiện không chuyên nghiệp do các cá nhân, tổ chức không có kinh nghiệm tổ chức, diễn ra trong thời gian ngắn. Dựa vào chủ thể của hoạt động từ thiện, có thể chia thành từ thiện do các cá nhân thực hiện và do các tổ chức thực hiện. Dựa vào quốc tịch của các chủ thể tiến hành hoạt động từ thiện có thể chia thành hoạt động từ thiện do các cá nhân, tổ chức trong nước thực hiện và từ thiện do các cá nhân, tổ chức nước ngoài thực hiện… Dù phân chia theo cách thức nào, thì bản chất của hoạt động từ thiện không thay đổi. Mỗi một phân loại hoạt động từ thiện đều dẫn đến những yêu cầu điều chỉnh về mặt pháp lý khác nhau.

Ảnh minh họa.

Sự cần thiết của việc xây dựng khung pháp lý riêng cho hoạt động từ thiện do các cá nhân, tổ chức không chuyên thực hiện

Từ thiện là hoạt động do cá nhân, tổ chức thực hiện với mục đích giúp đỡ những người gặp hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Bản chất của từ thiện là hoạt động tự nguyện, xuất phát từ đạo đức, tình thương của con người với con người, không mang tính chất hành chính, ép buộc, không mang tính chất vụ lợi. Với bản chất tốt đẹp, hoạt động từ thiện nhận được sự hưởng ứng từ xã hội, được nhà nước khuyến khích và tôn trọng. Từ thiện có thể được thực hiện bằng nhiều hoạt động và bằng nhiều hình thức khác nhau như kêu gọi, vận động, phân phối các dạng hàng hóa, vật chất, tiền, sức người cứu trợ, hay tuyên truyền, tổ chức, kiểm tra, bảo đảm việc các hoạt động trên được thực hiện… hướng tới các đối tượng gặp khó khăn.

Trên cơ sở các tiêu chí khác nhau có thể phân chia hoạt động từ thiện thành các loại khác nhau. Dựa vào cách thức tổ chức tiến hành, có thể chia hoạt động từ thiện thành từ thiện chuyên nghiệp và từ thiện không chuyên nghiệp. Trong đó, từ thiện chuyên nghiệp được thực hiện liên tục, có đội ngũ chuyên trách, hoạt động trên cơ sở quy chế, phương pháp bài bản. Từ thiện không chuyên nghiệp do các cá nhân, tổ chức không có kinh nghiệm tổ chức, diễn ra trong thời gian ngắn. Dựa vào chủ thể của hoạt động từ thiện, có thể chia thành từ thiện do các cá nhân thực hiện và do các tổ chức thực hiện. Dựa vào quốc tịch của các chủ thể tiến hành hoạt động từ thiện có thể chia thành hoạt động từ thiện do các cá nhân, tổ chức trong nước thực hiện và từ thiện do các cá nhân, tổ chức nước ngoài thực hiện… Dù phân chia theo cách thức nào, thì bản chất của hoạt động từ thiện không thay đổi. Mỗi một phân loại hoạt động từ thiện đều dẫn đến những yêu cầu điều chỉnh về mặt pháp lý khác nhau.

Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, hàng ngàn người lao động khó khăn và phải di tản từ các tỉnh thành phía Nam về quê để tìm kiếm cơ hội mưu sinh. Trong hoàn cảnh không việc làm, không thu nhập, nếu không được kịp thời cứu trợ, rất có thể, đây sẽ là nguy cơ làm phát sinh không ít tệ nạn xã hội. Điều này không chỉ đặt ra bài toán khó về an sinh xã hội đối với chính quyền địa phương mà còn một lần nữa đặt ra vấn đề về vai trò của các cá nhân, tổ chức làm công tác thiện nguyện. Vấn đề này vốn đã nóng từ nhiều năm trước đây, đỉnh điểm là năm 2020 với đợt lũ lịch sử ở miền Trung, nay lại càng trở nên cấp thiết.

Cùng với nỗ lực của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hoạt động thiện nguyện do các cá nhân, tổ chức không chuyên đứng ra phát động đã cho thấy nhiều ưu điểm như khả năng kêu gọi, huy động, giải ngân số tiền nhanh, kịp thời do không phải trải qua những khâu thủ tục hành chính phức tạp. Những cá nhân, tổ chức làm từ thiện có thể tiếp cận đến từng cá nhân đang cần được giúp đỡ vật chất một cách phù hợp… Những ưu thế này đã mang lại nhiều hiệu quả thực tế trong việc giúp đỡ những người đang gặp khó do thiên tai gây ra, trong mùa lũ lịch sử 2020-2021 và đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 vừa qua.

Tuy nhiên, khung pháp lý điều chỉnh hoạt động từ thiện nói chung và từ thiện được tiến hành bởi các cá nhân, tổ chức không chuyên hiện nay vẫn chưa được hoàn thiện. Thực trạng này làm hạn chế hiệu quả của hoạt động từ thiện, đồng thời có thể trở thành nguy cơ cho những sai phạm có thể xảy ra. Việc thiếu khung pháp lý về hoạt động từ thiện cũng gây ra những khó khăn trong việc xử lý các hành vi trái pháp luật. Thực tế cho thấy, việc tìm kiếm được các chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm là rất khó khăn.

Từ thiện do cá nhân, tổ chức không chuyên thực hiện dưới góc độ pháp lý

Hiện nay, hoạt động từ thiện được điều chỉnh bằng cả pháp luật trong lĩnh vực công và lĩnh vực tư. Trên thực tế, giữa hai bên đại diện - Ủy quyền không có hợp đồng bằng văn bản quy định các điều khoản về quyền hạn, nghĩa vụ cụ thể nhưng thỏa thuận về việc thực hiện nghĩa vụ vẫn được xác nhận, dựa trên uy tín của người nhận quyên góp và sự tin tưởng lẫn nhau giữa hai bên. Việc xác định pháp luật điều chỉnh được căn cứ vào đối tượng tham gia, tính chất của hoạt động từ thiện và phạm vi tác động của hoạt động từ thiện.

Dưới góc độ Luật tư, trong một số trường hợp, có thể coi việc vận động, phân phối tiền, vật chất từ thiện là một dạng giao dịch dân sự và được điều chỉnh bởi pháp luật dân sự thuần túy (đặt giả định hoạt động từ thiện trong trường hợp này không trái pháp luật).

Trường hợp thứ nhất, hoạt động từ thiện được tiến hành dưới hình thức ủy quyền với sự tham gia của bên kêu gọi từ thiện (bên nhận ủy quyền) theo quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS). Trên thực tế, giữa hai bên đại diện - ủy quyền không có hợp đồng bằng văn bản quy định các điều khoản về quyền hạn, nghĩa vụ cụ thể nhưng thỏa thuận về việc thực hiện nghĩa vụ vẫn được xác nhận, dựa trên uy tín của người nhận quyên góp và sự tin tưởng lẫn nhau giữa hai bên.

Quan hệ này mang tính chất thuần túy về mặt dân sự nếu bảo đảm quy mô tổ chức của nó trên phạm vi hẹp. Tức phải đáp ứng được các điều kiện như số người, tổ chức tham gia vào việc đóng góp bị giới hạn ở số lượng nhất định và quy mô của hoạt động từ thiện nhỏ thường chỉ diễn ra trong một nhóm ít người với nhau hướng đến giúp đỡ con người cụ thể. Trong trường hợp này, cá nhân, tổ chức đứng ra kêu gọi từ thiện có nghĩa vụ mang số tiền, vật chất được quyên góp đến đối tượng, địa điểm mà người nhận ủy thác, ủy quyền đã cam kết. Ngay khi việc thực hiện nghĩa vụ chuyển số tiền đã cam kết giao cho bên nhận ủy quyền, bên ủy quyền sẽ phát sinh quyền được biết số tiền, vật chất mà họ đã đóng góp có được sử dụng đúng theo cam kết hay không.

Từ đó, đặt ra nghĩa vụ đối với cá nhân, tổ chức đứng ra kêu gọi quyên góp trong việc thực hiện việc sao kê tài khoản, minh bạch trong việc phân phối tiền, vật chất cứu trợ. Trong trường hợp bên nhận ủy quyền không thực hiện đúng cam kết của mình sẽ vi phạm nghĩa vụ thực hiện phân phối tiền, hay nói cách khác, xâm phạm đến quan hệ tài sản của những người đã ủy quyền cho mình. Lúc này, giao dịch dân sự sẽ bị vô hiệu, bên nhận ủy quyền có nghĩa vụ phải hoàn trả phần tiền, vật chất mà mình đã không sử dụng đúng mục đích, đồng thời phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp vi phạm theo quy định của Điều 358 BLDS.

Trường hợp thứ hai, hoạt động từ thiện do các cá nhân, tổ chức tiến hành bằng chính tài sản của mình. Như vậy, chỉ tồn tại quan hệ giữa người làm từ thiện và đối tượng nhận từ thiện. Trong trường hợp này, từ thiện giống như hành vi pháp lý đơn phương. Tương tự như trường hợp thứ nhất, pháp luật hành chính sẽ không can thiệp vào hoạt động này nếu quy mô từ thiện không lớn, đối tượng từ thiện hướng đến là những cá nhân cụ thể. Bởi đây là hành vi pháp lý đơn phương nên không có nghĩa vụ nào phát sinh đối với người tiến hành hoạt động từ thiện trong trường hợp này.

Bên cạnh những trường hợp vừa đề cập, khi được thực hiện ở quy mô lớn, hoặc do các cá nhân, tổ chức là người nước ngoài tiến hành, hoạt động từ thiện được điều chỉnh bởi pháp luật hành chính. Việc nhà nước thực hiện quản lý với hoạt động từ thiện là cần thiết, xuất phát từ trách nhiệm bảo đảm cuộc sống bình yên cho người dân, bảo đảm cho tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, quyền tài sản… khi tham gia vào các quan hệ xã hội. Trong trường hợp này, từ thiện do cá nhân, tổ chức thực hiện là tương đối phức tạp, dễ phát sinh tiêu cực và có tầm ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội.

Dưới góc độ quản lý nhà nước, đối với vấn đề vận động, đóng góp cũng như phân phối, sử dụng các khoản tiền từ thiện, các nguồn đóng góp tự nguyện khác để hỗ trợ, cứu giúp nhân dân các vùng khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn…, Nghị định 64/2008/NĐ-CP được hướng dẫn bởi Thông tư 72/2008/TT-BTC chỉ điều chỉnh đối với hoạt động của các cơ quan, tổ chức gồm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; các quỹ xã hội; quỹ từ thiện thành lập theo quy định của pháp luật và của các cơ quan thông tin đại chúng (báo, đài), các tổ chức, đơn vị khác mà pháp luật quy định theo Điều 5 Nghị định 64/2008/NĐ-CP.

Những cơ quan, tổ chức theo quy định được kêu gọi, tiếp nhận, phân phối hàng cứu trợ và phải tuân thủ các nguyên tắc tự nguyện, đúng mục đích, tuân thủ nghiêm ngặt thời gian kêu gọi, vận động, phân phối tiền, hàng cứu trợ. Trong đó, nghiêm cấm các hành vi: Cản trở hoặc ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động cứu trợ nhân đạo; Lợi dụng hoạt động cứu trợ để vụ lợi; báo cáo sai sự thật, gian lận, chiếm đoạt, sử dụng trái phép tiền, hàng do các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước ủng hộ, đóng góp.

Dù việc đứng ra kêu gọi tiền cứu trợ với tư cách của cá nhân, tổ chức không chuyên không thuộc sự điều chỉnh của Nghị định 64/2008/NĐ-CP, nhưng pháp luật cũng không cấm việc các cá nhân, tổ chức từ thiện đứng ra sử dụng uy tín của mình để kêu gọi, vận động những người khác ủng hộ phục vụ mục đích thiện nguyện, cứu trợ trong trường hợp thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh. Xuất phát từ nguyên tắc công dân được làm những gì pháp luật không cấm, có thể hiểu, việc các nghệ sĩ đứng ra kêu gọi tiền, vật chất từ thiện tự phát để ủng hộ người dân bị thiên tai là không vi phạm pháp luật. Bản chất của việc kêu gọi từ thiện nhưng cố tình sử dụng số tiền, vật chất được quyên góp đúng mục đích của cá nhân có thể được nhìn nhận dưới nhiều góc độ pháp lý khác nhau. Trong mỗi một trường hợp, hành vi vi phạm của các cá nhân vận động, phân phối, sử dụng tiền và vật chất kêu gọi được từ hoạt động từ thiện sẽ dẫn đến những hậu quả pháp lý khác nhau từ khởi kiện dân sự, cho đến phạt hành chính và cao nhất là truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào tính chất, mức độ của hành vi.

Hiện nay, dù pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể đối với hoạt động từ thiện của cá nhân, tổ chức không chuyên, nhưng điều đó không có nghĩa, khi họ vận động, sử dụng tiền và các vật chất từ thiện không đúng mục đích để thực hiện hành vi vụ lợi đã xâm phạm đến trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Trường hợp giá trị số tiền, vật chất bị sử dụng sai mục đích chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi này có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng. Trong trường hợp cá nhân cố ý dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản thì mức phạt tiền tối đa là 5.000.000 đồng, đồng thời bị tịch thu số tiền đã quyên góp được theo quy định tại Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Hành vi cố tình sử dụng nguồn tiền, vật chất được kêu gọi sai mục đích với giá trị tài sản chiếm đoạt từ 2.000.000 trở lên xâm phạm tới quyền tài sản của cá nhân, trái với pháp luật hình sự, cá nhân có hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm theo quy định tại Điều 174 và 175 Bộ luật Hình sự năm 2015. Thời điểm xuất hiện ý định chiếm đoạt số tiền, vật chất kêu gọi được sẽ quyết định đến việc hành vi trái pháp luật cấu thành tội danh cụ thể.

Trong trường hợp người phạm tội có ý định chiếm đoạt tài sản từ trước khi đứng ra kêu gọi từ thiện, thực hiện ý đồ của mình bằng cách đưa ra các thông tin không đúng sự thật ngay từ đầu, khiến công chúng tin rằng hoạt động quyên góp có thật để chiếm đoạt tài sản từ 2.000.000 đồng trở lên thì thỏa mãn cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chẳng hạn như lợi dụng tình trạng khẩn cấp, cụ thể ở đây là bão lũ, thiên tai ở miền Trung để kêu gọi những lòng hảo tâm gửi tiền và sau đó chiếm đoạt số tiền đó vào mục đích cá nhân hoặc mục đích khác.

Trường hợp khi cá nhân đứng ra kêu gọi từ thiện nhưng trong quá trình triển khai hoạt động thiện nguyện đã nảy sinh ý định chiếm đoạt, không sử dụng một phần hay toàn bộ số tiền quyên góp vào mục đích ban đầu mà sử dụng cho mục đích cá nhân của mình, hoặc mục đích khác thì người đứng ra nhận đóng góp, phân phối số tiền này có thể bị truy cứu về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" theo Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015. Trong trường hợp số tiền, tài sản chiếm đoạt có trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên, người có hành vi chiếm đoạt có thể đối mặt với khung hình phạt từ 12 đến 20 năm tù. Đây là khung hình phạt rất nặng đối với hành vi chiếm đoạt tài sản trái phép của cá nhân trong hoạt động từ thiện. Nó cho thấy sự nghiêm khắc của nhà nước trong việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của cộng đồng, đồng thời là gửi đi thông điệp răn đe đến những đối tượng có ý định thực hiện hành vi bất chính.

Thực tiễn cũng cho thấy đã xảy ra trường hợp các tổ chức phản động nước ngoài núp bóng hoạt động từ thiện để tạo ra diễn đàn công kích, đả kích, hạ thấp uy tín của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng thời lôi kéo, dụ dỗ người dân tham gia vào các hoạt động trái pháp luật của tổ chức này. Hoạt động từ thiện của các tổ chức này được thực hiện một cách thiếu minh bạch, với nhiều đối tượng tương tác, hùa vào cộng hưởng, với động cơ không trong sáng.

Trong đó, tùy vào từng trường hợp, hành vi được chứng minh, làm rõ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, mà hành vi núp bóng hoạt động từ thiện nhằm phá hoại an ninh, trật tự, lôi kéo người dân tham gia vào các tổ chức phản động có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Chương XIII Bộ luật Hình sự năm 2015 (Các tội xâm phạm an ninh quốc gia).

Có thể thấy trong trường hợp có sai phạm xảy ra, tùy vào số tiền, trị giá tài sản sai phạm mà những cá nhân, tổ chức đứng ra làm công tác từ thiện có thể phải đối mặt với nhiều mức trách nhiệm pháp lý khác nhau như đã phân tích. Với số tiền quyên góp đặc biệt lớn như trong trường hợp của một số nghệ sĩ bị tố chậm giải ngân số tiền từ thiện (Điều 353 Bộ luật Dân sự 2015) hay sử dụng số tiền quyên góp trái với mục đích ban đầu, nếu thực sự có sai phạm, khả năng họ phải đối diện với trách nhiệm hình sự là rất cao. Dù là bồi thường dân sự, trách nhiệm hành chính hay hình sự, đây đều là những mức trách nhiệm pháp lý nghiêm khắc. Suy cho cùng, việc từ thiện của các cá nhân, tổ chức có thể đều xuất phát từ tấm lòng và trách nhiệm đối với cộng đồng, tuy nhiên, trong khi pháp luật chưa có quy định hướng dẫn cụ thể thì việc họ chủ quan trong vấn đề minh bạch từ thiện có thể trở thành con dao hai lưỡi, hủy hoại danh tiếng, sự nghiệp, khiến họ vướng vào những rắc rối về mặt pháp luật.

Một số giải pháp hoàn thiện cơ chế về từ thiện do cá nhân, tổ chức không chuyên thực hiện

Không thể phủ nhận vai trò của các hoạt động thiện nguyện do các cá nhân, tổ chức phát động. Đây là một kênh huy động nguồn lực xã hội rất hiệu quả, với thời gian thực hiện ngắn, việc phân phối nguồn tiền, vật chất được thực hiện nhanh, không phải qua những thủ tục, giấy tờ phức tạp so với hình thức quỹ từ thiện hoặc thông qua hoạt động của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các tổ chức chính trị - xã hội. Nhiều trường hợp cá nhân, tổ chức thực hiện từ thiện tại địa phương phải xin dấu của chính quyền địa phương gặp nhiều khó khăn, bị cản trở, làm hạn chế hiệu quả hoạt động từ thiện. Thông qua hoạt động của các cá nhân, tổ chức không chuyên, tiền và vật chất được bảo đảm phân phối tới nhiều đối tượng có nhu cầu hơn. Tuy nhiên, cũng vì vậy mà tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ về sự thiếu minh bạch, công khai, nhiều người lợi dụng hoạt động này để trục lợi, gây bất ổn xã hội.

Việc thiếu công khai, minh bạch trong hoạt động thiện nguyện của những người nổi tiếng đến từ nhiều lý do khác nhau. Có thể từ sự thiếu chuyên nghiệp trong hoạt động tuyên truyền, kêu gọi, huy động, sử dụng các nguồn lực được quyên góp; do sự chủ quan, thiếu giám sát, phối hợp từ chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội; do sự thiếu cơ chế quản lý hoạt động của các cá nhân trong vận động, kêu gọi, quản lý và sử dụng nguồn tiền từ thiện; bản thân nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng từ thiện để thu lợi bất chính, phá hoại an ninh, trật tự xã hội… Bất kể nguyên nhân là gì, việc thiếu minh bạch, rõ ràng trong các hoạt động thiện nguyện không chỉ làm xói mòn lòng tin của một bộ phận công chúng vào những giá trị chân - thiện - mỹ, mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chính bản thân những người đã cố gắng bỏ ra sức lực và thời gian kêu gọi đóng góp từ cộng đồng.

Vì vậy, để bảo vệ những người làm công tác từ thiện, tránh được những rủi ro về pháp lý trong việc kêu gọi từ thiện, củng cố lòng tin của người dân vào các hoạt động thiện nguyện, có thể thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, các cá nhân, tổ chức nên kêu gọi, quản lý, sử dụng nguồn tiền từ thiện một cách minh bạch thông qua cơ chế được chuyên nghiệp hóa, chẳng hạn như thông qua hoạt động của một quỹ từ thiện. Quỹ từ thiện phải được thành lập theo quy định tại Nghị định 93/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Trong một số trường hợp, để bảo đảm hiệu quả của hoạt động từ thiện, cần xem xét quy định mức sàn phải lập quỹ để hoạt động khi giá trị tài sản được vận động, quyên góp đạt đến mức giá trị sàn đó. Hoạt động của quỹ dù hướng đến mục đích phi lợi nhuận song các nhà làm luật cũng cần xác định cụ thể cơ chế tài chính phù hợp phục vụ các hoạt động điều hành quỹ. Đồng thời, việc giải ngân số tiền từ thiện cần yêu cầu có sự giám sát, theo dõi của người dân, Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, cơ quan kiểm toán để làm căn cứ khi có vấn đề cần yêu cầu sự minh bạch.

Thứ hai, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý về từ thiện, trong đó, cho phép các cá nhân, tổ chức không chuyên được vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện không qua cơ chế lập quỹ. Trong đó, cần bảo đảm việc không hành chính hóa hoạt động từ thiện. Đây là yêu cầu cần thiết, bảo đảm hoạt động từ thiện được thực hiện theo đúng bản chất là quan hệ tư, xuất phát từ sự tự nguyện, không vụ lợi, phù hợp với truyền thống văn hóa của Việt Nam.

Việc đặt hoạt động từ thiện do các cá nhân, tổ chức không chuyên vào hệ thống các quy phạm pháp luật, phải tiến hành theo các bước hành chính, với các giấy tờ, thủ thục chặt chẽ sẽ làm mất đi bản chất là quan hệ tư, xuất phát từ sự tự nguyện của hoạt động này. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình triển khai việc kêu gọi và phân phối các nguồn lực xã hội một cách kịp thời, đáp ứng được tình hình cấp bách của thực tiễn đặt ra.

Để bảo đảm sự điều chỉnh của pháp luật, phòng chống kịp thời những hành vi trục lợi từ hoạt động từ thiện, cần phải làm rõ khái niệm, nội dung của hoạt động này, từ đó phân loại các hoạt động từ thiện trên cơ sở thời gian, cách thức, phương pháp, chủ thể tiến hành. Trên cơ sở xây dựng được cơ chế hoạt động, pháp luật cần xác định được bộ nguyên tắc riêng áp dụng cho từng loại hình tình nguyện, cứu trợ nhân đạo. Trong đó, cần quy định thời gian mà cá nhân, tổ chức không chuyên kêu gọi, vận động từ thiện phải phân phối hết số tiền và vật chất đã tiếp nhận; các cá nhân, tổ chức vận động từ thiện có trách nhiệm bảo đảm sự minh bạch trong việc sử dụng nguồn tiền, vật chất được kêu gọi để phục vụ công tác báo cáo, công khai các thông tin cần thiết bảo đảm quyền lợi của người đóng góp. Bên cạnh đó, cần xem xét quy định mức giá trị tiền, vật chất, hàng hóa tối đa đối với hoạt động từ thiện không chuyên do các cá nhân, tổ chức tiến hành.

Đối với những trường hợp giá trị tiền, vật chất, hàng hóa được kêu gọi vượt mức tối đa được quy định, cần có sự phối hợp giữa cá nhân, tổ chức tiến hành từ thiện với chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc để bảo đảm việc tổ phân phối, sử dụng một cách phù hợp, bảo đảm sự giám sát, công khai, minh bạch, qua đó, khắc phục được bất cập về công khai, minh bạch đang tồn tại hiện nay.

Thứ ba, trước, trong và sau khi hành lang pháp lý về từ thiện được hoàn thiện, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội tại những nơi có các cá nhân tổ chức hoạt động thiện nguyện cần có sự tích cực, chủ động, một mặt hỗ trợ cho các cá nhân, nhà hảo tâm làm tròn trách nhiệm của mình, mặt khác hạn chế những nguy cơ tiền, vật chất từ thiện bị lạm dụng, rơi vào tay những thành phần cơ hội, không xứng đáng. Chính quyền các cấp cũng cần có những biện pháp, chương trình tuyên truyền, giáo dục, tập huấn cụ thể cho những cá nhân, tổ chức có mong muốn thực hiện việc thiện nguyện.

Việc chuyên nghiệp hóa bài bản hóa hoạt động kêu gọi từ thiện của các cá nhân, tổ chức sẽ góp phần lan tỏa lòng tốt, đồng thời phát huy vai trò của những hạt nhân tích cực trong xã hội, giúp họ không ngại, không sợ việc từ thiện. Bản thân mỗi cá nhân khi đứng ra kêu vận động, tiếp nhận, phân phối sử dụng các nguồn lực xã hội cho công tác thiện nguyện cần phải lưu tâm vấn đề công khai, minh bạch nguồn tiền, vật chất tiếp nhận ngay từ đầu, coi đây là chìa khóa để bảo vệ chính bản thân mình. Qua đó, cùng với nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, chung tay giúp những hoàn cảnh còn khó khăn sớm vượt qua được hậu quả mà thiên tai, địch họa, dịch bệnh gây ra.

Thạc sĩ, Luật sư NGUYỄN QUANG ANH

Công ty Luật TNHH Sao Việt

Phân loại tội phạm theo Bộ luật Hình sự 2015