/ Luật sư - Bạn đọc
/ Một số vấn đề pháp lý liên quan đến vụ rơi thang máy khiến hai công nhân tử vong

Một số vấn đề pháp lý liên quan đến vụ rơi thang máy khiến hai công nhân tử vong

01/01/0001 00:00 |

(LSVN) - Theo Luật sư, vụ việc tai nạn xảy ra là nguyên nhân khách quan, không thể lường trước được thì sẽ không khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên dù có xử lý hình sự hay không thì đơn vị sử dụng lao động cũng có trách nhiệm thực hiện các thủ tục để bồi thường thiệt hại cho người thân của hai nạn nhân theo quy định về tai nạn lao động.

Liên quan đến vụ rơi thang máy khiến hai công nhân tử vong ở quận Ba Đình, sáng 26/5, Công an quận cho biết đã xác định được danh tính hai nạn nhân tử vong. Ngôi nhà xảy ra sự cố có quy mô 7 tầng, 1 tum với diện tích khoảng 97m2 và đang trong quá trình sửa chữa, cải tạo.

Sự cố xảy ra do trượt cáp trong quá trình sửa chữa thang máy. 

Nguyên nhân vụ việc đang được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Nếu vi phạm quy định về an toàn lao động thì sẽ khởi tố vụ án hình sự

Dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho rằng đây là một vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra khi nạn nhân bị thiệt mạng là hai công nhân sửa thang máy. Cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, làm cơ sở xác định trách nhiệm pháp lý của các bên có liên quan theo quy định của pháp luật.

Theo Luật sư Cường, trước tiên cơ quan chức năng sẽ làm rõ việc sửa chữa nhà và lắp đặt thang máy của chủ nhà có giấy phép hay không, có theo đúng thiết kế hay không để xem xét trách nhiệm của chủ đầu tư trong vụ việc này. Trường hợp việc sửa chữa, lắp đặt thang máy không đúng với thiết kế, việc sửa chữa không có giấy phép theo quy định pháp luật thì chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. 

Trường hợp việc sửa chữa nhà cửa, lắp đặt, sửa chữa thang máy không vi phạm pháp luật về xây dựng, việc thực hiện đúng thiết kế, có sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền thì cơ quan chức năng sẽ xem xét trách nhiệm của đơn vị thi công. Với những người lao động thực hiện các công việc về kĩ thuật, làm việc trong những môi trường có nguy cơ tai nạn cao thì pháp luật đòi hỏi phải có bằng cấp, chứng chỉ, chuyên môn phù hợp, phải được tập huấn để đảm bảo an toàn. Vì vậy cần làm rõ các công nhân này có hợp đồng lao động hay không, việc thực hiện nhiệm vụ có đúng chuyên môn hay không, trường hợp có căn cứ cho thấy có hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động như: người lao động không có chuyên môn, chứng chỉ phù hợp; không được tập huấn các kỹ năng cần thiết để thực hiện công việc; không được trang bị các thiết bị đảm bảo an toàn dẫn đến vụ tai nạn xảy ra thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội "Vi phạm quy định về an toàn lao động" theo Điều 295 Bộ luật Hình sự. 

Điều 295. Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người 

1. Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

d) Là người có trách nhiệm về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 năm đến 12 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tai nạn lao động

Vụ việc tai nạn xảy ra là nguyên nhân khách quan, không thể lường trước được thì sẽ không khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên dù có xử lý hình sự hay không thì đơn vị sử dụng lao động cũng có trách nhiệm thực hiện các thủ tục để bồi thường thiệt hại cho người thân của hai nạn nhân theo quy định về tai nạn lao động.

Đối với các sự kiện pháp lí phát sinh từ vụ việc tai nạn lao động thì quyền lợi, trách nhiệm của các bên sẽ được thực hiện theo quy định về Luật An toàn lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ luật Lao động và các văn bản pháp luật có liên quan.

Theo đó, khoản 8 Điều 3 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 quy định, tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.

Điều 45 Luật An toàn vệ sinh lao động quy định người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:

- Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây: Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật Lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh; Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động; Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;

- Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này;

- Người lao động không được hưởng chế độ do Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả nếu thuộc một trong các nguyên nhân quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này.

Điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 cũng quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:

-  Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp;

- Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp;

-  Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều này với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng;

- Giới thiệu để người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật;

-  Thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động công bố biên bản điều tra tai nạn lao động đối với các vụ tai nạn lao động chết người;

-  Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc;

- Lập hồ sơ hưởng chế độ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Mục 3 Chương này;

- Tiền lương để làm cơ sở thực hiện các chế độ bồi thường, trợ cấp, tiền lương trả cho người lao động nghỉ việc do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều này là tiền lương bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.

Bên cạnh đó, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm chi trả chế độ trợ cấp tai nạn lao động theo quy định tại Điều 53 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 . Hồ sơ hưởng chế độ tử tuất trong trường hợp người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 111 của Luật Bảo hiểm xã hội.

TIẾN HƯNG

Bảo vệ chung cư lái xe Maybach gây tai nạn: Ai chịu trách nhiệm bồi thường?

Lê Minh Hoàng