(LSVN) - Nghề Luật sư là một trong những nghề mang tính đặc thù. Bên cạnh kiến thức, kinh nghiệm là điều không thể thiếu thì tinh thần dũng cảm, trách nhiệm cao, coi việc bảo vệ quyền lợi của thân chủ như bảo vệ quyền lợi của chính mình cũng là những nguyên tắc đạo đức đối với người Luật sư chân chính. Bởi lẽ, trong thực tế, ngoài những rủi ro, tai nạn nghề nghiệp có thể gặp phải, Luật sư cũng thường xuyên gặp phải những sự thách thức, vi phạm quy định pháp luật nhằm cản trở quá trình tác nghiệp và thực hiện các quyền của Luật sư khi thực hiện công việc hành nghề.
Luật sư Đặng Hồng Dương, Giám đốc Công ty Luật TNHH Sao Sáng.
Khoản 2 Điều 9 của Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2012 quy định “Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi cản trở hoạt động hành nghề của Luật sư ”.
Đối với vụ án hình sự, Luật sư có quyền tham gia hoạt động tố tụng với tư cách là người bào chữa cho bị can, bị cáo hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại, đương sự. Trong đó, Luật sư bào chữa được xác định là người giữ vị trí trọng yếu trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị can, bị cáo. Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 người bào chữa trong vụ án hình sự có các quyền sau đây:
- Gặp, hỏi người bị buộc tội;
- Có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can và nếu người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, hỏi cung đồng ý thì được hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can. Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can;
- Có mặt trong hoạt động đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói và hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự;
- Được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng báo trước về thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung và thời gian, địa điểm tiến hành hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015;
- Xem biên bản về hoạt động tố tụng có sự tham gia của mình, quyết định tố tụng liên quan đến người mà mình bào chữa;
- Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; đề nghị thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế;
- Đề nghị tiến hành hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này; đề nghị triệu tập người làm chứng, người tham gia tố tụng khác, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
- Thu thập, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
- Kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
- Đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, giám định bổ sung, giám định lại, định giá lại tài sản;
- Đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa từ khi kết thúc điều tra;
- Tham gia hỏi, tranh luận tại phiên tòa;
- Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
- Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án nếu bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự
Có thể nói, quyền bào chữa của Luật sư trong vụ án hình sự là một chế định quan trọng gắn liền với sự hình thành và phát triển và hoàn thiện của hệ thống pháp pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam. Nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện quyền bào chữa trong hoạt động tố tụng, hệ thống pháp luật nước ta đã không ngừng hoàn thiện, đổi mới và mở rộng chế định này, tạo điều kiện cho Luật sư ngày càng phát huy được năng lực, vai trò của mình trong quá trình hành nghề, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của bị can, bị cáo trong vụ án hình sự.
Một trong những đổi mới, hoàn thiện của chế định thực hiện quyền bào chữa của Luật sư đó là việc mở rộng hơn nữa việc thực hiện quyền này ở trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự bằng việc Bộ công an đã ban hành Thông tư 46/2019/TT-BCA ngày 10 tháng 10 năm 2019 quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình 2015. Khái quát lại nội dung của Thông tư, có thể thấy những đổi mới, hoàn thiện trong chế định bào chữa của Luật sư được thể hiện ở những điểm sau:
Thứ nhất, Thông tư 46/2019/TT-BCA gia tăng số lượng các quy định về thông báo, tiếp nhận, giải quyết thủ tục đăng ký bào chữa theo hướng Luật sư có thể tiếp cận sớm nhất nhằm hỗ trợ pháp lý cho người bị buộc tội, đề cao trách nhiệm và thời hạn giải quyết các yêu cầu.
Thứ hai, Thông tư 46/2019/TT-BCA đặt ra rõ ràng trình tự tự gặp, tham dự hỏi cung của Luật sư sau khi đã được cấp thông báo đăng ký bào chữa trình đối với các buổi làm việc do cơ quan điều tra, điều tra viên chủ động tiến hành theo kế hoạch điều tra.
Thứ ba, Thông tư 46/2019/TT-BCA cũng quy định trình tự Luật sư được quyền chủ động gặp người bị tạm giữ, tạm giam không phụ thuộc vào kế hoạch hỏi cung, làm việc của cơ quan điều tra, điều tra viên (trừ trường hợp vụ án xâm phạm an ninh quốc gia).
Thứ tư, tại Thông tư 46/2019/TT-BCA đã bãi bỏ quy định bất hợp lý về việc hạn chế thời gian gặp, làm việc của Luật sư với người bị tạm giữ, tạm giam trong vòng 1 giờ mà thay vào đó cơ quan công an, cơ sở giam giữ không được hạn chế số lần và thời gian trên một lần gặp của người bào chữa với người bị tạm giữ, bị can đang bị tạm giam.
Những điểm mới nêu trên là những điểm mới rất tiến bộ của Thông tư, tạo điều kiện giúp cho Luật sư bào chữa có thêm thời gian, cơ hội tiếp xúc làm việc với bị tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn điều tra, góp phần đảm bảo cho quá trình điều tra được đảm bảo khách quan, công bằng, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của người bị tạm giữ, tạm giam trong hoạt động tố tụng.
Liên quan đến vụ việc nêu trên, có thể trực tiếp thấy, nội dung quyền của Luật sư trong hoạt động tố tụng hình sự được đề cập đến chính là quyền “Đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa từ khi kết thúc điều tra” của Luật sư – người bào chữa, được Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định.
Bản thân Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng đã quy định cụ thể, chi tiết hơn quyền này thể hiện tại khoản 1 Điều 82, cụ thể là:
Điều 82. Đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án 1. Sau khi kết thúc điều tra, nếu có yêu cầu đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm bố trí thời gian, địa điểm để người bào chữa đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án. |
Căn cứ theo quy định trên thì có thể thấy Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã đưa quyền “Đọc, ghi chép và sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa từ khi kết thúc điều tra” của Luật sư – người bào chữa được gắn liền với trách nhiệm, nghĩa vụ “bố trí thời gian, địa điểm để người bào chữa đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu trong hồ sơ vụ án” của cơ quan tiến hành tố tụng.
Trong quá trình tham gia tố tụng, việc đọc và nghiên cứu hồ sơ vụ án là khâu rất quan trọng, giúp Luật sư nắm được nội dung, bản chất sự việc để đưa ra những căn cứ pháp lý, lập luận sắc bén, tháo gỡ những “điểm tối, nút thắt” trong vụ án. Bởi vì hồ sơ vụ án tập hợp những quyết định về tố tụng, những văn bản liên quan đến hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ như biên bản bắt người, biên bản giao nhận các tài liệu, biên bản khám xét, biên bản thu giữ tài liệu, đồ vật, biên bản ghi lời khai, biên bản hỏi cung, biên bản giám định... Hồ sơ còn gồm những tài liệu có giá trị chứng cứ chứng minh có hay không có hành vi phạm tội. Hồ sơ vụ án chính là hình thức thể hiện của nội dung vụ án.
Theo quy định thì hồ sơ vụ án không được mang ra khỏi cơ quan tiến hành tố tụng, trừ những trường hợp cần mang theo để thực hiện các hoạt động điều tra, xét xử. Do đó, để thực hiện việc bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho bị can, bị cáo… Luật sư được quyền tiếp cận, sao chụp toàn bộ những gì có trong hồ sơ vụ án để nghiên cứu. Quyền đọc, ghi chép, sao chụp hồ sơ vụ án chính là một phần nền tảng, là cơ sở không thể thiếu để Luật sư thực hiện nguyên tắc đảm bảo quyền được bào chữa, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo trong vụ án hình sự.
Từ thực tiễn cho thấy, không khó để xác định những nguyên nhân dẫn đến những hành vi vi phạm, cản trở hoạt động hành nghề của Luật sư trong hoạt động tố tụng của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong quá trình tố tụng. Đó có thể là những hạn chế về năng lực, trình độ, kỹ năng, chưa hiểu và nắm rõ được toàn bộ kiến thức, quy định của pháp luật liên quan; sự quan liêu trong hoạt động tố tụng hay các vấn đề liên quan đến sự bất đồng quan điểm, mâu thuẫn trong tư tưởng hay thái độ, sự giao tiếp trong quan hệ giữa Luật sư với đại diện của cơ quan tiến hành tố tụng.
Dù bất cứ nguyên nhân nhân gì thì những hành vi vi phạm, cản trở hoạt động hành nghề của Luật sư cũng là những sự việc đáng tiếc, không mong muốn xảy ra. Do đó, để hạn chế, giảm thiểu tiến tới loại bỏ hoàn toàn những hành vi này ra khỏi hoạt động tố tụng, trước hết, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng cần không ngừng nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng chuyên môn, không ngừng nâng cao công tác quản lý, giám sát quản lý trong hoạt động tố tụng giúp cho hoạt động tố tụng không ngừng được hoàn thiện và vận hành hiệu quả.
Đối với các đoàn Luật sư và Liên đoàn Luật sư Việt Nam với tư cách là tổ chức xã hội - nghề nghiệp quản lý và đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho giới Luật sư cũng cần không ngừng quan tâm đến hoạt đồng hành nghề của Luật sư, phối hợp chặt chẽ hơn nữa đối với các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân khác để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa giúp cho các Luật sư được sử dung và phát huy hết các quyền và nghĩa vụ của Luật sư trong quá trình hành nghề.
Cuối cùng điều quan trọng không kém, ở góc độ cá nhân, mỗi Luật sư cũng cần tự giác, không ngừng nâng cao, hoàn thiện năng lực, trình độ, kiến thức và kỹ năng chuyên môn, kinh nghiệm hành nghề; phải luôn có thái độ hợp tác, lịch sự, tôn trọng cơ quan tiến hành tố tung, người tiến hành tố tụng cũng như các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; phải thể hiện được độc lập, khách quan, trung thực; chủ động, tích cực thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Luật sư theo quy định của pháp luật. Đó là nền tảng, cơ sở để Luật sư có thể hoàn thành tốt sư mệnh nghề nghiệp bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan, bảo vệ sự độc lập của tư pháp, góp phần bảo vệ công lý, công bằng, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Luật sư ĐẶNG HỒNG DƯƠNG
Giám đốc Công ty Luật TNHH Sao Sáng
Thực tiễn và kiến nghị giải quyết việc 'Vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông đường bộ'